Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

20 năm và một ngày ở Thủ Thiêm; Hoàng Hải Vân - Nếu không khởi tố, đừng hòng lần ra các đường dây cướp đất ở Thủ Thiêm; Mất gì ở Thủ Thiêm?; Quy hoạch Thủ Thiêm ban đầu không giải tỏa Dòng Mến Thánh Giá, Nhà thờ Thủ Thiêm, chùa Liên Trì

Như đã nói ở các stt trước, Quyết định 6565/QĐ-UBND ngày 27-12-2005 của UBND TP.HCM “phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000” ngang nhiên phế bỏ Quyết định 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, dù viện dẫn vào văn bản nào cũng đều trái luật.

Lê Thanh Hải được cho là sắp thành “củi”. Ảnh: internet
Cái quyết định trái luật đó đã hợp pháp hóa việc thu hồi đất của dân nằm ngoài quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt, dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài mười mấy năm nay, dân hỏi bản đồ quy hoạch gốc đâu thì bảo không tìm thấy. Đồ án quy hoạch gốc gồm 13 tấm bản đồ vẫn còn ở nhà riêng cựu Chủ tịch TP Võ Viết Thanh nhưng không tồn tại ở những nơi lẽ ra nó phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật, điều đó chỉ có thể giải thích là nó đã bị hủy để phi tang nhằm đối phó với tình trạng khiếu kiện của dân. Hậu quả như mọi người đã thấy, là vô cùng nghiêm trọng.

Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (kể cả luật năm 1996 sửa đổi năm 2001 và Luật hiện hành) thì một văn bản quy phạm pháp luật ban hành trái luật thì phải được thu hồi, hủy bỏ một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ. Nhưng vì văn bản này tồn tại quá lâu gây ra những hậu quả nghiêm trọng như đã nói, cho nên không chỉ thu hồi mà phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều đáng buồn là Bộ luật hình sự hiện hành không có tội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trái luật, cũng không còn tội “cố ý làm trái”, nhưng vẫn có thể áp dụng tội “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất” theo Điều 225 Bộ luật hình sự để khởi tố. Thông tin từ cuộc tiếp dân nóng bỏng diễn ra ngày hôm qua xung quanh việc thu hồi đất sai và bồi thường không đúng luật có thừa chứng cứ để khởi tố tội này. Khởi tố một tội, mới có thể điều tra để lần ra các tội khác mà tôi nghĩ là sẽ nghiêm trọng hơn.

Thông tin về những tiêu cực ở Thủ Thiêm từng bị bưng bít trong một thời gian quá dài. Đồng tiền đã và đang mạnh hơn luật pháp. Cuộc thanh tra dự án Thủ Thiêm vào năm 2015 nửa chừng đã bị một văn bản “mật” yêu cầu dừng lại (theo báo điện tử Dân Việt, 3-5-2018) đã cho thấy điều đó. Nếu chỉ thanh tra, kiểm tra khơi khơi thì chẳng ăn thua gì. Chưa chi đã có một đương kim Thứ trưởng Bộ Xây dựng bênh chằm chằm cái quyết định của UBND thành phố, một cựu Thứ trưởng Bộ Đất tuyên bố không có cái bản đồ quy hoạch gốc Thủ Thiêm. Và dường như phần lớn các bộ, ngành liên quan khác đang chực chờ đứng ra bảo vệ những hành vi sai trái. Khởi tố một cái, tôi tin rằng mấy cái mồm kia sẽ không dám mở.

Một loạt đại gia và quan chức trở nên siêu giàu từ cái Quyết định sai luật của UBND TP.HCM, kéo theo đó là nỗi oan mất nhà mất đất của biết bao dân nghèo. Không khởi tố thì không thể lần ra những đường dây làm giàu bằng cướp bóc đó được!

Hoàng Hải Vân

(FB Hoàng Hải Vân)

Mất gì ở Thủ Thiêm?


Cuộc đời bao người, cuộc sống bao gia đình đã phải thiệt thòi những ngày hạnh phúc. Cuộc sống xã hội đã phải thiệt thòi bao nhiêu con người tràn đầy năng lượng, tràn đầy những hành động tử tế, tốt lành, làm đẹp cho đời. Thay vào đó là những luật sư bất đắc dĩ đầy bức bối, những đoàn người khiếu kiện, biểu tình năm này tháng nọ…


Ngồi dự buổi tiếp xúc cử tri quá nóng hôm nay, mình đã thử note trên sổ tay những gì mà những người dân Thủ Thiêm đã mất.

Quá nhiều, gần như là tất cả. Tuy nhiên, mất nhiều không chỉ là người dân, mà chính quyền cũng đã và đang mất. Rất nhiều. Cũng gần như tất cả.

Mất gì?

Khi một người nói: “Tôi nghe lời ông cựu chủ tịch Võ Viết Thanh nói ông đau không chịu nổi khi sang xem cảnh giải tỏa đường Lương Định Của, tưởng như vừa qua một trận B.52, tôi rớt nước mắt khi nhớ cảnh nhà mình, xóm mình”. Chính mình là người trực tiếp nghe ông Thanh nói, lúc ấy mình cũng thấy buồn, thấy đau, nhưng không sao có thể đau bằng hôm nay. Vì sao vậy?

Vì tiếp lời là người thứ hai: “Ông Thanh chia sẻ với dân, chúng tôi cảm ơn lắm, nhưng ông chưa hiểu hết rồi. Bom B.52 có dội xuống thì sau đó chúng tôi vẫn còn có thể bới gạch vụn để cắm lên một mái lều. Còn sau khi Q.2 giải tỏa, cả mấy khu phố, mấy phường của chúng tôi không còn đất, không còn nhà. Gia đình chúng tôi lang thang, vất vưởng”.

Mình đã giật mình. Quả vậy. Trước buổi tiếp xúc cử tri, mình đã gặp những người dân Thủ Thiêm trên bãi trống cỏ hoang, cắm túp lều nuôi gà nuôi vịt thả rông. Mình đã gặp bà lão còng lưng bứt cọng rau muống trên vũng nước mưa về nấu bữa trưa quấy quá. Những bãi những vũng trước đó vài năm còn là khu dân cư sầm uất…

Mất gì?

Một người nói: “Nhà tôi mặt tiền đường Lương Định Của, giá thị trường 200tr/m2. Chính quyền bồi thường 18tr/m2, ưu tiên cho xuất mua chung cư tái định cư giá 20tr/m2. Vậy đó, tôi mất nhà, mất chỗ làm ăn buôn bán, lại phải mang nợ thêm 2tr/m2 nhà. Mà nhà tôi thì ở ngoài ranh qui hoạch, không tin thì mở bản đồ ra xem”.

Hầu hết những người dân hôm nay đều khẳng định như vậy: “Nhà tôi ngoài ranh qui hoạch. Bản đồ chứng minh đây…”. Còn chủ tịch quận 2 thì nói: “Vấn đề trong hay ngoài ranh thì quận chưa trả lời được, chúng tôi chờ trả lời của Thành phố rồi mới giải quyết được khiếu nại của bà con”. Chưa trả lời được nhưng nhà của dân đã bị giải toả rồi. Giải tỏa trắng. Câu trả lời của chủ tịch quận chưa dứt, dưới các hàng ghế hội trường hàng loạt người đã bật dậy kêu khóc phẫn nộ…

Mất gì?

Hàng chục người, đàn bà lẫn đàn ông uất nghẹn, khóc nghẹn khi kể câu chuyện của mình. Cũng có người bình tĩnh: “Chúng tôi không quá khích, không bức xúc, không phản động, không mơ hồ. Chúng tôi chỉ muốn đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình bằng pháp lý, bằng văn bản, bản đồ, sơ đồ. Chúng tôi tự tin tranh luận với bất kỳ ai, cấp nào…”.

Nhưng nhiều hơn là những người bức xúc: “Tôi đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình qui hoạch và chỉnh sửa qui hoạch, xây dựng và đấu thầu, giải tỏa và cưỡng chế ở Thủ Thiêm, nhưng không được để thành phố làm, tôi không thể tin tưởng. Phải là trung ương vào làm, Quốc hội cùng với dân lập ban giám sát”; “Tôi không thể tin ai trong cấp chính quyền quận 2”; “Những điều oan sai đã diễn ra ở Thủ Thiêm này, đi tù không đủ để đền tội”…

Mất gì?

Ngồi nghe những người đàn ông, đàn bà nối nhau thuyết trình việc riêng việc chung, văn bản, quyết định, bản đồ, sơ đồ rành rẽ hơn một luật sư, chợt nghe xót ruột. Bao nhiêu tâm sức, thời gian, mồ hôi, nước mắt, tiền bạc và máu của họ đã đổ để trở thành luật sư cho chính mình. Những tâm sức, thời gian đáng lẽ được dành cho sự nghiệp, gia đình, dành để tập thể thao, đi du lịch, để đọc sách, nghe nhạc, vẽ tranh.

Cuộc đời bao người, cuộc sống bao gia đình đã phải thiệt thòi những ngày hạnh phúc. Cuộc sống xã hội đã phải thiệt thòi bao nhiêu con người tràn đầy năng lượng, tràn đầy những hành động tử tế, tốt lành, làm đẹp cho đời. Thay vào đó là những luật sư bất đắc dĩ đầy bức bối, những đoàn người khiếu kiện, biểu tình năm này tháng nọ…

Mất gì?

Dẫu không lạ gì với việc tiếp những người dân đang uất ức vì cho rằng mình bị oan sai, nhưng buổi tiếp xúc cử tri ở Thủ Thiêm hôm nay quả là làm mình căng thẳng thần kinh. Thầm thán phục bà đại biểu Quốc Hội kiêm Phó Bí thư ngồi trên ghế nóng. Bao nhiêu câu cay đắng nhằm vào bà.

“Bà đã từng khuyên dân chúng tôi nên hy sinh một chút đất để con cháu được hưởng một cuộc sống mới, tương lai mới trên đô thị mới. Thế rồi hôm nay thấy cả con cháu chúng tôi cũng đang vơ vất trong khu tạm cư, cũng phải hy sinh, bà có ray rứt không?”; “Hai nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội ở Thủ Thiêm, bao nhiêu lời bà đã hứa, bao nhiêu cảnh khổ bà đã nghe, đã chứng kiến? Bà đã làm gì để xứng đáng với lá phiếu của chúng tôi?”; Và mạnh mẽ hơn nữa: “Bà có giải quyết cho dân được không? Nếu không, nghỉ đi cho người khác làm”… Người dân vừa nói vừa khóc.

Và bà thì rất bản lĩnh: “Cô bác giận, bức xúc, nói nặng đến đâu tôi cũng nghe được. Chỉ lo cho sức khỏe cô bác, giận quá cũng mệt lắm…”.

Mất gì?

Đất đai. Tài sản. Sinh kế. Yên bình. Tương lai. Hy vọng. Uy tín. Niềm tin… Gần như tất cả.

Quỳnh Hương

(FB Quỳnh Hương)

Quy hoạch Thủ Thiêm ban đầu không giải tỏa Dòng Mến Thánh Giá, Nhà thờ Thủ Thiêm, chùa Liên Trì


Từ câu chuyện tấm bản đồ gốc trong bộ hồ sơ trình Thủ tướng Võ Văn Kiệt về đề án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện “bị thất lạc”, từ bộ hồ sơ được giữ lại của cựu chủ tịch Võ Viết Thanh, cho thấy ngay từ ban đầu việc quy hoạch Thủ Thiêm không hề có chuyện cưỡng chế các cơ sở tự viện, tôn giáo.


Trong cuộc họp Ban chỉ đạo dự án đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào ngày 24-4-2018, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời những cơ sở tôn giáo trong khu đô thị này (Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm), cũng như thu hồi đất của Trường Tiểu học Thủ Thiêm để bàn giao cho nhà đầu tư thi công tuyến đường ven sông và Công viên bờ sông theo đúng tiến độ.

Ngày 05-04-2004, chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải ký Quyết định số 81/2004/QĐ-UB về “Phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đồ án điều chỉnh quy hoạch chung 1/5.000, quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm [tải về từ http://bit.ly/2rqx2ho].

Đến tháng 9-2004, bản thuyết trình Quy hoạch tổng mặt bằng do Sasaki Associates thực hiện với sự hợp tác của Viện Quy hoạch Xây dựng TP.HCM đệ trình Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm nêu rõ trong “những địa điểm nổi bật của khu Lõi trung tâm” có các cơ sở công giáo ở Thủ Thiêm. Xác định công trình tôn giáo lâu đời này là “khu văn hóa chính yếu”, đơn vị thiết kế đề nghị “giữ lại và kết hợp với thiết kế của Lõi trung tâm”. Điều này còn được căn cứ vào Luật về Di sản văn hóa phiên bản 2001.
Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng Khu đô thị Thủ Thiêm lập năm 1995 (một trong 13 bản đồ TP HCM trình Thủ tướng) được ông Thanh lưu giữ. Ảnh: Hữu Nguyên.
Từ tham vấn của Sasaki Associates, việc bảo tồn những công trình tôn giáo trong đó có nhà thờ Thủ Thiêm lần đầu tiên được chính thức nhắc đến theo hướng “giữ gìn và tôn tạo” tại Tờ trình số 1817/QHKT-ĐB2 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM ngày 18-8-2005.

Văn bản từ cơ quan tham mưu là một trong những cơ sở để UBND TP.HCM ngày 27-2-2005 ban hành Quyết định 6565/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000, thay thế Quyết định 367/TTg. Diện tích dành cho “công trình văn hoá” (ứng với vị trí thực địa thì đây là các cơ sở tôn giáo Nhà thờ Thủ Thiêm, Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, chùa Liên Trì) được thể hiện trên bản vẽ quy hoạch đính kèm Quyết định 6565/QĐ-UBND. Văn bản này tiếp tục là cơ sở để UBND TP.HCM duyệt quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2.000 bằng việc ban hành Quyết định 6566/QĐ-UBND cùng ngày. Khu công trình văn hoá vẫn nguyên vẹn trên bản đồ quy hoạch 1/2.000.

Ngày 2-11-2007, UBND TP.HCM ra Quyết định số 4954/QĐ-UBND điều chỉnh hủy bỏ đoạn “Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ” của Điều 2 Quyết định số 6565/QĐ-UBND ngày 27-12-2005. Tiếp theo, ngày 7-11-2007, UBND TP.HCM có Quyết định số 5016/QĐ-UBND điều chỉnh hủy bỏ đoạn “Căn cứ Quyết định số 367/TTg ngày 4-6-1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung khu đô thị Thủ Thiêm và Quyết định số 6565/QĐ-UB ngày 27-12-2005 của UBND TP.HCM về việc phê duyệt quy hoạch chung Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm” của Quyết định số 6566/QĐ-UB ngày 27-12-2005.

Tuy nhiên đến ngày 19-6-2012, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 3165/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2. Văn bản này do phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín ký [tải về tại http://bit.ly/2I7NVnn]

Theo đó, quy hoạch mới có 8 phân khu chức năng so với 5 phân khu chức năng theo QĐ 6566/QĐ-UBND năm 2005. Diện tích quy hoạch vẫn không đổi: 657 ha. Nhưng phần đất dành cho công trình văn hoá đã được “giải toả trắng” trên bản đồ đính kèm theo quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000. Điều này đồng nghĩa tất cả tự viện, chùa chiền, nhà thờ ở Thủ Thiêm buộc phải cưỡng chế.

Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Võ Viết Thanh cho biết: “Trong buổi trình bày quy hoạch Thủ Thiêm với Chính phủ, tôi nói rõ: quy hoạch phải đảm bảo tái định cư cho người dân trên nguyên tắc bằng hoặc hơn nơi ở cũ, ưu tiên tái định cư tại chỗ để đảm bảo đời sống xã hội cho người dân, bao gồm cả sinh kế lẫn đời sống tâm linh.

Chúng tôi đề xuất giữ lại ngôi chùa, nhà thờ, đình Thủ Thiêm, nâng cấp khu chợ Thủ Thiêm và đường Lương Định Của, tạo điều kiện để người dân chỉnh trang nhà cửa, khu tái định cư được bố trí sát cạnh khu trung tâm mới. Làm được như vậy, người dân Thủ Thiêm sẽ được sống ổn định, được chứng kiến khu đô thị mới làm đổi thay quê hương mình. Như vậy, hồn của mảnh đất Thủ Thiêm sẽ được giữ lại với đất, với người... Không có đình, chùa, nhà thờ, chợ, khu dân cư cũ, Thủ Thiêm sẽ thành một đô thị vô hồn”. (Theo Phạm Vũ – Tuổi Trẻ ngày 7-5-2018).

Như vậy, câu chuyện giờ đây liên quan đến thêm hai cựu quan chức là phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, và phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài – người đã ký duyệt điều chỉnh lộ giới tuyến đường vòng cung, trục đường Bắc Nam khu đô thị mới Thủ Thiêm [tải văn bản số 1061/QĐ-UBND này tại http://bit.ly/2IlWm1z]

Người viết hiện tiếp cận ‘mê hồn trận’ văn bản được chính quyền TP.HCM ban hành liên quan chuyện quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm. Các văn bản này đều đang có hiệu lực thi hành, đặc biệt là nhiều văn bản sau được ban hành nhằm để điều chỉnh một điều nào đó của văn bản trước.

Tuy nhiên tính pháp lý cao nhất là Quyết định 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996, lại chưa được tôn trọng thực hiện. Điều này đặt một nghi vấn là dường như lâu nay có một nhóm quan chức địa phương cấu kết với cấp trung ương để tham nhũng chính sách, lũng đoạn thị trường bất động sản và thao túng cả hệ thống chính trị.

Họ là những ai?

Trúc Giang 

(VNTB)

20 năm và một ngày ở Thủ Thiêm


9-5-2018
Người dân Thủ Thiêm phẫn nộ trong buổi tiếp xúc cử tri của Phó bí thư SG Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: internet
Hôm nay trời Sài Gòn lại mưa to. Nhưng có lẽ mưa gió vẫn không làm dịu bớt không khí nóng hừng hực ở Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 2. Liên quan đến khu đô thị Thủ Thiêm.
Có lẽ mong mỏi cuộc gặp gỡ nhất vẫn là người dân. Từ quận 1 sang quận 2 chỉ cách nhau một con sông Sài Gòn, qua một cái hầm Thủ Thiêm dài chưa đầy 1,5 cây số nhưng phải mất gần 20 năm, người dân bị giải toả dù không nằm trong ranh quy hoạch tại dự án Khu đô thị Thủ Thiêm và đại biểu dân cử cùng chính quyền mới gặp nhau. Khi mà dường như họ đã kiệt sức và quá nản lòng theo đuổi cái đáng lẽ đương nhiên thuộc về mình.
Trước khi có cuộc gặp này, họ đã làm một cuộc đi vòng ra Thủ đô ăn dầm nằm dề biết bao nhiêu năm tháng, thậm chí có luôn cả một làng Thủ Thiêm ở Thủ đô HN để đi tìm tận cùng chân lý. Đến hôm nay, sau vụ mất bản đồ quy hoạch 1/5000 ầm ĩ, mới có cuộc gặp này, người dân Thủ Thiêm mới được dịp để bày tỏ những uất ức, phẫn nộ và cả những bế tắc, đau khổ và bi đát trong gần 20 năm khổ sở, nhếch nhác ngay trên mảnh đất hương hoả của mình. Nơi mà mỗi mét vuông đất nông nghiệp chỉ được đền có 150 ngàn đồng, chỉ bằng giá trị của ba tô phở, để rồi sau khi giải toả xong thì mỗi mét vuông đất có giá 350 triệu đồng!
Hôm bữa khi mình đến phỏng vấn một chuyên gia, anh hiện thời vẫn đang đương chức, về bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm. Sau khi trao đổi công việc xong, anh kể mình nghe câu chuyện bi hài của chính anh có liên quan đến câu chuyện đền bù ở Thủ Thiêm.
Gia đình anh vốn cũng là cư dân sống tại Thủ Thiêm và có khu đất nông nghiệp khoảng 10.000m2. Trước khi có quy hoạch Thủ Thiêm, có nhiều người trả giá 1,5 triệu đồng/m2 nhưng thấy cũng chưa có nhu cầu nên anh và gia đình không bán. Đùng một cái, chỉ một thời gian rất ngắn sau đó thì khu đất của gia đình anh lọt vào quy hoạch Thủ Thiêm và chỉ được áp giá đền bù 150 ngàn đồng/m2.
“Nếu bán theo giá thị trường tại thời điểm đó thì 1 hecta đất của anh cũng bán được tầm 15 tỷ đồng nhưng khi bồi thường thì tính hết tất cả mọi thứ cũng chỉ có 1,3 tỉ đồng cho 1ha đất. À quên, anh còn được thưởng 5 triệu đồng vì là cán bộ gương mẫu chấp hành bàn giao mặt bằng đúng thời hạn”, anh cười chua chát.
Câu chuyện Thủ Thiêm đã dạy cho người dân Thủ Thiêm quá nhiều điều, mà có lẽ họ chẳng bao giờ mong muốn đánh đổi quá nhiều thứ để học được những bài học mà chính họ cảm thấy thấm thía và đau đớn nhất trong cuộc đời.
Những người dân có mặt hôm nay đều là các cô bác đầu hai thứ tóc, đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Nếu không bị lâm vào cảnh nghiệt ngã mấy chục năm qua, có lẽ giờ này họ đang sum vầy bên con cháu với một tương lai rạng rỡ chứ không phải đếm từng giây phút để cuộc họp hôm nay diễn ra. Cho dù họ bức xúc, gào thét thì có trên gương mặt của họ vẫn còn những nét chất phác, hồn hậu của những nông dân chính gốc Thủ Thiêm, Sài Gòn. Họ chính là cư dân lẽ ra phải là người đầu tiên được hưởng những giá trị mà Thủ Thiêm mang lại sau khi đã phải nhường hết đất đai hương hoả của gia tộc vì sự phát triển của Thủ Thiêm và vì sự phát triển của TP này. Đó mới là đạo lý! 

Không có nhận xét nào: