Nguyễn Tuấn Khoa
9-10-2018
Đằng sau giọt nước mắt của lãnh đạo cộng sản là những vụ sai phạm tày đình! Kịch bản này luôn được sử dụng để xoa dịu nỗi đau của nạn nhân dù biết rằng người dân không bao giờ tin. Khổ nhục kế, vì vậy, mãi mãi không bao giờ làm lành được vết thương.
Năm 1953-1956 tại miền Bắc dân oan bị chính chính quyền của mình dùng nhục hình trong sự kiện được gọi là “cải cách ruộng đất”, khiến cho hàng vạn người chết. Chính sách này được sao chép từ nguyên bản của Trung Cộng và được các đàn anh trong Quốc Tế Cộng Sản trực tiếp chỉ đạo cho những người cao nhất của CSVN thực hiện.
Có một sự kiện đáng chú ý là, sau khi CSVN đã công khai xác nhận sai lầm thì vào tháng 9/1957 tại Quỳnh Lưu (Nghệ An), khoảng 20,000 dân oan đã bạo động, trả thù những người đã tố oan họ. Cuộc chiến đẫm máu xãy ra giữa làng với làng, giữa những người cùng họ tộc với nhau; nó lớn đến mức Sư Đoàn 324 đã được huy động để vãn hồi trật tự.
Sự kiện này làm tôi liên tưởng đến Quân Đoàn IV đã được huy động đến Phan Thiết để đàn áp ngư dân vào tháng 06/2018. Hồ Chí Minh – người chịu trách nhiệm cao nhất – trong thư gửi đồng bào miền Bắc ngày 18/08/1956 đã xác nhận những sai phạm tày trời này nhưng chỉ gọi đó là khuyết điểm! Trong kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa I, báo chí đồng loạt đưa hình ảnh ông Hồ… khóc!
Ông khóc gì? Khóc vì lệ thuộc Tàu mà phải làm theo những việc thất đức? Khóc cho đạo đức Việt được xây dựng ngàn năm đã bị phá nát? Có thể tin vào nước mắt người CS không, khi 60 năm sau họ đã tổ chức triển lãm “cải cách ruộng đất”, không phải để sám hối mà như để sát muối vào vết thương chưa lành.
Ngày 05/02/2016, ông Lê Thanh Hải – nguyên bí thư thành ủy TPHCM – trong buổi lễ tiễn đàn em Võ Văn Thưởng ra Bắc làm trưởng ban Tuyên Giáo Trung Ương với bộ mặt ràn rụa nước mắt mà rằng: “Dù em đi đâu, trên cương vị nào cũng sẽ luôn mang theo tình thương yêu, quý mến của đồng bào thành phố [SIC], của Đảng bộ tp.HCM [YES]”.
Dân Sài Gòn nhất là dân Thủ Thiêm không ai tin vào giọt nước mắt của ông này vì họ biết rõ ông là một trong những người quan trọng nhất liên quan đến án cướp đất ở Thủ Thiêm. Nhắc lại, vào 06/09/2010, TS Cù Huy Hà Vũ đã thay mặt cho dân oan kiện Lê Thanh Hải khi còn đương chức bí thư Thành Ủy và ủy viên Bộ Chính Trị. Chỉ một tháng sau Vũ bị gài và bị bắt tại tpHCM rồi nhận án 7 năm tù sau đó.
Ngày 20/06/2018, ông Nguyễn Thiện Nhân – bí thư Thành Ủy – đã gặp gỡ dân oan Thủ Thiêm trong nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề cướp đất. Trong buổi này, ông đã nghẹn giọng và rơi nước mắt khi thấy quá nhiều nỗi oan khuất mà các đồng chí tiền nhiệm của ông đã gây ra theo cách của một bọn mafia đỏ.
Dân oan có thể tin phần nào những giọt nước mắt của ông vì ông là người ngoài cuộc. Tuy nhiên, đã gần 4 tháng từ cuộc gặp dân oan nói trên, kết luận thanh tra do ông chỉ thị đã không đem lại gì cho dân oan ngoại trừ một niềm tin vỡ vụn đối với nước mắt người cộng sản!
Ngày 8/10/2018 các đại biểu bù nhìn của HĐND TPHCM không hiểu vì nguyên cớ gì đã vội vã tổ chức một phiên họp “bất thường” (!) chỉ để đồng ý với nhau về dự án nhà hát Giao Hưởng với kinh phí hơn 1,500 tỷ. Bà Quyết Tâm – chủ tịch của tổ chức này – chẳng những phớt lờ trách nhiệm giải quyết trả đất cho dân oan mà còn lớn giọng cho rằng người dân TPHCM chờ đợi dự án này rất lâu. Số tiền 1,500 tỷ, trong tình hình thu nhập quốc gia không đủ trả nợ tới hạn, được rút ra không phải để xây nhà thương, không phải để bồi thường cho dân oan mà để xây một công trình chưa cần thiết ngay trên “lò lửa Thủ Thiêm”.
Người CS một lần nữa lại đi ngược với tiếng gào thét của dân Việt. Dân Thủ Thiêm không còn nước mắt và lòng kiên nhẫn để đi đòi đất nữa. Hận thù đằng đằng hiện rõ trên từng đôi mắt dân oan! Giờ đây họ chỉ muốn nhìn thấy nước mắt của những người CS trước vành móng ngựa. Thậm chí, còn hơn thế nữa!
CanhCo
(Blog RFA)
Hơn hai mươi năm qua, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đẩy người dân tại đây trở thành tha phương cầu thực. 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu đã dời đi để nhường chỗ cho siêu dự án này. Những lời hứa mật ngọt ban đầu đã khiến không ít người hy vọng có cuộc sống tươi đẹp hơn khi được là công dân của Khu Đô thị mới vì nhà nước hứa sẽ dành riêng 160 hecta để cất nhà cho những gia đình bị giải tỏa. Họ chưa kịp vui thì tin … buồn ập tới, họ không được phân lô trong khu vực của Đô thị mới Thù Thiêm mà được UBND thành phố cấp một ít tiền hỗ trợ để mua đất tái định cư tận trên Bình Trưng, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi và Nam Rạch Chiếc, cách xa quê quán của họ hơn mười cây số.
Hình minh họa |
Người dân Thủ Thiêm lúc ấy nhận được mức đền bù 18.380.000 VND một mét vuông vào năm 2009, và họ cay đắng khi biết được rằng chủ đầu tư có đất của họ đã bán lại với giá 350 triệu đồng một mét vuông. Cảm giác bị bóc lột tận xương trên con đường luân lạc đeo đẳng hơn 20 năm, sự uất ức đè nặng lên từng gia đình cho dù họ có cố tìm quên trong đời sống mới.
Hàng trăm hộ không chấp nhận sự bóc lột tàn tệ đã bám trụ lại và bị dồn vào những căn nhà ổ chuột để chờ đợi. Chờ đợi gì sau bao năm mòn mỏi khiến họ quên mất, cái họ đang sống cùng là những căn nhà không thể gọi là nhà, nó có 20 m2 cho một hộ gia đình có đến 8 tới 10 nhân khẩu. Ai đã từng xem phim Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột) của Ấn Độ sẽ hiểu thế nào là khu ổ chuột, nhưng cái khác nhau là tại Ấn Độ người nghèo vì nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân bị chính quyền lấy đất và đẩy họ vào sống tại khu ổ chuột thì hoàn toàn không có.
Đất Thủ Thiêm đã có người tự sát vì oan ức, đã có hàng chục người trở thành mất trí vì uất hận, đã có hàng trăm người bỏ công ăn việc làm chỉ để đi khiếu kiện, ngay cả ra tận Hà Nội họ cũng chấp nhận vì họ hiểu rằng phía sau những tờ giấy mà họ nhận được từ chính quyền thành phố là những âm mưu, những trò lách luật, những ve vuốt lẫn hăm dọa trên chữ nghĩa phải được trả lại sự thật. Họ tin vào một điều gì rất mơ hồ, không phải là Đảng mà nhiều gia đình Thủ Thiêm từng bảo bọc, không phải là niềm tin Cách mạng mà cách đây hơn 40 họ gắn bó. Họ khiếu kiện vì biết chắc chắn bị bọn cường hào đỏ áp bức, mà bị áp bức thì phải tranh đấu, đó là thuộc tính của con người.
Hầu như năm nào thì vụ Thủ Thiêm cũng được mang ra mổ xẻ nhằm làm dịu cơn đau của những nạn nhân mất đất. Mỗi lần như vậy người dân lại thấy thêm một thủ thuật của chính quyền trong vấn đề hứa hẹn. Đại biểu Quốc hội đơn vị tp HCM, kiêm chủ tịch HĐND thành phố, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, người gắn bó với vụ án Thủ Thiêm không phải vì sự oan khuất của họ mà bởi bà là chiếc loa của thành phố, gần như phát ngôn viên chính thức về mọi vấn đề mà thành phố đưa ra.
Chiều ngày 9 tháng 5 năm 2018 có lẽ là buổi chiều mà người dân Thủ Thiêm nhớ đời sau hơn 20 năm lặn lội kêu gào trả lại công lý cho họ. Lần đầu tiên trong gần 7 tiếng đồng hồ, hàng chục người dân đã nhìn thẳng vào mặt chủ tọa đoàn tra vấn về những gì mà UBND thành phố đã cướp đoạt bất hợp pháp tài sản của họ. Hàng chục phụ nữ khóc lóc như gia đình có người lìa trần chỉ để hỏi bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tại sao bao nhiêu năm rồi mà đơn thư của họ không được giải quyết. Có người bất tỉnh trong buổi chất vấn, có người dứ nắm đấm vào mặt những người đại diện cho chính quyền, nói chung, khi xem lại video do VTC thực hiện người xem cảm nhận rất rõ mảnh đất Thủ Thiêm hôm nay thấm đẫm oan khuất đến mức nào.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm như thường lệ, không tỏ vẻ bối rối trước sự giận dữ của đám đông quần chúng. Không những thế bà còn “tâm sự”: “Cô bác hỏi có day dứt không, xin thưa là tôi rất day dứt. Nghe cô bác nói vậy, xót lắm. Chính quyền giải quyết vấn đề lớn mà cô bác chưa đồng tình và khiếu nại, nghĩa là còn tin chúng tôi. Tôi cam đoan khi nào còn một ý kiến phản ánh thì vẫn còn đeo bám giải quyết vấn đề ở Thủ Thiêm”.
5 tháng sau ngày bà phát biểu về ý nghĩa của hai chữ day dứt, chưa người dân Thủ Thiêm nào nhận được tờ giấy có chữ ký của bà cho biết vụ Thủ Thiêm đã được tiến triển tới đâu. 5 tháng sau ngày ấy là một sự chờ đợi mỏi mòn của người mất đất, và hôm nay bà Quyết Tâm đã qua báo chí cho biết bà hoàn toàn ủng hộ dự án xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.
Bà ủng hộ vì theo bà, người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm rất cần nhà hát Giao Hưởng này.
Không khó để nhận ra “Quyết Tâm” tên của bà, từ nay đã trở thành “Nhẫn tâm” dưới mắt người dân. Không những tại Thủ Thiêm mà trên khắp nước, bởi nơi nào người dân còn tấm lòng thiện lương sẽ phát hiện ngay sự nhẫn tâm của bà trong câu nói tưởng chừng rất “vô tội vạ” cốt đánh bóng, tuyên truyền cho nhà nước một dự án như hàng ngàn dự án vô bổ khác trên khắp đất nước này.
Nước mắt và tiếng than khóc của người dân Thủ Thiêm đã và sẽ còn ám ảnh cho bất cứ ai nhớ tới. Trong cái nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế ấy có tiêu chuẩn nào được tính cho sự ác độc, tàn bạo của kẻ cầm quyền hay không?
Người dân nào sẽ vào cái nhà hát “Giao hưởng” ấy khi nó mọc lên từ hoang tàn của lòng nhân đạo và nỗi ám ảnh bị cướp bóc còn hằn sâu trong lòng người mua vé vào xem.
Người Cộng sản xem ra rất phù hợp với hai câu thơ khuyến khích những hoạt động cách mạng trong xu thế hiện đại:
“Bất nhân nào cũng vượt qua / Nhân dân nào cũng đánh thắng”
(Blog RFA)
Xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm 1.500 tỷ đồng: Hình như các vị không thấu nỗi đau, nỗi khổ của dân
(VTC News) - Việc xây nhà hát 1.500 tỷ đồng là ý tưởng tốt nhưng qua việc các đại biểu bỏ phiếu cho dự án nhà hát mới này mới thấy rằng, hình như các vị không thấu nỗi đau, nỗi khổ của dân.
Dư luận lại được một phen “dậy sóng” khi Hội đồng Nhân dân TP.HCM biểu quyết thông qua việc xây dựng Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.
Ý kiến thuận chiều là cần phải xây Nhà hát xứng với sự phát triển của thành phố và phục vụ cho các nhu cầu văn hóa giải trí khác, nhưng là ở đẳng cấp “hàn lâm”. Theo như lý giải thì nhà hát này không dành cho các loại ca nhạc biểu diễn kiểu “thị trường”... Ý tưởng này rất tốt và một nơi như TP.HCM thực sự cần một nhà hát hiện đại.
Ý tưởng thì tốt, nhưng lật ngược lại vấn đề thì cần biết “phân vân”: Việc xây nhà hát 1.500 tỷ đồng lúc này đã thực sự cần thiết hay chưa?
Có thể trả lời ngay: Chưa cần thiết!
Bởi lẽ TP.HCM đang rất cần tiền để giải quyết những việc cấp bách như: Thiếu bệnh viện, thiếu trường học, chống ngập...
Giá mà khi biểu quyết thông qua dự án xây nhà hát, các đại biểu đặt một câu hỏi rằng: Cần phải xây thêm bao nhiêu bệnh viện để đảm bảo cho người dân khi ốm không phải nằm 2-3 người/ giường bệnh; không phải nằm vạ vật ở hành lang, thậm chí phải chui cả vào gầm giường?
Cần phải đầu tư thêm bao nhiêu tiền để chống ngập một cách cơ bản cho thành phố, để người dân không phải chịu cảnh mỗi năm vài chục lần bì bõm lội nước mỗi khi triều cường hay mưa lớn...?
Qua việc các đại biểu bỏ phiếu cho dự án nhà hát mới này mới thấy rằng, hình như các vị không thấu nỗi đau, nỗi khổ của dân! Các vị không hiểu được đạo lý của người làm quan là phải “lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”.
Lúc này, TP.HCM chỉ cần nâng cấp Nhà hát Thành phố, cải tạo lại một vài nhà hát là có thể thừa sức cho các dàn nhạc danh tiếng biểu diễn.
Vả lại, cũng phải thừa nhận một điều rằng, thẩm mỹ âm nhạc của người dân Việt Nam hiện còn thấp, đặc biệt là thế hệ trẻ! Một dàn nhạc giao hưởng danh tiếng đến mấy, mà biểu diễn kể cả ở TP.HCM hay Hà Nội thì cũng chỉ được đến tối thứ 3 là hết, bởi không có người nghe.
Cho nên xây một nhà hát thật lớn, thật hoành tráng, thật hiện đại chỉ để biểu diễn dòng nhạc thị trường thì... phí tiền!
Rất mong các vị lãnh đạo TP.HCM nên lắng nghe ý kiến của người dân và hãy đặt mình vào vị trí của người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét