Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

Việt Nam có nên hợp tác với Trung Quốc cùng khai thác Biển Đông?

Kết quả hình ảnh cho Đường lưỡi bò
Khu vực lãnh hải gọi là "Đường lưỡi bò" Trung Quốc nhận là của mình...
Bản đồ của CSIS cho thấy các khu vực cần có giấy phép khai thác dầu khí trên Biển Đông từ các quốc gia liên quan

Việc tranh giành các nguồn dầu khí đã luôn gây ra những căng thẳng trên Biển Đông giữa các bên tranh chấp chủ quyền, đặc biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam. Các chuyên gia về Biển Đông của Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ không cho phép các nước khác trong khu vực khai thác dầu khí trên vùng biển có nhiều tranh chấp chừng nào chưa có đủ chế tài quốc tế để buộc Trung Quốc phải khuất phục.

Dàn khoan của PetroVietnam trên  Biển Đông, nơi đang có nhiều tranh chấp chủ quyền. Theo các học giả Mỹ,  tranh chấp về khai thác dầu khí là một trong những vấn đề khó giải  quyết nhất trong các xung đột trên Biển Đông.

Với một nền kinh tế cần nhiều năng lượng như Trung Quốc, nước này không thể bỏ qua nguồn lợi dầu khí ở khu vực Biển Đông giàu tài nguyên.

Tài nguyên dưới biển

Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Biển Đông có khoảng 190.000 tỷ feet khối khí tự nhiên và 11.0000 tỷ thùng dầu. Trong khi đó một khảo sát địa lý của Hoa Kỳ năm 2012 ước tính có thể có 160.000 tỷ feet khối khí tự nhiên và 12.000 tỷ thùng dầu chưa được khai thác ở Biển Đông.
Đối với Việt Nam, việc tiếp cận các nguồn năng lượng ở Biển Đông là vô cùng quan trọng, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington. Lô 06.1 – một phần của dự án Nam Côn Sơn gần Bãi Tư Chính cung cấp khoảng 10% tổng nhu cầu về năng lượng của Việt Nam.

Bãi Tư Chính nằm trong khu vực tranh chấp, trong khi đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc vạch ra bao trùm cả khu vực này. Việt Nam được cho là đã phải hai lần dừng các dự án khoan thăm dò dầu khí trên Biển Đông với các đối tác của Tây Ban Nha trong khu vực bãi Tư Chính trong chưa đầy một năm qua vì sức ép của Bắc Kinh.

Sau vụ việc của Repsol, một đối tác khác của Việt Nam – Rosneft của Nga – cũng đã bị Trung Quốc đe dọa khi họ mới bắt đầu khai thác ở mỏ Lan Đỏ của Lô 06.1 vào tháng 5 năm nay. Trong những lần bị đe dọa đó, Việt Nam không nhận được bất cứ sự ủng hộ nào từ Mỹ hay từ các nước trong khu vực cùng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Hợp tác khai tách các nguồn khí ga tranh chấp trên Biển Đông là một việc làm rất khó, theo Greg Polling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, cho biết tại một buổi ra mắt kế hoạch “Làm dịu các tranh chấp trên Biển Đông” tại Washington hôm 15/10.

“Nó khó bởi vì không có một yêu cầu nào đối với các quốc gia phải hợp tác. Tuy nhiên có những điều khoản trong UNCLOS (Công ước quốc tế về Luật biển) trong đó thiết lập các phương thức tạm thời trong trường hợp có những tranh chấp. Các quốc gia này có nghĩa vụ phải tìm ra cách làm thế nào để hợp tác trong việc cùng khai thác các nguồn dầu khí.”


(Trung Quốc) không muốn cho phép bất cứ quốc gia nào lấy đi nguồn dầu khí trong đó cho thấy rằng nước đó có chủ quyền của khu vực biển mà Trung Quốc không có chủ quyền.

Bonnie Glasser, học giả của CSIS
Tuy nhiên, theo chuyên gia của CSIS, Trung Quốc không bao giờ đưa ra chính xác các tuyên bố chủ quyền của họ là gì, đặc biệt khi đề cập đến các nguồn tài nguyên dưới đáy biển. “Rõ ràng là Trung Quốc muốn có các quyền lịch sử ở mọi nơi trên Biển Đông,” ông Polling nói.

Một trong những đề xuất mà các chuyên gia của CSIS đưa ra trong buổi ra mắt kế hoạch “Làm dịu các tranh chấp trên Biển Đông” là hợp tác về vấn đền khai thác các nguồn tài nguyên dước đáy biển. Những đề xuất này gồm thành lập một liên doanh thương mại có các bên tham gia, hay các nước trong khu vực nhất trí cấp giấy phép khai thác dầu khí trong khu vực 200 hải lý của mình, hay đồng ý không khai thác dầu khí trong khu vực được bảo vệ để đánh cá và các hệ thống san hô trên Biển Đông.

Tuy nhiên theo Bonnie Glasser, cố vấn cấp cao về châu Á của CSIS, khả năng đạt được một sự đồng thuận với Trung Quốc là rất khó vì Trung Quốc không thực sự tập trung vào việc tiếp cận các nguồn dầu khí trong khu vực mà chỉ muốn cùng khai thác với các nước khác trong khu vực.

“Họ đã luôn hối thúc việc cùng khai thác trong một thời gian dài,” chuyên gia của CISIS cho biết. “Họ không muốn cho phép bất cứ quốc gia nào lấy đi nguồn dầu khí trong đó cho thấy rằng nước đó có chủ quyền của khu vực biển mà Trung Quốc không có chủ quyền.”

Các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc muốn xoa dịu các nước Đông Nam Á đang có những tuyên bố tranh chấp về chủ quyền biển bằng các thỏa hiệp khai thác Biển Đông. Việc thể hiện thiện chí có thể làm giảm tác động của một phán quyết từ tòa trọng tài quốc tế bác bỏ cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền biển của Trung Quốc, và ngăn các nước khác tìm kiếm sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ.

Gác tranh chấp, cùng khai thác

Trung Quốc cũng đã luôn muốn được cùng khai thác tài nguyên trên Biển Đông với Việt Nam. Trong các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh và Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm ngoái, các nhà lãnh đạo hai nước đã cam kết cùng hợp tác trên Biển Đông. Việt Nam vào tháng trước đã lên tiếng hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc “cùng hợp tác để khai thác” trong vùng biển có nhiều tranh chấp. Ngoại trưởng Vương Nghị trong chuyến thăm TP HCM hôm 16/9 nói đó là cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Bản đồ của CSIS cho thấy các khu vực cần có giấy phép khai thác dầu khí trên Biển Đông.

Nhận định về việc cùng hợp tác khai thác trên biển, Prashanth Parameswaran – biên tập tờ The Diplomat có trụ sở ở Washington, cho rằng Việt Nam đang ở trong tình huống “tế nhị”.

“Đối với Việt Nam, đó là một thực tế phức tạp khi phải đối mặt với những hành động ép buộc mà Trung Quốc đang tiến hành nhưng đồng thời phải tìm ra cách nào đó để thích nghi vì Trung Quốc là nước láng giềng của họ. Mối quan hệ phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang phát triển tốt. Đây là một thách thức thú vị mà Việt Nam phải đối mặt.”

Đối với Việt Nam, đó là một thực tế phức tạp khi phải đối mặt với những hành động ép buộc mà Trung Quốc đang tiến hành nhưng đồng thời phải tìm ra cách nào đó để thích nghi vì Trung Quốc là nước láng giềng của họ.

Prashanth Parameswaran, biên tập The Diplomat
Nhưng theo các học giả, Việt Nam muốn có một mối quan hệ mạnh về chính trị và kinh tế với Trung Quốc nên thường phải tránh các xung đột với Trung Quốc.

Theo giáo sư Carl Thayer của Đại học News South Wales, Việt Nam có thể phải kiềm chế các quan điểm thù địch với Trung Quốc để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với nước láng giềng phương Bắc.

Tại một hội thảo thường niên về Biển Đông tổ chức tại Washington vào tháng 7 vừa qua, một quan chức cấp cao của Học viện Ngoại giao Việt nam, Đỗ Thanh Hải, cho VOA biết Hà Nội không loại trừ khả năng gác tranh chấp, cùng khai thác trên Biển Đông với các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo khi trả lời phỏng vấn báo chí trong nước về những “cạm bẫy” mà Trung Quốc cài cắm trong chiến lược ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’ có thể khiến Việt Nam gặp khó trong việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

Hiện vẫn chưa rõ làm thế nào Việt Nam có thể ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’ với Trung Quốc nhưng theo ông Hải, Hà Nội sẽ không chấp nhận bất cứ sự áp đặt nào.


VOA
Blog VOA

Không có nhận xét nào: