Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

​Giữa Donald Trump và Kim Jong Un có thỏa thuận ngầm?

 

VietTimes -- Ngày 12/6, lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã có cuộc gặp mặt lịch sử tại Singapore và ra được Tuyên bố chung gồm 4 điểm. Trong đó Điểm 3 được quan tâm nhất: “Tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018, Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên”.
Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã có cuộc gặp mặt lịch sử tại Singapore
Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã có cuộc gặp mặt lịch sử tại Singapore
Tuy nhiên, bản thỏa thuận này không đề cập đến lộ trình, cũng như thời gian biểu của việc phi hạt nhân hóa, khiến nhiều người nghi ngại. Có ý kiến cho rằng: căn cứ phản ứng của ông Donald Trump sau cuộc gặp gỡ mà xét, thì có lẽ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã có thỏa thuận ngầm không được công khai?
Có thỏa thuận ngầm không được công bố?

Nội dung của 4 điểm thỏa thuận được công khai trong bản Tuyên bố chung gồm:
1. Triều Tiên và Mỹ cam kết thiết lập quan hệ Mỹ - Triều mới thể theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng
2. Hai nước sẽ tham gia vào nỗ lực nhằm xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
3. Tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018, Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên.
4. Mỹ và Triều Tiên cam kết tìm lại và trao trả hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA), gồm cả việc đưa những hài cốt đã được nhận dạng về nước ngay lập tức).
Khi nghiên cứu, phân tích 4 điểm này, các chuyên gia phổ biến cho rằng chúng không có sự tiến triển về thực chất. Mà chỉ là xác nhận lại ý chí muốn cải thiện quan hệ của Mỹ, Triều Tiên và mong muốn phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Thỏa thuận không đưa ra lộ trình cùng thời gian biểu cho việc phi hạt nhân hóa, cũng không đề cập đến đòi hỏi mà Mỹ luôn nhấn mạnh là “thực hiện giải trừ hạt nhân toàn diện, không thể đảo ngược và được giám sát”.
Thế nhưng, tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm, ông Donald Trump lại cho biết: lãnh đạo hai nước đã ký tuyên bố chung, đã đảm bảo hai bên cam kết kiên định thực hiện triệt để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông tin tưởng, Kim Jong Un sau khi trở về Bình Nhưỡng “sẽ nhanh chóng thực thi những biện pháp giải trừ hạt nhân thực chất”, và sẽ tuân thủ những văn kiện đã ký giữa hai bên.
Sau khi kết thúc cuộc gặp gỡ, sáng ngày 13/6, theo giờ phía Đông nước Mỹ, ông Donald Trump về tới Washington, lập tức bày tỏ trên Twitter cá nhân: so với khi ông mới lên nắm quyền, “giờ đây tất cả mọi người đều cảm thấy an toàn hơn”, “Triều Tiên đã không còn là mối đe dọa”. Ông còn viết, cuộc gặp gỡ Kim Jong Un  là một trải nghiệm rất có ý nghĩa, rất đúng đắn.
Giữa bản tuyên bố chung và sự mô tả của ông Donald Trump có vẻ không đồng nhất. Tờ Financial Times của Anh lập tức viết bài cho rằng: “giữa Mỹ và Triều Tiên tựa hồ còn có một bản hiệp nghị trong bóng tối, đặc biệt sau khi nghe hết những phát biểu của Donald Trump tại cuộc họp báo thì điều này càng trở nên rõ ràng”.
Bài báo phân tích cho rằng, ngoài bản tuyên bố chung được công khai, hai bên chắc hẳn đã đạt được thỏa thuận chung cụ thể hơn về vấn đề Triều Tiên giải trừ hạt nhân và vấn đề hòa bình giữa Mỹ và Triều Tiên mà không được công bố. Nếu không thì ông Donald Trump đã không thể dự báo rõ ràng “Triều Tiên sẽ nhanh chóng thực thi biện pháp giải trừ hạt nhân thực chất”, lại còn bày tỏ “hy vọng nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao  với Triều Tiên”.
Financial Times cho rằng: “Tuyên bố chung được công bố rõ ràng là nhằm chiếu cố đến thể diện của Triều Tiên và tính đến sự quan tâm của những nhóm lợi ích khác nhau trong nước Triều Tiên nhằm tạo nên môi trường có lợi trong nước đối với ông Kim khi giải trừ hạt nhân”, và “chốt lại một câu, bản tuyên bố chung là để cho người Triều Tiên trong nước xem, còn thỏa thuận và hiệp nghị không được công khai là dành cho người Mỹ xem”.
Bài báo kết luận, xét từ những thỏa thuận, cam kết nói trên giữa hai nước thì có lý do để lạc quan về tương lai sau cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai ông Donald Trump – Kim Jong Un lần này. Tuyên bố chung cho thấy: Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ cam kết bảo đảm an toàn cho Triều Tiên. Giả thuyết này gây nên sự chú ý đặc biệt.
Mỹ đã tìm được phương án giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên?
Ông Lý Chí Anh, người sáng lập Tập đoàn truyền thông Next Media của Hongkong viết phân tích đăng trên tờ The Apple Daily cho rằng, sau cuộc gặp gỡ cấp cao Mỹ - Triều, cả ông Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo cùng Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton – những người được coi là thuộc “phái diều hâu” – đều lộ rõ vẻ vui mừng ra mặt, tựa hồ nước Mỹ đã tìm ra được phương án xóa bỏ mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, đồng thời Mỹ đảm bảo an toàn cho Triều Tiên.
​Giữa Donald Trump và Kim Jong Un có thỏa thuận ngầm? - ảnh 1
Văn bản được ký kết giữa 2 vị đứng đầu Mỹ và Triều Tiên
Lý Chí Anh cho rằng, chính phủ của ông Trump sẽ áp dụng chính sách “một nước hai chế độ” để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tức là, Triều Tiên và Hàn Quốc chấm dứt chiến tranh, chung sống hòa bình, một nước hai chế độ, Mỹ sẽ là người giám hộ. Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên lập thành liên minh quân sự, vũ khí và lực lượng của 3 bên đều bị liên minh khống chế, sau khi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bị liên minh khống chế thì “phi hạt nhân hóa” như thế nào không trở thành vấn đề nữa, vì an ninh đã nằm dưới sự khống chế của Mỹ - thống soái của liên minh.
Ngoài ra, bài báo của Lý Chí Anh còn phân tích: Mỹ với vai trò người giám hộ “một nước hai chế độ Hàn – Triều”, sự can dự về chính trị và quân sự vào châu Á sẽ gia tăng, làm ổn định cục diện bán đảo Triều Tiên cũng tức là giúp yên ổn cục diện châu Á.
Sự can dự vào trục châu Á của Mỹ sẽ chế ngự sự bá quyền của Trung Quốc ở châu Á, các nước đồng minh châu Á của Mỹ cảm thấy an toàn sẽ không tìm kiếm phát triển vũ khí hạt nhân, mối đe dọa của các nước này đối với an ninh của Trung Quốc sẽ giảm đi, Trung Quốc cũng sẽ được lợi.
Ông Kim Jong Un thực sự từ bỏ vũ khí hạt nhân?
Mặc dù còn không ít nghi ngại về bản tuyên bố chung, nhưng nhiều ý kiến phân tích cho rằng, việc ông Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân rất có thể là thật.
Một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên của Trung Quốc cho rằng, có 3 nguyên nhân khiến Kim Jong Un giải trừ hạt nhân. Trước hết, về kỹ thuật đã “đụng trần”, không thể làm tiếp được. Thứ hai, sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là việc Bắc Kinh phối hợp với Nghị quyết của LHQ thực hiện trừng phạt Triều Tiên gây nên áp lực rất lớn đối với Bình Nhưỡng. Thứ ba, tự đáy lòng Triều Tiên tin tưởng Mỹ hơn Trung Quốc.
Một nhà bình luận cho rằng, Kim Jong Un chỉ lợi dụng Trung Quốc chứ không tin tưởng Trung Quốc, ông không muốn làm một “hoàng đế con” của Trung Quốc.
Trước đây, Phó giáo sư Vương Tiêu Kha, Viện phó Viện nghiên cứu Đông Bắc Á trực thuộc Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) cũng từng phân tích: muốn Kim JongUn  thỏa hiệp, đồng ý giải trừ hạt nhân cần có hai nhân tố.
Một là chính quyền Donald Trump gây sức ép thật mạnh và đe dọa về quân sự, để cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un  cảm thấy nguy cơ bị tấn công.
Nhân tố thứ hai khiến ông Kim Jong Un phải cúi đầu là gặp phải vấn đề “thắt cổ chai” về kỹ thuật trong chế tạo và phóng tên lửa tầm xa. Hiện vấn đề nút thắt về kỹ thuật của Triều Tiên không phải là hạt nhân mà là tên lửa, chủ yếu là vật liệu tên lửa.
Ông Vương Tiêu Kha chỉ rõ, nếu muốn chế tạo tên lửa tầm xa, Triều Tiên phải khắc phục được một vấn đề rất khó khăn là khi quay trở về tầng khí quyển, bề ngoài tên lửa phải có lớp sơn chịu được nhiệt độ cao. Để chế tạo được loại sơn này đòi hỏi phải có năng lực công nghiệp gia công công nghệ cao và phức tạp. Đó là vấn đề không thể giải quyết được trong thời gian ngắn.
Hiện nay do sự trừng phạt nghiêm khắc của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên không thể có được nguyên liệu và cũng không thể có được kỹ thuật, lại phải đương đầu với tình hình kinh tế khó khăn cùng mối đe dọa về quân sự. Do đó, thỏa hiệp là biện pháp tốt nhất của Triều Tiên, khi không còn cách nào khác!.

Không có nhận xét nào: