Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

Hai cái thòng lọng

Bởi
 AdminTD
 -

7-6-2018
Điều đáng lưu tâm tiếp theo ngoài dự thảo luật đặc khu đó là Luật An ninh mạng, đặc biệt là nội dung tại Điều 26 của luật này, khi nó quy định một loạt các nội dung mà ở đó Bộ Công an có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ mạng phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách khi thực hiện bằng văn bản mà không cần biết trong trường hợp nào và với mục đích gì.

Tiếp theo là việc không được cung cấp dịch vụ mạng cho tổ chức, cá nhân khi đăng tải các bài viết có thông tin mà rơi vào các vấn đề thuộc về ngôn luận quy định tại Điều 15 của luật này; bắt phải gỡ bỏ các bài viết như vậy khỏi trang thông tin theo yêu cầu của Bộ Công an và Bộ Thông tin truyền thông hoặc các cơ quan khác; bắt các tổ chức, cơ quan cung cấp dịch vụ mạng phải thực hiện việc lưu trữ thông tin cá nhân và các dữ liệu quan trọng tại Việt Nam.
Những quy định như nêu trên đã có dấu hiệu xâm phạm vào một loạt các quy định Hiến định như: vi phạm quyền bí mật đời sống riêng tư và bí mật (cá nhân) về thư tín, điện tín, điện thoại và các thông tin khác; vi phạm vào nghĩa vụ bảo mật của doanh nghiệp (đơn vị cung ứng) đối với khách hàng; vi phạm vào quyền tự do kinh doanh; vi phạm quyền tiếp cận thông tin cũng như quyền được sử dụng dịch vụ internet; vi phạm vào quyền phán định riêng biệt của toà án đối với nội dung của thông tin.
Với các chế định như trên thì Bộ Công an có quyền, vào bất cứ lúc nào và vì bất cứ lý do gì, sẽ có thể gửi văn bản để yêu cầu cơ quan, tổ chức kinh doanh mạng phải thực hiện cung cấp thông tin và dữ liệu khách hàng của mình; ngừng khai thác, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ mạng cho đối tượng mà Bộ Công an yêu cầu/chỉ định; bất cứ cơ quan nhà nước nào cũng có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân kinh doanh, cung cấp dịch vụ mạng phải ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung thông tin mà các cơ quan này cho rằng nó đã vi phạm vào các quy định mơ hồ tại Điều 15 luật này.
Cùng với đó là, bất cứ thông tin cá nhân và dữ liệu người dùng nào cũng có thể được thu thập và bị khai thác bởi các cơ quan chức năng, và những lịch sử hoạt động trên mạng của bạn cũng như các thông tin như tài khoản ngân hàng, các giao dịch trực tuyến, các cuộc thoại, tin nhắn trò chuyện đều được thu thập và các cơ quan này có toàn quyền sử dụng nó. Chúng ta như những kẻ hoàn toàn “trần truồng” trước quy định của điều 26 và chúng ta trở nên là một kẻ bị câm theo những nội dung mà nó ấn định tại Điều 15 của dự thảo.
Với hai điều luật này, Điều 15 và Điều 26, của dự thảo Luật An ninh mạng 2017, tất cả chúng ta đều là “con tin” và “như cá nằm trên thớt” đối với cơ quan cảnh sát cũng như các thiết chế khác mà chỉ cần một tờ giấy được ký và đóng dấu sẵn để sẵn sàng phục vụ cho các cơ quan chức năng này khi họ muốn.
Họ vẫn làm luật dựa trên sự cấm đoán và tạo nên một vòng tròn trói buộc để làm cơ sở xử lý người dùng bằng tâm trí của những bàn tay hành chính quan liêu hơn là theo cái cách mà đáng ra nó phải là một dòng chảy mà được xem như là kết quả của một nhà lập pháp tinh tuý sẽ thiết định ra.

Không có nhận xét nào: