Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

5 câu chuyện nhỏ có thể thay đổi cuộc sống của bạn

Tác giả: NTDTV | Dịch giả: Minh Nữ


Ảnh: NTDTV
5 câu chuyện nhỏ, đọc xong bạn sẽ hiểu ra nhiều điều!

Chuyện thứ nhất

Ba người cùng đi ra ngoài, một người mang ô, một người cầm gậy, một người tay không. Khi trở về, người cầm ô bị ướt sũng, người cầm gậy ngã bị thương, người thứ ba bình an vô sự. Nguyên nhân là thế này: khi trời đổ mưa, người cầm ô cậy có ô nên đi đứng mạnh bạo, kết quả bị dính ướt; đường lầy lội nhưng người cầm gậy cậy có gậy nên cứ liều lĩnh mà đi, cuối cùng bị trượt chân ngã; người thứ ba trong tay chẳng có gì, thấy trời đổ mưa liền tìm chỗ tránh, thấy đường xấu thì đi cẩn thận, trái lại được bình an vô sự.
Bài học rút ra: Rất nhiều khi, chúng ta thất bại không phải vì khuyết điểm mà là vì ưu điểm của mình.

Chuyện thứ hai

Ở một thị trấn nhỏ, có một vị thương gia mở một trạm bán xăng, làm ăn rất phát đạt, người thứ hai mở một nhà hàng, người thứ ba mở một siêu thị, chẳng mấy chốc nơi đây trở nên thịnh vượng sầm uất. Ở một thị trấn khác, có một vị thương gia mở một trạm bán xăng, làm ăn vô cùng khấm khá, người thứ hai đến mở một trạm xăng, người thứ ba thứ tư cũng mở trạm xăng, tất cả cùng xúm vào cạnh tranh khốc liệt.
Bài học rút ra: Một mực đi theo con đường của người khác, nhất định phá hỏng con đường của chính mình. 

Chuyện thứ ba

Một gia đình nọ có ba người con trai, họ từ nhỏ đã sống cùng bố mẹ nhưng bố mẹ của họ liên tục cãi vã bất hòa, người mẹ thường xuyên bị thương tích khắp người. Người anh cả nghĩ: “Mẹ thật đáng thương! Sau này mình phải đối với vợ tốt một chút.” Anh hai nghĩ: “Kết hôn thật chẳng có gì hay ho, mình lớn lên nhất định không lập gia đình.” Người em út nghĩ: “Thì ra chồng là được phép đánh vợ như vậy!”
Bài học rút ra: Cùng một hoàn cảnh nhưng phương thức tư duy khác nhau sẽ dẫn đến ảnh hưởng khác nhau cho cuộc sống. 

Chuyện thứ tư

Tiểu hòa thượng phụ trách quét lá rụng trong sân chùa, mỗi ngày đều mất rất nhiều thời gian mới có thể quét sạch lá rụng. Có người bảo với anh ta: “Anh rung cây cho lá rụng xuống rồi gom cả vào mà quét, ngày mai khỏi phải quét nữa.” Tiểu hòa thượng thấy người kia nói đúng quá, vui mừng làm theo. Đến ngày hôm sau, trong sân lá vẫn rụng đầy đất chẳng khác gì hôm qua. Bất kể là hôm nay nỗ lực thế nào, ngày mai lá vẫn sẽ rụng xuống.
Bài học rút ra: Hãy làm cho tốt, đến nơi đến chốn việc cần làm trước mắt.

Chuyện thứ năm

Lợn rừng và ngựa cùng nhau ăn cỏ, lợn rừng thường hay làm chuyện xấu, không giẫm đạp lên cỏ tươi thì cũng khuấy cho nước đục ngầu. Ngựa thấy thế rất tức giận, một lòng muốn trả thù, bèn đi nhờ sự giúp đỡ của thợ săn. Người thợ săn nói chỉ giúp nếu ngựa mặc bộ hàm thiếc và dây cương vào để anh ta cưỡi. Ngựa vì nóng lòng muốn trả thù nên đáp ứng yêu cầu của anh ta. Người thợ săn cưỡi ngựa đánh bại lợn rừng, sau đó dắt ngựa về nhà buộc trong chuồng ngựa, thế là từ đó ngựa mất đi cuộc sống tự do.
Bài học rút ra: Không biết khoan dung với người khác sẽ mang lại bất hạnh cho chính mình.


5 đặc điểm của một nhà lãnh đạo có đạo đức


(g-stockstudio/iStock)
Ảnh: G-Stockstudio/iStock
Năm vừa qua chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ bê bối kinh doanh trong đó có cả những hãng có uy tín như: Volkswagen, 7-Eleven, và hãng Dược phẩm  Turing. Tất cả đó là biểu hiện của văn hóa kinh doanh bằng cách sử dụng triết lý “Làm mọi cách sao cho đạt mục đích dù là cách bất chính” để biện minh cho lập luận phi đạo đức: Chỉ cần không vi phạm Pháp luật.
Trong khi người ta hy vọng điều này là ngoại lệ và không phải là quy luật, tất cả các trường hợp này khiến công chúng đặt dấu hỏi rằng việc bị bắt quả tang như vậy có khiến nhiều nhà lãnh đạo nhìn nhận như là việc làm tội lỗi nhất hay không.
Những phẩm chất của một nhà lãnh đạo có đạo đức là gì và một nhà lãnh đạo có những phẩm chất tốt có thể suy nghĩ và hành động ra sao?

Cá tính không thuận theo suy nghĩ đám đông

Các nhà lãnh đạo giỏi thể hiện các đặc điểm tính cách nào đó có tính giống nhau trên khắp các nền văn hóa và lịch sử; đó là những người thông minh và giàu trí tưởng tượng để tạo nê một tầm nhìn về tương lai, và mang chúng đến cho những ai có thể thực hiện tầm nhìn đó cùng họ.
Một nhà lãnh đạo tốt cũng phải đáng tin cậy và hiển thị sự kiên định toàn vẹn, hành động có định hướng, kiên cường đứng vững trước những thất bại trong khi vẫn đối đãi với mọi người bằng sự tôn trọng, chứ không chỉ như là những bộ phận của một cơ cấu. Họ đã thoát khỏi mọi ảo tưởng của bản thân và thành thực với chính mình,  biết được khi nào phải chấp nhận  rủi ro và khi nào phải thận trọng. Các nhà lãnh đạo dũng cảm, bất chấp suy nghĩ đám đông và chấp nhận sự phản ứng dữ dội chống lại thực tế khác người của họ.
Vẻ bề ngoài, các nhà lãnh đạo tốt có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, nhưng nếu một người là hiện thân của những đặc điểm này, họ sẽ được nhìn nhận như một nhà lãnh đạo bởi những người xung quanh họ.

Khả năng làm một tấm gương tốt

Các đặc điểm xác định của các nhà lãnh đạo có đạo đức ngoài những phẩm chất cơ bản nêu trên, người ta còn nhìn thấy họ hành động dựa trên những nguyên tắc đạo đức được họ tự xây dựng tốt cho riêng mình, thiết lập một tấm gương tốt cho người khác noi theo.
Sức mạnh vững vàng trong tư duy của họ vượt qua thời gian thấm dần xuống và được khắc ghi thành văn hóa. Họ đã tạo ra một khuôn mẫu đạo đức để mọi người tiếp thu và áp dụng từ ngày này qua ngày khác. Điều này thật đúng với Trung Quốc cổ đại và cả ngày nay, qua sự đúc kết tinh tế của Lão Tử, người đã nhận xét rằng:

Một nhà lãnh đạo tốt nhất là khi người ta hầu như không biết ông ta tồn tại, khi công việc của ông ta được hoàn tất, mục tiêu của ông ta hoàn thành, ông sẽ nói: Công việc được hoàn thành bởi tất cả chúng ta.

Giàu lòng vị tha

Các nhà lãnh đạo có đạo đức rất giàu lòng vị tha, vì lợi ích của những điều cao cả hơn. Họ có lẽ sẽ cộng hưởng với trích dẫn này từ người giành giải Nobel George Bernard Shaw:

Đây chính là niềm vui thật của cuộc sống: hết lòng sống vì mục đích mà bạn đã tự xác định mình là một người vĩ đại; sống nỗ lực trọn vẹn cho đến hơi thở cuối cùng; sống làm một nguồn lực của Tự nhiên thay vì trở thành một căn bệnh ích kỷ, đau buồn, than thở và phàn nàn rằng thế giới đã không hết lòng làm cho bạn vui.

Shaw không phải là một người chơi chữ, nói tránh.

Luôn luôn cởi mở

Các chủ đề cả về đạo đức là mở ra để thảo luận, và tất cả mọi người được khuyến khích để trở thành một phần của cuộc đàm thoại liên tục.
DNA đạo đức của tổ chức là một thứ trong sự tiến triển; một thực thể sống mà tiến hóa, trở nên mạnh mẽ hơn. Nó không chỉ được ghi trong một bản tuyên bố hay sứ mệnh, đóng khung lại rồi sau đó lãng quên.

Họ không ngại những thách thức

Một nhân viên cấp dưới gọi bạn ra ngoài, không đồng ý với bạn và thách thức quan điểm của bạn; tất cả đòi hỏi lúc này là thể hiện sự hiểu biết tuyệt vời và lòng khoan dung. Các nhà lãnh đạo có đạo đức hiểu rằng nó là một phần của một văn hoá cải tiến liên tục. Không thể có chuyện: “Tôi là ông chủ, anh không được thách thức uy quyền của tôi.” Đó là một phần của cái gọi là: không xem bản thân mình là tuyệt đối. Tự phản đối chính mình một cách hóm hỉnh luôn đem lại hiệu quả tốt.
Các nhà lãnh đạo có đạo đức không cố bám lấy vị trí họ đang có, vì như thế họ sẽ bị lôi cuốn quá mức vào chức vụ hơn là những gì họ được tổ chức hay cộng đồng trông đợi. Họ tuyển chọn người kế nhiệm và biết khi nào nên bước sang một bên, rời khỏi vị trí cao, hơn là bị đẩy đi. Thay náu mới làm trẻ hóa, đó thường là chiến lược tốt nhất để vận động cùng thời đại.

Họ chịu trách nhiệm với tất cả mọi thứ

Các nhà lãnh đạo có đạo đức chấp nhận rằng họ hoặc là trực tiếp hoặc là gián tiếp chịu trách nhiệm cho mọi thứ xảy ra trong tổ chức. Họ hiểu được rằng đổ lỗi và chỉ ra các sai sót của nhân viên là sai lầm của nhà lãnh đạo, như chúng ta đã thấy trong sự việc của VW khi CEO tìm cách đổ trách nhiệm cho các kỹ sư và kỹ thuật viên. Các nhà lãnh đạo có đạo đức không viện đến lời biện hộ “từ chối chính đáng”.
Cuối cùng, đạo đức tốt là kinh doanh tốt. Tổ chức nào đã và đang làm những việc đúng đắn thì một trong số đó sẽ phát triển thịnh vượng trong thế giới có trách nhiệm và kết nối ngày nay. Cộng đồng mong đợi vào việc làm có đạo đức từ các nhà lãnh đạo cộng đồng, và sẽ trừng phạt những người vi phạm bằng hình thức bỏ tù và mất danh dự. Mô hình cũ của phương thức “bên thắng – bên thua” được chuyển đổi hướng đến phương thức “anh thắng – tôi thắng”.
David Tuffley là Giảng viên cao cấp môn học Ứng dụng đạo đức và nghiên cứu kỹ thuật xã hội tại Đại học Griffith, Úc.
Amy Antonio là một giảng viên tại Đại học Southern Queensland tại Australia.

Không có nhận xét nào: