Chuyện giáo sư Nguyễn
Kim Đính không lĩnh lương hưu 17 năm liền đang xôn xao dư luận, làm nao lòng
bao thế hệ học trò Thầy. Chuyện này đáng để báo chí
làm một phóng sự điều tra dài kỳ và có thể trở thành đề tài nghiên cứu (kiểu NC
trường hợp) của chuyên ngành xã hội học. Nhà báo Trần Thị Sánh nhân chuyện này
đã nâng lên thành vấn đề của công tác Bảo biểm xã hội Việt Nam. Các ông Phạm
Quang Long, ông Nguyễn Huy Hoàng viết bài và tái bản hai bài rất cảm động về
Thầy – một nhà khoa học uyên bác, nghiêm khắc với bản thân và đồng nghiệp, hình
bóng của một nhà nho xứ Nghệ giàu tiết tháo, ung dung, tự tại, còn sót lại từ
thế kỷ 19 sang thế kỷ này.
Đọc xong mấy bài, tôi lầm bầm với bà chủ nhà của tôi: “Thầy Đính mà có vợ, chắc không có chuyện quên lương hưu”. Chủ nhà tôi không nói, chỉ cười “HỲ” một tiếng. Chả biết HỲ nghĩa là gì (!). Đồng tình quan điểm hay cảnh cáo, nhắc nhở: Tháng này chưa nộp đấy!
Thương giáo sư Đính, mà cũng thấy thèm…
Đọc xong mấy bài, tôi lầm bầm với bà chủ nhà của tôi: “Thầy Đính mà có vợ, chắc không có chuyện quên lương hưu”. Chủ nhà tôi không nói, chỉ cười “HỲ” một tiếng. Chả biết HỲ nghĩa là gì (!). Đồng tình quan điểm hay cảnh cáo, nhắc nhở: Tháng này chưa nộp đấy!
Thương giáo sư Đính, mà cũng thấy thèm…
Khoa Văn Đại học Tổng hợp HN xưa nay biên chế loanh quanh không quá 40 người, nhưng trong Khoa thời nào cũng có một đôi thầy không lấy vợ. Như một truyền thống, mà cũng như một suất sưu phải nộp cho bà chúa Đồng Trinh: 10 năm phải nộp cho Chúa một thầy có sống đến già vẫn là một chàng trai ...trinh trắng.
Trong lớp giáo sư sáng lập khoa, tôi nhớ, có hai thầy phải gánh chịu suất sưu định mệnh đợt đầu là Cố giáo sư Nguyễn Văn Khỏa và Giáo sư Nguyễn Kim Đính hôm nay. Thầy Đính có câu giải thích nổi tiếng trước câu hỏi vì sao không xây dựng gia đình: “Mình không lấy vì không thích đổi nỗi buồn lấy nỗi khổ”. Theo thầy, lấy vợ thì khổ, không lấy thì buồn, nhưng lấy vào là khổ một đời. Câu thầy nói làm đám học trò chưa vợ hoang mang, mất hết tự tin. Còn đám lấy vợ rồi thì cảm thấy đấy vẫn là câu hỏi treo cao, lúc nghĩ là thầy nói đúng, lúc lại thấy …sai sai. Tóm lại là cũng tiếp tục hoang mang.
Thầy Đính và thầy Khỏa một người một phong cách sống, mỗi thầy một cách nói riêng. Sinh thời, thầy Khỏa hay được nhiều nữ sinh viên yêu thầm nhớ trộm. Có cô say đắm, xông đến phòng riêng tỏ tình. Có người nhìn trộm qua khe cửa, nghe được cả đối thoai của cuộc tỏ tình. Tương truyền (từ lớp Văn khóa 18 – nền Văn Mười): Thầy Khỏa xoa đầu an ủi cô học trò bé bỏng đang quỳ dưới chân mình: “Em khép cửa vào kẻo người ta trông thấy, em thông cảm, thầy không có con cho em đâu”. Cô học trò đứng phắt dậy, ôm chặt lấy thầy: “Em không cần con, em cần thầy”. Thầy lại xoa đầu con trẻ: “Nhưng thầy già rồi em ơi”. Cô học trò lại càng ôm chặt: “Em không cần tuổi trẻ. Tuổi cao ý chí càng cao”.
Hết chỗ nói.
Mà cũng chả biết có thật thế không. Cái khe cửa nhà thầy sao mà dễ nhìn vào đến thế ?
Vào giờ giảng văn học Phương Tây, nghe đâu là về bi kịch Mê-đê thời cổ Hy Lạp, trong những giây thăng hoa, thầy Khỏa thoát ly bài giảng, không nói về các nhân vật nữ trong văn chương nữa, mà quay ra lên án toàn bộ thế giới đàn bà có thật, ngoài đời, suốt hai tiếng liền. Mấy ghế nữ sinh ngồi dưới nhìn lên lấm lét, vừa sợ, vừa thích thú, rồi há mồm nghe, quên cả giải lao. Đến buổi học sau, một nữ sinh bạo dạn đến đề nghị thầy cứ tiếp tục mắng thế thêm vài tiết nữa.
Biết chuyện này, có người gặp thầy Khỏa, bình luận: “Thầy mắng đàn bà hay như thế chứng tỏ là phụ nữ vẫn còn nằm trong sự quan tâm của thầy, thầy vẫn chưa bỏ ý định lấy vợ. Đúng không ?”. Nghe chất vấn thế, Thầy Khỏa im lặng giây lát rồi tần ngần thú nhận: “Đúng là thầy Đính với tôi cùng theo cái đạo không vợ. Cùng tu, nhưng tôi chậm giác ngộ, còn thầy Đính thì… đắc đạo rồi”.
Đúng như thầy Khỏa bình luận, thầy Đính đã ngộ rất sâu cái lẽ ở đời, đã từ lâu quay lưng lại với một thứ bụi trần. Thầy Khỏa đã từng là bộ đội Điện Biên (chiến đấu cùng trung đội quân báo với PGS Phạm Việt Trung). Thầy Đính không phải mặc áo lính nhưng đã phải lăn lộn vượt qua nhiều thử thách lịch sử. Tôi vẫn nghĩ một trong những thử thách lớn nhất về cuộc sống và khoa học đối với Thầy chính là cuộc chia tay với Đại học Lomonoxop, với nước Nga, trở về nước, bỏ dở chương trình đại học, không kịp tốt nghiệp vì quyết định của nhà nước VN ta về chủ nghĩa xét lại (revisionism) ở Liên Xô đầu những năm 60. “Chợ giời thật giả đâu chân lý ?” Thầy phải tự học để làm chủ và sử dụng hữu hiệu nhiều ngoại ngữ, suy cho cùng cũng là để tìm ra chân lý giữa những biến thiên thời cuộc chợ giời. Có điều phần lớn những điều tìm được, ngộ được, thì thầy chỉ đành lòng nói ra sớm cho trò biết mà không thể viết ra, in ra thành sách. Cho đến nay, sau bao nhiêu năm cống hiến cho khoa học và sự nghiệp đào tạo, thầy vẫn là vị giáo sư không nhà. Học trò của thầy, như các anh Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Quang Long, Phạm Gia Lâm, Trần Hinh đã biết nhiều chuyện về đời tư của thầy. Qua các anh, tôi lờ mờ hiểu rằng, thầy chậm yêu, chậm vợ rồi thôi, không vợ cũng chỉ vì sự hy sinh, gánh vác trọng trách của người con trai cả trước cha mẹ và các em của mình. Chờ đến lúc các em mình phương trưởng thì thầy đã đứng tuổi, mệt mỏi, sự đời đã nguội lửa lòng. Chỉ còn lại cho thầy duy nhất niềm vui khoa học, niềm vui trên bục giảng.
Tất cả những học hàm, học vị gắn với tên Thầy đều do lãnh đạo Khoa Văn và Nhà trường chủ động tập hợp hồ sơ làm cho Thầy, ép Thầy phải khai ra, phải nhận. Đối với Thầy, mọi danh hiệu cũng chỉ là những thứ phù hoa.
Thế còn tiền ? Thầy không coi tiền là một thứ phù hoa. Tiền không là bèo bọt như danh vị, có điều thầy thấy tháng lương giáo sư hưu đầu tiên thầy nhận hơi ít. Chỉ có 900 nghìn. Thầy cũng không biết là tháng sau phải làm Sổ hưu, lĩnh lương hưu là phải trình Sổ Hưu. Về nhà, Thầy bảo cháu tháng sau đến Ký túc xá Mễ Trì lĩnh hộ. Cháu thầy bận bịu nên nghe xong rồi cũng quên luôn. Thế rồi tháng này sang tháng khác, năm này qua năm khác, suốt 17 năm, người nọ tưởng người kia vẫn lĩnh, vẫn tiêu 900 nghìn đó. Các cháu mà thày ở trông nhà hộ đều là những người thành đạt, có tiền. Còn Thày, ông giáo sư già đọc sách lúc nào cũng thấy trong túi bộn tiền. Thấy túi vơi tiền thì các cháu đổ vào. Các cháu có đặt vào đó tiền đô la hay tiền thời Bảo Đại chưa chắc Thầy đã phân biệt được.
Một lần họp mặt đầu năm tôi bỏ tiền vào cái bao đỏ mừng tuổi Thầy. Thầy cám ơn rồi mở luôn ra xem làm tôi rợn tóc gáy, vì lo, vì ngượng. Thầy bảo: “ Em cho anh bao nhiêu ? Nguyễn Hùng Vỹ hắn vừa hỏi anh thu tiền hội phí Hội cựu giáo chức Trường Nhân Văn. Anh dùng tiền mừng tuổi này đóng luôn năm sau, đóng hết”. “ Chú Vỹ, bao nhiêu một năm?” - “Hai mươi nghìn thầy ạ” - “Có thế thôi à.”. Mở phong bao ra thấy có 2 tờ đỏ - 200 nghìn, Thầy đọc con số hồi lâu rồi cười khà khà: “Cám ơn em. Vậy là em mừng anh 20 năm tuổi đấy. 20 năm nữa mới phải đóng.”
Kể lại chuyện thầy Nguyễn Kim Đính, tôi lại nhớ thầy Nguyễn Văn Khỏa. Nếu thầy Khỏa còn khỏe mạnh đến bây giờ, không biết Thầy có quên lương hưu không ?
Hình như thầy Khỏa trên trời xanh kia đang cúi xuống, cười khà khà: Tao chúc cho đám giáo viên Khoa Văn chúng mày, dù có vợ hay không có vợ, về hưu rồi đều không bị ai hỏi đến lương hưu !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét