Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Hoạt động bay TQ uy hiếp an toàn bay Việt Nam

08/01/2016  10:17 GMT+7

- Cục Hàng không VN vừa gửi văn bản đến Văn phòng Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Văn bản thông báo việc một số tàu bay hoạt động trong vùng thông báo bay (FIR) HCM nhưng không liên lạc với cơ quan không lưu phụ trách theo quy định quốc tế về an toàn bay.
d
Đường băng phi pháp của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập. Ảnh: Airbus Defense
Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, từ ngày 1 đến 6/1/2016, một số tàu bay không được xác định hoạt động trong vùng thông báo bay HCM cắt ngang các đường hàng không L625, N892, M771, từ điểm báo cáo DONA đến ALDAS.

Theo lưu trữ radar của Trung tâm kiểm soát đường dài HCM, các tàu bay này hoạt động từ mực bay FL180 đến FL265, cao hơn mực bay tối thiểu của các đường hàng không nêu trên nhưng không nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài HCM.
Từ ngày 28/12/2015 đến nay, các cơ quan quản lý bay của Việt Nam không hề nhận được bất kỳ thông báo bay nào của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động bay của các tàu bay bay trái phép đến Đá Chữ Thập của Việt Nam.
Cục trưởng Cục Hàng không VN khẳng định: Hoạt động của các tàu bay Trung Quốc nêu trên đã vi phạm các quy định của ICAO, ảnh hưởng nghiêm trọng và uy hiếp an toàn đến các hoạt động bay trong khu vực.
Liên quan tới hoạt động bay của các tàu bay bay qua vùng thông báo bay HCM do Việt Nam quản lý đáp xuống Đá Chữ Thập (Trường Sa của Việt Nam), ngày 7/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã tuyên bố phản đối Trung Quốc đáp máy bay xuống sân bay xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh một lần nữa, Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trước đó, ngày 6/1, hãng Thông tấn Nhà nước Trung Quốc đưa tin nước này đã cho đáp trái phép 2 chiếc máy bay xuống Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đường băng trên Đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử) dài 3.000m, là một trong ba đường băng Trung Quốc đã tiến hành xây dựng bất hợp pháp từ năm 2014 sau hoạt động bồi đắp trái phép các đảo đá và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Vũ Điệp

Tướng Trung Quốc: Chiến đấu cơ sẽ hạ cánh (phi pháp) ở Trường Sa đầu 2016

(GDVN) - Viên Thiếu tướng Trung Quốc nghỉ hưu cho hay: "Máy bay quân sự Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ cất cánh từ đó, rất có thể là trong nửa đầu năm nay."
Từ Quang Dụ.
South China Morning Post ngày 8/1 đưa tin, một Thiếu tướng Trung Quốc nghỉ hưu nói rằng, sân bay mới Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) sẽ sớm được sử dụng cho các máy bay quân sự bay thử nghiệm cất hạ cánh, có lẽ là trong nửa đầu năm nay.
Máy bay dân dụng Trung Quốc vừa tiến hành hạ cánh thử nghiệm (bất hợp pháp) 2 lần xuống sân bay trên đá Chữ Thập, Trường Sa bị Trung Quốc đảo hóa và xây dựng (bất hợp pháp). Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Việt Nam, Philippines, Hoa Kỳ cũng như Nhật Bản.
Từ Quang Dụ, viên Thiếu tướng Trung Quốc nghỉ hưu cho hay: "Máy bay quân sự Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ cất cánh từ đó, rất có thể là trong nửa đầu năm nay."
Ông dụ cho rằng, thực tế thì việc sân bay ở đá Chữ Thập đã sử dụng được cho máy bay dân dụng thì có nghĩa là nó đủ điều kiện sử dụng cho máy bay quân sự. Đường băng dài 3 km trên đá Chữ Thập phù hợp cho các loại máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, máy bay do thám và máy bay trực thăng cất hạ cánh.
Nếu điều này diễn ra thì đó là một bước leo thang mới nghiêm trọng từ phía Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, chà đạp luật pháp quốc tế.
Bằng hành động này, Trung Quốc sẽ tự vạch rõ bộ mặt mình trước công luận, thúc đẩy các bên liên quan nâng cao năng lực phòng thủ, cảnh giác, đồng thời các bên có lợi ích bao gồm Hoa Kỳ phải tăng cường các hoạt động tuần tra, giám sát ở Biển Đông.

Hồng Thủy

Không có nhận xét nào: