Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

HÔN NHÂN VÀ TANG CHẾ CỦA NGƯỜI VIỆT THỜI ALEXANDRE DE RHODES

Lại Nguyên Ân và 3 người khác đã chia sẻ bài viết của Lê Nguyễn.
Lê Nguyễn đã thêm 5 ảnh mới — cùng với Hoàng Thị Ngọc Trâm và 29 người khác.
Một người phương Tây viết kỹ về phong tục tập quán của một dân tộc Á Đông xa xôi là điều hiếm có. Alexandre de Rhodes làm được điều này nhờ khả năng tiếp thu ngôn ngữ Việt một cách nhạy bén và nhanh chóng. Sáu tháng sau khi đặt chân lên Đàng Trong năm 1624, ông đã giảng đạo được bằng tiếng Việt. Nhờ vậy, chỉ sau ba năm sống ở Đàng Ngoài, ông đã có nhiều cuộc tiếp xúc rộng rãi, quan sát, ghi chép lại từng chi tiết về phong tục tập quán của người Việt vào nửa đầu thế kỷ 17. Chắc chắn rằng với một người ngoại quốc như ông, những gì ông viết khó có thể chính xác 100%, song nếu chưa thể tìm ra những tư liệu, chứng cứ nào xác thực hơn, chúng ta buộc phải tạm tin vào ông vậy.

Điều đầu tiên khi đọc Rhodes là chúng ta ghi nhận được những phong tục tập quán của cha ông mình cách nay gần 400 năm, có cái nay vẫn còn tồn tại, có cái đã mai một cùng với cát bụi thời gian. Tư liệu của Rhodes giúp chúng ta ý thức được phần nào sự chuyển biến của văn hóa Việt sau mỗi thời kỳ lịch sử, với những cái ưu, cái khuyết của nó.
***
HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI VIỆT CÁCH NAY GẦN 400 NĂM
Thông qua tác phẩm Lịch sử vương quốc xứ Đàng Ngoài, Alexandre de Rhodes tỏ ra am hiểu khá rõ các phong tục cưới gả và ma chay của người Việt nửa đầu thế kỷ 17. Một trong những nét đặc trưng của chế độ hôn nhân xưa của Đại Việt cũng như nhiều quốc gia phương Đông khác là tục tảo hôn. Khi cậu con trai trong gia đình còn ở tuổi vị thành niên là các bậc cha mẹ đã nghĩ đến việc tìm cho cậu một cô vợ. Thông qua một người mai mối, họ chủ động đi tìm người phối ngẫu tương lai cho con trai mình. Nếu bên nhà gái đồng ý gả con, nhà trai sẽ mang lễ vật và tiền dạm hỏi sang. Thông thường, người cha cô gái muốn tự mình tìm hiểu những đặc tính về thể chất và tinh thần của chàng rể tương lai nên khi cậu bé vừa đến tuổi dậy thì, ông đã vời đến nhà để sai phái nhiều việc khác nhau, khi thì trong nhà, khi thì ngoài nhà. Nếu trong thời gian “thử thách” này mà cha mẹ cô gái nhận thấy chàng trai có những thói hư tật xấu, làm việc cẩu thả, biếng nhác…họ sẽ trả cậu ta trở về nhà cha mẹ ruột, kèm theo tiền dạm hỏi đã nhận trước đây. Trong trường hợp ngược lại, nếu cậu ta làm việc siêng năng, cách ăn ở vừa ý cha mẹ vợ tương lai thì sẽ được lưu giữ thêm một, hai năm hoặc lâu hơn nữa, nếu “cô dâu” chưa đến tuổi lấy chồng. Tục “ở rể ba năm” thời kỳ này vẫn còn khá phổ biến vào thế kỷ 19 trên đất nước ta.
Một trong những thủ tục đầu tiên của hôn lễ thời kỳ này là việc công bố cho bà con thân tộc hai họ biết sự việc để xem có ai ngăn trở cuộc hôn nhân vì lý do vi phạm những qui định về mặt huyết thống không. Theo tập tục lúc bấy giờ, đối với các anh em trai, con cháu của họ dù xa đến mấy đời cũng không bao giờ dược lấy nhau; cháu ruột của anh em trai có thể lấy cháu ruột của chị em gái ở đời thứ ba, còn con cháu của các chị em gái với nhau thì có thể lấy nhau từ đời thứ hai. Về điểm này, xem ra những qui định về hôn nhân do Alexandre de Rhodes ghi lại khá chi tiết, tuy nhiên khó mà kiểm tra về độ chính xác. Bộ Thiên Nam dư hạ tập soạn vào nửa sau thế kỷ 15 có chép:” cùng họ trong vòng năm bực tang phục và cùng họ mà đã xa không có tang phục, là đồng tính, cùng là con cô con cậu, đôi con dì, cao thấp không ngang nhau, đều cấm, nếu là cháu cậu cháu cô thì không cấm. Kẻ vô loại lấy cô dì, chị, em gái, kế nữ (con gái riêng của vợ), cùng người thân thích, đều lấy gian dâm mà luận tội….” (Trích Lịch triều hiến chương loại chí-Tập II-NXB Khoa học xã hội-Hà Nội-1992-trang 329). Tin tức về hôn lễ phải được trình báo cho viên quan trấn nhậm tại địa phương cùng những người cư ngụ lâu đời ở đây. Những người này cũng là thực khách trong tiệc cưới tổ chức tại gia đình nhà trai. Buổi tiệc có tác dụng như một lời công bố việc hôn nhân, nếu không có nó, cuộc hôn nhân có thể bị xem như vô hiệu, thậm chí gia chủ có thể bị trừng phạt.
Trong lễ cưới ngày xưa, vấn đề của hồi môn được thỏa thuận trước giữa cha mẹ đôi bên; ngoài tư trang, quần áo, đôi khi còn có cả đồ đạc bày biện trong nhà. Thành phần của hồi môn nào thuộc loại cồng kềnh được mang đến nhà chú rể một hôm trước lễ cưới, còn trang phục hay các đồ tế nhuyễn khác thì được đi theo cô dâu trong lễ đưa dâu. Lễ cưới chính thức diễn ra tại nhà đàng trai, trước bàn thờ tổ tiên. Cha của chú rể (hoặc một người chú, bác lớn tuổi nhất trong dòng họ, trong trường hợp người cha đã quá cố) quỳ trước bàn thờ, cô dâu và chú rễ đứng hai bên. Ong khấn vái tổ tiên, xin chứng giám và phù hộ cho cặp vợ chồng mới được hạnh phúc, sống lâu, phát đạt, sinh con đẻ cái khỏe mạnh, thông minh. Sau lễ hôn phối, cuộc đời người đàn bà bị cột chặt với số phận người chồng và gia đình chồng, không được bỏ chồng, trong khi người chồng có quyền bỏ vợ vì một khuyết điểm vu vơ nào đó của người vợ.
Cũng liên quan đến hôn nhân và gia đình, Alexandre de Rhodes có kể lại một tục lệ thời ấy. Đó là khi một đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, người nhà lấy mực kẽ lên trán nó hình chữ thập. Có lần chứng kiến việc làm này, Rhodes tỏ vẻ ngạc nhiên, hỏi cha mẹ đứa bé và được biết mục đích nhằm xua đuổi “tà ma”, không cho chúng đến gần để làm hại đứa bé. Với nhãn quan của một giáo sĩ, Rhodes đã đưa ra một nhận xét khá chủ quan và cũng khá buồn cười, cho rằng hành động ghi chữ thập lên trán đứa trẻ sơ sinh là:” một dấu hiệu khá rõ ràng là đức tin của chúa Giêsu đã được dự báo từ thuở xa xưa…” (Lịch sử vương quốc xứ Đàng Ngoài-chương 28-RI-1908-trang 436).
TANG CHẾ CỦA NGƯỜI VIỆT THỜI ALEXANDRE DE RHODES
Cũng với một nhãn quan tương tự, Rhodes nhận định về tang lễ của người Việt xưa như sau:” Có lẽ không một quốc gia nào mà tại những vùng đất có người ở, người ta thực hiện nhiều bổn phận, tôn kính đối với linh hồn, thể xác của người chết hơn cư dân ở vương quốc An Nam…” (Lịch sử……- chương 23-RI-1908-trang 266). Theo ông, có ba đặc điểm chính trong tang lễ người Việt thời đó. Trước tiên, khi người thân trong gia đình nằm xuống, người ta tìm một cỗ áo quan thật lộng lẫy để bỏ thi hài vào. Giá trị của chiếc quan tài thường tương xứng với mức độ giàu nghèo của gia đình tang chủ. Kế đến là việc đưa tang. Ngoài thân nhân, bạn bè người chết, còn có nhiều cư dân địa phương được mời đi đưa tang. Nếu người chết là một quan lại thì có những đội lính vũ trang tề chỉnh đi hai bên quan tài. Trong hầu hết các đám tang mà Rhodes chứng kiến, có một lá cờ bằng lụa rất to, cao 3-4m, do bốn người lực lưỡng mang, trên đó người ta thêu tên người chết bằng chỉ vàng, kèm theo những việc làm, những vinh dự của người đó lúc sinh thời. Bên dưới lá cờ nhiều khi được dành để ghi một bài điếu văn ngắn nói về công trạng của người chết. Vợ con người quá cố đi trước quan tài, khóc kể về mọi điều liên quan đến người thân, có lúc họ quay về phía quan tài, ngã bổ nhào xuống đất, như cố ý để cho những người khiêng quan tài dẫm đạp lên vậy. Đặc điểm thứ ba trong tang lễ của người Việt thế kỷ 17 là việc chọn lựa vùng đất để chôn cất người thân. Họ tin rằng nếu chọn đúng vị trí thích hợp nhất để chôn cất người thân thì họ và con cháu sẽ làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn trong đời sống. Họ thường mời thầy địa lý đến các vùng đất liên hệ, cầm la bàn đi tìm “long mạch”.
Một số người chủ trương chôn cất thân nhân của họ ở những nơi kín đáo, xa đường giao thông công cộng, nhất là những người có địa vị cao, hoặc có nhiều ân oán trong xã hội. Họ làm như thế vì sợ rằng kẻ thù biết được chỗ chôn cất, sẽ xâm phạm, làm nhục thân xác người thân họ để trả thù cũ. Việc chịu tang thời đó cũng có nhửng nét riêng mà nay không còn. Chẳng hạn những người đàn ông không có tang để mái tóc cắt xõa nửa chừng trên trán. Khi có tang, họ không cắt phần tóc này suốt thời gian cư tang, nên tóc mọc dài ra phủ xuống mắt trông rất khó coi. Phụ nữ thì ngược lại, khi có tang, họ cắt đi một phần tóc của mình và không cho nó dài thêm trong suốt ba năm chịu tang. Họ gọi đây là “thời gian cắt tóc”. Nếu là để tang chồng, họ không được tái giá suốt ba năm, vi phạm điều này sẽ bị trừng phạt.
Sau khi hết thời gian cư tang ba năm, cư dân Đại Việt đào phần mộ của người chết lên, dùng hương thơm tẫm hài cốt, lấy vải trắng bọc lại và cho vào một quan tài nhỏ hơn rồi chôn vào chỗ cũ. Tuy nhiên, trong trường hợp nơi chôn trước là một vùng đất xa lạ, họ mang hài cốt về chôn ở quê nhà. Nếu sau lần cải táng này mà bản thân họ hay con cháu gặp điều rủi ro, bất hạnh, họ sẽ đào phần mộ lên một lần nữa, mở quan tài ra, sắp xếp xương cốt lại, xem có những viên đá nhỏ lẫn vào làm trở ngại cho sự yên nghỉ của thân nhân hay không. Về việc tổ chức lễ cúng người chết của người Việt xưa, Alexandre de Rhodes cũng xem là ba sai lầm lớn. Trước tiên là sai lầm khi tin rằng linh hồn của cha mẹ có đủ tự do để trở về nhà con cái, không có một hàng rào vô hình nào ngăn cách giữa những linh hồn đó với người sống. Kế đó là sai lầm khi tin là người chết có thể ăn uống no nê rượu thịt do con cháu dọn bày lên; và cuối cùng là sai lầm khi cho rằng cuộc sống, sức khỏe, sự thịnh vượng trong gia đình đều tùy thuộc vào các bậc cha mẹ đã quá cố. Nhiều nét chính trong lễ nghi tang chế thời đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay, chẳng hạn như trong thời gian cư tang, người ta thường xuyên tổ chức những lễ cúng, sau đó mỗi năm cúng giỗ một lần. Tuy nhiên, phong tục thời xưa có phần nghiêm khắc hơn, nếu người con trai thừa tự trong gia đình quên cúng giỗ cha mẹ, anh ta sẽ bị lôi ra cửa quan để truất quyền thừa kế do đã tỏ ra vô ơn đối với đấng sinh thành. Trong trường hợp người chết là các đại thần hay những người có công với triều đình, nhà vua ban tiền bạc cho vợ con họ trong thời gian ba năm cư tang để họ có phương tiện cúng bái người đã khuất…
Xem như trên, có thể thấy nhiều chi tiết về cưới hỏi và ma chay được Alexandre de Rhodes miêu tả vào giữa thế kỷ 17 đến sau này vẫn còn được áp dụng. Chẳng hạn như chi tiết trong lễ tang “vợ con người quá cố đi trước quan tài, khóc kể về mọi điều liên quan đến người thân, có lúc họ quay về phía quan tài, ngã bổ nhào xuống đất, như cố ý để cho những người khiêng quan tài dẫm đạp lên vậy..” trên thực tế đó chính là tục lăn đường đến gần đây vẫn còn được áp dụng, mà học giả Đào Duy Anh đã miêu tả trong tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương :”…Khi phát dẫn thì lệ bắt con gái và con dâu trưởng phải lăn đường, nghĩa là nằm lăn ra giữa đường mà than khóc để cho phu khiêng đại dư bước qua mình. Từ nhà ra đến huyệt, cứ đi được một đoạn thì con gái và con dâu lại phải lăn đường như thế….” (NXB Văn hóa-Thông tin-Hà Nội-2000-trang 242). Về hôn nhân, Đào Duy Anh cũng mô tả:”Ở nhà quê, thường có tục bắt con trai phải đến nhà gái mà làm đỡ công việc, gọi là “làm rễ”…..” (Sđd-trang 229).
Lê Nguyễn
20.1.2016
KỲ SAU: Đời sống tâm linh của người Việt thời A. de Rhodes

Ảnh độc mới công bố về Việt Nam thời thuộc địa

Nghi thức Long hổ song đấu, vua Bảo Đại ngồi kiệu, lễ tế Nam Giao ở Huế... là loạt ảnh Việt Nam thời thuộc địa mới được công bố ở Pháp.
Hình ảnh được giới thiệu trong một triển lãm ảnh về Việt Nam thời thuộc địa và thập niên 1950 tại Bảo tàng Cernuschi của Pháp năm 2014, trang Francetvinfo.fr đăng tải lại.
 Nghi thức Long hổ song đấu tại Quy Nhơn năm 1887.
 Tháp Chăm Po Nagar ở Nha trang năm 1905.
 Trên một con phố thương mại tại Hà Nội khoảng năm 1922.
 Cây đa thiêng ở Cổ Loa, tỉnh Phúc Yên cũ năm 1924.
 Người nông dân mặc áo tơi cất vó, năm 1925.
 Nhà sư tụng kinh tại chùa Hồng Phúc, Hà Nội năm 1936.
 Vua Bảo Đại rời Hoàng cung bằng kiệu ở Huế năm 1936.
Người dân tham dự lễ tế Nam Giao ở Huế năm 1939.
 Các quan bồi tự, trợ tế trong lễ tế đàn Nam Giao ở Huế năm 1939.  
 Những người khiêng chiêng, trống và cờ tại đàn Nam Giao năm 1939.
 Bà cụ bán tranh Hàng Trống tại Hà Nội năm 1951.
 Đúc tượng Phật ở làng Ngũ Xã, Hà Nội năm 1952.
 Nghệ nhân tranh Hàng Trống tô màu lên bức tranh "Tứ Phủ", Hà Nội năm 1953.
 Các bà đồng xem bói trong sân Đền Ghềnh, Hà Nội năm 1953.
 Ông đồ viết câu đối Tết, 1955.
 Khai quật di tích Gò Cây Thị A, An Giang thập niên 1940.
Theo KIẾN THỨC

Không có nhận xét nào: