Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

Chuyện “cái Khu” ( TIẾNG NGHỆ: CÁI KHU LÀ CÁI MÔNG?)


Bởi
 AdminTD
 -

7-6-2018
Cả nước đang sốt lên vì các từ “Đặc khu” hay “Khu đặc”, những từ nghe đã thấy bí rì rì. Nhiều người xưa vẫn coi đề tài Hoàng Sa, Trường Sa là luận điệu của “Bọn dân chủ”, nay chửi “Bọn bán nước đặc khu” như hát chèo. Nhiều người đã từng coi những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trong các vụ cắt cáp tàu Bình Minh 2, vì Hoàng Sa Trường Sa, hay vì biển miền Trung là rỗi hơi, vô ích, nay bắt đầu trợn mắt.
Người Việt giờ mới cảm thấy cái thòng lọng đang ở cổ. Một mối lo bắt đầu xuất hiện trong xã hội xưa nay vốn lãnh đạm với mọi mối đe dọa từ bên trong, bên ngoài.
Có cậu em bảo: Anh viết về luật đặc khu đi. Ở xa nửa vòng trái đất, tôi không hiểu gì lắm về “đặc khu” nên phải tìm đọc tài liệu về chúng (1). Đọc xong chợt hiểu theo kiểu người thợ.

Thì ra các “Khu chế xuất”, các “Đặc khu kinh tế” hiện đại bắt nguồn từ Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình là một giải pháp giúp các nền kinh tế thắt nút tìm được cách xả van qua các cổng “đặc khu” để tăng trưởng và đi lên. Đặc khu kinh tế chỉ có trong những nước mà vì lý do gì đó không thể hoặc chưa thể mở cửa cho cả nước bằng các chính sách kinh tế thông thoáng nên phải tạo ra những đặc khu để thu hút các công ty nước ngoài vào đó đầu tư. Tức là chấp nhận một xã hội có hai môi trường kinh tế: Thông thoáng trong các đặc khu và bí bét ở các nơi còn lại. Đặc khu chỉ có ở những nước có lực lượng lao động tốt nhưng vướng những kìm hãm của thể chế, ví dụ như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam cũng như vài nước Đông Âu sau khi từ bỏ chế độ XHCN, như Ba-Lan, Rumani và Nga. Những nước có nền kinh tế TBCN như Ấn Độ, Philippines, nhưng vướng phải nạn tham nhũng, quan liêu cũng phải mở những đặc khu kinh tế. (2)
Như vậy, những nước nào phải dùng đặc khu làm đòn bẩy kinh tế là những nước có tiềm năng, nhưng quản lý kém, chính sách lạc hậu chứ chẳng có gì phải tự hào.
Trong các xã hội bị trói chặt đó, chính quyền tạo ra các đặc khu ít bị trói hơn hoặc không bị trói để thu hút các nhà đầu tư. Do vậy năng suất lao động và công ăn việc làm ở đó tăng vọt. Thêm vào đó, cung cách làm việc của các công ty nước ngoài ở đặc khu sẽ mở mắt cho chính phủ, cho quan chức và doanh nhân trong nước. Hoạt động của đặc khu bắt buộc bộ máy quan liêu phải chuyển động, tức là đặc khu còn góp phần cải cách thể chế.
Cái hại của đặc khu là những lời hứa giảm thuế, ưu đãi về tài nguyên, nhân lực v.v. làm cho nhà nước thất thu và các doanh nghiệp nội địa không nằm trong khu đó bị thiệt thòi.
Do vậy đặc khu chỉ có tác dụng trong những năm đầu, khi cả một nền kinh tế và một nền chính trị mới tập tễnh học làm ăn tư bản. Ở Đông Âu và ở Trung Quốc, sau khi nền kinh tế phát triển, hệ thống luật pháp và hạ tầng đã nâng cao thì các đặc khu tự mất hết ý nghĩa. Những gì tiến bộ ở đó đã phổ cập ra toàn quốc. Hơn thế nữa, chính quyền cũng chẳng dại gì mà giảm thuế hay ưu đãi, khi mà cả xã hội đã thay đổi.
Tất nhiên có những trường hợp ngoại lệ: Học cung cách làm ăn tư bản 30 năm rồi vẫn cứ phải tạo ra hai môi trường kinh tế tức là chẳng học gì cả hay cố tình không chịu học.
Nôm na là: Bố mẹ dốt kém, kìm hãm, bóc lột con cái, để gia cảnh kiệt quệ, thấy xung quanh đi lên ầm ầm thì bắt dọn mấy mảnh đất đẹp nhất: Xin mời các ông tây bà đầm vào đây làm ăn, tôi không thu thuế vài năm. Ông bà cần đứa con trai nào giỏi, đứa con gái nào xinh thì tôi bảo nó sang hầu! Loa loa!
Tây đầm kéo vào làm cho chỗ bùn lầy đó sáng sủa hẳn lên. Con cái đứa nào khôn lanh sang làm bên đó. Những đứa u tối vẫn ở trong khu nhà dột nát, vẫn bị bố mẹ mắng chửi suốt ngày và vẫn vừa làm vừa phá. Sau vài năm thì tiền vốn và kiến thức bên tây đầm cũng chảy sang bên nhà chủ. Vì tây đầm cũng cần người làm vệ sinh, giặt là, nấu ăn, đào đất và nung gạch v.v… Thế là cả nhà dần biết tiếng Tây, biết đi giầy, biết dùng hố xí bệt… và thế gia cảnh được cải thiện.
Gia cảnh được cải thiện nhanh hay chậm phụ thuộc vào bố mẹ, tức là năng lực của chính quyền. Có những gia đình tiền của, lối sống nhặt được từ các khu Tây đầm chỉ để con cái hư hỏng, hút sách hết, thì có đến mấy đặc khu cũng vẫn tối mù.
Sau khi Đông Âu chuyển đổi thể chế, vài nước cũng có lập các đặc khu kinh tế và họ cũng học được khối từ các nhà đầu tư phương Tây. Sau 1990, có người đề nghị lập đặc khu ở Đông Đức để mau chóng hồi phục nền kinh tế. Nhưng các “Bộ chính trị” của Đức không chơi. Tốt hơn hết là những luật lệ kinh tế nào định áp dụng cho đặc khu thì áp dụng cho cả Đông Đức! Dân Đức may mắn thoát khỏi cuộc chửi nhau “99”.
Nhưng cốt lõi của “Nỗi sợ 99” ở Việt Nam không nằm ở vấn đề kinh tế trì trệ, thể chế kìm hãm, mà lo sợ sự lấn át của Trung Quốc, sợ người Hoa nói to, hay chen ngang, nhổ bậy tràn vào (Ta hơn họ mà). Thế nên có kẻ còn hô hào “Thà bán đất 99 năm cho Mỹ, cho Pháp, còn hơn cho Tàu”. Nghe mà hết cả hồn. Đã bán đất, bán nước, thì bán cho ai cũng chết cả.
Lý do là dân tộc Việt tồn tại đến hôm nay nhờ vào sự bảo thủ và bài ngoại của mình. Tàu, Nguyên, Xiêm, Chăm pa ngày xưa cứ đến là dân ta đang ghét vua, ghét chúa đến mấy cũng xúm lại phò vua đánh đuổi “Đánh cho để dài tóc, đánh cho giữ đen răng mà”!
Pháp sang đây mang chữ cái La tinh, mang tư tưởng, văn hóa Tây phương, xây cầu, xây đường, khai khẩn kinh tế, nhưng chỉ vì kêu “An-Nam-Mit” nên bị cả nước ghét. Dân nghèo khu đen ghét đã đành, trí thức cổ cồn, tư sản lấy vợ đầm cũng ghét. Kết cục thì đã rõ: 4000 năm ta lại là ta.
Giỏi bài ngoại bao nhiêu thì dân ta lại bạc nhược với nhau bấy nhiêu. Đó chính là cái bi kịch. Mấy ông bộ đội vào sống ra chết, Mỹ cũng phải nể, thế mà về quê bị mấy tay thơ lại ở xã bắt nạt, cấm dám kêu. Họ bắt hô khẩu hiệu gì hô nấy. Họ bảo ghét ai thì ghét, tố ai thì tố. Họ bảo bầu ai vào hội đồng, vào quốc hội thì cứ nhắm mắt bầu. Giờ lại chửi những người được bầu bằng lá phiếu vô trách nhiệm của chính mình là: Nếu bấm nút là bán nước!
Tôi đọc trên mạng mà đôi khi không khỏi bụm miệng cười, không phải về các câu chửi, câu phản đối, mà về người chửi. Tại sao không ấm ức từ lúc họ bấm nút về luật đất đai, về Bô-Xít Tây Nguyên v.v… hay về việc họ không dám ra tuyên bố Biển Đông?
Nhưng thôi, có thể làn sóng chửi này cũng tác động đến xã hội chút nào, như một luồng gió thổi vào lúc oi bức ngột ngạt.
Thay đổi cơ bản sẽ chỉ đến, khi tất cả người Việt, hoặc rất nhiều người Việt cùng nhận thức rằng: Chỉ có một thể chế trong sạch, một xã hội văn minh mới cứu được đất nước này khỏi sự xâm lăng và lấn át của Trung Quốc hay bất kỳ ngoại bang nào, kể cả nạn “Nội Xâm”.
Công ty nào của Việt Nam, cá nhân nào của Việt Nam cũng có thể mua cả một khu công nghiệp, một hòn đảo hoặc một khu phố của Đức, của Mỹ, của Úc… không phải 99 năm mà vĩnh viễn. Khi đã có một thể chế lành mạnh, một xã hội dân chủ, không ai lo là xí nghiệp đó, hòn đảo đó bị bọn quan tham bán và không ai phải sợ mất nước khi nhìn thấy ông hàng xóm da vàng.
Bằng không, cứ luẩn quẩn trong khôn vặt như thế này, người Việt sẽ luôn sống trong nỗi sợ. Hết cơn sợ 99, sẽ đến nỗi sợ “Hải Dương 981” hoặc nỗi sợ “Thực phẩm đểu”… và đời con cháu chúng ta sẽ mãi bị ám ảnh bởi “các loại khu”.
Köln, 07.06.2018

Không có nhận xét nào: