Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

NHỮNG Ý KIẾN TRÁI CHIỀU NHAU VỀ LUẬT AN NINH MẠNG GIỮA LS VŨ TRẦN HÀ VÀ LS TRẦN VŨ HẢI?

Hiểu thế nào về Luật An ninh mạng?

17/06/2018 20:50 GMT+7

Luật sư Vũ Thái Hà. Ảnh: Minh Hà

TTO - Luật An ninh mạng ra đời, thực tế chỉ là sự hệ thống hóa, tập trung và nâng thành luật các quy định về quản lý an ninh mạng trước đây được ban hành và nằm rải rác tại nhiều quy định khác nhau.

Luật An ninh mạng được ban hành là nhằm bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Vũ Thái Hà - Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho rằng Luật An ninh mạng ra đời thực tế chỉ là sự hệ thống hóa, tập trung và nâng thành luật các quy định về quản lý an ninh mạng trước đây được ban hành và năm rải rác tại nhiều quy định khác nhau. 
Theo ông Hà, Luật An ninh mạng liệt kê rất nhiều các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên mạng. 
Về cơ bản có thể phân loại các hành vi cấm này thành các nhóm như: nhóm hành vi sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm hại tới các quan hệ kinh tế, danh dự, nhân phẩm của công dân; nhóm hành vi chống phá nhà nước, phá hoại đoàn kết dân tộc, gây mất uy tín của các cơ quan tổ chức; nhóm hành vi về tấn công mạng, khủng bố, gián điệp, tội phạm mạng; nhóm hành vi về chống lại hoạt động bảo vệ an ninh mạng. 
Tuy nhiên, luật không có bất cứ quy định nào thiết lập sự cấm đoán hay cản trở công dân hoạt động trên không gian mạng nói chung hay mạng xã hội nói riêng.
* Thực tế, trước và sau khi dự thảo luật được Quốc hội thông qua, người dân rất lo ngại về điều khoản liên quan đến thông tin người dùng?
- Luật sư Vũ Thái Hà: Các quy định về việc nhà cung cấp dịch vụ mạng phải cung cấp thông tin trước khi Luật An ninh mạng ra đời đã được quy định bởi các văn bản pháp luật khác. Việc yêu cầu cung cấp thông tin về người sử dụng không gian mạng của cơ quan chức năng trước đây, khi thực thi pháp luật vẫn thường được thực hiện và phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Các quy định về cung cấp thông tin người dùng không phải là quy định mới được ban hành trong Luật An ninh mạng.
* Vậy luật này có hạn chế tự do báo chí, tự do ngôn luận như dư luận đang hiểu không, thưa luật sư?
- Luật An ninh mạng không có quy định nào hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Tuy nhiên, luật cụ thể hóa và liệt kê khá chi tiết các hành vi bị cấm do vi phạm pháp luật khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Các hành vi này cũng đã được quy định là hành vi vi phạm pháp luật trong Bộ luật Hình sự. Do đó, thực tế nó chỉ cụ thể hóa hành vi trong bộ luật riêng mà thôi.
* Dư luận cũng lo lắng rằng khi luật có hiệu lực pháp luật thì sẽ tác động đến các nhà đầu tư nước ngoài, lo lắng này thực sự có đáng lo không?
- Luật An ninh mạng không có mục đích ngăn chặn các nhà đầu tư nước ngoài, mà ngược lại, nó có mục đích giúp các hoạt động trên không gian mạng trở nên lành mạnh hơn. Tuy nhiên, việc luật thiết lập các quy định nghiêm ngặt cần phải đáp ứng trên không gian mạng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mạng sẽ khiến cho các doanh nghiệp nước ngoài cần phải cân nhắc kỹ càng hơn khi tham gia hoạt động kinh doanh trên không gian mạng tại Việt Nam.
* Nhiều người cũng cho rằng nếu luật có hiệu lực thì Google, Facebook hay các nhà cung cấp khác rời khỏi Việt Nam và chúng ta trở về "thời kỳ thủ công", "kỷ nguyên 0.4" trước đây. Ông thấy nhận định này ra sao?
- Câu trả lời là có và không. Luật An ninh mạng quy định một loạt các nghĩa vụ mà doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải thực hiện như: 
a) Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng; 
b) Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin bị cấm trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ; 
c) Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung bị cấm khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và truyền thông.
Hiểu thế nào về Luật An ninh mạng? - Ảnh 2.
Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Trong ảnh: Người dân tụ tập bày tỏ ý kiến về dự thảo luật về đặc khu ngày 10-6 - Ảnh: TT
Ngoài ra, luật cũng có quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân. 
Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Với các quy định khá chặt chẽ này, việc Google, Facebook hay một số nhà cung cấp khác có thể rời khỏi Việt Nam nếu họ thấy rằng họ không thể đáp ứng các quy định của Luật An ninh mạng. Cá nhân tôi cho rằng, họ sẽ không rời Việt Nam nếu thị trường Việt Nam vẫn mang lại lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh của họ và việc đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam không khiến uy tín của họ bị ảnh hưởng trên trường quốc tế.
* Các chuyên gia cho rằng sẽ có khó khăn trong việc thực thi luật này vì chồng chéo nhiều luật khác, theo ông thì sao?
- Luật An ninh mạng ra đời là sự tập hợp, thống nhất, hệ thống hóa và nâng thành luật các quy định của pháp luật trước đây. Sự khó khăn thực thi các quy định của luật này theo kinh nghiệm của cá nhân tôi sẽ nằm ở việc xác định phạm vi điều chỉnh của luật. 
Hoạt động trên không gian mạng khác với các hoạt động trong không gian truyền thống ở việc xác định phạm vi. Không gian mạng là thứ vô hình, không biên giới. Do đó, việc xác định phạm vi điều chỉnh về mặt lãnh thổ đối với hoạt động trên không gian mạng sẽ là điều vô cùng khó khăn. Nếu chúng ta không thể ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết và khả thi trong việc xác định phạm vi điều chỉnh về lãnh thổ, Luật An ninh mạng sẽ khó có thể thực thi trong đời sống.
Cảm ơn ông!
HÀ CHÂU thực hiện

LS. Trần Vũ Hải: LUẬT AN NINH MẠNG CHẮC CHẮN PHẢI SỬA ĐỔI...

 Kết quả hình ảnh cho Luật sư Trần Vũ hải


Luật An ninh mạng (ANM) chắc chắn phải được sửa đổi, nếu không doanh nghiệp Việt sẽ lụn bại.

Thị trường chứng khoán rất nhậy cảm về những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội "nghiêm trọng". Tuy nhiên, khi Quốc hội quyết định lui thông qua Luật Đặc khu vào thứ hai 11/6/2018 và có nhiều cuộc biểu tình vào chủ nhật 10/6, có một số cuộc vào 11/6 tại nhiều địa phương, riêng biểu tình tại Bình Thuận có nhiều yếu tố "bạo động", song thị trường chứng khoán Việt đến chiều 11/6 vẫn không bị tác động. Điều đó chúng tỏ hai yếu tố chính trị trên không được các nhà đầu tư đánh giá "ảnh hưởng nghiêm trọng". Thế nhưng, ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua luật ANM vào 9h57 sáng thứ ba 12/6/2018, thị trường chứng khoán đã bị chao đảo, có lúc giảm gần 30 điểm (giảm gần 3%). Đến phiên chiều có hồi phục chút ít, nhưng cũng giảm 18 điểm (1,8%). Nói cách khác các nhà đầu tư đã khá hoảng loạn trước Luật ANM.


Hiện tôi đang nghiên cứu các điều khoản của Luật ANM, và rất tiếc phải thông báo với các bạn doanh nghiệp, đầu tư, khởi nghiệp rằng : Luật này sẽ gây chi phí rất lớn cho các bạn, nhiều rủi ro sẽ luôn rập rình. Các bạn sẽ là người bị ảnh hưởng tiêu cực nhất, chứ không phải quyền tự do ngôn luận của các công dân mạng.

Tôi cho rằng, vì lợi ích của nền kinh tế Việt và giới doanh nghiệp Việt, Luật ANM phải được sửa đổi!

Tôi biết rằng tướng Tô Lâm là một người rất quan tâm đến phát triển kinh tế Việt, ông không phải là người đề xuất Luật này, dù đương kim Bộ trưởng Công an. Chắc chắn nếu giới doanh nghiệp Việt thảo luận với tướng Tô Lâm một cách thẳng thắn, việc sửa đổi Luật ANM sẽ sớm xảy ra. Ông Lâm từng đồng ý huỷ bỏ điều 292 Bộ Luật Hình Sự 2015, sau khi giới khởi nghiệp và các hiệp hội công nghệ thông tin phản ứng, dù điều luật đó được quân của ông lobby cho vào BLHS (mà tướng Nguyễn Thanh Hoá, cựu cục trưởng C50, hiện đã vào lò, là người tích cực nhất).

Cá nhân tôi sẽ sẵn sàng có những buổi thuyết trình về Luật ANM cho giới doanh nghiệp, đầu tư, khởi nghiệp và các nhà hoạch định chính sách kinh tế Việt nam (ưu tiên và miễn phí cho 5 doanh nghiệp đầu tiên có đề nghị). Tôi cũng xin tiết lộ: hôm qua, ngay sau khi Luật ANM được thông qua, tôi đã trao đổi một nhà tư vấn kinh tế cao cấp của Chính Phủ, vị này cho biết nhiều quan chức cấp cao cũng chưa hiểu rõ hết nội dung và tác động của Luật ANM. Vị đó tỏ đáng tiếc các hiệp hội về công nghệ thông tin, truyền thông tuy phản ứng quyết liệt, nhưng quá muộn (chiều ngày 11/6/2018 mới gửi kiến nghị, trong khi sáng 12/6 Quốc hội đã bấm nút để thông qua Luật ANM). Nhưng hiện Việt nam và EU vẫn chưa hoàn tất thủ tục ký Hiệp định thương mại tự do Việt nam - EU EVFTA. Chắc chắn luật ANM sẽ bị đối tác EU (và cả những đối tác quan trọng khác của Việt nam) soi kỹ. 

Thiết nghĩ, nếu luật ANM phải sửa đổi do áp lực trong nước, sẽ chứng tỏ Việt nam độc lập, tự chủ hơn nhiều so với việc phải sửa do áp lực từ bên ngoài. Chắc các nhà lãnh đạo Việt nam cũng sẽ nhất trí quan điểm này?

Nếu các bạn là nhà doanh nghiệp, đầu tư hay đơn giản muốn sửa đổi luật ANM để đảm bảo được lợi ích tốt hơn cho công dân và đất nước, hãy chia sẻ nhé!

Không có nhận xét nào: