Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Trung Quốc dọa quân sự hóa các đảo ở Biển Đông

Posted on  by The Observer

Print Friendly, PDF & Email
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Thời báo Hoàn Cầu ngày 27/09/2018 đăng xã luận dưới tiêu đề “Máy bay ném bom B-52 lại đến Nam Hải, nên xem xét vấn đề này ra sao?”
Bài báo viết: Báo đài Mỹ dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nói trong tuần này máy bay ném bom B-52 của quân đội Mỹ bay qua vùng gần Nam Hải [Việt Nam gọi là Biển Đông] của Trung Quốc (TQ), tham gia một hành động có phối hợp của phía Mỹ ở gần Nam Hải. Ngoài ra Thứ Ba tuần này B-52 cũng bay qua Đông Hải [biển Hoa Đông].
CNN và Reuters đều cho rằng hành động này sẽ “chọc tức TQ” hoặc làm cho mối quan hệ căng thẳng Trung-Mỹ càng căng thẳng hơn.

Hiện còn chưa rõ máy bay B-52 bay qua Nam Hải với tính chất bình thường hay là bay gần các đảo của TQ. Thông thường, các phương tiện truyền thông có thể dựa vào sự gay gắt trong phản ứng từ phía TQ để phán đoán đại để hoạt động của Mỹ gây ra mức độ khiêu khích như thế nào đối với TQ.
Vùng nước ở Nam Hải rộng mênh mông, nơi đó có các đảo của TQ, có vùng nước chủ quyền và vùng biển quản lý của TQ, cũng có các vùng nước chồng lấn do các bên khác chủ trương. Nếu máy bay tàu chiến Mỹ đi qua vùng nước và bầu trời bên ngoài chủ quyền, thì theo luật quốc tế sẽ không gây ra vấn đề gì. Nếu đi vào vùng nước và vùng trời chủ quyền của TQ thì phía TQ sẽ áp dụng các biện pháp cảnh cáo, xua đuổi.
Bởi lẽ những sự việc xảy ra trên biển rất khó tiến hành đo tức thời cự ly [máy bay cách đảo bao xa], cho nên trong đó sẽ có một số không gian mù mờ. Khi động chạm tới phạm vi quan hệ với hai bên, việc phía Mỹ công khai giải thích như thế nào về ý đồ hoạt động của máy bay-tàu chiến Mỹ sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiên cứu phán đoán của phía TQ và của thế giới bên ngoài về hành động của Mỹ.
Vì Nam Hải là tuyến vận chuyển quốc tế quan trọng, tàu thuyền nước ngoài qua lại nườm nượp, tàu chiến cũng thường qua lại. Chính phủ TQ nhiều lần biểu thị chúng tôi không có ý kiến gì về sự tự do đi lại bình thường.
Thế nhưng tình hình lần này khá điển hình. Phía Mỹ công khai tuyên bố máy bay ném bom B-52 đã đi Nam Hải, lời ấy họ nói để TQ nghe, cũng để dư luận thế giới nghe. Mục đích của Lầu Năm Góc là gây ra mối liên tưởng tới sự ra oai [của Mỹ] đối với chính sách Nam Hải của TQ. Lúc này cho dù mọi người không biết máy bay Mỹ có vào vùng biển gần đảo TQ hay không nhưng phía Mỹ đã đạt được hiệu quả khiêu khích dư luận TQ.
Bởi lẽ người ta có thể hỏi, nếu là bay bình thường thì cần gì phải công khai tuyên bố? Hơn nữa truyền thông phương Tây khi đưa thông tin trong thời gian đầu tiên đều giải thích và lái người đọc hiểu theo hướng hành vi của Mỹ sẽ có thể “làm TQ tức giận”. Sự thật là [với việc tuyên bố như trên] phía Mỹ đang khiêu khích TQ.
Dường như Washington say sưa với trò chơi khiêu khích TQ. Nếu phía TQ xem những trò chơi ấy từ góc độ chúng ta bị khiêu khích hết lần này đến lần khác mà không có cách đối phó, thì [chúng ta] sẽ rất ấm ức. Dĩ nhiên chúng ta không thể bỏ góc độ xem xét ấy, song đồng thời chúng ta cần phải từ góc độ khác xem xét kỹ sự việc ở Nam Hải.
Nỗi bất mãn lớn nhất của phía Mỹ là TQ mở rộng xây dựng các đảo ở Nam Hải. Mỹ tăng cường hoạt động quân sự ở Nam Hải nhằm mục đích chính là gây sức ép với phía TQ, khiến phía TQ rút lui trên vấn đề [bồi đắp] hải đảo. Nhưng TQ vẫn tiến hành xây dựng các đảo của mình theo cách đánh chắc thắng chắc trong khuôn khổ phòng vệ, phớt lờ việc Mỹ gây sự ra sao ở Nam Hải. Washington chẳng còn cách nào, chỉ có thể qua các hoạt động [khiêu khích] ấy tra thuốc nhỏ mắt cho chúng ta [sáng mắt hơn]. Vì vậy về tổng thể TQ giữ được tính chủ động chiến lược ở Nam Hải.
Tại Nam Hải, Mỹ có nhiều quân bài nhỏ nhưng TQ có nhiều chủ bài. Nếu hoạt động quân sự của Mỹ tiếp tục tăng lên, đe dọa an toàn của các đảo đó thì TQ có thể bố trí trang bị tác chiến quân sự tại các đảo này để đáp lễ Mỹ. Washington rất lo ngại về quân bài ấy trong tay Bắc Kinh.
Nói về vĩ mô, việc Mỹ tăng cường khiêu khích quân sự với TQ sẽ kích thích TQ bỏ ra càng nhiều tài nguyên vào việc triển khai xây dựng quân sự có tính chiến lược, kể cả xây dựng lực lượng hạt nhân tiên tiến. Mỹ rất lo sợ về vấn đề này.
Mối quan hệ quân đội TQ-Mỹ gần đây có xu hướng căng thẳng, cộng thêm bối cảnh lớn của cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước, sự khiêu khích quân sự của phía Mỹ sẽ dễ bị giải thích một cách nghiêm trọng và có tính kích động hơn bình thường. Chúng ta muốn nhắc nhở phía Mỹ hãy nên một vừa hai phải, nhằm tránh xảy ra tình trạng tình thế bị nâng cấp tới mức Washington chưa chắc xử lý nổi.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Trung  社评:B-52轰炸机又来南海,怎么看?, 27/09/2018.

Không có nhận xét nào: