Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Căng thẳng Biển Đông có thể gây ra chiến tranh

Kính Hòa RFA

Chiến hạm Decatur của Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông. 10/2016.
Chiến hạm Decatur của Mỹ đang hoạt động ở Biển Đông. 10/2016.
 AFP
Sự việc tàu khu trục Hoa Kỳ Decatur thực hiện một hải trình sát các bãi đá Trung Quốc đang chiếm giữ ở Trường Sa là Gaven và Garma vào 30 tháng 9, là tiếp nối một loạt các hải trình của tàu chiến phương Tây vào Biển Đông thách thức Trung Quốc, diễn ra chỉ trong thời gian chưa đầy nửa năm.

Cuối tháng 9, một tàu chiến Hàn Quốc, đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Á đi sát quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm giữ. Sau khi Bắc Kinh phản đối, Hàn Quốc nói rằng tàu của họ tránh bão.
Ngày 17/9 tàu ngầm Nhật Bản ghé cảng Cam Ranh của Việt Nam sau một cuộc tập trận trên Biển Đông với các tàu chiến của Nhật.
Đầu tháng 9 tàu chở trực thăng Kaga của Nhật vào Biển Đông.
Cuối tháng 8, chiến hạm Anh HMS Albion đi sát Hoàng Sa.
Tháng 5, tàu đổ bộ Pháp Dixmude đi ngang qua Trường Sa.
Trong cùng thời gian đó máy bay ném bom chiến lược B52 của Mỹ đã hai lần bay ngang qua vùng trời Biển Đông.
Bình luận về những sự kiện này, ông Nguyễn Thành Trung, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Sài Gòn nói với chúng tôi rằng dường như liên minh phương Tây đã đạt được một sự đồng thuận trong việc thách thức Trung Quốc ở Biển Đông.
Chính sách cải tạo đảo của họ là như vậy, lấn từng bước từng bước, và họ đã thành công, tránh làm kinh động các quốc gia khác.
-Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung.
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên nghiên cứu về Biển Đông tại Sài Gòn đồng ý nhận định này:
Biển Đông là nơi giao thương thương mại rất lớn. Thứ hai là Biển Đông cũng là nơi mà các bên đang thử sức nhau. Một bên là Hoa Kỳ muốn ngăn sự phát triển của Trung Quốc, vì sự phát triển đó không phải là sự phát triển đơn thuần mà kèm theo là sự hung hăng đe dọa toàn bộ thế giới. Vì thế nước Mỹ mới kêu gọi các đồng minh. Ngay từ năm ngoái đã có các quốc gia đồng ý, trong đó có Anh, Pháp,…cho tàu tuần tra khu vực Biển Đông. Và trong năm nay họ đã làm hình thành điều đó.”
Đối diện với sức ép tăng lên đó của phương Tây, Trung Quốc phản ứng như thế nào? Họ có chùn bước hay không?
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung trả lời:
“Trung Quốc đã tuyên bố hủy bỏ cuộc đối thoại giữa hai bộ trường quốc phòng trong tháng tới. Tháng rồi thì hủy chuyến thăm của tàu Mỹ vào Hongkong. Trung Quốc đang sử dụng tất cả các con bài có thể để chứng tỏ cho Mỹ biết rằng họ không để cho Mỹ bắt nạt.”
Cuối tháng 9, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc nói trong bài diễn văn đọc trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng Trung Quốc sẽ không để cho mình bị bắt nạt trong bất cứ vấn đề gì.
Bà Nông Hồng, một chuyên gia về quan hệ quốc tế của Trung Quốc, sau đó có làm rõ hơn, khi trả lời truyền thông Mỹ rằng một trong những vấn đề mà Bắc Kinh sẽ không để cho mình bị sức ép từ các nước khác, là vấn đề Biển Đông.
Thạc sĩ Hoàng Việt giải thích tiếp thái độ của Trung Quốc:
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là Trung Quốc không để cho ai bắt nạt. 28/9/2018.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là Trung Quốc không để cho ai bắt nạt. 28/9/2018. AFP
Trung Quốc cho rằng họ là một cường quốc và sắp trở thành siêu cường. Cho nên họ sẽ không rút lui đâu. Gần đây nhất là tàu Trung Quốc đã áp sát một cách nguy hiểm, không an toàn tàu khu trục của Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy Trung Quốc không dễ gì bị xuống nước.
Tôi có trao đổi với một số học giả Trung Quốc về cuộc chiến tranh thương mại, thì họ vẫn khẳng định rằng Trung Quốc không dễ gì chịu thua trong cuộc chiến thương mại này. Và chúng ta thấy phản ứng của Trung Quốc là chơi tới cùng với Hoa Kỳ.”
Ông Nguyễn Thành Trung cho rằng, trước mắt Trung Quốc có thể sẽ bị bận rộn với liên tục những hành trình của máy bay và tàu chiến phương Tây, nhưng không bao giờ quên mục tiêu cuối cùng của họ là kiểm soát Biển Đông:
“Có thể là họ nhẹ nhàng hơn chút xíu, rồi khi phe kia mất cảnh giác họ sẽ tiếp tục đạt mục tiêu của họ. Chính sách cải tạo đảo của họ là như vậy, lấn từng bước từng bước, và họ đã thành công, tránh làm kinh động các quốc gia khác.”
Từ hơn hai năm qua, Trung Quốc đã cho bồi đắp các đảo đá và bãi cạn mà họ đang chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với các nước Đông Nam Á, thành cắc căn cứ hậu cần quân sự, đường băng đáp máy bay,….
Tuy nhiên Thạc sĩ Hoàng Hiệp cũng khá lạc quan về tình hình hiện nay tại Biển Đông:
Nếu cuộc chiến thương mại này ảnh hưởng đến tốc độ tăng trường của Trung Quốc, họ sẽ tìm cách hướng các bất mãn trong nước ra bên ngoài, với một cuộc chiến tranh nào đó.
-Thạc sĩ Hoàng Việt.
Hồi năm ngoái, tôi mất cả niềm tin về Biển Đông, khi thấy Hoa Kỳ để cho Trung Quốc múa gậy vườn hoang. Nhưng bây giờ đã thay đổi. Điều đó cho thấy các quốc gia nhỏ như ASEAN đã có tiếng nói nhất định hơn trong việc này. Bởi vì Hoa Kỳ cũng cần các nước ASEAN đứng với họ. Các nước ASEAN cũng cần Hoa Kỳ hổ trợ, bởi vì trên thế giới bây giờ chỉ có một quốc gia có thể ngăn chận tham vọng biển của Trung Quốc, đó là Hoa Kỳ mà thôi.”
Ông Nguyễn Thành Trung thì cho rằng sự gia tăng sức ép của phương Tây ở Biển Đông là một cơ hội để cho Việt Nam tạo nên uy tín của mình trong việc tranh chấp ở Biển Đông.
“Nếu Việt Nam tuyên bố rõ ràng ủng hộ Mỹ và các quốc gia đồng minh trong chuyện tự do hàng hải, thì Việt Nam sẽ tỏ cho cộng đồng quốc tế rằng mình luôn tôn trọng luật pháp quốc tế, tạo ra một uy tín rất lớn cho Việt Nam.”
Trở lại với ý định dài lâu của Bắc Kinh tại Biển Đông, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập từ Singapore, cho rằng sức ép của phương Tây chỉ làm cho Trung Quốc càng quyết tâm với mục tiêu độc chiếm Biển Đông của mình. Mà khả năng tệ nhất có thể là nổ ra chiến tranh ở Biển Đông.
Bình luận về khả năng này, ông Hoàng Việt nói với chúng tôi rằng hiện Mỹ đang ép Trung Quốc cả về thương mại lẫn trên biển, và điều đáng lo là cuộc chiến thương mại lại có thể làm Trung Quốc quyết đoán hơn trên Biển Đông:
Nếu cuộc chiến thương mại này ảnh hưởng đến tốc độ tăng trường của Trung Quốc, họ sẽ tìm cách hướng các bất mãn trong nước ra bên ngoài, với một cuộc chiến tranh nào đó. Cuộc chiến tranh này không thể xảy ra với Mỹ được, vì Trung Quốc chả dại gì mà đụng vào Mỹ, một cường quốc hải quân. Họ sẽ tìm một quốc gia nhỏ nào đấy, có một sai lầm nào đấy, thì đó là một thách thức với các quốc gia ASEAN.”
Ông Nguyễn Thành Trung cũng cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn chiến tranh giữa đôi bên xảy ra.
Phía Mỹ cùng đồng minh, lẫn Trung Quốc đều cố gắng không đẩy vấn đề quá xa. Chủ yếu dằn mặt nhau. Trong vụ tàu Trung Quốc cản tàu Decatur của Mỹ, khi còn cách khoảng 40 mét, nó đã chuyển hướng để tránh va chạm.”
Nhưng đồng thời ông cho rằng việc một cuộc chiến hạn chế mà Trung Quốc muốn tiến hành với một quốc gia nhỏ nào đấy là có thể xảy ra để làm tan đi sự bất mãn tiềm tàng trong nước.
Trong lịch sử quan hệ Việt Trung suốt 2000 năm qua, các nhà sử học và chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã vài lần tấn công Việt Nam để giải quyết những lộn xộn về chính trị trong nước. Đó là cuộc tấn công của Nhà Tống vào thế kỷ 11 sau khi Tể tướng Vương An Thạch lên cầm quyền, cần đàn áp nhóm quan lại chống đối, và mới đây, 1979, Bắc Kinh đã xua quân tấn công Việt Nam trong một tháng. Cuộc tấn công này được cho là do Đặng Tiểu Bình tiến hành để tạo nên vị thế, thực hiện những thay đổi chính trị trong nước.

Không có nhận xét nào: