Richard Gray
Mặt trời chiếu sáng ở trên đầu, trong khi côn trùng kêu vo ve và chim hót líu lo, tất cả tạo thành một ngày đẹp trời.
Ở phía bên kia công viên, chó cưng của bạn đang nhảy lên nhảy xuống một cách phấn khích. Đưa mũi đánh hơi mặt đất, nó đột nhiên dừng lại rồi lăn trên bãi cỏ trước khi phóng trở lại chỗ bạn. Và khi bạn cúi xuống để ôm lấy nó thì bạn mới thấy một mùi hôi nồng nặc và khó chịu. Chó cưng của bạn đã lăn mình trên phân.
Khứu giác nhạy cảm
Đó là điều mà hầu hết những người nuôi chó đều gặp phải khi đưa chó đi dạo.
Nhưng tại sao chó nhà lại vui thích như vậy khi làm bẩn bộ lông của mình bằng phân của con vật khác?
"Đây là những loài vật có khứu giác được cho là nhạy cảm hơn khứu giác của chúng ta ít nhất là một ngàn lần," Simon Gadbois, chuyên gia về hành vi loài chó và xử lý mùi tại Đại học Dalhousie ở Halifax, tỉnh Nova Scotia của Canada, giải thích.
"Khó mà có thể tin được chúng lại muốn đắm mình trong cái mùi mà thậm chí đến cái mũi của tôi còn không thể chịu được, vậy mà chúng lại làm như thế."
Gadbois, vốn nghiên cứu về chó sói, chó sói đồng cỏ Bắc Mỹ coyote và cáo ở Canada, cũng dùng chó nhà để giúp theo dõi các loài động vật trong thiên nhiên hoang dã.
Một trong những con chó đánh hơi quý giá nhất của ông, một giống chó săn có tên là Zyla, sẽ rất vui thích khi trét phân hải ly lên người mỗi khi chúng làm việc bên ngoài.
"Nếu bạn chưa từng ngửi qua mùi phân hải ly thì nên biết rằng nó rất kinh khủng, ngửi nhức cả óc, và hàng tuần sau đó vẫn còn hôi," Gadbois nói.
"Tôi không bao giờ hiểu được tại sao nó lại làm như thế. Anh có thể cho rằng làm như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng nó đánh hơi và theo dõi dấu vết các con thú khác, nhưng điều kỳ lạ là năng lực đó của nó không hề bị ảnh hưởng chút nào."
Nhân loại đã thuần dưỡng loài chó khoảng 15.000 năm trước và kể từ đó người và chó đã sống cạnh nhau. Rất dễ tìm thấy những kệ chứa đầy sách nghiên cứu về hành vi của loài chó, nhưng đáng ngạc nhiên là chẳng có mấy cuốn sách tìm hiểu vì sao loài chó lại có cảm giác gần gũi với phân các loài động vật khác như vậy.
Chúng tôi đã hỏi các độc giả của BBC Earth rằng họ có kiến giải gì về hành vì khó hiểu và hơi kinh tởm này của loài chó hay không. Dường như là con chó của bạn sẽ lăn trên tất cả mọi thứ, từ phân cáo cho đến phân ngỗng và thậm chí là cá chết.
Dấu vết tiến hóa
Cách giải thích thường được đưa ra nhất là hành vi đó dấu vết còn sót lại trong quá trình tiến hóa từ thời chúng còn là động vật săn mồi hoang dã.
Chẳng hạn, Vesa Valenius và James Turner đều cho rằng chúng thừa hưởng nó từ loài sói vốn cũng lăn mình trên phân để che giấu không cho con mồi phát hiện mùi cơ thể của chúng khi chúng tiến gần đến để vồ lấy con mồi.
Điều chắc chắn là loài sói cũng lăn trên phân của những loài động vật khác và thậm chí là trên xác của động vật chết.
Tuy nhiên, một trong số những công trình nghiên cứu ít ỏi về hành vi này của loài sói, vốn được đăng tải vào năm 1986, đã đưa ra những kết quả khó hiểu.
Các nhà sinh vật học đã nghiên cứu về hành vi cọ mình để lấy mùi trong hai nhóm sói nuôi nhốt ở Canada bằng cách đưa ra cho chúng một loạt những mùi khác nhau.
Đáng ngạc nhiên là những con sói này chẳng thèm lăn trên phân của những động vật ăn cỏ như ngựa hay cừu: các nhà khoa học không hề thấy chúng cọ mình vào những loại mùi này.
Tương tự, thức ăn cũng không có sức hấp dẫn đối với chúng. Thay vào đó, mùi ưa thích của chúng là những mùi hương nhân tạo như nước hoa hay mùi xăng xe.
Đối với một động vật đang tìm cách che giấu mùi trước con mồi thì việc chọn một loại mùi quá khác lạ đối với môi trường tự nhiên của chúng ít nhất là điều đáng ngạc nhiên.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng mùi mà chúng ưa thích thứ hai là mùi phân của những động vật ăn thịt khác như loài báo hay gấu đen.
Dựa hơi thú lớn?
"Tôi rất nghi ngờ về việc cạ mình vào những thứ có mùi đó thì đem lại tác dụng gì trong việc săn mồi," Pat Goodmann, một chuyên gia coi sóc thú cấp cao tại Rừng Sói ở bang Indiana, Hoa Kỳ, người đã dành vài năm nghiên cứu hành vi cạ mùi ở loài sói, nói. "Tại Rừng Sói này, các con sói sẵn sàng lăn mình trong mùi của những loài chó lạ và mèo nhà. Điều này dẫn đến một khả năng lớn là sói hoang dã cũng lăn trong mùi của động vật ăn thịt. Đây không phải là một cách ngụy trang có ích cho việc săn mồi."
Goodmann cũng chỉ ra rằng mặc dù thi thoảng thì loài sói cũng săn mồi bằng chiến thuật phục kích, chúng thường đuổi theo con mồi nhiều hơn mà hành động này thì chẳng cần phải rón rén gì nhiều.
Thật ra, việc loài chó nằm ngộp trong những mùi nồng nặc có thể cũng vì mục đích tương tự, được thừa hưởng từ những loài họ hàng hoang dã của chúng. Thay vì để giấu mùi cơ thể trước con mồi, hành động này có thể giúp chó con ngụy trang trước những loài ăn thịt khác.
Samantha Harrison nằm trong số những người cho rằng hành vi cạ mùi có thể là một hình thức ngụy trang.
Cách giải thích này được củng cố trong một nghiên cứu được Max Allen, một nhà sinh thái học tại Đại học Wisconsin ở Madison, công bố hồi tháng Chín 2016.
Ông đã ghi lại một số hành vi khác thường của loài sói xám bằng máy quay từ xa được cài đặt xung quanh khu vực Santa Cruz ở bang California.
Loài sói xám vốn dĩ kín đáo thường xuyên lui tới những nơi mà sư tử núi đực đánh dấu lãnh thổ. Hình ảnh camera ghi lại cho thấy những con cáo xám cạ má của chúng trên mặt đất vừa được sư tử núi đánh dấu lãnh thổ bằng mùi nước tiểu nồng nặc của chúng.
Allen tin rằng những con cáo xám sử dụng mùi do những con sư tử săn mồi to lớn này để lại như là một hình thức ngụy trang bằng mùi để giúp chúng giấu mình trước những con thú ăn mồi lớn khác như chó sói đồng cỏ coyote.
"Chó sói đồng cỏ coyote lớn hơn cáo xám rất nhiều nhưng dường như chúng muốn diệt hết cáo xám vì giữa chúng có sự tranh giành thức ăn," Allen giải thích.
"Cáo thật sự không thể đánh lại, do đó chúng tận dụng mùi của sư tử núi như là một cách bảo vệ mình. Cơ thể có mùi như sư tử núi có thể cho chúng thêm thời gian để bỏ chạy."
Đánh dấu bằng mùi?
Chắc chắn đây là một cách kiến giải thú vị. Tuy nhiên, nó không giải thích tại sao những con thú thuộc họ chó lớn hơn, như cáo chẳng hạn, cũng cạ mình vào mùi do những con thú ăn mồi khác để lại.
Stephen Harris thuộc Đại học Bristol, Anh Quốc, người nghiên cứu về loài cáo đỏ, không cảm thấy bị thuyết phục với cách giải thích rằng cáo sử dụng mùi của loài mèo để ngụy trang. Ông cho rằng rất có thể đó là do chúng tìm cách để lại mùi của chúng lại thay vì khoác lên mình mùi của loài khác.
"Cáo sử dụng nước bọt của chúng như là mùi, và chúng cũng có những tuyến ở khu vực mép được gọi là tuyến quanh miệng," Harris giải thích.
"Chúng ta không biết chức năng chính xác của những tuyến tạo mùi này, nhưng ta thấy cáo cà hai bên miệng và cổ của chúng vào tất cả mọi thứ. Chúng thường làm như vậy để phản ứng lại những mùi nồng nặc. Những mùi khác thường dường như kích thích chúng hành động như thế."
Tương tự, trên Facebook, Pietr Maynard nói với chúng tôi rằng ông ấy cho rằng con chó của ông ấy đang tìm cách để mùi của mình lên những mùi khác "để cho những con chó khác biết rằng chúng sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ".
Tuy nhiên, chó nhà thường không thỏa mãn với việc chỉ cạ mặt và cổ vào những đống phân bốc mùi mà chúng tìm thấy mà chúng còn tri trét phân lên khắp người.
Philippa Baines kể cho chúng tôi rằng con chó Holly của cô còn nằm duỗi ra và quằn quại trên đống phân bò, dường như là để trét phân sâu vào bên trong bộ lông của nó.
Để truyền tin?
Goodmann có một cách giải thích khác nữa. Bà cho rằng đó có thể là một cách để loài cáo truyền thông tin đến phần còn lại trong đàn rằng chúng đã có mặt ở đâu.
Trong thí nghiệm của mình, Goodmann đã nhận thấy rằng sói không chỉ đơn giản là ngoạm khi chúng tìm thấy một tảng thịt to. "Khi được đưa cho một tảng thịt hông của nai sừng tấm, chúng lăn lộn rồi ăn," bà cho biết. "Tôi đồ rằng mùi thức ăn trong hơi thở và trên bộ lông sói là dấu hiệu cho thấy rằng còn nhiều thức ăn thừa để ăn hôi, để cho những con sói muốn lần theo nơi phát xuất ra cái mùi đó."
Cách giải thích này cũng được Tine Howe tán đồng trên Facebook. Ông nói với chúng tôi rằng chó lăn trên phân để đưa mùi của con mồi về cho cả đàn biết.
Điều này dường như cho thấy chức năng xã hội của việc lăn trên phân, nhưng Gabbois tin rằng nó có thể có mục đích đơn giản hơn. Trong đàn sói mà ông nghiên cứu ở Canada, con đầu đàn thường là con đầu tiên lăn vào nơi có mùi nồng nặc rồi sau đó mới tới các con khác.
"Có thể là hành vi này là để thiết lập mùi vị của đàn," ông giải thích. "Trong đàn sói mà tôi nghiên cứu, nếu có con nào cạ vào cái gì đó như là xác nai chẳng hạn, cả đàn sẽ làm theo và cũng cạ mình vào đó. Tôi cũng từng thấy điều này ở chó sói và cáo hoang dã. Nó dường như trở thành mùi mà chúng muốn chia sẻ với tất cả những con khác trong đàn."
"Có lẽ là hành động này là để tạo nên mùi của đàn," ông giải thích. "Trong đàn sói mà tôi nghiên cứu, nếu một con bắt đầu cạ vào một cái gì đó như xác nai, cả đàn sẽ làm theo và cạ như thế. Tôi cũng từng chứng điều này ở chó sói và cáo hoang dã. Nó dường như trở thành mùi mà chúng chia sẻ với tất cả những con khác trong đàn."
Hành động chia sẻ mùi với nhau để tăng cảm giác 'thuộc về nhau' cũng có thể thấy ở chó hoang châu Phi: con cái sẽ lăn trong nước tiểu của con đực thuộc một đàn mà nó muốn gia nhập. Tương tự, những con chó trong một đàn sẽ thường xuyên cạ vào tuyến mùi của nhau để lấy mùi của đối phương.
Chỉ đơn giản là thích?
Dĩ nhiên, còn có những cách lý giải thậm chí còn lạ lùng hơn.
Chẳng hạn như, có người cho rằng chó nhà và chó hoang sử dụng mùi nồng nặc như là một dạng đuổi côn trùng mặc dù chọn lăn trong mùi phân có vẻ như là không phù hợp cho mục đích này.
Một số người khác cho rằng chất dầu trong phân có thể làm cho bộ lông của chúng trở nên không thấm nước.
Trong khi đó, nhà tâm lý học loài chó Stanley Coren tin rằng hành vi có thể là cố gắng để đạt được cảm giác cực đoan. Ông ấy cho rằng đó là "sự thể hiện một cảm giác thẩm mỹ không chính đáng giống như cảm giác đã khiến cho con người mặc những chiếc áo cánh Hawaii quá mức ồn ào và sặc sỡ."
Cách kiến giải này cũng đưa đến những ý kiến mà những độc giả như Frances Mahan nhắc đến trên Facebook: đó là loài chỉ đơn thuần quá thích thú lăn trên phân.
Bất cứ ai đã xem phản ứng vui thích của chó cưng của họ sau khi cạ mình vào những thứ kinh tởm sẽ hiểu điều này.
"Tôi ngờ rằng lúc đó trong chúng sẽ có một lượng lớn chất dopamine dồn lên - đó là một chất dẫn thần kinh xuất hiện trong cảm giác được thưởng và sung sướng," Muriel Brasseur thuộc Trung tâm Hành vi Động vật Oxford, nói. "Nếu đó là một hành vi có từ quá trình tiến hóa trong quá khứ vốn dĩ liên quan đến sự sinh tồn của chúng thì nó có thể được củng cố bằng cảm giác cực kỳ vui thích."
Nói cách khác, theo lời của Gabois, thì mong muốn của loài chó được cạ vào trong mùi hôi có thể là tàn dư từ tổ tiên của chúng từ rất xa xưa trong lịch sử tiến hóa của chúng.
"Hành vi này có thể từng có chức năng rất quan trọng ở thời điểm nào đó cách nay rất lâu," ông nói. "Theo thời gian thì chức năng này đã biến mất, nhưng hành vi này thì vẫn duy trì. Điều này nhắc chúng ta rằng thật sự chúng ta không hiểu gì. Mùi là một phần hết sức quan trọng trong thế giới của loài chó và chúng ta thật sự không hiểu được."
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét