Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

Bác Đỗ Mười

Bởi
 AdminTD
 -

2-10-2018
Tôi gọi bằng bác, vì ông hơn bố tôi gần mười tuổi. Ông lại là rể quê tôi. Vợ chính thất của ông, bà Tạ Thị Thanh, cùng họ, ở xã bên. Có ông con rể to cỡ bác Đỗ Mười đâu phải cứ muốn là được!
Khi bác Đỗ Mười làm quan lớn tỉnh Hà Đông rồi sau đó là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình… thì bố tôi mới/ vẫn chỉ phọt phẹt quan xã. Nhưng sự cuồng tín chủ nghĩa cộng sản thì bố tôi ăn đứt bác.

Tôi không nói vô căn cứ. Nếu bảo bác Đỗ Mười chứng minh lòng trung thành với Đảng bằng việc đòm chết thằng con, chắc chắn bác không làm. Nhưng nếu cấp trên có ý định thử bố tôi như vậy, thì tôi sẽ phải tìm cách trốn lên rừng thật nhanh! (Giờ nghĩ lại, may mà cụ khốt mình chỉ làm đến bí thư xã, rồi bị đuổi ra khỏi đảng khi mới ngoài bốn mươi tuổi, về vườn sớm, chứ vớ vẩn cụ mà leo lên đến chức đầu triều như bác Đỗ Mười thì không khéo đất nước còn tan hoang hơn).
Suốt thời bé, bố hay kể cho chúng tôi nghe về giai thoại bác Đỗ Mười đóng giả dân thường để “thử” một số cán bộ Nhà nước như công an, mậu dịch viên, bác sỹ bệnh viện… Chẳng hạn như mấy chuyện sau đây.
1- Lần ấy bác Đỗ Mười (trong vai nông dân) vào cửa hàng ăn mậu dịch, khi bác rình thấy một anh công an đẹp trai cũng vào ăn. Cả bác và anh công an đều gọi phở thịt lợn (thời ấy gọi là phở có người lái). Lát sau cô mậu dịch viên bưng ra hai bát phở, bát nhiều thịt hơn thì đưa cho bác, còn bát kia lèo tèo mấy mụn thịt vụn thì đưa cho anh công an.
Thấy vậy bác Đỗ Mười bảo với cô nhân viên là bác không ăn được thịt, muốn đổi cho anh công an. Cô mậu dịch viên bèn gắt ầm lên, bảo bác là vớ vẩn, không ăn thì bỏ thịt đi, không đổi chác gì cả. Nhưng bác Đỗ Mười vẫn tiếp tục kì kèo. Cuối cùng, có thêm ý kiến khách hàng, cô mậu dịch bất đắc dĩ phải đổi. Bấy giờ bác Đỗ Mười mới sục đũa xuống (vì bác biết tỏng) và moi lên những miếng thịt nạc rất ngon được cô mậu dịch viên khéo léo vùi bên dưới để che mắt thiên hạ nhưng không qua được mắt bác Đỗ Mười.
2- Cũng trong vai nông dân, lần này bác Đỗ Mười vào khám cùng với một phụ nữ trẻ, đẹp tại một bệnh viện cấp tỉnh. Thấy gái, anh bác sỹ tít mắt lên. Anh ta bỏ mặc “ông già nông dân” nằm rên hừ hừ, khám rất kĩ cho cô gái trẻ đẹp kia. Bác Đỗ Mười-trong vai nông dân-bèn nêu thắc mắc thì bị anh bác sỹ mắng té tát cho một trận nên thân.
Những chuyện kiểu như vừa kể đều hạ màn giống nhau: đó là ngay sau cuộc cãi vã với ai đó, lập tức có một chiếc xe con –biểu trưng của quyền lực lúc bấy giờ- xuất hiện đón bác Đỗ Mười, khiến cô mậu dịch, anh công an, anh bác sỹ… đều sợ tái xanh tái xám cả mặt mũi. Thật đáng đời! Vì khi họ biết là bác Đỗ Mười đi “vi hành” thì mọi chuyện đã muộn.
Trừ một lần suýt gặp hạn về cuốn sách có chút liên quan đến trách nhiệm của bác Đỗ Mười với Hiệp định dầu khí Việt-Xô, tôi không có ấn tượng gì đặc biệt với bác. Trước những lời kết tội bác là hung thần làm tan hoang miền Nam khiến hàng triệu người bỏ đất nước ra đi, hay những lời đồn dai dẳng về “mật ước” Thành Đô khiến Việt Nam quay trở lại lệ thuộc Trung Quốc, thì tôi chỉ biết rõ nhất một điều: Mình không đủ thông tin và trong cả hai sự kiện tai tiếng ấy, bác Đỗ Mười đều là người thực thi nhiệm vụ được giao. (Thời triệt hạ nền kinh tế miền Nam sau năm 1975, bác Đỗ Mười còn “bé tí” so với hàng chục ông lớn khác). Cơ chế ở ta là tập thể lãnh đạo, tập thể đưa ra quyết định. Một khi được giao nhiệm vụ, cỡ như bác Đỗ Mười có muốn thoái thác cũng khó!
Nhưng tình cảm của bố tôi với bác Đỗ Mười thì đầy tính đảng và vì thế mà vô cùng bi kịch! Bố tôi luôn coi bác Đỗ Mời là thần tượng, là “bậc đàn anh trên con đường cách mạng”, như ông vẫn thường trang nghiêm bảo thế. Với bố tôi, bác Đỗ Mười là người mẫu mực về lòng tận tụy, về sự trong sạch và nghiêm khắc, mặc dù cụ khốt cũng chẳng hề có thông tin gì cụ thể mà chỉ nghe qua tuyên truyền.
Bố và tôi cãi nhau khá nhiều, thậm chí có lúc đã gần tới mức bị cụ khốt từ mặt, chỉ vì bác Đỗ Mười. Nhớ nhất lần tôi kể chuyện đoàn cán bộ huyện Chương Mỹ ra chia buồn với bác Đỗ Mười về việc vợ đầu của bác từ trần. Sau khi đoàn vào lễ bái, họ cũng được bác Đỗ Mười tiếp. Nhưng thay vì cảm ơn, bác truy hỏi ông bí thư là huyện có bao nhiêu ngọn núi, cả huyện nuôi bao nhiêu con gà…khiến ông trưởng đoàn viếng tang sợ rúm vó và tất nhiên là…cứng họng! Có lẽ giọng kể của tôi có phần cợt nhả khiến bố tôi tím mặt và gầm lên: “Người ta quan tâm sát sao thế thì tốt hay xấu, hả?”
Lần khác tôi kể chuyện nghe từ một lãnh đạo Dầu khí, rằng khi sang thăm Hàn Quốc, bác Đỗ Mười được chủ nhà dẫn đi xem một nhà máy đóng tầu thủy rất hiện đại. Bác Đỗ Mười bị choáng ngợp trước những gì hiện ra trước mắt. Bác bèn quay lại bảo với những người trong đoàn, rằng các anh phải làm sao để nước mình cũng được thế kia. Trong đoàn có ông phó thủ tướng, khi nghe vậy bèn ghé tai vị lãnh đạo Dầu khí nói vụng: “Làm gì ông cũng cấm, thì cứ chờ đấy mà bằng người ta”. Tôi chỉ kể lại cho bố những gì nghe được, không hề bịa thêm tí ti. Nhưng bố tôi vẫn giận lắm. Ông bỏ cơm giữa chừng đi nằm, không chịu nổi thần tượng của mình bị giễu cợt, để nửa đêm trở dậy ngồi lẩm bẩm chửi tôi cho đến sáng.
Về cuối đời, bố tôi khi đó thuộc thành phần rất bất mãn, có một sở thích tai quái là ngày nào cũng ngồi chửi nhau với cái… tivi, vào đúng chương trình thời sự tối. Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng… ông gọi tuốt tuột bằng thằng, đồ ăn hại, đồ toi cơm…
Bố tôi, một chiến sỹ cộng sản trung kiên bị đuổi ra khỏi đội ngũ tinh hoa mà chửi thì chua chanh và ác khẩu vào loại nhất thế giới. Một lần bố không chửi như thường lệ, mà cứ hầm hè đầy vẻ ấm ức. Mãi sau, dường như không nín nhịn được nữa, ông hét lên: “Đ.mẹ các ông! Hóa ra tôi bị các ông lừa”.
Tôi ở trong buồng tò mò ngó nhanh ra ngoài, thì thấy trên màn hình tivi lúc ấy bác Đỗ Mười đang “chém gió” bằng tay trái.

Không có nhận xét nào: