Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2018

Thanh Hóa, kẻ thù của cụ Hồ

Bởi
 AdminTD
 -

Bá Tân
30-6-2018
Cách đây 73 năm, lịch sử Việt Nam ghi dấu sự kiện mãi mãi không quên: nạn đói 1945, hàng triệu người bỏ mạng chỉ vì không có cơm ăn.
Chết là đau thương, chết đói không những đau thương mà còn nhục nhã. Nhục cho một quốc gia, nhục cho một thể chế, không lo nỗi bữa ăn cho dân, để người dân phải lăn ra chết đói. Nhục nhã quá.
Khi xẩy ra đại sự thảm thương ấy, cụ Hồ kêu gọi mọi người chung tay diệt giặc đói, và hơn thế nữa, chính cụ nêu gương bằng cách mỗi tuần nhịn ăn một bữa góp phần cứu đói. Chi tiết ấy thể hiện nhân cách và đạo làm người của cụ Hồ, nói đi đôi với làm, thực lòng chia sẻ khó khăn mất mát với người dân.
Đánh giá thế nào là quyền của người đọc. Tuy nhiên đánh giá thỏa đáng khách quan với kiểu nói lấy được là hai cách rất khác nhau. Xin đừng nhẫn tâm “ném đá” làm tổn thương việc làm bình dị nhưng cao đẹp của cụ Hồ.

Việt Nam đang là nước nghèo. Hầu hết các địa phương vẫn chưa ra khỏi tỉnh nghèo. Thế mà chẳng thấy quan chức thời nay “học tập, làm theo” cụ Hồ giúp dân thoát nghèo. Quan chức thời nay cực giàu, đại giàu, còn dân vẫn giữ vững “truyền thống” nghèo rớt mồng tơi, có những nơi dân sống chẳng khác gì chị Dậu thuở xưa.
Thanh Hóa, địa phương có dân số lớn nhất so với các tỉnh trong cả nước. Láng giềng của Thanh Hóa là Nghệ An, địa phương có diện tích tự nhiên đứng đầu Việt Nam. Bạt ngàn rừng vàng và biển bạc, nhưng đến tận bây giờ, Thanh Hóa luôn bội chi, làm không đủ ăn, vẫn “kiên định” tỉnh nghèo.
Trong các mùa giáp hạt, kể cả dịp tết Nguyên Đán, Thanh Hóa luôn có tên trong danh sách các địa phương xin trung ương hỗ trợ gạo cứu đói cho dân. Riêng tết Nguyên Đán 2018 vừa qua, Thanh Hóa trịnh trọng phát văn bản xin trung ương cứu trợ 700 tấn gạo cứu đói cho dân. Mặc dù lượng gạo dự trữ quốc gia không nhiều nhưng trung ương không thể từ chối, chắng lẽ để một bộ phận dân cư Thanh Hóa đón giao thừa trong tình trạng “ngắc ngoải” không có cơm ăn. Việc làm của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, xin trung ương cấp gạo cứu đói, khác chi kẻ hành khất đứng trước cổng chợ xin ăn.
Đang là tỉnh nghèo và sẽ còn nghèo (trong khi quan chức cực giàu), vậy mà tỉnh này “làm dự án” tổ chức kỉ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa với tổng kinh phí dự trù hơn 100 tỷ đồng, trong đó hơn 80% thuộc ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước là tiền thuế của dân, là mồ hôi nước mắt của dân nghèo Thanh Hóa. Lấy tiền thuế của dân đánh bóng danh tiếng của một tỉnh nghèo, chỉ có lợi cho quan chức, còn dân thêm mất mát và càng nghèo.
Cụ Hồ nhịn ăn để góp phần cứu đói cho dân. Thanh Hóa đang là tỉnh nghèo nhưng lãnh đạo địa phương lại sử dụng phung phí tiền thuế của dân, làm tăng thêm nghèo đói cho dân. Cái cách “lãnh đạo” của quan chức Thanh Hóa trái ngược với việc làm vì dân của cụ Hồ. Xét về bản chất, trong việc làm cụ thể này, Thanh Hóa tự xác nhận là kẻ thù của cụ Hồ.
Các công sở ở Thanh Hóa, nhất là tỉnh ủy và UBND tỉnh, dành nơi trang trọng nhất căng băng rôn chữ đậm: “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tràn ngập băng rôn khẩu hiệu trên tường, ngoài đường, dọc phố, đầu làng… Người ta treo băng rôn khẩu hiệu theo kiểu chạy theo phong trào, đánh lừa dư luận, lấy lòng cấp trên, còn việc làm sặc mùi toan tính cá nhân, vì lợi ích nhóm.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An (trái) trao quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: báo Nghệ Anh
Sinh thời cụ Hồ nhiều lần về thăm Thanh Hóa, tỉnh này coi đó là sự kiện lịch sử đặc biệt. Giá như bây giờ cụ Hồ còn sống, về thăm lại tỉnh này, cụ sẽ rất buồn, bởi đến nay Thanh Hóa vẫn chưa thoát nghèo, cụ lại càng buồn (thậm chí tức giận) khi biết tỉnh này dùng tiền thuế của dân nghèo tổ chức kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa.
Tổ chức kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa vào thời điểm địa phương này có những “sự kiện” khó phai mờ: xuất hiện tài năng vượt trội của chân dài Quỳnh Anh, đại biểu quốc hội Đinh La Thăng từ thành phố Hồ Chí Minh được chuyển đến đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, nơi đầu tiên trong cả nước tạo ra “mô hình” thu phí tiền cỏ chăn dắt trâu bò…
Lịch sử Thanh Hóa đã trải qua gần 1000 năm, một trong những địa phương có “tuổi thọ “cao nhất cả nước. Lịch sử nước Mỹ chỉ mới đi qua hơn 200 năm. Về tuổi tác, nước Mỹ phải gọi Thanh Hóa bằng cụ. Về uy danh và thực lực (trên mọi mặt), nước Mỹ như một dãy núi hùng vỹ ngất trời, Thanh Hóa chỉ là hòn sỏi sứt mẻ méo mó.
_____

Không có nhận xét nào: