15/10/2018
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Sau khi Phó Tổng thống Mỹ Pence ngày 4/10 đọc bài diễn văn lên án toàn diện Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Hudson – một think-tank của Washington, có rất nhiều người Trung Quốc ở trong và ngoài nước đối chiếu bài này với bài “Diễn văn Bức Màn sắt” của Churchill đọc năm 1946 và cho rằng bài nói của Pence có thể trở thành dấu hiệu khởi đầu “Cuộc Chiến tranh Lạnh Trung-Mỹ”.
Nếu Trung Quốc đứng trên tư thế có tính chiến đấu trả đũa các trò khiêu khích của Mỹ đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây và xác định bài nói của Pence là “Lời hịch Chiến tranh Lạnh” mà Mỹ phát ra đối với Trung Quốc, từ đó triển khai sự đối đầu với Mỹ, thì cuộc “Chiến tranh Lạnh” sẽ có thể thực sự mở màn và dần dần trở thành sự thật.
Không cứng rắn đánh trả Mỹ, lẽ nào Trung Quốc phải im như thóc, không ngừng lùi bước trước sức ép của Washington ư? Đương nhiên như vậy cũng không được.
Trung Quốc tất phải kiên quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, từ buôn bán tới quốc phòng; khi bị Mỹ khiêu khích phải không chút do dự trả đũa. Đồng thời chúng ta phải nhìn nhận đúng sự việc, không từ phía mình thúc đẩy làm leo thang mâu thuẫn Trung-Mỹ, không làm nổi bật bầu không khí đối kháng chiến lược Trung-Mỹ, không để cuộc đấu Trung-Mỹ trở thành mặt chủ đạo trong mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, lại càng chớ để nó quyết định phương hướng quản trị quốc nội Trung Quốc.
Trong lúc Washington đang phát tán các loại báo cáo và bài nói đầy ý thù địch [với Trung Quốc], chúng ta vừa phải chú ý tới từng xu hướng chuyển động trong đó, vừa đồng thời phải vượt lên những xu hướng ấy, đứng lên vị trí cao hơn mà quan sát nước Mỹ luôn xáo động, không được để tình cảm kích động ấy của họ dẫn dắt ta, bảo đảm chúng ta giữ được lý trí tỉnh táo trong nhận thức về nước Mỹ — ngoại lực lớn nhất có ảnh hưởng tới sự phát triển của Trung Quốc.
Thứ nhất, nước Mỹ tuyệt nhiên chưa hề đối xử tốt với Trung Quốc mà Trung Quốc lại đối xử không phải với Mỹ, như Pence nói trong bài diễn văn của ông ta. Từ thời cận đại [với Trung Quốc là thời kỳ 1840~1919] trở đi, nước Mỹ từng đóng những vai trò phức tạp đối với vận mệnh của nhà nước Trung Quốc, cho dù cả hai nước đều nhận thức lịch sử theo cách “cho mình là [vai] chính”. Sự thực là, từ Chiến tranh Thuốc phiện [1840~1842] cho tới trước ngày thành lập nước CHND Trung Hoa [1/10/1949], vận mệnh của Trung Quốc cực kỳ bi thảm. Trong quá trình trở thành lực lượng lớn mạnh nhất thế giới, nước Mỹ chưa từng có tác dụng to lớn đối với sự thay đổi vận mệnh Trung Quốc, như Pence tô vẽ.
Thứ hai, từ khi Nixon mở cánh cửa lớn trong quan hệ Trung-Mỹ cho đến ngày Trung Quốc thực thi cải cách mở cửa [2/1972~12/1978], lần đầu tiên hai nước xây dựng mối quan hệ mới toàn bộ trên cơ sở bình đẳng. Tuy rằng trong thời gian đó hai nước không ngừng có sự bất đồng hoặc cọ xát, nhưng nhìn tổng thể, Mỹ đã đóng vai trò có tính xây dựng trong sự phát triển của Trung Quốc. Nhìn từ phía ngược lại, Trung Quốc cũng có tác dụng tích cực đối với an ninh và sự phát triển của Mỹ. Tình hình hòa giải Trung-Mỹ đã làm tăng ưu thế của Mỹ đối với Liên Xô vào thời kỳ cuối Chiến tranh lạnh. Hợp tác Trung-Mỹ đã củng cố sức lãnh đạo quốc tế của Mỹ trong thời đại toàn cầu hóa.
Thứ ba, xét về mối quan hệ giữa cái gọi là “Nước lớn thủ thành” với “Nước lớn trỗi dậy” trong lịch sử nhân loại, thì keo cọ xát và vật lộn Trung-Mỹ hiện nay tương đối ôn hòa nhất; trong những năm qua hai bên về tổng thể đã thực hiện được sự quản lý-kiểm soát có thể coi là bình ổn đối với tình hình nghi ngờ chiến lược lẫn nhau cũng như cọ xát về kinh tế và an ninh. Trên thực tế, chỉ cần hai nước lớn Trung-Mỹ không đi theo hướng đối kháng quân sự thì mọi cuộc tranh cãi và cọ xát giữa hai nước đều có thể hoàn toàn quản lý, kiểm soát được.
Thứ tư, Mỹ có thể dễ dàng trút giận lên Trung Quốc nhưng trên thực tế cây gậy họ dùng để kiềm chế Trung Quốc lại rất hữu hạn. Chiến tranh thương mại tất nhiên ngược lại sẽ gây ra sự tự làm mình tổn thương, là biện pháp rất ngu ngốc. Ý định xây dựng một tổ chức an ninh kiểu như NATO nhằm vào Trung Quốc là điều hoàn toàn không hiện thực. Trước một Trung Quốc đi ra khắp thế giới làm ăn, hơn nữa thị trường quốc nội nhanh chóng mở rộng, nước Mỹ hầu như chẳng có cách nào xây dựng được một nhóm đồng minh nhằm cô lập và kiềm chế Trung Quốc.
Trừ phi Trung Quốc trên chiến lược sẽ toàn diện đối đầu với Mỹ, nếu không Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ sẽ rất khó triển khai sự động viên đích thực chống Trung Quốc trong toàn xã hội Mỹ. Thời nay từ lâu đã không còn là thời đại công chúng [Mỹ] sẵn lòng vì cái gọi là “lợi ích quốc gia” mà chủ động xuất kích đi làm một cuộc viễn chinh đầy rủi ro. Chỉ cần Trung Quốc giữ thái độ bình tĩnh trước sự điên khùng của một số nhân vật tinh hoa ở Mỹ, phớt lờ họ, thì cái gọi là “Chiến tranh Lạnh” sẽ không thành hình nổi, đợt hò la ầm ỹ này của họ sẽ như quả bóng xì hơi mà thôi.
Nước Mỹ đang bừng bừng nổi giận. Lúc này Trung Quốc cần đánh thái cực [quyền] với họ. Làm như thế không phải là sợ hãi, chùn lại, mà đây là trí tuệ chiến lược đặc biệt của dân tộc Trung Hoa. Trong chiến tranh thương mại, nhất định phải làm cho nước Mỹ cảm thấy đau. Trên vấn đề Nam Hải [Việt Nam gọi là Biển Đông – ND] và eo biển Đài Loan cũng quyết không cho phía Mỹ tự ý làm càn. Nhưng chúng ta cần phải làm tất cả những việc ấy một cách bình tâm tĩnh trí, để cho phía Mỹ biết rằng mỗi khi họ làm bậy thì sẽ phải trả giá, còn Trung Quốc lại là quốc gia trước sau như một luôn mở rộng cánh cửa lớn hữu hảo hợp tác với họ. Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng cửa, điều đó sẽ không vì hoàn cảnh bên ngoài trở nên xấu đi mà có thay đổi.
Nếu Trung Quốc có thể làm như vậy thì chắc rằng chẳng bao lâu nữa nhất định sẽ có hiệu quả chiến lược. Trung Quốc rất độc đáo. Chúng ta không phải là Liên Xô. Bất cứ kẻ nào cũng đừng hòng dùng những thủ đoạn đối phó với Liên Xô để đối phó với chúng ta.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ Hoàn cầu Thời báo “社评:美一些人休想像搞苏联那样对付中国”, 07/10/2018.
29
0 0 29
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét