Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

Thủ tướng Việt Nam chỉ thị bảo vệ quyền lợi cho dân Thủ Thiêm; Tấm bản đồ qui hoạch mất tích hay chính nền dân chủ đã mất tích?

Ai cướp Thủ Thiêm?

Nhà báo Tâm Chánh
Những thông tin ban đầu cho thấy, Thủ Thiêm có thể là một bê bối chính trị không chỉ ở phạm vi địa phương. Nó làm hiện rõ con đường thăng quan phát tài của một bộ phận cán bộ lãnh đạo là con đường giành lấy địa vị áp bức nhân dân của giai cấp thống trị.
Phát triển Thủ Thiêm thành một trung tâm mới của Sài Gòn là một chính sách quốc gia.
Bản qui hoạch được Thủ tướng Chính phủ, khi ấy là ông Võ Văn Kiệt, một nhà lãnh đạo am hiểu và tâm huyết với sự phát triển của Sài Gòn, phê duyệt.
Vì sao qui hoạch ấy của Thủ tướng lại bị UBNDTP táo bạo điều chỉnh, thay đổi?
Và vì sao những thay đổi vượt quá thẩm quyền ấy lại được ông Nguyễn Tấn Dũng, sau này là Thủ tướng chuẩn phê theo một trình tự hành chính khá đặc biệt?
 Chính những điều chỉnh thay đổi táo bạo ấy là nguyên cớ để xuất hiện cả chục ngàn dân oan với những hệ lụy xã hội và chính trị vô cùng phức tạp.
Có thể cần đến một cuộc điều trần ở Quốc hội với các vị lãnh đạo của TPHCM để tìm kiếm câu trả lời không đơn giản này.
Cũng có ý kiến đòi khởi tố điều tra những sai phạm trong quá trình thực thi bản qui hoạch do Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt.

Việc lãnh đạo TP ký duyệt mức giá siêu khủng xây dựng 12 km đường nội bộ cho dự án của một doanh nghiệp là một cơ sở truy tìm kẻ tham nhũng lấp ló đằng sau những cách phù phép táo bạo.
Hay cách mà những tấm bản đồ qui hoạch bị cho là đã mất tích từ chính các văn phòng có trách nhiệm triển khai, thực thi nó dường như đã tiếp thêm không khí cho mồi lửa chóng tham nhũng vừa bén.
Nhưng Thủ Thiêm đang bật ra không chỉ tiếng khóc uất ức vì bất công. Càng nhận ra sự thật bất công lại càng thêm uất ức. Nền dân chủ triệu lần hơn của chúng ta cũng khóc tràn với người dân Thủ Thiêm.
Và cũng chỉ có khóc.
Hơn 15 ngàn số phận trong đằng đẵng cả chục năm trời bị buộc làm dân oan trong khi TPHCM của họ có trong tay tất cả công cụ để bất bình sớm được nhìn thấy.
Thậm chí, với tất cả thiết chế hiện hữu, bằng ký ức về truyền thống đấu tranh chống áp bức, bất công ở Sài Gòn, nhiều người không thể tin nổi lại diễn ra tình cảnh dối trời lừa dân táo tợn đến mức như vậy.
Phát triển Thủ Thiêm, tăng trưởng đang được tạo ra bởi nền kinh tế dân oan.
Khoảng chênh lệch giữa giá đền bù, chi phí đầu tư hạ tầng và giá nhà đất do chủ đầu tư dự án bán ra được viện dẫn như phần giá trị tăng thêm mà dự án phát triển mang lại.
Tham nhũng không chỉ đơn giản là các chi phí mà nhà kinh doanh được dự phần vào dự án.
Hay thậm chí là việc cắt xén đơn giá, diện tích đền bù.
Diễn biến tấm bản đồ Thủ Thiêm gay cấn không chỉ vì một quyết định của Thủ tướng bị làm cho mất tích. Sức mạnh công luận và các thiết chế dân chủ dường như cũng đã lưu lạc.
Tấm bản đồ qui hoạch mất tích hay chính nền dân chủ đã mất tích?
Quyền lực chính trị đang chi ra không chỉ tài nguyên công, hay thậm chí là ngân sách để đổi lấy phát triển.
Cái phần chi chưa từng định lượng, ít được đo đếm là quyền tự do dân chủ của người dân. Ở bề nổi nó có thể thống kê được từ các thiệt hại của người dân phải chịu đựng, mất mát trong đằng đẵng quãng đời dân oan. Thêm vào nó là chi phí vận hành các thiết chế dân chủ kém hiệu quả hiện có.
Tham nhũng, trong câu chuyện Thủ Thiêm không thể chỉ đo bằng giá trị tài sản của người dân bị tước đoạt hay trị giá các chi phí mà nhà nước chi ra hoặc bị thất thoát để thực thi qui hoạch.
Chưa cần soi các tài sản nổi chìm, hoạn lộ của Tất Thành Cang đến từ đâu nếu không phải từ việc che lấp nỗi bất bình của người dân. Thành tích chính trị để Tất Thành Cang trở thành một cán bộ cấp chiến lược, chính yếu có phải là con số hơn 15.000 dân oan Thủ Thiêm tuyên bố thẳng thừng không còn tin tưởng cán bộ nào từ quận tới TP?
Những thiệt hại của người dân cả chục năm đằng đẵng làm dân oan chưa bao giờ có trong bảng tính đội giá công trình, dự án.
Nhưng nếu những thiệt hại ấy được toà án định lượng để phán quyết phải bồi thường thì có thể kẻ bịt mồm nền dân chủ phải run tay.
Dân chủ như đất đai vậy, cũng là một loại tài sản mà những kẻ có quyền đang quá dễ dàng chiếm đoạt. Loại tài sản ấy đang tạo ra lợi nhuận siêu ngạch của nghề làm vương làm tướng.
Những kẻ cướp ở Thủ Thiêm, một tay cướp đất cướp nhà, một tay bóp chẹt quyền dân chủ tự do của người dân.
Dân chủ, từ thực tế Thủ Thiêm, là một loại vốn liếng thực sự cho phát triển. Nó hay bị kẻ có quyền ngoe nguẩy phủi tay. Nhưng nó cũng chưa được chính người dân giữ gìn đúng mức.
Những thông tin ban đầu cho thấy, Thủ Thiêm có thể là một bê bối chính trị không chỉ ở phạm vi địa phương. Nó làm hiện rõ con đường thăng quan phát tài của một bộ phận cán bộ lãnh đạo là con đường giành lấy địa vị áp bức nhân dân của giai cấp thống trị.
Cuộc dọn dẹp Thủ Thiêm vì vậy có thể sẽ định nghĩa lại tính chính đáng của nền chính trị do đảng cộng sản lãnh đạo.
Nguồn: FB Chanh Tam

Thủ tướng Việt Nam chỉ thị bảo vệ quyền lợi cho dân Thủ Thiêm

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
 AFP
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải nhìn thẳng sự thật, việc gì đúng thì tiếp tục giải thích, việc gì sai thì cương quyết sửa chữa, tất cả vì mục tiêu phát triển của thành phố, vì cuộc sống của người dân.
Phát biểu trên được ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra hôm 15 tháng 5 trong cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân (UBND) Thành Phố Hồ Chí Minh bàn việc xử lý khiếu nại, tố cáo của người dân về dự án Thủ Thiêm.
Cùng chủ trì buổi họp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn có các phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng và Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng. Nguyên lãnh đạo UBND TP.HCM và Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cũng tham dự cuộc họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “UBND TP.HCM khẩn trương rà soát, giải quyết các khiếu kiện của người dân; thực hiện ngay các chính sách phù hợp đối với người dân, nhất là những người đã bàn giao đất mà chưa nhận nhà tái định cư hoặc bị cưỡng chế mà chưa có chỗ ở thì phải có ngay các giải pháp cần thiết để lo cho người dân, không để người dân quá khó khăn trong cuộc sống”.
Theo người đứng đầu chính phủ Hà Nội, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt bằng quyết định 367 năm 1996 và là công trình trọng điểm về kinh tế, xã hội của thành phố, thế nhưng trong quá trình thực hiện có các sai sót về quản lý đất đai, quy hoạch, lưu trữ hồ sơ nên người dân khiếu kiện kéo dài.
Nay thủ tướng yêu cầu giải quyết phải đúng chính sách pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Nếu sai phải xác định rõ thời gian sửa chữa và cách giải quyết. Tất cả phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2018.
Hiện, dự án Khu đô thị Thủ Thiêm đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa.
Vụ việc Thủ Thiêm nóng lên trong thời gian qua. Những người dân có nhà ngoài ranh giới qui hoạch, nhưng bị cưỡng chế và phải khiếu kiện lâu nay, lên tiếng về trường hợp của họ với các đại biểu quốc hội khu vực Quận 2, thành phố Sài Gòn.
Trước đó có tin bản đồ qui hoạch 1/5000 khu vực Thủ Thiêm bị mất; nhưng rồi một vị cựu chủ tịch thành phố, ông Võ Viết Thanh, công bố những bản đồ gốc khiến người dân thêm bức xúc.
Trước đây vào năm 2012, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng lên tiếng nói rõ vụ cưỡng chế đất đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng là sai. Thế nhưng bản thân ông Đoàn Văn Vươn và một số người trong gia đình vẫn bị kết án tù với cáo buộc chống trả lực lượng cưỡng chế.

Không có nhận xét nào: