Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam có thể trở thành tâm điểm tấn công của Hoa Kỳ

Thứ Sáu, ngày 12/10/2018, 08:19


Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, rủi ro lớn là việc hàng Trung Quốc gắn mác Việt để xuất sang Hoa Kỳ nhằm tránh thuế trừng phạt. Nếu động thái này không được kiểm soát và ngăn chặn cũng có thể trở thành cớ để Hoa Kỳ trừng phạt Việt Nam.

 
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra hồi đầu tháng 7 đang có diễn biến căng thẳng khi mà ngày 9.10 vừa qua tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cho biết Trung Quốc chưa sẵn sàng đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Ông Trump khẳng định luôn sẵn sàng áp thuế mới trong trường hợp Trung Quốc trả đũa
Ngoài ra, ông Donald Trump một lần nữa nhắc lại lời đe dọa của ông về áp thuế quan bổ sung lên 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh tiếp tục trả đũa những hàng rào thuế quan mà ông đã dựng lên trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nước. Thông điệp này khiến nhà đầu tư lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ngày càng căng thẳng.
Về vấn đề này, “Góc nhìn chuyên gia” của Dân Việt cũng đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và cơ hội cho nông sản Việt
Thưa ông, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng trở nên căng thẳng. Là 1 trong quốc gia nhập khẩu nhiều tư Trung Quốc và có tỷ trọng xuất khẩu lớn vào Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong cuộc chiến này?
Trước hết phải nói đến 2 lần áp thuế đầu tiên Mỹ giành cho Trung Quốc.

Đợt áp thuế đầu tiên là vào đầu tháng 7 với giá trị hàng hóa 34 tỷ USD, tỉ lệ quá ít nếu so với tổng cộng 505 tỷ USD Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2017. Nghiên cứu kỹ hơn, các mặt hàng chịu thuế chủ yếu là hàng trung gian như máy móc cơ khí, máy móc thiết bị điện và điện tử, còn hàng tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 1%. Mức độ ảnh hưởng trực tiếp đối với kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là không nhiều.
Dựa vào số liệu thống kê kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ, trong 818 dòng sản phẩm mà Trung Quốc chịu thuế trừng phạt đợt này, các mặt hàng tương tự của Việt Nam xuất sang Mỹ năm 2017 chỉ có trị giá 1,2 tỷ USD và 5 tháng đầu năm 2018 cũng chỉ 545 triệu USD. Vì thế, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng gia tăng xuất khẩu sang Mỹ khi hàng Trung Quốc chịu thuế là không đáng kể.
Ngay cả trong đợt 2, khi Hoa Kỳ quyết định thuế với thuế suất 25% lên thêm 16 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, các sản phẩm cũng tương tự như đợt 1, đó là hàng trung gian, máy móc thiết bị. Tác động trực tiếp lên kim ngạch xuất khẩu cũng vẫn nhỏ. Thống kê cho thấy, những dòng sản phẩm tương của Việt Nam tự 279 dòng sản phẩm mà Trung Quốc chịu thuế trừng phạt, tính theo kim ngạch năm 2017 chỉ vào khoảng 3,2 tỷ USD.
Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang khi vào ngày 24.9.2018, chính quyền Hoa Kỳ quyết định áp thuế với thuế suất thêm 10% đánh vào hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo như danh sách do Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) công bố, 200 tỷ USD hàng Trung Quốc chịu thuế 10% bao gồm khoảng 5.800 dòng sản phẩm với các mặt hàng tiêu dùng như đồ nội thất, vali - túi xách, thủy sản và nông sản.
Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là máy móc thiết bị điện, điện tử (24,6%), máy móc thiết bị cơ khí (19,7%). Nhưng nhiều sản phẩm tiêu dùng cũng có trong danh sách như nội thất (16,7%), hóa chất (5,1%), nhựa, cao su (5%) và nông sản, thủy sản (2,7%). Tác động vì vậy sẽ sâu rộng hơn.
Tính cả 3 đợt, giá trị hàng Trung Quốc chịu thuế trừng phạt của Hoa Kỳ là 250 tỷ USD, gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc sang Hoa Kỳ.
 chien tranh thuong mai my - trung, viet nam co the tro thanh tam diem tan cong cua hoa ky hinh anh 1

Hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ VN (tương tự các dòng SP mà TQ chịu thuế suất thêm 10%), kim ngạch năm 2017: 13 tỷ USD
So với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, các sản phẩm tương tự mà Việt Nam cũng xuất sang Hoa Kỳ có giá trị khoảng 13 tỷ USD, trong đó đồ gỗ nội thất chiếm 36,7%, vali – túi xách chiếm 8,8% và nông thủy sản là 22,1%. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng này sang Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi; trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng cho thị trường nội địa sẽ phải chịu cạnh tranh mạnh hơn từ hàng Trung Quốc nhập vào.
Như ông có đề cập, sẽ có những mặt hàng hưởng lợi từ căng thẳng thương mại leo thang, vậy nông sản Việt có nằm trong số này hay không?
Trong thương mại quốc tế, nông sản luôn là nhóm hàng nhạy cảm vì ảnh hưởng đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đợt 1 và 2, hàng nông sản không xuất hiện trong danh mục đánh thuế trừng phạt của Hoa Kỳ. Trong 200 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc bị Hoa Kỳ đánh thuế thêm 10% vào đợt 3, nông sản, thủy sản và lương thực thực phẩm chế biến chỉ có giá trị 5,3 tỷ USD, chiếm 2,7%.
Thế nhưng, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách tập trung vào nông sản của Hoa Kỳ xuất sang nước này. Đậu nành là nông sản chịu tác động nhất mà Trung Quốc đã trả đũa ngày trong đợt đầu. Trong khoảng 20 tỷ USD nông sản Hoa Kỳ xuất sang Trung Quốc năm 2017, đậu nành có giá trị kim ngạch 12,7 tỷ USD, chiếm 63%.
Những nông sản khác bao gồm ngô, lúa mì, hoa quả tươi, hạt và một số sản phẩm sữa. Thịt heo nhập khẩu từ Hoa Kỳ cũng đã bị Trung Quốc áp thuế với thuế suất lên trên 70%.
Trong đợt 3, trong 60 tỷ USD hàng nhập từ Hoa Kỳ mà Trung Quốc áp thuế từ 5% đến 10%, nông sản quan trọng là bột coca và rau quả đông lạnh. Cộng cả 3 đợt, hầu như tất cả nông sản Hoa Kỳ xuất sang Trung Quốc đều chịu thuế trả đũa.
Chính quyền Hoa Kỳ hiện đang đối phó bằng cách đưa ra chương trình hỗ trợ 12 tỷ USD dành cho nông dân Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại. Gói hỗ trợ đầu tiên với giá trị 4,7 tỷ USD đang được giải ngân với 3,6 tỷ USD dành cho nông dân trồng đậu nành.
 chien tranh thuong mai my - trung, viet nam co the tro thanh tam diem tan cong cua hoa ky hinh anh 2
Hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ Việt Nam (tương tự các dòng SP mà TQ chịu thuế suất thêm 10%)
Đối với Việt Nam, khi thuế trừng phạt đợt 3 có hiệu lực, thì nông thủy sản là nhóm hàng quan trọng chịu tác động. Trong 13 tỷ USD tất cả các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ tương tự như hàng Trung Quốc chịu thuế 10%, nông sản và thủy sản (kể cả sản phẩ chế biến) có giá trị 2,9 tỷ USD, chiếm tới 22,1%, chỉ đứng sau hàng nội thất.
Việt Nam có thể trở thành tâm điểm trừng phạt của Hoa Kỳ
Vậy còn rủi ro xuất khẩu thì được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?
Một rủi ro lớn là việc hàng Trung Quốc chuyển tải (transshipment) qua Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ nhằm tránh thuế trừng phạt. Hoạt động này có thể là nhập xuất đơn giản hay phức tạp hơn là có chế biến giả tạo thông qua doanh nghiệp nội địa hay FDI ở Việt Nam. Transshipment nếu không được kiểm soát và ngăn chặn cũng có thể trở thành cớ để Hoa Kỳ trừng phạt Việt Nam.
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (32 tỷ USD theo tính toán của Hải quan Việt Nam, 38 tỷ USD theo phía Hoa Kỳ năm 2017), chỉ sau Trung Quốc (376 tỷ USD), EU (151 tỷ USD), Mexico (71 tỷ USD) và Nhật Bản (69 tỷ USD). Trung Quốc, EU và Mexico đều đã bị Hoa Kỳ thực hành chính sách áp thuế nhập khẩu. Nhật Bản cũng đang chịu sức ép để đám phán thương mại với Hoa Kỳ nếu không sẽ bị Hoa Kỳ áp thuế đối với xe ô-tô
Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở (tính bằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP) đứng thứ 7 trên thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 200% GDP. Nếu bị Hoa Kỳ đánh thuế trừng phạt, tác động đến nền kinh tế Việt Nam sẽ tiêu cực hơn rất nhiều so với các nền kinh tế EU, Mexico, Nhật Bản hay Trung Quốc.
Việc chuẩn bị cơ sở vững chắc để chứng minh Việt Nam không can thiệp tỷ giá để nâng cao tính cạnh tranh của xuất khẩu, các nỗ lực điều chỉnh để quan hệ xuất nhập khẩu cân bằng hơn và duy trì quan hệ ngoại giao tốt sẽ giúp Việt Nam tránh không bị tấn công bởi chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ.
Như ông đề cập, Việt Nam có thể sẽ rơi vào tầm ngắm “trừng phạt” của Hoa Kỳ, vậy trong trường hợp đó, nền sản xuất của Việt Nam sẽ chịu thiệt hại như thế nào?
Transhipment, hàng chuyển tải, tức là hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam rồi dán nhãn Việt Nam và xuất sang Mỹ để tránh thuế nếu không kiểm soát, sẽ làm cho Việt Nam thành tâm điểm để Hoa Kỳ tấn công.
Vừa qua, thép Việt Nam nhưng có xuất xứ từ Trung Quốc là một ví dụ khi bị Mỹ đánh thuế lên đến 450% (gồm 199,76% thuế chống phá giá và 256,44% thuế đối kháng). Một khi cơ quan thương mại Mỹ phát hiện ra thì các doanh nghiệp bị trừng phạt là ở Việt Nam, và không chỉ doanh nghiệp mà là cả nhóm sản phẩm. Không chỉ thuế cao mà còn ảnh hưởng đến uy tín, và dễ đưa Việt Nam vào tầm ngắm để Mỹ có thể hành động vì thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng rất lớn.
Tác động tiêu cực tới chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực chắc chắn cũng sẽ có. Tỷ trọng hàng chịu thuế trừng phạt lớn nhất là ở máy móc thiết bị cơ khí, điện điện tử, vốn là những hoạt động thương mại, chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất, tỷ trọng lớn thuộc về các tập đoàn đa quốc gia. Với chính sách đa dang hóa sản xuất, họ đều đã có nhà máy lắp ráp ở nhiều nơi, chứ không chỉ tập trung ở Trung Quốc.
Tác động sẽ không quá tiêu cực khi các tập đoàn này điều chỉnh suôn sẻ hoạt động sản xuất giữa các nhà máy của họ trên toàn cầu trong ngắn hạn. Về trung hạn, họ cũng sẽ có điều chỉnh đối với FDI đầu tư nhà máy mới. Đây có thể lại trở thành yếu tố tích cực cho Việt Nam khi dòng vốn FDI chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Điều hành tỷ giá theo cơ chế trườn bò
Một trong những yếu tố gián tiếp tác động tới giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đó chính là tỷ giá, vậy ông đánh giá về tỷ giá cũng như chính sách điều hành tỷ giá của NHNN trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?
Về mặt điều hành chính sách, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn muốn ổn định tỷ giá giữa tiền đồng với USD.
Tuy nhiên, trong thời gian qua đối với đồng USD, tỷ giá chính thức của các ngân hàng thương mại đều đã nhích lên trong thời gian qua. Chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do cũng xuất hiện. Điều này diễn ra trong bối cảnh các số liệu tăng trưởng vĩ mô trong nước của Việt Nam, cũng như thông tin về thị trường tiền tệ vẫn cho thấy dấu hiệu tích cực, khả quan.
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng xuất khẩu cao ở mức 16%, thặng dư trên cán cân vãng lai lên tới 8,2 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 6,7 tỷ USD, vốn gián tiếp nước ngoài chảy vào là 1,1 tỷ USD, tiền kiều hối gửi về là 4,8 tỷ USD. Có thể thấy, tỷ giá USD/VND chịu ảnh hưởng là từ những diễn biến trên thế giới và trong khu vực, cụ thể là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự xuống giá của NDT.
Đương nhiên với dự trữ trên 63 tỷ USD hiện nay, NHNN hoàn toàn có thể can thiệp mạnh để ổn định tỷ giá. Nhưng nếu quá cứng nhắc và chiến tranh thương mại còn leo thang nữa thì đến lúc buộc phải điều chỉnh thì mức điều chỉnh sẽ lớn và gây xáo trộn trên thị trường. Có thể hiểu động thái điều chỉnh tỷ giá USD/VND vừa qua của NHNN là dựa theo tín hiệu thị trường và căn cứ vào những tác động từ bên ngoài.
 chien tranh thuong mai my - trung, viet nam co the tro thanh tam diem tan cong cua hoa ky hinh anh 3
Biến động tỷ giá VND/USD
Chính sách tỷ giá nên theo hướng không để VND lên giá hay xuống giá quá nhiều so với mức bình quân của 8 đồng tiền là các đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam (USD, EUR, Nhân dân tệ, yên Nhật, won Hàn Quốc, đô la Đài Loan, đô la Singpore và baht Thái Lan).
Tính tới cuối tháng 8.2018, so với rổ 8 đồng tiền này, VND mới chỉ lên giá 0,76% kể từ đầu năm và 4,02% kể từ 31.3.
Xin cám ơn ông!
Nhằm đánh giá những kết quả đạt được, tác động của các chính sách cũng như đưa ra những giải pháp thúc đẩy nông sản Việt, ngày 14.10 tới đây, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương chỉ đạo tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ III với chủ đề “KHƠI NGUỒN NÔNG SẢN VIỆT”. Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) phối hợp thực hiện.
Diễn đàn sẽ có 3 phiên đối thoại chính thức. Phiên 1 có chủ đề “Tổng quan chợ nông sản Việt”; Phiên 2 có chủ đề “Cùng nông dân đi chợ”; Phiên 3 có chủ đề “Đưa nông sản Việt ra chợ thế giới”.
Tham dự và chủ trì Diễn đàn có đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.
Tham dự phiên đối thoại còn có đại diện: Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp và nông dân. Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ III “Khơi nguồn nông sản Việt” sẽ mang đến những giá trị to lớn cho thị trường nông sản Việt.
Lê Thúy thực hiện

Không có nhận xét nào: