Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Chính phủ dân túy Ý: Con ngựa thành Troie của Trung Quốc tại Châu Âu


Phó thủ tướng Ý Luigi Di Maio phát biểu trong một cuộc tập hợp của phong trào 5 Sao tại Roma, ngày 20/10/2018.

Hôm 27/04/2018 vừa qua 28 đại sứ Châu Âu ở Trung Quốc, kể cả đại sứ Ý, đã ký một tuyên bố có nội dung phê phán "Con đường tơ lụa" của Trung Quốc. Đó là một bản cáo trạng chống lại dự án toàn cầu đầu tư vào hạ tầng cơ sở do Tập Cận Bình đề xướng, vì dự án này "đi ngược lại với các chương trình của Châu Âu nhằm tự do hóa thương mại và chuyển dịch cán cân quyền lực có lợi cho các công ty Trung Quốc được nhà nước hỗ trợ".  

Mối hoài nghi của Châu Âu ngày càng gia tăng về sáng kiến "Một vành đai, một con đường", và Ủy ban Châu Âu cũng đã đề ra một kế hoạch thay thế.

Nhưng bây giờ lại chính là Ý với chính phủ dân túy 5 Sao và Lega Nord đã thay đổi quan niệm nói trên. Trong thời gian tới, khi Phó thủ tướng Luigi Di Maio (và là đương kim lãnh đạo chính trị của 5 Sao) quay trở lại Trung Quốc thì có thể Ý, quốc gia thành viên sáng lập của Liên hiệp Châu Âu (EU) sẽ là quốc gia G7 đầu tiên ký kết bản ghi nhớ (memorandum) với Trung Quốc về "Con đường tơ lụa".

RFI Việt ngữ đã trao đổi với thông tín viên Huê Đăng tại Roma về vấn đề này.

RFI : Thân chào anh Huê Đăng, cụ thể thì chuyện gì đã xảy ra từ hồi tháng Tư đến nay ở nước Ý ?
 
Huê Đăng : Từ đầu tháng 6 Phong trào 5 Sao và đảng Lega Nord đã thành lập chính phủ dân túy, có khuynh hướng ngoại giao nghiêng về phía "Đông". Lúc đó ai cũng chỉ nghĩ đến Nga (chỉ cần nhớ đến các tuyên bố thân Nga của Matteo Salvini, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Nội Vụ và là lãnh đạo chính trị của Lega Nord), và các động thái như chính phủ Ý lớn tiếng đòi bãi bỏ các biện pháp cấm vận đối với Nga hiện nay. Nhưng hóa ra phía "Đông" hiện thời mà Ý đang "ngóng trông" lại là Trung Quốc. 

Trong mấy tuần vừa qua đã có nhiều lãnh đạo chính phủ Ý liên tục công du sang Trung Quốc. Đầu tiên là Bộ trưởng Kinh tế Giovanni Tria, sau đó là Phó thủ tướng Luigi Di Maio. Tất cả đều muốn "nhanh tay nhanh chân". "Chúng tôi muốn hoàn tất bản ghi nhớ trong lần viếng thăm Thượng Hải vào tháng 11 tới" – ông Di Maio đã tuyên bố như thế với sự hiện diện của Thứ trưởng Michele Geraci. Ông Geraci là một nhân vật đã sinh sống và làm việc từ mười năm nay ở Trung Quốc, thông thạo tiếng Quan Thoại, là nhân vật chủ chốt của chính phủ Ý hiện nay trong các hoạt động quan hệ với nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh, chủ trì của một Task Force được thành lập ngay trong bộ Phát triển Kinh tế (mà Di Maio là Bộ trưởng).

Chính phủ Ý đang trông chờ gì trong việc gia tăng quan hệ hữu hảo với Trung Quốc ? Cũng rất dễ đoán ra: các công trình đầu tư. Chẳng hạn như tuần vừa qua ở Milano, Bộ trưởng Kinh tế Giovanni Tria đã có buổi gặp gỡ với nhân vật số hai của CIC (China Investment Corporation), quỹ đầu tư quốc gia (sovereign investment fund) của Trung Quốc. Dự kiến là đến đầu năm 2019 hai bên sẽ đi đến việc ký kết một thỏa thuận để thành lập quỹ đầu tư Ý-Trung Quốc trên cả hai thị trường.

Ngoài ra còn có những hải cảng nổi tiếng ở phía bắc vùng biển Adriatic và biển Tyrrhenian mà Bắc Kinh đang dự tính sẽ biến thành "đầu cầu" cho các tuyến vận chuyển thương mại hàng hải của Trung Quốc. Các tập đoàn hàng hải lớn Trung Quốc đang nhắm vào Trieste để có thể xây dựng một hải cảng mới rộng lớn. Thứ trưởng Michele Geraci đã hồ hởi: "Chúng tôi muốn là đối tác đầu tiên của Trung Quốc ở Châu Âu".

RFI : Nhưng cái giá phải trả cho tất cả các "sáng kiến" nói trên là gì, theo anh ? 

Đối với Trung Quốc, chữ ký của chính phủ Ý vào bản ghi nhớ về "Con đường tơ lụa" là một sự nhìn nhận quan trọng, một quả "bộc phá" để đánh thẳng vào trái tim của Châu Âu. Trước đây cũng đã có nhiều quốc gia Châu Âu ký bản ghi nhớ, nhưng đó là những quốc gia "ngoại vi" như Hungary, Hy Lạp, và Bruxelles cũng đã phản ứng bằng cách ngăn cản những nước khác ký tham gia ký tên. 

Nhưng trong trường hợp Roma thì lại khác, vì đây là quốc gia thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu, với nền kinh tế đứng hàng thứ ba ở Châu Âu (sau Đức và Pháp). Và việc Ý ký kết bản ghi nhớ sẽ xảy ra trong khi Liên hiệp Châu Âu đang đề xướng một kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở.

Hiện nay người ta đang thảo luận về một cơ chế để sàng lọc các dự án đầu tư mà chính Ý đã đề xướng với Pháp và Đức - vốn là những quốc gia đang lo ngại về những hoạt động "thâu tóm" của Trung Quốc trong lãnh vực kỹ thuật công nghiệp chiến lược. Nhưng ngược lại, thứ trưởng Ý Michele Geraci, trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg đã tuyên bố rằng Roma không còn quan tâm đến một chính sách đầu tư chung của Châu Âu vốn "có đến 28 nền kinh tế khác nhau với 28 lợi ích khác nhau".

Dĩ nhiên vì lợi ích của mình, Ý cũng cần đối thoại với Trung Quốc (cũng giống như ở Berlin cũng đã ký kết nhiều hợp đồng với Trung Quốc). Ngay chính Thủ tướng Paolo Gentiloni (đảng Dân chủ) trước đây cũng đã từng là vị khách quan trọng trong diễn đàn lần thứ nhất về "Con đường tơ lụa", nhưng điều này cũng đã không cấm chính phủ Ý từng lớn tiếng phê phán các chính sách phản cạnh tranh thương mại của Bắc Kinh. Chẳng hạn như Ý đã bỏ phiếu không nhìn nhận "nền kinh tế thị trường" của Trung Quốc.

"Có một chính sách tích cực đối với Trung Quốc là điều rất tốt, nhưng cũng cần phải tiến hành dựa trên những đánh giá đúng đắn, và chính đây là điều mà hình như ở Ý chưa đạt được". Lucrezia Poggetti, một chuyên gia nghiên cứu của think tank Đức Merics đã nhận xét như trên. Chẳng hạn như ở Ý chẳng ai bàn thảo lợi hại về việc quyết định ủy thác hạ tầng mạng 5G cho Huawei, vốn đã bị chính phủ Mỹ và Úc loại ra ngoài vì bị đánh giá gây phương hại đến an ninh quốc gia. 

RFI : Dường như sự xích gần lại Trung Quốc của chính phủ dân túy Ý hiện nay chỉ mang tính cơ hội phải không thưa anh ?

Mục đích là đi tìm đầu tư nhanh chóng để bù đắp lại khoản bội chi ngân sách nhà nước - sẽ lên đến 2,4% trên GDP cho năm 2019 - chứ không phải dựa trên một chiến lược tầm xa. Thậm chí Michele Geraci, trong chuyến đi Bắc Kinh vừa qua trong vai trò thứ trưởng còn "tự hào" rằng ông ta là người đi "bỏ mối các công trái phiếu nhà nước Ý". Và điều này minh chứng cho việc bộ Tài chính đang cần tìm người mua công trái, nhất là sau khi BCE ngừng hỗ trợ mua (thông qua kế hoạch "Quantitative Easing của BCE)

Ngài thứ trưởng tiếp tục: "Vị trí quốc gia đầu tiên đi đến những thỏa thuận kể trên sẽ cho phép Ý đạt được nhiều thuận lợi". Trong khi chờ đợi, theo các nguồn tin thì bản ghi nhớ chỉ là một văn bản ở dạng PDF mà Bắc Kinh đã soạn sẵn và đã gởi cho chính phủ Ý: chỉ cần quyết định ký hay không ký.
Và trong khi cứ giả định rằng chính phủ dân túy Ý hiện nay cũng biết mình đang làm gì để đạt được mục đích gì, thì phía Trung Quốc đã biết rất rõ cái họ muốn. Chỉ cần nhìn qua những nước đối tác khác với Trung Quốc, lấy Hy Lạp làm thí dụ: Trung Quốc đã tận dụng đầu tư của mình để áp lực lên các lãnh vực khác, kể luôn cả lãnh vực nhân quyền. 

Chuyên gia Lucrezia Poggetti nhận định: "Trung Quốc chẳng muốn một Châu Âu bị phân tán, bởi vì chính Trung Quốc đang hưởng lợi từ một thị trường chung. Nhưng ngược lại Trung Quốc đang tìm cách khai thác những căng thẳng trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu để dễ dàng đạt được những mục tiêu của mình".

Và nước Ý với một chính phủ dân túy có thể sẽ trở thành "con ngựa thành Troie" cho Trung Quốc.

RFI : Xin rất cảm ơn thông tín viên Huê Đăng từ Roma.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181024-chinh-phu-dan-tuy-y-con-ngua-thanh-troie-cua-trung-quoc-tai-chau-au 

Không có nhận xét nào: