Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

Trung Quốc ngăn cản nhân dân Việt Nam đấu tranh thống nhất đất nước

(Chính trị) - Bất chấp Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, nhằm tiêu diệt phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam, thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam châu Á, đồng thời lấy miền Nam làm căn cứ để tiến công miền Bắc, tiền đồn của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam châu Á, đè bẹp và đẩy lùi chủ nghĩa xã hội ở khu vực này, hòng bao vây uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Thất bại trong việc dùng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và tiến hành “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã lao vào cuộc phiêu liêu quân sự chống nhân dân Việt Nam, tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
 Ngày 30-4-1975, người dân Sài Gòn nô nức xuống phố đón chào Đoàn quân Giải phóng.
Ngày 30-4-1975, người dân Sài Gòn nô nức xuống phố đón chào Đoàn quân Giải phóng.
Hưởng ứng lời kêu gọi bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên chống Mỹ, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế tạo thành một sức mạnh tổng hợp to lớn để đánh thắng bọn xâm lược Mỹ. Trong chiến tranh, nhân dân Việt Nanm luôn luôn thực hành chiến lược tiến công, đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, đồng thời biết kéo địch xuống thang, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Quá trình hơn 20 năm nhân dân Việt Nam chống chính sách can thiệp và xâm lược của đế quốc Mỹ cũng là quá trình đấu tranh bền bỉ, hết sức phức tạp chống những âm mưu và hành động khi kín đáo, lúc trắng trợn của những người cầm quyền Trung Quốc thoả hiệp và câu kết với đế quốc Mỹ nhằm kiềm chế và làm suy yếu cách mạng Việt Nam, hòng khuất phục Việt Nam, từng bước bành trướng ở Đông Dương và Đông Nam Châu Á.
I- THỜI KỲ 1954-1964 – NHỮNG NGƯỜI CẦM QUYỀN TRUNG QUỐC NGĂN CẢN NHÂN DÂN VIỆT NAM ĐẤU TRANH ĐỂ THỰC HIỆN THỐNG NHẤT NƯỚC NHÀ.
Sau khi cùng với đế quốc thoả hiệp trong giải pháp Giơnevơ năm 1954, tạo được khu đệm an toàn ở phía nam, những người lãnh đạo Trung Quốc yên tâm thúc đẩy việc hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1953-1957), và từ năm 1958 đề ra kế hoạch “đại nhảy vọt” với tham vọng đuổi kịp và vượt một số cường quốc về kinh tế trong một thời gian ngắn và ra sức xây dựng lực lượng hạt nhân.
Về đối ngoại họ đi vào con đường hoà hoãn với đế quốc Mỹ, tiến hành những cuộc nói chuyện với Mỹ ở Giơnevơ từ tháng 8 năm 1955; đồng thời tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, nhất là ở Đông Nam châu Á và Nam Á.
Xuất phát từ đường lối đối nội, đối ngoại đó, những người cầm quyền Bắc Kinh đã hành động ngược lại lợi ích của nhân dân Việt Nam, phù hợp với lợi ích của đế quốc Mỹ ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.
1- Gây sức ép để Việt Nam chấp nhận chủ trương “trường kỳ mai phục”
Đế quốc Mỹ và tay sai trắng trợn phá hoại việc tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam trong thời hạn hai năm như Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam đã quy định, đồng thời đàn áp cực kỳ tàn bạo phong trào yêu nước ở miền Nam Việt Nam.
Những người cầm quyền Bắc Kinh luôn luôn “thuyết phục” Việt Nam rằng công cuộc thống nhất là “một cuộc đấu tranh trường kỳ” và không thể thực hiện được bằng lực lượng vũ trang.
“Chính quyền vươn lên từ nòng súng” — Mao Trạch Đông đẩy học thuyết đấu tranh vốn có của chủ nghĩa cộng sản lên đến một đỉnh cao mới trong thực nghiệm chủ nghĩa cộng sản tại Trung Quốc: “bạo chính”, nô dịch nhân dân bằng khủng bố.
Tháng 11 năm 1956, chủ tịch Mao Trạch Đông nói với những người lãnh đạo Việt Nam:
“Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ… nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm”
Diễn biến thực tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã chứng tỏ cuộc kháng chiến đó có lâu dài, nhưng không phải lâu dài vô hạn độ như Chủ tịch Mao Trạch Đông nói.
Tháng 7 năm 1955, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình doạ:
“Dùng lực lượng vũ trang để thống nhất nước nhà sẽ có hai khả năng: một là thắng và một khả năng nữa là mất cả miền bắc”.
Tháng 7 năm 1957, Chủ tịch Mao Trạch Đông lại nói:
“Vấn đề là phải giữ biên giới hiện có. Phải giữ vĩ tuyến 17…Thời gian có lẽ dài đấy. Tôi mong thời gian dài thì sẽ tốt.”
Đó là một điều trái hẳn với Hiệp nghị Giơnevơ, vì theo Hiệp nghị này, vĩ tuyến 17 không phải là biên giới giữa hai quốc gia mà chỉ là giưói tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Việt Nam. Những người lãnh đạo Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh rằng ở miền Nam Việt Nam “chỉ có thể dùng phương châm thích hợp là trường kỳ mai phục, tích trữ lực lượng, liên hệ quần chúng, chờ đợi thời cơ”. Thực chất phương châm đó là gì?
Trong một cuộc trao đổi ý kiến với những người lãnh đạo Việt Nam, uỷ viên trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trương Văn Thiên cho rằng ở miền Nam Việt Nam có thể tiến hành đánh du kích. Nhưng sau đó, đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, theo chỉ thị của Bắc Kinh, đã thông báo với phía Việt Nam rằng đó không phải là ý kiến của Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc mà chỉ là ý kiến cá nhân.
Chủ tịch Mao Trạch Đông (thứ hai từ trái sang) cũng các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Chủ tịch Mao Trạch Đông (thứ hai từ trái sang) cũng các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Như vậy, “trường kỳ mai phục” có nghĩa là nhân dân Việt Nam thủ tiêu đấu tranh cách mạng, để mặc cho Mỹ Diệm thả sức đàn áp nhân dân Việt Nam.
“Giữ vĩ tuyến 17”, “trường kỳ mai phục”, “tích trữ lực lượng”, “chờ đợi thời cơ”… đó chẳng qua là luận điệu quanh co nhằm che dấu ý đồ của Bắc Kinh muốn duy trì nguyên trạng chính trị ở Việt Nam, công nhận Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và nguỵ quyền Sài Gòn song song tồn tại. Ngày 22 tháng 7 năm 1954, khi ăn cơm với Ngô Đình Luyện, em ruột của Ngô Đình Diệm tại Giơnevơ, Thủ tướng Chu Ân Lai đã gợi ý đặt một công sứ quán của Sài Gòn tại Bắc Kinh. Dù Ngô Đình Diệm đã bác bỏ gợi ý đó, nhưng đây là một bằng chứng rõ ràng là chỉ 24 giờ sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, những người lãnh đạo Bắc Kinh đã lộ rõ ý họ muốn chia cắt lâu dài nước Việt Nam.
Trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1959, với chính sách đàn áp phát xít, Mỹ Diệm đã giết hại hàng vạn người Việt Nam yêu nước, lùa hàng vạn nhân dân vào các trại tập trung trá hình, gây cho nhân dân Việt Nam những tổn thất to lớn so với bất kỳ thời gian nào khác trong cuộc chiến tranh cứu nước của mình. Nếu cứ để chúng tiếp tục giết hại những người Việt Nam yêu nước thì làm sao “tích trữ” được lực lượng, còn nhân dân đâu để : ” liên hệ quần chúng” và chờ đợi đến thời cơ nào? Theo cái đà đó thì nước Việt Nam sẽ mất độc lập và vĩnh viễn bị chia cắt.
Vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng miền Nam là tiếp tục đấu tranh chính trị hay kết hợp cả đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang?
Nhân dân Việt Nam kiên quyết đi theo đường lối độc lập, tự chủ của mình. Cuối năm 1959 đầu năm 1960, nhân dân trong những vùng rộng lớn thuộc đồng bằng Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ đã nhất tề “đồng khởi” kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, làm rung chuyển tận gốc chế độ tay sai Ngô Đình Diệm.
2- Ngăn cản nhân dân Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh vũ trang ở miền Nam.
Các cuộc đồng khởi, thực chất là những cuộc khởi nghĩa thừng phần đã nhanh chóng phát triển thành một cuộc chiến tranh cách mạng, vừa đấu tranh quân sự vừa đấu tranh chính trị chống lại “ chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Nhưng những người cầm quyền Trung Quốc đã không đồng tình với chủ trương đó của Việt Nam.
Tháng 5 năm 1960, hội đàm với phía Việt Nam, họ nói về miền Nam Việt Nam như sau:
“Không nên nói đấu tranh chính trị hay đấu tranh quân sự là chính…Đấu tranh chính trị hay đấu tranh quân sự không phải là cướp chính quyền ngay, mà cuộc đấu tranh vẫn là trường kỳ. ..Dù Diệm có đổ cũng không thể thống nhất ngay được, vì đế quốc mỹ không chịu để như vậy đâu…
Phong trào đấu tranh của nhân dân và sinh viên, học sinh Đà Lạt năm 1966.
Phong trào đấu tranh của nhân dân và sinh viên, học sinh Đà Lạt năm 1966.
Miền bắc có thể ủng hộ về chính trị cho miền Nam, giúp miền Nam đề ra các chính sách nhưng chủ yếu là bồi dưỡng tinh thần tự lực cánh sinh cho anh em miền Nam…Khi ăn chắc, miền bắc có thể giúp quân sự cho miền Nam, nghĩa là khi hoàn toàn chắc chắn không xảy ra chuyện gì, có thể cung cấp một số vũ trang mà không cho ai biết. Nhưng nói chung là không giúp.”
Như vậy, khi không cản được nhân dân miền Nam Việt Nam “đồng khởi” thì họ cho rằng hình thức chiến đấu ở miền Nam là đánh du kích, đánh nhỏ từng đơn vị trung đội, đại đội.
Làm chủ vận mệnh của mình, nhân dân Việt Nam đã đưa cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam tiến lên vững mạnh. Cuối năm 1963, chế độ độc tài phát xít Ngô Đình Diệm sụp đổ, “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ phá sản hoàn toàn.
Đầu những năm 1960, trong khi ngăn cản nhân dân Việt Nam đẩy mạnh chiến đấu chống Mỹ, những người lãnh đạo Bắc Kinh giơ cao cùng một lúc hai chiêu bài chống đế quốc Mỹ và chống Liên Xô, nhưng trên thực tế họ tiếp tục hoà hoãn với đế quốc Mỹ ở châu Á, đánh lạc hướng cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân thế giới để thực hiện mưu đồ chống Liên Xô, xoá bỏ hệ thống xã hội chủ nghĩa, nắm quyền “lãnh đạo cách mạng thế giới”, chuẩn bị tích cực cho việc hoà hoãn và câu kết với đế quốc Mỹ.
Trong những cuộc hội đàm với phía Việt Nam năm 1963, họ tìm cách thuyết phục Việt Nam chấp nhận quan điểm của họ là phủ nhận hệ thống xã hội chủ nghĩa và mở cho họ “một con đường” xuống Đông Nam châu Á. Cũng trong năm 1963, những người lãnh đạo Trung Quốc đưa ra cái gọi là Cương lĩnh 25 điểm về đường lối chung của phong trào cộng sản quốc tế và đề nghị triệu tập cái gọi là hội nghị 11 đảng cộng sản, thực tế là để nắm vai trò “lãnh đạo cách mạng thế giới” và lập một “Quốc tế cộng sản” mới do Bắc Kinh khống chế. Họ thiết tha yêu cầu Việt Nam đồng tình là cốt lợi dụng uy tín và vai trò của Việt Nam trong phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Nhằm mục đích này, họ còn hứa hẹn viện trợ ồ ạt để lôi kéo Việt Nam. Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thông báo với lãnh đạo Viẹt Nam ý kiến của lãnh đạo Trung Quốc sẽ viên trợ 1 ti nhân dân tệ nếu Việt Nam khước từ mọi viện trợ của Liên Xô.
Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Phía Việt Nam đã khẳng định thái độ kiên quyết bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa, không tán thành việc họp hội nghị 11 đảng và không để những người lãnh đạo Bắc Kinh dùng đất nước Việt Nam làm bàn đạp cho mưu đồ bành trướng của họ. Do thái độ kiên quyết của phía Việt Nam, Cương lĩnh 25 điểm không gây được tiếng vang, âm mưu lập “Quốc tế cộng sản” mới cũng không thành.
Trong thời kỳ này, đối với cách mạng Lào, những người cầm quyền Trung Quốc cũng thi hành một chính sách giống như đối với Việt Nam. Họ cũng gây sức ép để lực lượng cách mạng Lào “trường kỳ mai phục”. Khi Mỹ và tay sai lật đổ Chính phủ Lào liên hiệp, tiến hành “chiến tranh đặc biệt”, họ ngăn cản cách mạng Lào đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và mưu toan ép Đảng Nhân dân cách mạng Lào “sớm lập lại Chính phủ liên hiệp”, sợ rằng đốm lửa Sầm Nưa, Phongsalỳ có thể lan ra cả Việt Nam và miền Nam Trung Quốc.
Trong một cuộc hội đàm với phía Việt Nam tháng 8 năm 1961, khi đề cập đến vấn đề Lào, phía Trung Quốc nói:
“Cần hết sức tránh việc trực tiếp tham gia chiến tranh. Nếu Mỹ trực tiếp vào Lào thì miền bắc Việt Nam, Vân Nam, Quảng Tây sẽ xảy ra vấn đề gì? Cần tính đến việc phiêu ău của Mỹ”.
Đối với việc giải quyết vấn đề Lào tại Giơnevơ năm 1961-1962, họ còn chủ trương chia nước Lào theo chiều ngang thành hai vùng: vùng giải phóng ở phía bắc, vùng do nguỵ quyền Viêng Chăn kiểm soát ở phía nam. Đó là một âm mưu thâm độc nhằm buộc lực lượng cách mạng Lào phải lệ thuộc vào Trung Quốc và cô lập cách mạng miền Nam Việt Nam.
Nhưng những nhà lãnh đạo cách mạng Lào kiên quyết giữ vững đường lối riêng của mình, lực lượng kháng chiến Lào ngày càng giành nhiều thắng lợi buộc đế quốc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp nghị Giơnevơ năm 1962 công nhận nền trung lập của Lào và nhận có đại biểu của Mặt trận Lào yêu nước trong Chính phủ liên hiệp thứ hai ở Lào.
II -THỜI KỲ 1965-1969: LÀM YẾU VÀ KÉO DÀI CUỘC KHÁNG CHIẾN CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM
Trong thời kỳ này ở Trung Quốc diễn ra cái gọi là cuộc “đại cách mạng văn hoá ”, thực chất là một cuộc đấu tranh nội bộ điên cuồng và đẫm máu làm đảo lộn toàn bộ xã hội Trung Quốc, nhằm xoá bỏ chủ nghĩa Mác Lênin, phá vỡ Đảng cộng sản Trung Quốc và cơ cấu nhà nước, khôi phục vị trí độc quyền lãnh đạo của chủ tịch Mao Trạch Đông và đường lối Mao Trạch Đông ở trong nước, chống Liên Xô, phá hoại cách mạng thế giới, câu kết với đế quốc Mỹ ở ngoài nước, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn.
Những người lãnh đạo Trung Quốc, vì lợi ích chiến lược của họ trong thời kỳ này, đã dấn sâu vào con đường phản bội nhân dân Việt Nam .
Sau cuộc chiến tranh ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã rút ra bài học là không nên tiến hành một cuộc chiến tranh trên lục địa châu Á, nhất là ở những nước láng giềng của Trung Quốc để tránh đụng độ quân sự trực tiếp với Trung Quốc. Nhưng hơn 10 năm sau, đế quốc Mỹ lại liều lĩnh tiến hành một cuộc phiêu lưu quân sự ở Việt Nam sau khi gây ra cái gọi là “ sự kiện vịnh Bắc Bộ” tháng 8 năm 1964. Một trong những nguyên nhân chính là đế quốc Mỹ đã được yên tâm về phía những người cầm quyền Trung Quốc.
Tháng 1 năm 1965, qua nhà báo Mỹ Étga Xnâu , chủ tịch Mao Trạch Đông nhắn Oasinhtơn:
Quân đội Trung Quốc sẽ không vượt biên giới của mình để đánh nhau. Đó là điều hoàn toàn rõ ràng. Chỉ khi nào Mỹ tấn công, người Trung Quốc mới chiến đấu. Phải chăng như vậy là không rõ ràng? Người Trung Quốc rất bận về công việc nội bộ của mình. Đánh nhau ngoài biên giới nước mình là phạm tội ác. Tại sao người Trung Quốc phải làm như vậy? Người Nam Việt Nam có thể đương đầu với tình hình.” (Ét-ga Xnâu: Cuộc cách mạng lâu dài, Nhà xuất bản Hớt xin xơn, Lân đơn, 1973, tr. 216)
Sau đó bằng nhiều cách, kể cả bằng cách trực tiếp nói trong cuộc đàm phán Trung Mỹ cấp đại sứ tại Vacsava, phía Trung Quốc làm cho Mỹ hiểu rõ câu nói của chủ tịch Mao Trạch Đông và yên tâm rằng: “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”.
Do đó từ tháng 2 năm 1965 chính quyền Giônxơn đã sử dụng bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ vào chiến trường Việt Nam, đưa quân Mỹ vào miền Nam tiến hành chiến tranh cục bộ, đồng thời làm chiến tranh phá hoại bằng không quân chống nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, gây nên biết bao tang tóc và tàn phá đối với nhân dân cả nước Việt Nam.
Như vậy, những người cầm quyền Trung Quốc đã bộc lộ những tính toán lắt léo, những ý đồ thâm độc của họ. Họ đẩy Mỹ sa lầy trong chiến tranh xâm lược Việt Nam để họ yên tâm làm cuộc “cách mạng văn hoá”. Khi Mỹ lao vào cuộc phiêu lưu quân sự ở Việt Nam, họ muốn làm yếu cả Mỹ lẫn Việt Nam.
Câu nói của thủ tướng Chu Ân Lai với tổng thống Ai Cập A. Nátxe ngày 23 tháng 6 năm 1965, do ông Môhamét Hátxenen Hâycan, người bạn thân thiết và cố vấn riêng của tổng thống A. Nátxe kể lại là một bằng chứng hùng hồn:
“Mỹ càng đưa nhiều quân vào Việt Nam thì chúng tôi càng vui lòng vì chúng tôi biết rằng chúng tôi nắm chúng trong tay, chúng tôi có thể lấy máu chúng. Nếu Ngài muốn giúp đỡ người Việt Nam thì cần khuyến khích Mỹ ném càng nhiều lính Mỹ vào Việt Nam càng tốt” (Mô-ha-mét Hát-xe-nen Hây-can: “Những tài liệu từ Cai-rô” Nhà xuất bản Phia-ma-ri-ông, Paris, 1972, tr. 238)
Đối với nhân dân Việt Nam, những người cầm quyền Trung Quốc chỉ một mực nhấn mạnh là phải đánh lâu dài, đánh du kích, không đánh lớn. Họ giúp nhân dân Việt Nam chủ yếu là gúp vũ khí nhẹ, đạn dược, trang bị hậu cần. Họ không muốn cuộc chiến tranh Việt Nam sớm kết thúc vì không những họ muốn lực lượng cách mạng Việt Nam suy yếu mà còn muốn lợi dụng càng lâu càng tốt cái tiếng “viện trợ Việt Nam” để giương cao ngọn cờ “cách mạng trệt để”, tập họp lực lượng ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ latinh, đẩy mạnh chiến dịch chống Liên Xô.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ khước từ thi hành một hiệp định quân sự bí mật giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo hiệp định này, về nguyên tắc, đến tháng 6 năm 1965 phía Trung Quốc phải gửi phi công sang giúp Việt Nam. Nhưng ngày 16 tháng 7 năm 1965 Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng Trung Quốc đã báo cho Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam là phía Trung Quốc không thể gửi phi công sang Việt Nam được vì “thời cơ chưa thích hợp” và “làm như vậy không ngăn cản được địch đẩy mạnh oanh tạc “. Trong một cuộc hội đàm với phía Việt Nam tháng 8 năm 1966 họ cũng nói: “ Trung Quốc không đủ khả năng về không quân giúp bảo vệ Hà Nội”.
2 -Phá hoại mọi hành động thống nhất ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược.
Để Việt Nam buộc phải lệ thuộc vào Trung Quốc, những người cầm quyền Bắc Kinh ra sức ngăn cản mọi hành động thống nhất của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.
Ngày 28 tháng 2 năm 1965, họ bác bỏ dự thảo do phía Việt Nam đề nghị ngày 22 tháng 5 năm 1965 là các nước xã hội chủ nghĩa ra tuyên bố chung lên án Mỹ tăng cường chiến tranh xâm lược chống nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Tháng 3 năm 1965, họ lại hai lần bác bỏ đề nghị của Liên Xô về vấn đề thống nhất hành động để bảo đảm an ninh của Việt Nam dân chủ cộng hoà. Chính vì thế họ đã bác bỏ đề nghị của Liên Xô lập cầu hàng không qua Trung Quốc, lập các sân bay trên đất Trung Quốc để bảo vệ Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Tháng 2 năm 1966, chủ tịch Mao Trạch Đông bác bỏ việc thành lập Mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam đã được nêu trong cuộc hội đàm cấp cao Việt Trung.
Tháng 3 năm 1966, cũng chủ tịch Mao Trạch Đông bác bỏ việc thành lập Mặt trận quốc tế thống nhất ủng hộ Việt Nam do Đảng cộng sản Nhật Bản nêu trong cuộc hội đàm cấp cao với Đảng cộng sản Trung Quốc. Sau đó bọn tay sai của Bắc Kinh đã trắng trợn hành hung đại diện Đảng cộng sản Nhật Bản tại Trung Quốc.
Nhưng những người cầm quyền Trung Quốc lại muốn thành lập một cái gọi là Mặt trận nhân dân thế giới do họ khống chế:
“Cần phải thành lập Mặt trận thống nhất thế giới rộng rãi nhất chống đế quốc Mỹ và tay sai…Tất nhiên Mặt trận đó không thể bao gồm họ (Liên Xô) được…” (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 khóa 8 Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1956).
Đi đôi với việc phá hoại mọi hành động thống nhất ủng hộ Việt Nam, họ gây khó khăn rất lớn cho việc vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác quá cảnh đất Trung Quốc và tìm cách điều chỉnh sự viện trợ đó để hạn chế khả năng đánh lớn của nhân dân Việt Nam, đặc biệt trong các mùa khô.
Trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Campuchia đã đoàn kết chặt chẽ với nhau và đó là truyền thống, là một nhân tố thắng lợi của nhân dân ba nước. Sau khi Mỹ tăng cường chiến tranh chống nhân dân Việt Nam và uy hiếp độc lập, hoà bình và trung lập của Lào và Campuchia, tháng 3 năm 1965 Hội nghị nhân dân các nước Đông Dương đã họp ở Phnôm Pênh, Mặt trận đoàn kết chống Mỹ của nhân dân các nước Đông Dương được hình thành. Những người cầm quyền Trung Quốc bên ngoài buộc phải hoan nghên kết quả của hội nghị, nhưng bên trong mưu tính phá hoại Mặt trận đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương. Theo chính sách cổ truyền “chia để trị” của tất cả bọn đế quốc và phản động, họ chia rẽ ba nước Đông Dương, làm suy yếu và cô lập Việt Nam hòng đánh tỉa từng nước.
Năm 1966 ở Lào, trong các vùng giải phóng do Mặt trận Lào yêu nước quản lý, theo kế hoạch của Bắc Kinh, người Hoa tìm cách chia rẽ người Lào với người Việt Nam, tuyên truyền xuyên tạc và xúi giục một số phần tử chống lại Đảng nhân dân cách mạng Lào. Mặt khác, Bắc Kinh tranh thủ chính quyền Vương quốc Lào, đẩy mạnh việc giúp Lào làm hệ thống đường ở 5 tỉnh Bắc Lào nối liền với cao nguyên Vân Nam của Trung Quốc và có những nhánh đi về hướng Việt Nam, Thái Lan nhằm tạo điều kiện can thiệp vào công việc nội bộ của Lào và chuẩn bị cho những kế hoạch bành trướng sau này.
Ở Campuchia, từ trước năm 1965, những người cầm quyền Trung Quốc đã trắng trợn vu cáo Việt Nam hy sinh lợi ích của cách mạng Campuchia tại Hội nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương, mặc dù sự thật rõ ràng là chính họ đã bán rẻ những lợi ích đó. Từ năm 1965, họ nắm Pôn Pốt, thúc đẩy y cùng đồng bọn tiến hành đấu tranh vũ trang chống chính quyền Xihanúc đang liên minh với các lực lượng kháng chiến Việt Nam và Lào. Nửa cuối năm 1969, sau khi Lon Non lên làm thủ tướng, những người cầm quyền Trung Quốc ủng hộ quan điểm của Lon Non là Quân giải phóng miền Nam Việt Nam phải rút khỏi các căn cứ ở Campuchia và không được dùng cảng Xihanucvin vào việc vận chuyển hậu cần. Chính trong thời gian này, bè lũ Pôn Pốt Iêngxary cũng đòi Quân giải phóng miền Nam Việt Nam rút khỏi các căn cứ ở Campuchia.
Trái với sự mong ước của Bắc Kinh, Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam vẫn hình thành, trên thực tế, tình đoàn kết giữa nhân dân các nước Đông Dương ngày càng củng cố và nhân dân Việt Nam càng đánh càng mạnh, càng giành thêm nhiều thắng lợi.
3 -Ngăn cản cuộc thương lượng của Việt Nam với Mỹ để kéo Mỹ xuống thang.
Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, chủ trương của Việt Nam là tiến hành đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao.
Đầu năm 1968, khi cuộc chiến tranh của Mỹ đến đỉnh cao nhất, nhân dân Việt Nam đã tiến hành thắng lợi cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, giáng cho địch một đòn quyết liệt, làm đảo lộn thế chiến lược của chúng, buộc chính quyền Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào đàm phán với Việt Nam dân chủ cộng hoà tại Pari.
Trong cuộc đàm phán với phía Việt Nam tháng 4 năm 1968, phía Trung Quốc thừ nhận rằng Tuyên bố ngày 28 tháng 1 năm 1967 của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về việc đàm phán với Mỹ đã gây ảnh hưởng tốt: “Ngay đồng minh của Mỹ, cả Đờ Gôn cũng đòi chấm dứt ném bom không điều kiện”. Nhưng họ vẫn cho rằng:
“Lúc này Việt Nam chấp nhận đàm phán chưa phải là thời cơ và trên tư thế cao, ta đã nhân nhượng một cách vội vã”.
Từ ngày 13 tháng 5 năm 1968, ngày khai mạc Hội nghị Pari đến trung tuần tháng 10 năm 1968, bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh không đưa một tin nào về cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng lại nhấn mạnh rằng nhân dân Việt Nam cần giải quyết số phận cuộc đấu tranh của mình “không phải trên bàn hội nghị mà trên chiến trường”, thậm chí còn đe doạ rằng: “nếu miền Nam Việt Nam không được bảo đảm thì cuối cùng sẽ đưa đến chỗ mất toàn bộ Việt Nam”.
Xu hướng Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom miền bắc Việt Nam càng lộ rõ thì phản ứng của Bắc Kinh càng mạnh.
Ngày 9 tháng 10 năm 1968, một nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gặp Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Việt Nam tại Bắc Kinh và yêu cầu báo cáo với lãnh đạo Việt Nam rằng họ coi việc Mỹ chấm dứt ném bom miền bắc Việt Nam là “sự thoả hiệp của Việt Nam và Mỹ”, “là một thất bại lớn, tổn thất lớn đối với nhân dân Việt Nam giống như cuộc đàm phán ký Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 là một sai lầm”; họ đề nghị phía Việt Nam “nên để cho Mỹ bắn phá trở lại khắp miền bắc, làm như vậy là để Mỹ phân tán mục tiêu oanh tạc, đồng thời cũng chia sẻ bớt khó khăn cho miền Nam”.
Ngăn cản nhân dân Việt Nam thương lượng với Mỹ, khuyến khích Mỹ tăng cường ném bom miền bắc Việt Nam, đây chính là cái mà tướng Mỹ M. Taylơ gọi là quyết tâm của những người lãnh đạo Trung Quốc “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”, nhằm làm suy yếu Việt Nam, có lợi cho chính sách bành trướng của họ.
Trong cuộc gặp Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Việt Nam nói trên, phía Trung Quốc còn trắng trợn vu khống Việt Nam đàm phán với Mỹ là do “nghe lời của Liên Xô” và yêu cầu phía Việt Nam lựa chọn:
“Hoặc là muốn đánh thắng Mỹ thì phải cắt quan hệ với Liên Xô, hoặc là muốn thoả hiệp với Mỹ, dùng viện trợ của Trung Quốc đánh Mỹ để đạt mong muốn đàm phán với Mỹ thì sự viện trợ của Trung Quốc sẽ mất hết ý nghĩa của nó”.
Ngày 17 tháng 10 năm 1968, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Nghị gặp đại diện Việt Nam thông báo tuyên bố của những người lãnh đạo Trung Quốc về cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ:
“Lần này nếu các đồng chí chấp nhận bốn bên đàm phán tức là giúp cho Giônxơn và Hămphơrây đoạt được thắng lợi trong bầu cử, để cho nhân dân miền Nam Việt Nam vẫn ở dưới sự đô hộ của đế quốc Mỹ và bù nhìn, không được giải phóng, làm cho nhân dân miền Nam Việt Nam còn có khả năng bị tổn thất lớn hơn…Như vậy giữa hai Đảng và hai nước chúng ta còn cần nói chuyện gì nữa?”.
Đe doạ cắt quan hệ giữa hai Đảng là một thủ đoạn trắng trợn, một sức ép lớn nhất của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam.
Đi đôi với việc đe doạ bằng lời lẽ thô bạo là việc đe doạ bằng hành động thực sự. Năm 1968, khi bàn vấn đề viện trợ cho Việt Nam trong năm 1969, những người cầm quyền Bắc Kinh đã giảm kim ngạch viện trợ hơn 20% so với kim ngạch viện trợ năm 1968. Hơn thế nữa, tháng 8 năm 1969 họ trắng trợn nói:
“Thế Việt Nam đánh hay hoà để Trung Quốc tính việc viện trợ?”
Thực tế họ đã giảm kim ngạch viện trợ năm 1970 hơn 50% so với năm 1968.
Sự thật là không phải đến năm 1968 những người lãnh đạo Bắc Kinh mới dùng vấn đề viện trợ để ép Việt Nam. Tháng 4 năm 1966, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nói với một nhà lãnh đạo Việt Nam rằng năm 1964 “đồng chí Mao Trạch Đông có phê bình chúng tôi là quá nhiệt tâm đối với vấn đề Việt Nam. Bây giờ chúng tôi mới thấy rõ đồng chí Mao nhìn xa”.
Phía Việt Nam đã trả lời:
“Sự nhiệt tình của một nước xã hội chủ nghĩa đói với một nước xã hội chủ nghĩa khác là xuất phát từ tinh thần quốc tế vô sản. Chúng tôi không bao giờ nghĩ nhiệt tâm là có hại. Nếu các đồng chí nhiệt tâm giúp đỡ thì chúng tôi có thể đỡ hy sinh 2 hay 3 triệu người…Miền Nam chúng tôi sẽ chống Mỹ đến cùng và chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần quốc tế vô sản”
Để tăng sức ép đối với Việt Nam, những người lãnh đạo Trung Quốc còn chỉ thị cho sứ quán của họ ở Hà Nội xúi giục, tổ chức người Hoa ở Việt Nam gây rối, chống lại Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Cùng với hàng vạn người thuộc “bộ đội hậu cần” Trung Quốc sang làm đường giúp Việt Nam ở những tỉnh phía bắc từ năm 1965 đến 1968, bọn phản động người Hoa tuyên truyền cho “tư tưởng Mao Trạch Đông” và “cách mạng văn hoá”, xuyên tạc đường lối của Việt Nam, tổ chức các màng lưới gián điệp. Những người cầm quyền Bắc Kinh còn cho những người gọi là “tị nạn cách mạng văn hoá” thâm nhập các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam để làm tình báo và tổ chức các “đội quân ngầm” (Trong cuộc hội đàm cấp cao Việt – Trung tháng 9 năm 1970, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã thừa nhận trách nhiệm của Trung Quốc đối với các hoạt động không hữu nghị đó. Tháng 11 năm 1977. Chủ tịch Hoa Quốc Phong lại một lần nữa, thừa nhận như thế.)
Nhưng nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ vững đường lối độc lập tự chủ không gì lay chuyển được của mình. Tất cả những thủ đoạn thô bạo gây sức ép, tất cả những thủ đoạn chính trị của Bắc Kinh đều đã thất bại: Mỹ đã buộc phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền bắc Việt Nam từ đầu tháng 11 năm 1968 và ngồi vào cuộc Hội nghị bốn bên ở Pari có Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia từ đầu năm 1969.
(BTH)

Không có nhận xét nào: