Số phận 3 nhà hát ngàn tỉ ở Hà Nội giờ ra sao?
(PLO)- Với mong muốn có những nhà hát xứng tầm với thủ đô ngàn năm lịch sử, Hà Nội đã có kế hoạch đầu tư xây dựng ba nhà hát lớn từ nhiều nguồn vốn (cả vốn ngân sách lẫn xã hội hóa). Nhưng…
Đình đám nhất phải kể đến Nhà hát Hoa Sen được dự kiến xây dựng tại Khu công viên hồ điều hòa CV1 - khu đô thị mới Cầu Giấy. Dự án này được đưa ra giới thiệu tại hội nghị xúc tiến đầu tư của TP Hà Nội hồi cuối tháng 6-2017 và được coi là nhà hát lớn nhất thủ đô.
Theo kế hoạch ban đầu, nhà hát này được xây dựng trên diện tích khoảng 4 ha, có quy mô sáu tầng, cao 54 m, được thiết kế như năm bông sen nổi trên mặt nước hồ điều hòa CV1 (hồ rộng 19 ha, công viên rộng 32 ha).
Số phận 3 nhà hát ngàn tỉ ở Hà Nội giờ ra sao? - ảnh 1
Thiết kế Nhà hát Hoa sen được đưa ra giới thiệu tại hội nghị xúc tiến đầu tư của Hà Nội hồi cuối tháng 6-2017 .

Nhà hát được thiết kế với công suất 2.000 chỗ ngồi, khu khuôn viên có sức chứa 25.000 người, trong nhà hát có văn phòng, sân trượt băng, khu vui chơi giải trí. Nguồn vốn đầu tư nhà hát này từ nguồn xã hội hóa.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 5-2018, UBND TP Hà Nội đã thống nhất dừng triển khai dự án Nhà hát Hoa Sen. Nguyên nhân dừng là do một số nhà đầu tư không có nhu cầu đầu tư dự án này. Hơn nữa, qua cân đối nguồn lực của TP không đáp ứng được nên lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã quyết định dừng xây dựng Nhà hát Hoa Sen.
Nhà hát thứ hai là Nhà hát Thăng Long với tổng vốn đầu tư lên đến 2.398 tỉ đồng, dự định xây dựng vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Thời điểm đầu, nhà hát này được hoạch định tại khu X2 Mễ Trì (Từ Liêm) trên diện tích 2,445 ha mặt đường Phạm Hùng, gần Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bảo tàng Hà Nội. Sau đó, vị trí xây nhà hát này lại được tính chuyển về ô quy hoạch có ký hiệu 20 khu vực bán đảo Quảng An, quận Tây Hồ.
Số phận 3 nhà hát ngàn tỉ ở Hà Nội giờ ra sao? - ảnh 2
Một trong những thiết kế về Nhà hát Thăng Long đưa ra lấy ý kiến dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Theo thiết kế ban đầu, quy mô của nhà hát gồm khu biểu diễn hòa nhạc cổ điển 1.200-1.500 chỗ và khu biểu diễn đa chức năng 1.800 chỗ và không gian biểu diễn ngoài trời. Nguồn vốn xây dựng từ ngân sách nhà nước, do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên, đã qua tám năm, dự án này vẫn nằm trên giấy do Hà Nội chưa cân đối được ngân sách. Năm 2017, Sở KH&ĐT TP Hà Nội cho biết do có khó khăn về nguồn vốn nên Hà Nội dự định thay đổi hình thức đầu tư, kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để triển khai dự án.
Nhà hát thứ ba là Nhà hát Opera tại khu vực Đầm Trị, Hồ Tây, do một doanh nghiệp lớn của Việt Nam triển khai theo hình thức xã hội hóa.
Vào dịp đầu xuân năm 2017, kế hoạch xây dựng nhà hát lần đầu tiên được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung công bố tại cuộc gặp gỡ giới văn nghệ sĩ trí thức của thủ đô. Theo đó, dự kiến nhà hát sẽ được xây dựng tại phường Quảng An, quận Tây Hồ với tiêu chuẩn quốc tế.
Đến tháng 9-2017, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu dự án này cho biết đã mời kiến trúc sư nổi tiếng của Ý để thiết kế nhà hát này với mục đích xây dựng một nhà hát mang tính biểu tượng, điểm nhấn văn hóa của thủ đô.
Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa chính thức được triển khai.
TRỌNG PHÚ