Sáng 4.6, đăng đàn trả lời đầu tiên phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trả lời nhiều vấn đề nóng về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt là giải pháp xử lý những tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
ĐB Lý Tiết Hạnh chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. |
Là một trong những đại biểu tham gia chất vấn đầu tiên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh nêu tình trạng đoạn QL 1 qua Bình Định có vai trò quan trọng trên trục Bắc - Nam, hoàn thành năm 2015 nhưng nhiều đoạn đã xuống cấp. “Bộ GTVT sẽ triển khai sửa chữa những đoạn đường xấu như thế nào?”, bà Hạnh hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi hoàn thành, đoạn QL 1 qua Bình Định trải qua thời tiết khắc nghiệt, năm 2016-2017 bão lũ nhiều, lớn, nước ngập tràn qua đường dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hiện tượng xe chở quá khổ quá tải cũng chưa được xử lý nên đoạn đường này hư hỏng nặng. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan duy tu sửa chữa để có mặt đường tốt nhất. Tuy nhiên, việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn nên mặt đường chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, kinh phí duy tu, sửa chữa rất hạn chế, chỉ đáp ứng được 30%.
Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ĐB Lý Tiết Hạnh bày tỏ: “Tôi cũng hiểu thời tiết gây ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường sau khi xây dựng. Nhưng quốc lộ là đường vĩnh cửu, tại sao lại có chuyện QL 1 qua Bình Định khởi công năm 2014, hoàn thành 2015 và hư hỏng mặt đường toàn bộ năm 2016. Hơn nữa, không riêng gì xe quá tải trọng qua Bình Định, tại sao mỗi QL 1 qua đây xuống cấp nghiêm trọng như vậy? Bộ trưởng nói rằng cần chờ kinh phí để sửa chữa, vậy người dân Bình Định phải chờ đến bao giờ?”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, mỗi dự án đều có ban quản lý dự án và nhà thầu triển khai. Ông thừa nhận, ngoài thời tiết khắc nghiệt, lưu lượng xe đông thì việc xuống cấp cũng có trách nhiệm của các cơ quan hữu quan. Bộ GTVT đã tiến hành thanh tra dự án này, lỗi nào của nhà thầu sẽ xem xét xử lý trách nhiệm.
Bộ GTVT sẽ xin ý kiến Chính phủ dùng quỹ bảo trì đường bộ để nâng cấp. Đối với QL 1A qua Bình Định, để giải quyết một cách căn cơ thì cần cả sự quan tâm của Quốc hội, bởi dự án nào huy động vốn hơn 1.000 tỉ đồng thì phải thông qua Quốc hội. “Tôi mong người dân thông cảm”, ông Thể nói.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi của ĐB Lý Tiết Hạnh về QL 1 và QL 19 qua địa bàn tỉnh Bình Định dài 200 km có đến 3 trạm thu phí BOT thì có nhiều quá không, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết trong quá trình triển khai Bộ đã bám sát quy định trong cùng một tuyến QL cự ly trạm BOT phải bảo đảm 70 km, còn dưới 70 km thì phải có ý kiến của chính quyền địa phương và Bộ Tài chính.
“Chúng tôi thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng cũng thừa nhận mật độ các trạm BOT khá dày đặc, trong khi đời sống người dân còn khó khăn, làm tăng giá thành vận tải. Chúng tôi mong người dân Bình Định thông cảm; chúng tôi sẽ ưu tiên giảm giá!”, Bộ trưởng nói.
Trả lại tên cho trạm BOT
Trước khi trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có 5 phút báo cáo một số vấn đề. Ông Thể cho rằng, chủ trương phát triển giao thông BOT là đúng, vì ngân sách hạn chế, nợ công cao. Dự án BOT góp phần quan trọng phát triển kinh tế nhưng còn nhiều bất cập. Việc khai thác các dự án BOT được dự luận quan tâm vì tồn tại nhiều vấn đề. Bộ GTVT cùng nhiều bộ ngành tiếp thu và rà soát. “Chúng tôi đang rà soát để thay đổi tên gọi trạm BOT cho đúng với bản chất. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất báo cáo Chính phủ tên mới. Với những yếu kém của ngành, thay mặt Bộ GTVT, chúng tôi thành thật xin nhận trách nhiệm”, ông Thể nói.
Trước báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về tên gọi trạm BOT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Việc đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí tôi thấy không cần phải nghiên cứu và trình. Tôi thấy trở về tên cũ là được, đợi trình Chính phủ lâu lắm!”.
|
MAI LÂM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét