Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong một thông cáo gửi cho Reuters hôm 17/5 rằng các hoạt động dầu khí hàng hải của mình là phù hợp với luật pháp quốc tế và được tiến hành trong vùng biển mà Việt Nam có hoàn toàn chủ quyền.
Thông cáo này được đưa ra một ngày sau khi hai nguồn tin riêng của Reuters cho biết Rosneft Việt Nam BV, thuộc công ty dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft, lo ngại rằng công việc khoan dầu mới hợp tác với Việt Nam gần đây trong khu vực Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.
“Như chúng tôi đã luôn khẳng định, tất cả các hoạt động kinh tế hàng hải của Việt Nam, bao gồm các hoạt động dầu khí, đã được cấp phép và được tiến hành trong các khu hàng hải hoàn toàn nằm trong lãnh thổ của Việt Nam và thuộc quyền tài phán (của Việt Nam),” người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói trong một thông cáo gửi cho Reuters.
Ngày 15/5, Rosneft cho biết chi nhánh của họ tại Việt Nam đã bắt đầu khoan giếng LD-3P, thuộc mỏ khí Lan Đỏ ở Lô 06.1, cách bờ biển phía đông nam Việt Nam 370km. Lô này “nằm trong khu vực đường ‘lưỡi bò’ 9 đoạn mà Trung Quốc vạch ra,” theo công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng Wood Mckenzie.
Tòa trọng tài quốc tế La Haye đã bác bỏ đường ‘lưỡi bò’ 9 đoạn của Trung Quốc trong một phán quyết ra vào ngày 12/7/2016. Nhưng Trung Quốc phủ nhận phán quyết này.
Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17/5, khi được hỏi về tường trình của Reuters về vụ khoan dầu của công ty Nga, nói: “Không có quốc gia, tổ chức, công ty hay cá nhân nào được phép thực hiện các hoạt động thăm dò hoặc khai thác dầu khi trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc khi không được phép của chính phủ Trung Quốc.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc “kêu gọi các bên liên quan tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc và không làm bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương hoặc hòa bình và ổn định trong khu vực.”
Trong khi đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong tuyên bố gửi đến Reuters rằng “các hoạt động dầu khí của Việt Nam được thực hiện theo Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc.”
Đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc đánh dấu một khu vực rộng lớn trên Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các bản đồ khu vực cho thấy lô 06.1 nằm vào khoảng 85 km bên trong khu vực tranh chấp.
Trong chưa đầy 1 năm qua, Repsol, một công ty năng lượng của Tây Ban Nha đã bị Việt Nam 2 lần yêu cầu dừng các dự án khoan dầu trên vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc. Theo Reuters và BBC, Repsol phải dừng khai thác khí đốt vì sức ép của Bắc Kinh lên Hà Nội. Repsol đã yêu cầu Việt Nam phải bồi thường cho những thiệt hại từ việc dừng dự án.
Sau 2 lần Repsol bị yêu cầu ngừng các dự án của “Cá Rồng Đỏ”, các chuyên gia cảnh báo “sẽ không có công ty nước ngoài nào còn muốn đầu tư vào Việt Nam nữa.”
Trong một lần phỏng vấn vào tháng trước với VOA, hai chuyên gia về biển Đông của Mỹ, Gregory Poling của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) và Alexander Vuving của Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniels K. Inouye cho rằng Việt Nam đang bị Trung Quốc lấn át trên biển Đông, “rơi vào thế kẹt” và “không biết phải tiến lên phía trước như thế nào.”
Tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam đầu tháng 4 đã lên tiếng thừa nhận rằng tình hình căng thẳng trên biển Đông sẽ ảnh hưởng đến hoạt động dầu khí của họ trong năm nay. Theo bài viết đăng tải trên trang web của PetroVietnam hôm 3/4, tập đoàn dầu khí này nói “những diễn biến phức tạp (trên biển Đông) sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của tập đoàn.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét