ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách:
Thứ Năm, ngày 7/6/2018 - 01:45
(PL)- “Về dự luật đặc khu, tôi nghĩ chưa thể thông qua mà cần lùi lại để bàn cho kỹ, cần thiết thì phải xin ý kiến nhân dân!”.
Tiếp tục những vấn đề dư luận đang quan tâm về dự luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là dự luật đặc khu), Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH.
Ông Lê Thanh Vân bày tỏ: “Theo tôi, dự luật này chưa thể thông qua mà cần dời lại để bàn cho kỹ, cần thiết thì phải xin ý kiến nhân dân!”.
“Cốt tử là môi trường đầu tư chứ không phải ưu đãi”
. Phóng viên: Còn 10 ngày nữa, các ĐBQH sẽ bấm nút để quyết định số phận dự luật đặc khu. Quan điểm ông về dự luật này thế nào?
+ ĐBQH Lê Thanh Vân: Dự luật về đặc khu kinh tế có mục tiêu đúng, là mong muốn thiết kế được một “phòng thí nghiệm về thể chế”, tạo ra sự đột phá cho sự phát triển như tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, nội dung của dự thảo luật còn một số vấn đề cần phải tiếp tục đánh giá kỹ càng, tạo nhận thức chung, phù hợp với mô hình và đặc điểm của nước ta.
. Nhiều chuyên gia, trí thức lên tiếng phản biện về tính khả thi cũng như những băn khoăn về vấn đề chủ quyền lãnh thổ… liên quan đến dự luật này, ông cho biết cụ thể góc nhìn của một ĐBQH đại diện cho cử tri cả nước?
+ Theo tôi, các vấn đề cần phải đánh giá kỹ, trước hết là mô hình đặc khu. Đến nay, thế giới đã trải qua ba thế hệ của mô hình đặc khu: Cảng tự do sơ khai, các đặc khu kinh tế mở và đặc khu kinh tế hướng vào các giá trị lõi.
Ở thế hệ thứ hai, do bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực còn bị khép kín nên rất cần mở cửa với các ưu đãi vượt trội, hấp dẫn, lôi kéo mọi nguồn lực.
Ngày nay, kinh tế thế giới, khu vực đã thay đổi theo hướng mở với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Do vậy, vấn đề cốt tử là môi trường đầu tư chứ không phải là các ưu đãi.
. Như ông nói, dự luật đưa ra quá nhiều ưu đãi như thời hạn cho thuê đất đến 99 năm, phát triển casino và các dịch vụ nghỉ dưỡng… và lo ngại hơn dự luật này cho phép kinh doanh quân trang quân dụng, linh kiện, trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng, ông nghĩ sao?
+ Với việc xây dựng các “đặc khu” đặt ra ở dự thảo luật lần này, chúng ta phải xác định rõ những nhu cầu chiến lược cần thu hút đầu tư mà theo tôi là công nghệ cao, công nghệ vượt trội.
Do đó, quan điểm của tôi là dự luật chỉ nên ưu đãi lĩnh vực mà đất nước đang cần.
Nếu ưu đãi tràn lan, một mặt sẽ vi phạm các cam kết trong các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết. Mặt khác, tạo sự bất bình đẳng về chính sách đối với các đối tác trong nước, tạo ra “cuộc đua xuống đáy” như các chuyên gia đã cảnh báo.
Cần lắng nghe ý kiến phản biện vì lợi ích chung
.Còn việc cho thuê đất thời hạn 99 năm, ông có cảnh báo gì?
+ Vấn đề nữa có liên quan đến ưu đãi là thời hạn cho thuê đất lên tới 99 năm. Đây là vấn đề khiến dư luận xã hội đang rất bức xúc, bởi nó rất nhạy cảm với an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ.
. Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng về kỹ thuật lập pháp đối với dự thảo luật về đặc khu này có vấn đề, ông có thể chỉ ra những “lỗi kỹ thuật” trong dự luật này?
+ Tôi cho rằng những vấn đề liên quan đến kỹ thuật lập pháp, rất cần phải hoàn thiện cho kỹ.
Trong dự thảo luật đặc khu kinh tế có một số vấn đề về kỹ thuật lập pháp tôi thấy chưa ổn. Đó là tên luật và cách định nghĩa về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Đây là điều không phù hợp với khoa học lập pháp.
Tôi đã nhiều lần kiến nghị rằng chỉ nên ban hành đạo luật về đặc khu. Trong đó định nghĩa đặc khu là đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, để phân biệt với các đơn vị hành chính thông thường (tỉnh, huyện, xã) như đã ghi trong hiến pháp. Còn việc thành lập từng đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) thì ban hành nghị quyết riêng. Tuy nhiên, ý kiến của tôi chưa được chấp nhận.
Bởi vậy, theo tôi, dự án luật này nên được dời lại để chuẩn bị kỹ hơn. Nếu cần thiết thì xin ý kiến nhân dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân. Với một số vấn đề nhạy cảm, phải xin ý kiến từng ĐBQH trước khi trình QH xem xét, quyết định.
. Dự luật này QH có xin ý kiến từng ĐBQH trước khi đưa ra để bàn, xem xét thông qua?
+ Về kỹ thuật lập pháp, như cách làm luật hiện nay, ít khi lấy ý kiến đối với từng ĐBQH.
. Trước tình hình người dân đang rất lo ngại về những nguy cơ dẫn đến nếu dự luật được QH thông qua ở kỳ họp lần này, ông nghĩ việc cần làm lúc này là gì?
+ Tôi nghĩ lãnh đạo Đảng, Chính phủ, QH phải lắng nghe đầy đủ các ý kiến đóng góp, phản biện vì lợi ích chung của đất nước.
Theo tôi, dự luật này chưa thể thông qua mà cần dời lại để bàn cho kỹ, cần thiết thì phải xin ý kiến nhân dân!
. Xin cám ơn ông.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Vân cho hay sáng 4-6, ông đã gặp lãnh đạo cấp rất cao của Đảng và bày tỏ đề nghị dự luật này có nhiều nội dung chưa ổn, cần dời thời gian để chuẩn bị kỹ, nhất là thời hạn cho thuê đất. Theo ông Vân, vị lãnh đạo đã rất lắng nghe và tiếp thu đề nghị của ĐB. |
NGUYỄN ĐỨC thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét