Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

VÌ SAO TRONG 2 NĂM TRUMP RÚT KHỎI 9 HIỆP ƯỚC QUỐC TẾ; ĐANG ĐE DỌA RÚT KHỎI LIÊN HIỆP QUỐC VÀ WTO...

Ngay ngày làm việc thứ ba sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump bắt đầu tiến trình rút lui khỏi hàng loạt hiệp ước, và sau 2 năm nắm quyền Trump đã rút khỏi 9 hiệp ước quốc tế. Tại sao Trung Quốc ra sức ủng hộ các hiệp ước này? Mục tiêu tiếp theo của Trump là gì? Cuối cùng Trump có ý đồ gì?

Ông Trump phát biểu tại Hội nghị APEC diễn ra tháng 10/2017 (Ảnh từ Getty Images) 

1. Rút khỏi “Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung”

Vào ngày 20/10/2018, Trump đã xác nhận rằng Mỹ sẽ rút khỏi “Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung” (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty) được ký vào năm 1987. Hiệp ước này cấm Mỹ và Nga triển khai các tên lửa hạt nhân cũng như bình thường tầm ngắn và tầm trung trong phạm vi từ 500 đến 5.500 km. Hiệp ước đã từng khiến các nước châu Âu và các đồng minh vùng Viễn Đông trong phạm vi thở phào nhẹ nhõm. Có ba lý do khiến Trump từ bỏ: (1) Nga không tuân thủ Hiệp ước; (2) Mỹ thực hiện cam kết dẫn đến không thể phát triển và triển khai các vũ khí mới; (3) Trung Quốc không ký kết, không chịu bất kỳ hạn chế nào về triển khai tên lửa tầm ngắn và trung cũng như phát triển quy mô lớn ở châu Á – Thái Bình Dương, ngày càng đe dọa đến an ninh của Mỹ.

Trang web Bộ Ngoại giao Nga đã công bố bài bình luận cáo buộc Mỹ theo đuổi chính sách “thế giới đơn cực”, và giấc mơ này là không thể thực hiện được. Còn Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc có nhận xét rằng động thái của Mỹ có thể gây “cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt và nguy hiểm”, cáo buộc “Mỹ để mắt tới Trung Quốc, đối phó với Trung Quốc từ một loạt các góc độ khác nhau”.
Về vấn đề này, Thượng tướng Harry Harris là Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, cựu chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương đã chỉ ra, nếu Trung Quốc tham gia “Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung” thì sẽ có 95% trong khoảng 2.000 đạn đạo và tên lửa hành trình Trung Quốc vi phạm Hiệp ước.

2. Rút khỏi “Liên minh Bưu chính Toàn cầu”

Vào ngày 17/10/2018, Mỹ đã bắt đầu quá trình rút khỏi “Liên minh Bưu chính Toàn cầu” (UPU), đây cơ quan chịu trách nhiệm về các dịch vụ bưu chính quốc tế. Lý do rút khỏi của Mỹ là: (1) Quy chế “phí dịch vụ đầu cuối” của tổ chức làm cho chi phí chuyển phát bưu kiện quốc tế ở các nước phát triển cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển, còn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc vẫn được xem là nước đang phát triển. Điều này tương đương với việc phải trợ cấp cho các quốc gia như Trung Quốc. Trong năm tài chính 2017, ngành bưu chính Mỹ đã phải bù vào khoảng 170 triệu USD (đô la Mỹ); (2) Nhiều bưu kiện gửi đến Mỹ từ Trung Quốc được hưởng giá dịch vụ rẻ mạt trong nước Mỹ, làm các sản phẩm của Mỹ suy yếu khả năng cạnh tranh; (3) Làm cho hàng giả, hàng giá rẻ, và hàng chất gây nghiện tràn vào Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 18/10 rằng, không cần phải “đưa Trung Quốc vào chuyện này”.

3. Làm lại “Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ”

“Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada” (USMCA) đã thay thế “Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ” (NAFTA) và bổ sung điều khoản “thuốc độc”. Điều khoản quy định rằng bất kỳ bên nào tham gia hiệp định ký kết hiệp định thương mại tự do với “quốc gia kinh tế phi thị trường” thì sau đó 6 tháng quốc gia thành viên có thể tự do rút khỏi và có quyền xúc tiến thỏa thuận thương mại song phương của riêng mình.
Trung Quốc đã không được cộng đồng quốc tế công nhận là “quốc gia kinh tế thị trường”, đây cũng là vấn đề cốt lõi trong cuộc chiến thuế quan của Trump chống Bắc Kinh. Điều khoản “thuốc độc” này có thể cũng sẽ được áp dụng cho đàm phán thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, cô lập toàn diện đối với Bắc Kinh.

4. Rút khỏi “Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”

Ngày 20/06/2018, Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc với 47 quốc gia thành viên, cho biết cơ quan này vô tâm, trở thành một công cụ chính trị cho một số nước, đã nhiều lần chỉ trích Israel và cho phép nước chà đạp nhân quyền gia nhập, chẳng hạn như Venezuela, Trung Quốc, Cuba và Congo. Trước khi rút khỏi, Mỹ và tổ chức này đã tiến hành các cuộc đàm phán về cải cách trong vài tháng.

5. Rút khỏi “Hiệp định Khí hậu Paris”

Vào ngày 2/6/2017, Mỹ rút khỏi “Hiệp định Khí hậu Paris”, bởi vì theo Hiệp định khí hậu Paris thì Mỹ đã chi hầu hết các chi phí và công nghệ của mình, lại làm giảm khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ.
Theo Hiệp định khí hậu Paris, trước năm 2025 mỗi năm các nước phát triển phải cung cấp khoảng 100 tỷ đô la Mỹ viện trợ cho các nước đang phát triển để cải thiện cơ cấu năng lượng và công nghệ công nghiệp hóa. Trong số hơn 100 nước ký kết, chỉ riêng Mỹ phải chịu 75% chi phí, khoảng 75 tỷ USD mỗi năm.
Về giảm phát thải carbon ở các nước khác nhau, Hiệp định Khí hậu Paris không bao gồm các quốc gia gây ô nhiễm nặng như Trung Quốc và Ấn Độ. Hiệp định quy định rằng Ấn Độ sẽ bắt đầu các biện pháp giảm carbon khi nước này nhận được 2,5 nghìn tỷ USD tài trợ, Trung Quốc có thể tăng lượng khí thải trong hơn một thập kỷ và không cần phải thực hiện các biện pháp nào trước năm 2030. Theo dữ liệu của Numbeo, Chỉ số ô nhiễm không khí của Trung Quốc năm 2017 là 88,96; Ấn Độ là 76,53 và Mỹ là 31,19. Thỏa thuận này yêu cầu Mỹ trước năm 2025 phải giảm lượng phát thải carbon từ 26% lên 28%. Chính quyền Trump cho rằng việc phân biệt đối xử trong yêu cầu giảm phát thải của các quốc gia khác nhau sẽ dẫn đến mất khả năng cạnh tranh toàn cầu đối với các sản phẩm của Mỹ.
Theo BBC đưa tin, bất chấp sự rút lui của Trump, kế hoạch giảm lượng phát thải carbon của Mỹ sẽ vẫn giảm đến một nửa so với khối lượng kế hoạch của Obama, bởi vì năng lượng sản xuất của Mỹ sử dụng khí tự nhiên nhiều hơn than đá.
Để đáp lại sự rút lui của Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng bày tỏ việc tiếp tục xúc tiến Hiệp định Khí hậu Paris và hoàn thành nghĩa vụ “100%”. Phân tích cho rằng có 6 lý do khiến Bắc Kinh phải tuân theo Hiệp định Paris là: (1) Hiệp định không làm khổ Bắc Kinh, sau khi lượng khí thải lên đến đỉnh điểm vào năm 2030, bắt đầu giảm lượng khí thải là vừa; (2) Hiệp định làm giảm khả năng cạnh tranh toàn cầu ở một số nước; (3) Mỹ rút là phù hợp với tham vọng của Bắc Kinh trong việc theo đuổi xưng bá thế giới; (4) Bắc Kinh không điều chỉnh vấn đề ô nhiễm không khí chẳng khác nào “tự sát chính trị”, có thể gây các cuộc biểu tình lớn; (5) Đối với nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc thì Hiệp định là một chuyện, còn thực hiện và tiêu chuẩn là một chuyện khác; (6) Bắc Kinh xem Hiệp định khí hậu là cơ hội kinh doanh, giúp Trung Quốc trở thành nước hàng đầu về các sản phẩm năng lượng sạch và phát hành trái phiếu xanh.

6. Rút khỏi “Hiệp định Hạt nhân Iran”

Vào ngày 08/5/2018 Mỹ tuyên bố rút khỏi “Hiệp định Hạt nhân Iran” và tái thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại Iran. Iran và Bắc Triều Tiên được xem là hai “em nhỏ” của Bắc Kinh. Vào năm 2015, Hiệp định Hạt nhân Iran đã được ký kết bởi Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga. Hiệp định này đã giảm bớt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, đổi lại Iran hạn chế nghiêm ngặt khả năng làm giàu urani để cho thấy nước này từ bỏ theo đuổi phát triển bom nguyên tử.
Trump cho biết, Hiệp định được ký kết bởi chính sách đối ngoại của Obama, đây là một “thảm họa”, cũng không đề cập đến chương trình tên lửa đạn đạo, các hoạt động hạt nhân của Iran sau năm 2025, và vai trò của Iran trong xung đột ở Yemen và Syria.

7. Rút khỏi “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương”

Vào ngày 23/1/2017, ngày thứ ba Trump làm Tổng thống, đã rút khỏi “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP) với 12 quốc gia thành viên. Hiệp định bắt đầu đàm phán vào năm 2009 trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Obama, và trong thời gian dài đã không được Quốc hội Mỹ chấp thuận. Trump lên án Hiệp định này thúc đẩy giới doanh nghiệp Mỹ di dời công ty đến các quốc gia có lao động rẻ hơn, khiến người lao động Mỹ mất việc làm, cũng không thể ngăn được Nhật Bản thao túng tiền tệ.

8. Rút khỏi UNESCO

Vào ngày 13/10/2017, Mỹ đã rút khỏi UNESCO (Tổ chức Văn hóa – Khoa học – Giáo dục Liên Hiệp Quốc). Mâu thuẫn này có thể truy về năm 2011 khi 194 quốc gia thành viên của tổ chức thông qua với số phiếu 180:14 cho Palestine chính thức là thành viên. Mỹ và Israel đã phản đối, thời điểm đó chính quyền Obama đã đình chỉ việc thanh toán phí thành viên, và đến năm 2013 Mỹ đã mất quyền biểu quyết.
Ông Đường Kiền Chính (Tang Qianzheng) người Trung Quốc là trợ lý Tổng thư ký UNESCO, hiện ông này đang cạnh tranh vào chức vụ Tổng giám đốc của UNESCO.
Năm 1984, thời Tổng thống Reagan đã chỉ trích rằng tổ chức này là chính trị tả khuynh và từ chối trách nhiệm về tài chính, cũng đã rút lui.

9. Rút khỏi quá trình xây dựng “Hiệp ước Toàn cầu về Di dân”

Ngày 03/12/2017, Mỹ rút khỏi quá trình xây dựng “Hiệp ước Toàn cầu về Di dân” do Liên Hiệp Quốc phụ trách, với lý do cuộc đàm phán đa phương này “làm hại chủ quyền của Mỹ”, không phù hợp với các chính sách nhập cư và tị nạn của Mỹ.
Năm 2016, 193 thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua một tuyên bố chính trị không ràng buộc, cụ thể là “Tuyên bố New York về Người tị nạn và Nhập cư”, hứa sẽ bảo vệ quyền lợi của những người tị nạn, giúp họ tái định cư và đảm bảo khả năng tiếp cận các cơ hội giáo dục và việc làm.

Mỹ sẽ rút khỏi “Tổ chức Thương mại Thế giới”?

“Tổ chức Thương mại Thế giới” (WTO) cũng đã trở thành mục tiêu của chính quyền Trump. Vào tháng Bảy năm nay, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, không loại trừ Mỹ lựa chọn đàm phán lại các hiệp định thương mại đa phương. Cơ cấu trọng tài tối cao của WTO hiện gần như bị tê liệt, Mỹ đã từ chối một thẩm phán WTO tái đắc cử, còn lại ba vị thẩm phán cũng đang bị nghi ngờ trong một số trường hợp, toàn bộ cơ chế trọng tài phải tạm dừng.
Hồi tháng 08/2018, Trump cho biết rằng, trong nhiều năm WTO đã đưa Mỹ vào hoàn cảnh rất bất lợi, cần phải“thay đổi cách làm của họ”.

Mỹ sẽ rút khỏi Liên Hiệp Quốc?

Liên Hiệp Quốc hiện đang hỗ trợ hệ thống quan hệ chính trị quốc tế, Trump có thể rút lui không?
Vào ngày 24/12/2017, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Haley đã thông báo giảm 285 triệu đô la Mỹ ngân sách hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong hai năm tài chính 2018-2019. Trump đã chỉ trích Mỹ cung cấp 22% ngân sách dự trù thường xuyên của Liên Hiệp Quốc và 28% cho các dự án giữ gìn hòa bình, như vậy là không hợp lý.
Vào tháng 9/2018, Trump phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc: “Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất trên thế giới, nhưng nhận được rất ít báo đáp, vì vậy Mỹ đang kiểm tra lại nghiêm túc viện trợ nước ngoài của mình”. “Chúng tôi hy vọng các nước khác chia sẻ trách nhiệm tương ứng của họ một cách công bằng”. Mỹ cam kết “làm cho Liên Hiệp Quốc trở nên hiệu quả và có trách nhiệm hơn”.
Có chuyên gia về các vấn đề quốc tế đã cảnh báo rằng nếu Liên Hiệp Quốc không thực hiện ý chí của Mỹ thì hoàn toàn có khả năng Mỹ rút khỏi Liên Hiệp Quốc.

Thiết lập trật tự quốc tế mới?

BBC đã chỉ ra, sau Thế chiến Hai, Mỹ là nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong trật tự quốc tế, còn trong 30 năm qua Trung Quốc đã trở thành nước hưởng lợi nhờ trật tự quốc tế hiện tại giúp ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc đang bùng nổ. Có phân tích cho rằng Nga cũng cảnh giác với sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự và ảnh hưởng quốc tế đang phát triển của Trung Quốc, và không ủng hộ Trung Quốc thành nước lãnh đạo trong trật tự quốc tế mới. Do đó, Trump đã liên tục rút khỏi hệ thống quốc tế hiện tại, bao gồm: chính trị, kinh tế, an ninh, văn hóa và công nghệ, có thể khiến Trung Quốc phải đối mặt với tình hình quốc tế và địa chính trị mới.
Huệ Anh
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: