Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 17/10/2018 14:38 GMT+7
00:05:29
VTV.vn - Thiếu hạ tầng đáp ứng nhu cầu du khách, cũng như dự án chồng dự án là những nguyên nhân khiến du lịch Bình Thuận lâm vào cảnh hoang tàn.
Khu du lịch "3 không"
Du lịch Bình Thuận được biết đến bởi cái tên Hàm Tiến - Mũi Né. Nơi đây có cả trăm resort cùng hàng trăm cơ sở dịch vụ khác. Sự sầm uất đó khiến khu vực này được mệnh danh là "Phố Tây". Tuy nhiên, du khách đến đây, lại không thể dạo chơi như ở bất cứ điểm du lịch nào khác.
Đường Nguyễn Đình Chiểu - nơi tập trung đông đảo resort của tỉnh Bình Thuận - nhưng mỗi khi ra đường, chị Ellena (du khách người Nga) rất ngao ngán và lo sợ bởi ở đây không có vỉa hè cho người đi bộ. Len lỏi giữa những chiếc xe đỗ ven đường, đi xuống lòng đường là chuyện hàng ngày đối với chị.
Còn tại những nơi có vỉa hè, du khách còn khổ sở hơn bởi tình trạng lấn chiếm diễn ra trong thời gian dài. Không vỉa hè, khu "Phố Tây" còn không có cả nơi bỏ rác và nhà vệ sinh công cộng.
"Thùng rác không có, nhà vệ sinh công cộng không có là những vấn đề bất tiện nhất cho khách muốn dạo chơi quanh khu vực này. Vì vậy, dù rất muốn ra ngoài nhưng chúng tôi rất ngại khi phải đi", ông Alexandre - du khách Nga nói.
Những điểm đến bát nháo, bất an
Suối Tiên - một danh thắng độc đáo của tại Hàm Tiến - Mũi Né, nơi mỗi ngày thu hút từ 1.000 - 3.000 khách tham quan, hiện đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi tình trạng lấn chiếm bờ suối, lòng suối để xây dựng hàng chục hàng quán, ki ốt. Đáng chú là có doanh nghiệp khi chưa được phép xây dựng nhưng vẫn tự ý xây giả các nhũ thạch cát làm biến dạng một danh thắng có từ lâu đời nhằm bán vé thu tiền khách tham quan.
Ngoài ra, tình trạng xâm thực làm xói lở bờ biển khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né cũng đang diễn ra, có nơi biển xâm thực vào sâu đến hơn 10m, gây thiệt hại trên cả chục resort. Trong khi việc xây dựng kè bài bản chưa được thực hiện, mỗi resort lại làm kè mỗi khác nên khiến tình trạng xói lở càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Môi trường biển tại Bình Thuận còn bị xâm hại nặng nề bởi tình trạng xả rác bừa bãi của các cộng đồng dân cư. Việc này làm cho du khách càng thêm ngao ngán mỗi khi đến tham quan, nghỉ dưỡng ở nơi này.
Dự án chồng dự án, khủng hoảng đầu tư du lịch
Được xem là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng du lịch Bình Thuận không thể phát triển như tiềm năng vốn có. Một trong những trở ngại lớn nhất là vấn đề quy hoạch khi hàng chục dự án khai thác khoáng sản, xây dựng cảng để vận chuyển khoáng sản đè lên các dự án du lịch.
Theo ghi nhận, tại khu vực đất rộng 20ha được giao cho dự án trồng rừng kết hợp du lịch tại Bình Thuận, nhưng sau gần 10 năm vẫn chưa thể triển khai. Không thiếu vốn nhưng nhà đầu tư phải đợi hơn 20 năm nữa khi dự án khai thác khoáng sản kết thúc lúc đó mới được trả lại đất. Tuy nhiên, nỗi lo ấy vẫn còn nhỏ so với vấn đề an toàn cho người dân và du khách khi khu khai thác khoáng sản nằm ngay trong khu dân cư và cạnh một số điểm du lịch đang hoạt động.
Một dự án khác là cảng Kê Gà cũng đã thổi bay 12 dự án du lịch nghìn tỷ, trong đó các dự án đang xây dựng, dự án chuẩn bị đi vào hoạt động đều bị buộc phải dừng. Dù đã khắc phục một phần nhưng nhiều doanh nghiệp không gượng dậy nổi.
Thiếu hạ tầng đáp ứng cũng như là dự án chồng dự án đó là những nguyên nhân làm du lịch Bình Thuận lâm vào cảnh hoang tàn và không biết đến bao giờ các dự án du lịch mới phục hồi trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!