Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

NÓI THẲNG VỚI BỘ TRƯỞNG GIAO THÔNG VẬN TẢI: ÔNG ĐANG THÁCH THỨC SỰ CHỊU ĐỰNG CỦA DƯ LUẬN, SỰ TÍN NHIỆM CỦA DÂN

NÓI THẲNG VỚI BỘ TRƯỞNG GIAO THÔNG VẬN TẢI

23/05/2018 06:40

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đang thách thức sự chịu đựng của dư luận và phải chăng ông đang xem nhẹ sự tín nhiệm của Nhân dân!

Chỉ trong hai ngày đầu kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể liên tiếp đưa ra hai vấn đề làm dậy sóng dư luận. Đầu tiên là "đổ" trách nhiệm câu chuyện BOT cho thời trước; tiếp theo là "trạm thu giá" thay cho trạm thu phí với lập luận "trạm thu giá" sẽ "linh hoạt" hơn. 

Ngay khi ông được Quốc hội phê chuẩn vào chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT, người dân cả nước đã đặt kỳ vọng vào một tư lệnh "nhà nghề", đã từng tham dự rất sâu vào câu chuyện BOT giao thông ở cương vị thứ trưởng. Theo đó, hàng loạt câu hỏi được đặt ra mong chờ lời giải trách nhiệm và hiệu quả. Thế mà giờ đây, với sự bình thản đến lạnh lùng, trách nhiệm đó được nhẹ nhàng chuyển giao cho "thời trước". Sao vậy thưa bộ trưởng, ông chính là thứ trưởng phụ trách việc này trong cái "thời trước" đó cơ mà. Và, ông cũng là người đặt bút ký khai sinh ra nhiều trạm BOT giao thông nằm chằng chịt trên tuyến quốc lộ huyết mạch, trong đó có cả trạm BOT Cai Lậy "tai tiếng".
Liệu, đây có phải là một biểu hiện của tư duy nhiệm kỳ mà Trung ương Đảng đang quyết liệt bài trừ.  
Và, chỉ còn bình luận duy nhất cho lý giải của ông bộ trưởng, đó là "chạy" trách nhiệm!
Sang chuyện "trạm thu giá". Thuật ngữ vốn đã được nhắc đến ngay lúc nổ ra lùm xùm BOT giao thông, nay được ông bộ trưởng nêu ra với một lập luận không thể khôi hài hơn. Có lẽ phải cần nhiều thời gian và giấy mực để bàn về "cái" thuật ngữ "cao siêu" này; về Luật Phí và lệ phí có quy định "thu giá" hay thu phí hay không... Còn ở đây, dưới góc độ ngôn ngữ thông thường, đối với người dân chúng tôi, từ bé đến lớn chưa từng được nghe ai "thu giá" bao giờ?! Giá được dùng trong mua bán, mà khi mua bán thì theo quy luật thị trường - "thuận mua, vừa bán". Như vậy, tôi có quyền thích thì mua, không thì thôi, không ai được ép tôi cả. Chưa kể, thêm vào đó, khi chấp nhận mua một sản phẩm, tôi còn có những quyền lợi liên quan về hậu mãi chứ không chỉ là quyền sử dụng sản phẩm đó.
Thưa ông bộ trưởng, cái trạm BOT đặt trên đường độc đạo thì chúng tôi lấy cái gì lựa chọn và trả giá?! Họ đầu tư hết bao nhiêu, lời lãi bao nhiêu, thời gian thu hồi vốn và lãi đã có hết trong phương án do chính các ông duyệt, bây giờ ông bảo là điều chỉnh giảm giá, điều chỉnh tăng giá là cớ làm sao?! Và "tuyệt" hơn là "trạm thu giá" sẽ linh hoạt hơn trong điều chỉnh "giá". Nếu chúng tôi gặp tai nạn trên tuyến đường thu giá thì cái ông "bán" sản phẩm "thu giá" đó có trách nhiệm bồi thường không?!
Thật không còn gì để nói!!
Việc phát triển hạ tầng, xây dựng đất nước trong điều kiện còn nhiều khó khăn là điều mà Nhân dân hoàn toàn đồng cảm và chia sẻ. BOT là để huy động được nhiều hơn các nguồn lực cho phát triển, giảm áp lực cho ngân sách. Nhưng, BOT phải tạo ra sự lựa chọn tốt hơn, và ai muốn thụ hưởng sản phẩm, dịch vụ tốt hơn thì phải trả chi phí cho giá trị gia tăng đó. 
Hội nghị Trung ương 7 vừa ra Nghị quyết về công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Thật lòng người dân chúng tôi mong mỏi ông bộ trưởng, hãy tự ngẫm sâu về "văn hoá trách nhiệm" trước khi đưa ra một quyết định, một phát ngôn trước bàn dân thiên hạ.
"Món nợ" BOT giao thông trước người dân vẫn còn treo, chứ chưa phải "đến thời điểm này có thể nói tương đối ổn định..." như lời ông nói,  thưa bộ trưởng!
Anh Minh

Không có nhận xét nào: