Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

Quy hoạch Thủ đô: Cần lắm sự lãng mạn thần tiên!

 Xem thêm bài có liên quan của Phạm Viết Đào:

>“ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ”: HỒ TÂY-HÀ NỘI HÌNH THÀNH SAU THỜI TIỀN LÝ, TUỔI CHƯA TỚI 1500 NĂM?

Quy hoạch Thủ đô: Cần lắm sự lãng mạn thần tiên!
Xem lại bài:  Kỷ niệm 53 năm ngày giải phóng Thủ đô, cũng là những năm tháng cận kề 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung lại hướng về Thủ đô với những tình cảm sâu nặng cũng như bao suy tư trăn trở. Dường như hậu thế vẫn chưa tròn trách nhiệm với các bậc tiền nhân, Hà Nội vẫn còn bao điều tồn tại, bức xúc, dang dở, không gian phát triển của Hà Nội vẫn chưa được định hình, rõ nét. Phải chăng, cần, cần lắm một sự "lãng mạn thần tiên” cho việc định hướng, qui hoạch phát triển của Thủ đô nghìn năm văn hiến? 

Đã qua hoặc sắp qua rồi cái thời kỳ ai cũng có thể đổ tội mãi cho cái cơ chế cũ kỹ lạc hậu, cho cái đói, cái nghèo để mà bao biện cho cái sự yếu kém của mình trong công tác tham mưu, quy hoạch định hướng phát triển không gian kiến trúc của Thủ đô Hà Nội.
Giờ đây, người dân đang mong chờ những kiến trúc sư, những nhà làm quy hoạch, hãy tĩnh tâm, tĩnh trí, nhìn nhận trách nhiệm của mình đối với nhân dân Thủ đô và cả nước để chung sức chung lòng, cùng nhau làm một điều gì đó thật sự có ích cho tương lai, vì sự phát triển của Thủ đô; người dân luôn ủng hộ và tôn vinh những cái tâm, cái tài của các vị, nhưng đồng thời cũng không thể cho qua những việc làm tốn tiền tốn của, chắp vá không đúng tầm của một Thủ đô có bề dày ngàn năm văn hiến .
Hãy khoan nói về cái văn hoá “xe máy, nhà ống”, nhà nhà, người người cố bám vào vỉa hè mặt đường. Ngày nay, với công nghệ hiện đại, chúng ta đã có thể nhìn rộng hơn, cao hơn và xa hơn.
Thật vậy, giờ đây ai cũng có thể dùng Google Earth (công cụ cho phép nhìn xuống mặt đất từ trên cao) để có thể nâng tầm nhìn con mắt, có thể đứng trên cao hàng nghìn mét, hàng vạn mét, có thể “đi mây, về gió” để thoát khỏi cái tư duy, cái suy nghĩ hạn hẹp, thoát khỏi cái xô bồ của cuộc sống hàng ngày để có thể ngắm nhìn, chiêm ngưỡng Hà Nội hay bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam và trên thế giới.
Chiêm ngưỡng, để có thể trầm tư, mặc cảm, tha hồ tưởng tượng thế sông thế núi và để trở lại cái thực tại khách quan là làm thế nào để góp phần tạo ra hướng phát triển không gian kiến trúc của Thủ đô Hà Nội cho “có đường có nét”, “có hồn có sắc”, “có thần có khí”, có quá khứ, có hiện tại và cả tương lai.
Hà Nội, bí mật ngọt ngào của thiên nhiên


Hồ Tây - một cái tai lớn 
Dùng Google Earth ta có thể thấy rõ từng ngôi nhà mình đang ở, mỗi con phố vẫn qua và rộng hơn nữa là toàn thành phố với con sông Hồng đỏ nặng phù sa, uốn lượn quanh co qua thành phố để đi ra biển lớn.
Và một bí mật ngọt ngào của thiên nhiên dường như hé mở, hoặc tạo hoá đã vô tình hay hữu ý chỉ cho chúng ta thấy cái hình hài của Trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Đó, sát với con sông Cái - sông của đất mẹ; sông Nhị Hà hay Nhĩ Hà là gì vậy? Chẳng phải là “Một cái tai” đẹp đẽ, một cái tai khổng lồ hiển hiện ra đó ư?
Đấy chính là Hồ Tây, như một cái tai người vậy.

Nhìn sang phía bên kia sông, kì diệu thay, lại một “Cái tai” nữa, đó là một bãi bồi mênh mông phù sa bao đời nay đã lắng đọng lại, tương đương với diện tích của cả Hồ Tây, một sự đối xứng thật đẹp đẽ, thật hoàn hảo.


Và thêm một cái tai lớn nữa?
Phải chăng đó là cặp tai của Thủ đô, để cùng chúng ta lắng nghe tiếng sóng vỗ, tiếng chim hót, tiếng thì thầm của thiên nhiên, tiếng nói của đất trời, của lịch sử ngàn năm vang vọng làm rạo rực lòng người mỗi khi xuân về. Phải chăng đó là những biểu hiện của trời đất, sông núi, là sự hoà hợp tuyệt diệu giữa thiên nhiêm và con người. Sẽ có ai đó cười cợt cho sự tưởng tượng đến lãng mạn của tôi nhưng hãy nhìn cho kỹ, và cùng suy ngẫm, tưởng tượng.
Cơ thể con người là một tuyệt tác của tạo hoá, từ bao đời nay con người đã là khởi nguồn cho biết bao sáng tạo văn hoá, nghệ thuật, hội họa, điêu khắc và kiến trúc… Mỗi bộ phận của con người đều có một ý nghĩa, một công năng đặc biệt để tạo nên sự hài hoà, tinh tế, không thừa không thiếu.
Lãng mạn thần tiên - điều làm nên những công trình bất hủ
Thiên nhiên, sông núi cũng thường lấy con người làm nguồn cho sự sáng tạo, cho biểu hiện của mình. Trái đất phải chăng cũng là một Sinh Thể, cũng có tấm lòng là biển cả mênh mông hay trái tim là núi non hùng vĩ, có sông ngòi là mạch máu, có long mạch làm hệ thống thần kinh.
Với con mắt đầy lãng mạn của cổ nhân, của người nghệ sĩ, những biểu hiện đó là Hòn vọng phu, là Núi đôi, là hòn Trống - hòn Mái, là kim tự tháp, là rồng là phượng,...
Ai đó đã qua Campuchia, thăm Xiêmriêp, Angkor Thom, Angkor Wat, đã đi qua con suối với nghìn Linga - Yoni mới thấy được cổ nhân lãng mạn đến chừng nào: Dòng suối với hàng ngàn tượng Linga, Yoni, thần Laksmi, Apsara được chạm khắc trong 100 năm dưới lòng suối!
Những tháp chàm nổi tiếng của người Chăm ở thánh địa Mỹ Sơn cũng vậy, những biểu tượng, những công trình trở nên bất hủ vì đã thể hiện được sự “lãng mạn thần tiên” của cổ nhân qua những hình tượng, đền đài như một lời nhắn nhủ hậu thế, để trường tồn, thách thức với thời gian.
Dân số của cả Vương quốc Khơme (thế kỉ thứ 6-7) khi đó chắc không thể bằng 1/3 số dân của Hà Nội bây giờ, thế mà dường như cuộc sống của những người dân sinh ra chỉ để xây dựng đền đài, cung điện và thờ cúng, chăm lo cuộc sống tinh thần, tâm linh; chính vì vậy mà họ đã để lại cho hậu thế một di sản khổng lồ, một kì quan có một không hai trên thế giới.
Không rõ với bao nhiêu thần dân và bao nhiêu của cải mà các vị vua Isanavarman I (615 - 635),Jayavarman II (802), Suryavarman I (1050)… dám quyết định xây dựng không chỉ một cung điện mà là một kinh đô tráng lệ, một công trình, một tác phẩm nghệ thuật hùng vĩ bằng đá giữa rừng già.
Thật không thể nào diễn tả được hết lòng tôn kính đối với bậc tiền nhân (cho dù họ là người nước nào đi chăng nữa), thật đáng khâm phục thay ý chí sắt đá và sự lãng mạn thần tiên của họ!
Chẳng nói đâu xa, ngay tại Việt Nam, cách đây chỉ vài trăm năm, mỗi khi đất nước không có giặc giã, quốc thái dân an khoảng 50-100 năm là kinh tế, văn hoá của dân tộc Việt lại phát triển rực rỡ. Và mỗi làng, mỗi xã khi đó (chắc là rất nghèo), dù làng không đến 100 hộ, dân không đến 1000 người, thế mà hầu như làng nào, xã nào cũng đều có một cái đình (uy nghi, đẹp đẽ), một cái đền, một cái làng với cây đa, bến nước sân đình mang đặc trưng của văn hoá Việt Nam yên bình thơ mộng.
Quy hoạch Hà Nội, sao không thử "lãng mạn thần tiên"?
Lịch sử dân tộc Việt Nam cho thấy chưa bao giờ chúng ta được hưởng an bình ổn định dài lâu (chẳng bao giờ được quá 200 năm liên tục). Vì vậy chúng ta không thể có được những công trình thực sự tầm cỡ, chưa kể nói đến sự phá hoại ấu trĩ một cách vô thức của chính chúng ta một thời.
Vậy mà, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, đến nay: Làng bé có trăm hộ dân, làng lớn đến hơn nghìn hộ, nhiều làng đã lên phố để rồi “đạt đến” sự phát triển xô bồ, bon chen, vô tổ chức, không có định hướng làm cho bộ mặt nông thôn cũng như thành thị trở thành một bức tranh hỗn độn, không đường, không nét.
Tại cái nghèo, cái đói ư? Ngày xưa các cụ nghèo hơn chúng ta bây giờ nhiều chứ, nhiều người “thất học” lắm chứ, vậy mà rất chật vật, mỗi xã (với hàng trăm, hàng nghìn hộ dân) mới có được một điểm bưu điện - văn hoá xã (rộng chừng 120-150 m2 đất - và lại một cái nhà ống hoặc cái gì đó tương tự như vậy được dựng lên). Một cái đình cổ kính uy nghi và một cái điểm bưu điện - văn hoá xã, sự so sánh thật chua xót lắm thay, phải chăng đáng để chúng ta suy ngẫm!
Phải chăng, mặc dù về vật chất, chúng ta giàu có, phong phú hơn nhưng về tinh thần, về sự đoàn kết, về sự chung sức, chung lòng chúng ta thật nghèo nàn so với các cụ ngày xưa?
Phải chăng, cái lo lắng thái quá về vật chất, về cơm áo gạo tiền và những bon chen thường nhật đã cướp đi cái lãng mạn thần tiên, cái giàu có của đời sống tinh thần trong mỗi chúng ta?
Trở lại với sự phát triển của Thủ đô, nhìn từ trên cao xuống, chúng ta dễ dàng thấy Hồ Tây có hình dạng một “Cái tai”, phải chăng v ì vậy mà con Sông Cái - Nhị Hà còn có tên gọi khác là Nhĩ Hà? Phải chăng tạo hoá đã gửi cho chúng ta một thông điệp, đã chỉ cho chúng ta định hướng phát triển không gian của thành phố. Đó, chỉ cần chúng ta mở rộng trí tưởng tượng đôi chút, biết lắng tai nghe lời gợi ý ngọt ngào của thiên nhiên, hãy thu nhận, lắng nghe những âm thanh kì diệu, nghe lời chỉ bảo của cha Trời, mẹ Đất, để khỏi phải mò mẫm khổ sở, đó là một sự “lãng mạn thần tiên”.
Hai tai và một Thủ đô - trái tim của cả nước!
Bạn hãy cùng tôi thử tưởng tượng xem, trong tương lai, sự phát triển không gian, trước hết là giao thông của Hà Nội, với những con đường “vành tai” (vành đai), với những trục lộ xuyên tâm, những giao lộ khác mức lên lên, xuống xuống, Hà Nội sẽ không hề bị hạn chế về tầm vóc, Hà Nội có thể được mở rộng ra mãi, phát triển mãi cùng với sự phát triển, sự phồn vinh của đất nước. Hà Nội không chỉ có 3 vành đai mà có thể có tới 9-10 vành đai, với hàng chục trục lộ xuyên tâm, dẫn vào trung tâm thành phố, và bãi nổi của dòng Nhĩ Hà và khu vực bãi bồi (cái tai bên kia sông Hồng) sẽ là chốn phồn hoa đô hội, mà ở đó “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, là “trên bến dưới thuyền”, là những cung điện, đền đài, miếu mạo, là một cái gì đó rất Việt Nam mà du khách trong nước cũng như ngoài nước không thể không đến chiêm bái mỗi khi về Thăng Long – Hà Nội.
Rõ ràng, chúng ta cần, cần lắm một sự “lãng mạn thần tiên” cho quy hoạch về định hướng phát triển không gian của Thủ đô Hà Nội.
·         Ngô Sỹ Thuyết
Tôi ủng hộ quan điểm của tác giả Ngô Sỹ Thuyết
KTS Trần Thanh Vân
Tôi ủng hộ ý kiến của tác giả Ngô Sĩ Thuyết , tính “ Lãng mạn thần tiên ” mà anh nói đến chính là một khía cạnh của Cấu trúc Phong thủy mà tôi đã phát biểu trên Thông tin đa chiều ngày 21/9 vừa rồi và tác giả Lê Thái Dũng đã phát biểu trên Tư liệu và suy ngẫm hai tuần sau .
Vâng , đó chính là một khía cạnh của Phong thủy , bởi vì Phong thủy đâu có phải thứ gì huyền bí, khó hiểu . Phong thủy là khoa học giải thích mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên . Kinh đô Thăng Long 1000 năm của chúng ta hình thành theo cấu trúc NUI CHÂU - SÔNG TU , là cấu trúc đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho dân tộc ta . Một ngàn năm trước dù còn nghèo nàn , còn lạc hậu , Vua Lý Thái Tổ đã phát hiện ra cấu trúc này . Một ngàn năm sau , dù văn minh , dù hiện đại đến đâu thì ta vẫn tôn trọng cấu trúc này , ta vẫn có một Thủ đô hiện đại, phát triển, hòanh tráng, mà vẫn có bản sắc riêng, vẫn không sao chép của ai , vẫn không chống lại quy luật tự nhiên một cách khiên cưỡng .
Là một Kiến trúc sư cảnh quan, tôi luôn luôn coi trọng mặt nước mênh mông và không gian thông thóang giữa Trục không gian Hồ Tây - Sông Hồng nối sang Cổ Loa mà dân gian đã quen gọi là Trục Thần lộ , đây cũng là nơi Tổ tiên ta quyết bám trụ bảo vệ , gìn giữ từ hơn hai ngàn năm qua . Nơi đây , hơn 60 năm trước , Nhạc sĩ Văn Cao đã gọi là Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm .
Thưa tác giả Ngô Sĩ Thuyết , tôi cho rằng đó cũng là một khía cạnh khác của tính “ Lãng mạn Thần Tiên ” mà anh vừa nói tới


Việt Báo

Không có nhận xét nào: