242 năm tuổi đời, có thể nói Mỹ là quốc gia có lịch sử lập quốc ngắn nhất thế giới, nhưng lại vươn lên trở thành quốc gia hùng cường nhất trên mọi lĩnh vực kinh tế, quân sự và đặc biệt là khoa học công nghệ. Điều gì khiến quốc gia non trẻ này làm nên điều thần kỳ như vậy? câu trả lời chính là Đức Tin. Có tới 95% người Mỹ từ tầng lớp bình dân cho đến giới tinh hoa đều có niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa, điều mà bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ quốc gia nào khác.
Những con số ấn tượng
Có thể nói Mỹ là cường quốc thể thao với 2.601 chiếc huy chương Olympic, bỏ xa vị trí thứ hai của Nga với 1.204 chiếc. Tinh thần thể thao của người Mỹ không chỉ thể hiện trong thi đấu, mà họ rất chăm tập thể thao, một đất nước hùng mạnh cũng thể hiện ở thể chất khỏe mạnh.
Trong top 100 trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới, nước Mỹ sở hữu 61 trường và trong nhiều năm luôn dẫn đầu thế giới về số đầu sách xuất bản: Hơn 300.000 đầu sách/năm.
Sinh viên ĐH Harvard cầu nguyện trong nhà trường. (Ảnh: static.projects.iq.harvard.edu)
Trong số 117 triệu hộ gia đình ở Mỹ, có tới hơn 7 triệu người (cứ 1 trong 20 người) có tài khoản hơn 1 triệu đôla (không tính nhà cửa). Trong số này chỉ có khoảng 8% số người được thừa kế. Điều này có nghĩa là nước Mỹ dẫn đầu thế giới về số lượng các triệu phú tự lập.
Tên tuổi nước Mỹ nhiều năm luôn giữ vị trí đầu bảng Chỉ số Thế giới về mức độ làm thiện nguyện (tính % dân số). Người Mỹ thường xuyên hiến tặng tài sản, làm việc công ích hay tình nguyện giúp đỡ người khác một cách nhiệt tâm. Chính phủ Hoa Kỳ cũng dành nhiều tiền nhất so với các nước khác cho các công tác nhân đạo, hỗ trợ an ninh và giúp các nước nghèo trên thế giới.
Chia sẻ, quan tâm với mọi người lúc hoạn nạn là một trong những việc làm tự nhiên ngấm vào huyết quản của người Mỹ. (Ảnh: smartandrelentless.com)
Là quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến bậc nhất, không có gì ngạc nhiên khi Mỹ dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế: 57.239, chiếm hơn ¼ tổng số bằng sáng chế của cả thế giới.
Thêm nữa, Mỹ cũng chiếm ngôi vị số 1 về số lượng công trình nghiên cứu khoa học chất lượng cũng như số lượng các bài nghiên cứu khoa học được xuất bản: 2,9 triệu tờ (thống kê trong 10 năm), vượt xa Nhật và Đức ở vị trí thứ 2 và 3 cộng lại chỉ có 800.000 tờ.
Chính phủ Mỹ cũng dành ngân sách chi tiêu cho khoa học nghiên cứu cao nhất thế giới: 473 tỷ đôla – cao hơn so với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt khi so sánh với Liên minh Châu Âu chỉ có 388 tỷ đôla.
Và cuối cùng, cho tới nay không một quốc gia nào có thể “lật đổ” được “sự thống trị” của người Mỹ tại giải thưởng danh giá nhất hành tinh – giải Nobel. Mỹ không chỉ giành ngôi vị quán quân tuyệt đối trên bảng thành tích với 350 nhà khoa học được tôn vinh, mà còn bỏ xa nước Anh ở vị trí á quân với 117 người đoạt giải.
Giải thưởng Nobel Y học 2017 lại thuộc về ba nhà khoa học người Mỹ là Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash, và Michael W. Young (Ảnh: pictures.zimbio.com)
Ngoại trừ các năm 1957 và 1991, chưa bao giờ người Mỹ vắng mặt ở lễ trao giải Nobel. Việc các nhà khoa học Mỹ lập hat-trick, giành cả 3 giải Nobel khoa học trong cùng 1 năm đã xảy ra không chỉ một lần. Trong số đó, Sinh lý học và Y khoa là hai ngành khoa học đạt được nhiều thành công nhất với 94 nhà khoa học đoạt giải kể từ năm 1901.
“Mỹ là quốc gia của những người tin Chúa”
Tổng thống Trump từng nói: “Chừng nào còn có Thiên Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ, không bao giờ đơn độc. Dù bạn là người lính đứng gác ca đêm, hay người cha, người mẹ đơn thân làm việc ca đêm, Thiên Chúa sẽ luôn ban cho chúng ta niềm an ủi, sức mạnh và sự khích lệ. Chúng ta cần phải cứ tiếp tục tiếp tục tiến lên”.
Liệu có nghịch lý không khi một quốc gia dẫn đầu thế giới về các phát minh khoa học và sở hữu công nghệ tối tân, lại gửi gắm hoàn toàn niềm tin vào Thiên Chúa? Kết quả điều tra của Gallup cho thấy 95% người Mỹ đặt niềm tin vào Thiên Chúa, nghĩa là cứ 10 người Mỹ thì có tới hơn 9 người tin vào sự chở che của Ngài. Kết quả thăm dò của Gallup dựa trên các cuộc phỏng vấn điện thoại được tiến hành ngẫu nhiên với những người từ 18 tuổi trở lên tại 50 bang và đặc khu Columbia.
Không phân biệt tuổi tác, Chúa luôn ở trong tâm mỗi người dân Mỹ. (Ảnh: huffpost.com)
Trong suy nghĩ của người Mỹ, Chúa đã tạo ra họ và họ thuộc về Chúa. Chúa ban cho họ sức mạnh và ý chí vì họ cho rằng năng lực của con người là vô cùng giới hạn. Chỉ có ở Mỹ, bạn mới biết câu nói mà từ dân thường cho đến giới tinh hoa sử dụng nhiều nhất, đó chính là “God bless you” (Cầu Chúa phù hộ cho bạn).
Trong Ngày Cầu Nguyện Quốc gia (2018), Tổng thống Donald Trump nói rằng: “Những gì tôi hay nghe nhất ở đất nước chúng ta là 6 từ chưa bao giờ, chưa lần nào mà không chạm đến trái tim tôi – “Cầu Chúa phù hộ cho bạn”.
Tổng thống Donald Trump nói: “Mỹ là quốc gia của những người tin Chúa”, từ Tổng thống cho đến người dân đều cầu nguyện Đấng Sáng Thế. (Ảnh: static.independent.co.uk)
Ở Mỹ, nếu một người Thiên Chúa giáo nào yêu quý bạn, món quà mà họ trân quý muốn dành tặng bạn chính là cuốn Kinh Thánh, và lòng nhiệt thành họ dành cho bạn là mời bạn đi dự những sự kiện của nhà thờ.
Đa số người Mỹ thường cầu nguyện trước bữa ăn. Họ nắm tay nhau và cầu nguyện, cảm ơn Thiên Chúa đã ban cho họ thức ăn, cho họ những người bạn tốt và cầu chúc những điều tốt lành đến với mọi người.
Người Mỹ cầu nguyện ở bất cứ đâu, trường học, bệnh viện, công sở… và cả trên các hạm đội tàu sân bay, người Mỹ cũng có phòng cầu nguyện cho thủy thủ đoàn thực hành theo tín ngưỡng riêng của mình.
Ở Mỹ, nếu một người Thiên Chúa giáo nào yêu quý bạn, món quà mà họ trân quý muốn dành tặng bạn chính là cuốn Kinh Thánh. (Ảnh: caseforprayer.com)
Từ 60 năm trước, sân bay Quốc tế Boston Logan mở nhà cầu nguyện đầu tiên, và kể từ đó, tất cả các sân bay trên khắp nước Mỹ đều thiết kế thêm không gian để mọi người có thể Cầu nguyện, Thờ phụng và Thiền định. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew (2015), hơn một nửa trong số 30 sân bay quốc tế lớn và nhộn nhịp nhất ở Mỹ đều có các nhà cầu nguyện dành cho các tín ngưỡng như Kitô giáo, Do Thái giáo, Phật giáo và Hồi giáo. 14 trong số đó thường xuyên tổ chức các buổi lễ. 4 sân bay không thường xuyên tổ chức lễ cầu nguyện nhưng có các phòng để suy ngẫm, xưng tội. Ngoài ra, 12 sân bay còn có các thánh lễ Công giáo.
Ông Jack Sutton cầu nguyện cùng hành khách ở nhà nguyện Interfaith tại sân bay quốc tế Denver (Ảnh: pewresearch.org).
Nhiều người cho rằng, nếu lấy đi khái niệm “Chúa” thì nước Mỹ sẽ không còn là nước Mỹ, mà sẽ giống như bao quốc gia khác. Một đất nước có ĐỨC TIN như vậy, bảo sao không HÙNG CƯỜNG.
Sức mạnh có được từ Đức tin
Tuy là đất nước có nền khoa học công nghệ hiện đại bậc nhất, nhưng người Mỹ chẳng ngại ngần khi thể hiện niềm tin vào Đấng Sáng Thế.
Dưới đây là những con người hội tủ đủ trí tuệ, danh tiếng, quyền lực và tiền bạc nhất nước Mỹ và cả trên thế giới, nhưng họ cho rằng thành quả mà họ có được đều là do Thiên Chúa.
Tỷ phú công nghệ Bill Gates: “Tin Chúa là cách lựa chọn khôn ngoan nhất”
Luôn giữ vị trí là người giàu nhất thế giới trong bảng xếp hạng của Forbes nhiều năm, Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft đồng thời sở hữu khối tài sản lên tới 76,8 tỉ đôla, nhưng ông không để lại khối tài sản khổng lồ này cho ba người con mà sử dụng phần lớn gia tài đó cho các hoạt động từ thiện.
Bill Gates: “Tôi đã rất may mắn, tôi hàm ơn sự may mắn đó bằng cách giảm thiểu sự bất công trên thế giới. Đó chỉ là một chút đức tin tôn giáo”. (Ảnh: stoogles.com)
Năm 2010, Bill Gates và vợ là Melinda đã cùng tỷ phú Warren Buffett khởi xướng chiến dịch “Cam kết cho đi” (The Giving Pledge), để khuyến khích các tỷ phú tài trợ ít nhất một nửa tài sản của họ cho các hoạt động thiện nguyện. Các tỷ phú Paul Allen, Larry Ellison, Steve Case và Mark Zuckerberg đã ký cam kết này.
Bill Gates là một người vô cùng kín tiếng trong cuộc sống cá nhân, nhưng trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Rolling Stone, khi được hỏi: “Là một nhà công nghệ, nhưng rất nhiều việc ông đang làm hiện nay gắn liền với nền tảng có thiên hướng đạo đức. Phải chăng suy nghĩ của ông về giá trị của tôn giáo đã thay đổi qua nhiều năm?”, Bill Gates hé lộ: “Tôi nghĩ rằng các hệ thống đạo đức tôn giáo là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi nuôi dạy con cái theo phương pháp của tôn giáo; các con tôi tới nhà thờ Công giáo nơi Melinda và tôi cũng tham gia. Tôi đã rất may mắn, và do đó tôi hàm ơn sự may mắn đó bằng cách cố gắng giảm thiểu sự bất công trên thế giới. Đó chỉ là một chút đức tin tôn giáo. Tôi muốn nói, ít nhất đó là một niềm tin đạo đức”.
Bill Gates: “Bí mật của thế giới thật đáng kinh ngạc, và khoa học không thể giải thích được tại sao nó xảy ra như thế. Nói rằng nó hình thành ngẫu nhiên thì xem ra đó là một cách nhìn không hợp lý cho lắm”. (Ảnh: christianpost.com)
Khi được hỏi liệu “Ông có tin vào Thiên Chúa không?”, tỉ phú công nghệ đáp: “Tôi nghĩ tin Chúa là khôn ngoan nhất… Hiện nay khoa học đã tham dự một phần – không phải tất cả – vào những lĩnh vực mà tôn giáo đã từng giải quyết… Nhưng bí mật và vẻ đẹp của thế giới thật vô cùng đáng kinh ngạc, và không có một sự giải thích nào của khoa học có thể giải thích được tại sao nó xảy ra như thế. Nói rằng nó hình thành ngẫu nhiên thì xem ra đó là một cách nhìn không hợp lý cho lắm”.
Nhà khoa học Francis Collins: “Đức tin là cần thiết cho chúng ta”
Năm 2009, khi Tổng thống Barack Obama đề cử nhà di truyền học Francis Collins đứng đầu Viện Y tế Quốc gia, một số người hoài nghi: Liệu một người có niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa có đủ điều kiện để dẫn đầu cơ quan nghiên cứu y sinh lớn nhất thế giới?
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của CNN, Francis Collins cho biết:“Tôi là một nhà khoa học và cũng là một người tin Chúa, và tôi thấy không có sự mâu thuẫn giữa những quan điểm đó về thế giới”.
Tổng thống Barack Obama đề cử nhà khoa học Francis Collins đứng đầu Viện Y tế Quốc gia, liệu một người có niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa có thể dẫn đầu cơ quan nghiên cứu y sinh lớn nhất thế giới? (Ảnh: content)
Francis Collins nổi tiếng do những khám phá nổi bật về các loại gene bệnh cũng như khả năng lãnh đạo của ông trong Dự án bản đồ gene người (HGP). Ông thú nhận rằng: “Khoa học, ngành mà tôi rất yêu thích đã bất lực không thể trả lời những câu hỏi của tôi như “Ý nghĩa của cuộc sống là gì?”, “Tại sao tôi có mặt ở đây?”,… “Nếu vũ trụ có một sự khởi đầu, vậy ai là người tạo ra nó?”. Ông nói: Đức tin là cần thiết với tất cả chúng ta.
Ông là tác giả cuốn bestseller Ngôn ngữ của Chúa: Một nhà khoa học trình bày chứng cứ cho đức tin, trong đó ông bày tỏ lập trường ủng hộ thuyết tiến hóa hữu thần. Ông nhấn mạnh vào Luật Đạo đức: “Đối với tôi, Luật Đạo đức nổi bật như tấm biển chỉ đường tỏ tường nhất của Chúa”.
Cuốn sách bestseller Ngôn ngữ của Chúa: Một nhà khoa học trình bày chứng cứ cho đức tin
Vậy Luật Đạo đức mà ông nhắc đến là gì? Francis Collins viết:“Là chống lại sự đàn áp, giết người, phản bội, dối trá. Luật Đạo đức là mệnh lệnh phải ân cần với người lớn tuổi, tử tế với người trẻ, chăm sóc người yếu đuối, làm việc lành, không thiên vị, và chân thật.” Collins lập luận: Tất cả nền văn hóa và mọi tôn giáo đều ủng hộ một luật đạo đức phổ quát, tuyệt đối và vượt thời gian.
3. Diễn viên nổi tiếng Hollywood Richard Gere: “Không có món quà nào quý giá hơn bằng việc trao Pháp cho họ”
Là diễn viên gạo cội của Hollywood, Richard Gere từng là cái tên thống trị phòng vé với nhiều bộ phim nổi tiếng, trong đó có“Pretty Woman” (Người đàn bà đẹp). Dù đạt đến đỉnh cao của danh vọng và tiền bạc, và là tín hữu Ki tô giáo, nhưng ông vẫn chưa làm sao khai mắc được các câu hỏi của chính mình: “Tại sao thế giới tồn tại?”, “Tôi là ai?”, “Mục đích của tôi đến thế giới này là gì?”, “Những người xung quanh tôi đến từ đâu?”.
Phật Pháp giải khai được những thắc mắc của tài tử Richard Gere: “Tôi là ai?”, “Mục đích của tôi đến thế giới này làm gì?” (Ảnh: barfblog.com)
Ông đã tìm được câu trả lời khi có nhân duyên được tiếp cận Phật Pháp: “Tôi có một cảm giác rất rõ ràng rằng tôi luôn muốn ngồi thiền, tĩnh tâm. Đó là một thực tế đáng kể hơn nhiều so với những gì chúng ta thường làm trong cuộc sống sôi động. Tôi đã bị cuốn hút bởi những người tu luyện Phật giáo ở Sikkim, mạnh mẽ mà từ bi. Trong Phật giáo Tây Tạng, tôi cảm thấy có nhiều điều dạy bạn từ bi, và ở Sikkim tôi cũng cảm thấy rằng có điều gì đó vô cùng sâu sắc, mạnh mẽ và phi bạo lực. Không có món quà nào giá trị hơn bằng việc giới thiệu Phật Pháp cho họ”.
4. Thượng nghị sĩ Marco Rubio: “Tin Chúa, bất cứ điều gì bạn làm đều thành công”.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Florida này có tới 3 triệu lượt người theo dõi trên Twitter, mỗi ngày ông đều tweeted một câu Kinh Thánh trong cuốn Cựu ước. Ông từng viết rằng: “Tất nhiên, không phải tất cả đều do sự siêng năng và công bình, mà chính Đức tin vào Thiên Chúa, sẽ giúp bạn vượt qua nghèo đói và thất bại”.
Kinh Thánh là vật bất ly thân của ngài thượng nghị sĩ Marco Rubio. (Ảnh: politico.com)
Trong một cuộc tranh luận về tuổi đời của Trái Đất, Marco Rubio tuyên bố rằng, ông không phải là nhà khoa học, cũng không phải là nhà thần học, nhưng ông tin rằng, Trái Đất có tuổi đời 4,5 tỉ năm và được tạo ra bởi Thượng đế: “Khoa học cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn cách Người tạo ra nó thế nào. Khoa học càng khám phá ra nhiều điều hơn, tôi càng tin rằng Thiên Chúa là có thật”.
Bình luận của ông đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi, một phần về việc liệu trẻ em nên được dạy ở trường theo quan điểm khoa học về vấn đề này, hay kết hợp cả hai. Rubio cho rằng, ở trường học sinh nên được dạy về khoa học, nhưng các bậc cha mẹ cũng có quyền dạy con cái của họ về Đức Sáng Tạo đã tạo ra Thế giới này.
5. Nikki Haley, Đại sứ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc: “Mỗi sự sống là do Đấng Sáng Thế ban phước“.
Nikki Haley là người phụ nữ đầu tiên và không phải là người da trắng đầu tiên làm thống đốc Nam Carolina. Bà cũng là thống đốc trẻ nhất hiện nay ở Hoa Kỳ và hiện đang là Đại sứ thứ 29 của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley: “Mỗi khi tôi cần quyết định một chuyện gì, tôi quay về với Ngài để xin lời khuyên cần thiết”. (Ảnh: unwatch.org)
Lớn lên trong trong gia đình người Mỹ gốc Ấn Độ, Haley trở thành một tín đồ Cơ đốc và luôn thực hành theo lời dạy của Chúa Giêsu. “Đức tin của tôi vào Chúa Kitô có ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống hằng ngày của tôi, mỗi khi tôi cần quyết định một chuyện gì, tôi quay về với Ngài để xin lời khuyên cần thiết”.
Nikki Haley: “Mỗi ngày, tôi đều cầu nguyện Chúa và tất cả những điều này mang lại cho bạn sự bình an”. (Ảnh: blogspot.com)
Nikki Haley cũng là người mạnh mẽ chống lại việc phá thai, ủng hộ sự sống và bác bỏ hôn nhân đồng tính. Bà từng nói: “Mỗi sự sống là do Đấng Sáng Thế ban phước“.
Trong những thời điểm để ra những quyết định khó khăn, Nikki Haley tiết lộ là bà thường có điểm dựa vững chắc ở đức tin: “Kể từ khi tôi còn nhỏ, tôi biết tôi luôn muốn có một niềm tin sâu sắc và cảm nhận tôi có một mối liên hệ mạnh mẽ với Thiên Chúa,” Haley nói. “Bạn biết đấy, tôi cầu nguyện Chúa mỗi ngày và tất cả những điều này mang lại cho bạn sự bình an.”
6. Tổng thống Mỹ Donald Trump: “Sự tự do là món quà của Đức Sáng Thế”
Tổng thống Donald Trump sinh ra trong một gia đình theo đạo Tin Lành. Mẹ của ông là bà Mary Anne Trump (1912-2000) là một người rất mộ đạo và nuôi dạy các con theo nhãn quan đức tin của bà. Là một di dân nghèo đến từ Ê-cốt vào những năm 1930 và chỉ với vỏn vẹn 50 đồng trong túi, bà Mary Anne không nề hà bất cứ công việc chân tay vất vả nào trước khi kết hôn với Frederick Christ Trump, cha của Tổng thống Donald Trump.
Bà là một người vợ đảm đang, một người mẹ tận tâm với con cái và vô cùng tận tụy với công việc bác ái tại Queens, một vùng ngoại ô nghèo của New York, nơi gia đình Trump dựng lên cơ đồ bằng việc xây các căn hộ xã hội. Tổng thống Trump nói về đức tin của mình như sau: “Tôi may mắn được lớn lên trong một gia đình tin Chúa. Cha mẹ đã dạy tôi rằng ai được ban cho nhiều, sẽ bị đòi lại nhiều. Tôi đã thề nguyện trên quyển Kinh Thánh mà mẹ tôi đã dùng để dạy dỗ chúng tôi khi còn nhỏ, và niềm tin đó sống mãi trong trái tim tôi mỗi ngày”.
Tổng thống Donald Trunp luôn giữ gìn cuốn Kinh Thánh mà mẹ ông để lại . (Ảnh: .redstate.com)
Có khá nhiều người theo tâm linh nhìn thấy trước rằng ông Trump sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Một trong số đó là Thomas Zimmer, người Ý tuyên bố trước khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ rằng, ông đã nhận được một lời tiên tri vào những năm 1980 rằng, một người tên Trump sẽ“đưa nước Mỹ trở lại tín ngưỡng”. Một số hãng truyền thông như CNN, Chicagotribune đã chạy tít: Maybe God did choose Trump to be president (Có lẽ Thượng đế đã chọn Trump làm Tổng thống”.
Có lẽ vậy, vì chưa có đời Tổng thống Mỹ nào lại nhắc nhiều đến đức tin vào Đấng Sáng Thế như Tổng thống Donald Trump.“Tất cả chúng ta đều được hợp bởi đức tin, nơi Đấng Tạo Hóa đã nói chúng ta rằng chúng ta đều bình đẳng trong mắt Ngài. Chúng ta không chỉ là xác thịt và xương máu, chúng ta là những con người có linh hồn. Đất nước cộng hòa của chúng ta được hình thành trên cơ sở sự tự do không phải là món quà từ Nhà nước, mà sự tự do là món quà từ Đấng Tạo Hóa”.
Tổng thống Trump cũng nhắc về các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo: “Tự do tôn giáo là một quyền thiêng liêng, nhưng nó cũng là một quyền bị đe dọa ở khắp xung quanh chúng ta, và thế giới đang ở dưới những đe dọa rất nghiêm trọng theo nhiều cách khác nhau. Và tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều đó phổ biến và công khai như khi tôi bắt đầu làm Tổng thống. Thế giới đang gặp nhiều vấn nạn, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa và phục hồi. Đó là những gì tôi sẽ làm. Sửa chữa và phục hồi. Chúng ta sẽ cùng làm điều đó.”
Theo dkn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét