(Chính trị) - PGS.TS Phạm Xanh cho rằng phải trải qua một cuộc cách mạng thực sự mới ngăn chặn được tệ tham nhũng trong xã hội Việt Nam.
Trong thời điểm chuyển giao năm 2015-2016, VOV.VN cùng trò chuyện với GS Hoàng Chí Bảo – Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS Phạm Xanh – Khoa Lịch sử, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội. Ở phần 1 là những đánh giá về bức tranh kinh tế – xã hội năm 2015 và dự cảm về năm 2016. Trong phần tiếp theo này sẽ nhìn lại 30 năm đổi mới đất nước (1986-2016):
“Tôi kỳ vọng vào lớp lãnh đạo mới được lựa chọn ở Đại hội XII và được lựa chọn vào Quốc hội khóa XIV”.
PV: Năm 2016, khi Đảng ta tiến hành đại hội lần thứ XII, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo vừa tròn 30 năm với 6 nhiệm kỳ. Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII đã có một mục Nhìn lại 30 năm đổi mới nêu rõ 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nếu đánh giá một cách tổng quan và khát quát nhất, GS Hoàng Chí Bảo và PGS.TS Phạm Xanh có thể nói gì về 30 năm đổi mới?
GS Hoàng Chí Bảo: Đây là câu hỏi lớn đòi hỏi phải có cái nhìn tổng quát trên rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tầm nhìn chiến lược ở tầm vĩ mô. Văn kiện của Đảng được chuẩn bị rất công phu đã thể hiện được những tìm tòi lý luận mới, tổng kết những kinh nghiệm có giá trị của đất nước trong 30 năm đổi mới. Tôi muốn nhấn mạnh mấy điểm, theo tôi, đó là những điểm cốt lõi.
Đại hội VI của Đảng cách đây 30 năm, đại hội được đánh giá là một dấu son trong lịch sử biên niên của Đảng vì nó mở đầu cho công cuộc đổi mới, với những đột phá mới cả về tư duy, chính sách và cơ chế quản lý.
Nhờ có tư tưởng đổi mới của Đại hội VI và các Đại hội tiếp theo, trong những Đại hội đó, Đảng ta có hai lần ra Cương lĩnh: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 (Đại hội VII thông qua, gọi tắt là Cương lĩnh 1991), rồi sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh, Đại hội XI đã tổng kết lại 1/5 thế kỷ thực hiện Cương lĩnh đó và đưa ra Cương lĩnh mới bổ sung và phát triển.
Đến nay, đã hoàn thiện về cơ bản hệ thống lý luận của Đảng về CNXH ở Việt Nam và con đường đi lên CNXH đó. Tôi cho rằng nhìn nhận về thành tựu 30 năm đổi mới trước hết phải nhấn mạnh thành tựu về mặt lý luận, bởi lý luận rất quan trọng đối với một Đảng lãnh đạo và cầm quyền, vai trò tiên phong về lý luận tức là dẫn đường cho sự phát triển đúng đắn, nhất là trong bối cảnh thế giới phức tạp, trong điều kiện không còn hệ thống XHCN trên thế giới, điều này cần phải được ghi nhận, nó đánh giá vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đổi mới.
Việc thứ hai, dù chúng ta còn nhiều khiếm khuyết, yếu kém, hạn chế mà Đảng ta đã kiểm điểm một cách nghiêm khắc là chưa ngang tầm với nhiệm vụ hay trong vấn đề nội bộ Đảng, văn kiện lần này Đảng cũng thẳng thắn thừa nhận với dũng khí tự phê bình rất quan trọng tức là Đảng thừa nhận trên thực tế Đảng chưa thực sự trong sạch, vững mạnh.
Những khuyết điểm, yếu kém vẫn còn và phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh 30 năm đổi mới đó là đường nét chủ đạo sáng suốt. Có thể nhận định: Thứ nhất, ta đã giữ được ổn định chính trị – xã hội tích cực, không phải nước nào đi vào đổi mới, cải cách cũng giữ được, thậm chí, nhiều nơi rối loạn vì đổi mới. Giữ được ổn định chính trị xã hội tích cực là tiền đề quan trọng để đổi mới và phát triển kinh tế.
Thứ hai, dù hoàn cảnh có nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp, biến động thế giới ngày càng không thể lường hết nhưng trong 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhất là từ khi chuyển sang mô hình kinh tế thị trường là tăng, thậm chí cao và liên tục trong nhiều năm.
Ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất chúng ta có giảm tốc độ tăng trưởng nhưng vẫn giữ được ở mức cao, và bây giờ đang bắt đầu phục hồi, đó là tăng trưởng về kinh tế. Tăng trưởng về kinh tế lại kết hợp với việc giải quyết từng bước tiến bộ và công bằng xã hội để lo cho người dân, Đảng ta còn đưa ra vấn đề an toàn trong cuộc sống cá nhân.
Tôi cho rằng nhờ tăng trưởng kinh tế mới có điều kiện vật chất để giải quyết các vấn đề xã hội cho người dân. Vì bản chất của đổi mới, mục đích của đổi mới không có gì khác ngoài lợi ích của nhân dân.
Thứ ba, giữ được đại đoàn kết dân tộc, đây là nhân tố quyết định thắng lợi như Đảng đã nhận định: Dân chủ được thực hiện ngày càng tốt hơn để phát huy quyền làm chủ của người dân, khắc phục từng bước dân chủ hình thức, khắc phục từng bước sự vi phạm quyền làm chủ của dân, có dân chủ, đoàn kết mới dẫn đến đồng thuận xã hội. Đây là sức mạnh tổng hợp giữa Đảng, Nhà nước, rồi chúng ta có được tiềm lực an ninh quốc phòng ngày càng vững mạnh để giữ được độc lập toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong điều kiện tình hình ở Biển Đông phức tạp.
Lần này, Đảng đã đưa nội dung này vào làm một trong những tiêu chí của Đảng, một trong những khía cạnh thuộc về thông điệp chính trị. Có một đường lối đối ngoại nhất quán về hòa bình hữu nghị hợp tác, được thể chế hóa thành chính sách ngoại giao của Nhà nước song phương và đa phương, vị thế của Việt Nam ngày càng được tăng lên trên trường quốc tế, hình ảnh Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới ngày càng sáng sủa, tốt đẹp, quan trọng nhất là người dân được sống trong không khí đổi mới, được thụ hưởng lợi ích do đổi mới đem lại, cảm nhận thực tế những biến đổi của đất nước về kinh tế xã hội. Những thành tựu ấy rất quan trọng giúp Đảng ta trong chặng đường tới đây, 1-2 thập kỷ tới, thậm chí đến giữa thế kỷ này phấn đấu đạt cho được là một nước công nghiệp.
Có được những thành tựu ấy phải nói tới vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia quản lý xã hội, quản lý Nhà nước, gần đây Đảng đã nhấn mạnh tăng cường vị thế của người dân để người dân tiếp tục tham gia kiểm soát quyền lực, tăng cường tiếng nói giám sát, phản biện…Tổng hợp những yếu tố như vậy cho chúng ta thấy thành tựu này là rất quan trọng mà Đảng đã đánh giá là có tầm vóc lịch sử.
PGS.TS Phạm Xanh: Nhìn những thành tựu dưới con mắt của người nghiên cứu lịch sử, 30 năm đổi mới là một trong 4 cột mốc quan trọng mà Đảng và dân tộc ta đã tạo nên trong thế kỷ XX. Đó là năm 1945, 1954 ta đuổi được thực dân Pháp, giành tự do được một nửa nước; năm 1975, đuổi được đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước; năm 1986 – cột mốc lớn thứ 4, Đảng đã tạo dựng trong lịch sử dân tộc.
Nói như vậy để chúng ta khẳng định lại tầm vóc và ý nghĩa cách mạng của 30 năm đổi mới mà Đảng khởi xướng, đã tạo ra 3 điểm nhấn quan trọng: Thứ nhất, đổi mới đã đưa đất nước thoát khỏi một nước nghèo, đưa đất nước trở thành đất nước phát triển trung bình, có thu nhập trung bình. Đó là ý nghĩa quan trọng bởi chúng ta xuất phát là một nước nông nghiệp lạc hậu, khi chúng ta vào phe XHCN được phân công lao động, phe XHCN cũng phân công cho chúng ta làm nông nghiệp, cung cấp thực phẩm, lúa gạo cho phe XHCN.
Tổng Bí thư Lê Duẩn từng có một khát vọng, đưa ra một chính sách mà người dân lúc đó cũng rất hồ hởi đón nhận đó là công nghiệp hóa. Muốn không phụ thuộc vào thế giới, không phụ thuộc vào các nước phát triển, chúng ta phải sánh ngang họ, ngoài việc có thực phẩm, có lúa gạo chúng ta còn phải có sắt, thép để tự xây dựng đất nước.
Đó có thể nói là một khát vọng mà Tổng Bí thư Lê Duẩn đã thắp lên cho đất nước và chúng ta đã tiếp tục thực hiện khát vọng đó. Với sự tiếp tục đó chúng ta đã đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội đã đè nặng lên tâm trí của người dân.
Thành quả thứ hai của 30 năm đổi mới, theo tôi, nó đã tạo ra một điểm sáng tô đậm dòng chữ Việt Nam trên bản đồ chính trị thế giới. Tư tưởng hội nhập với thế giới, làm bạn với thế giới đã có từ năm 1945, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra, bây giờ chúng ta có thể khẳng định chúng ta đã thực hiện trọn vẹn ý tưởng của Bác. Vì thế, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao hơn bao giờ hết.
Thành tựu lớn thứ ba đó là chúng ta bảo vệ được Tổ quốc XHCN, bảo vệ được chủ quyền đất nước trong thế giới có thể nói là cực kỳ “ma mãnh” này, đặc biệt qua vấn đề Biển Đông, chúng ta thấy rất rõ điều đó. Những thành tựu đó, với sự nỗ lực của toàn dân, với sự dẫn dắt của Đảng, chúng ta đã đạt được trong 30 năm đổi mới.
PV: Bên cạnh những thành tựu đó, vậy những hạn chế, yếu kém là gì, thưa các vị khách mời?
GS Hoàng Chí Bảo: Chúng ta không phủ nhận những thành tựu to lớn, mang tầm vóc lịch sử; chúng ta cũng có những kinh nghiệm quý giá từ thực tiễn đổi mới. Nhưng với phương châm của Đảng ta là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật thì ta cũng phải tự ý thức được những yếu kém của mình. Theo tôi, nó có nhiều phương diện.
Trước hết phải nói đến vấn đề, dù đã có rất nhiều những đổi mới và nỗ lực nhưng lý luận của chúng ta chưa ngang tầm với đòi hỏi của thực tiễn. Nhiều khi thực tế phát triển vượt trước mà lý luận không dự báo kịp hoặc không chính xác, Đảng ta nói năng lực dự báo vẫn là yếu kém của chúng ta.
Nhiều điều hệ trọng của thực tiễn đổi mới, nhất là về kinh tế, chính trị thì lý luận cũng chưa đưa lại được câu trả lời có sức thuyết phục. Chúng ta thừa nhận điều đó và phải phấn đấu hơn nữa để phát triển lý luận của Đảng ta.
Yếu kém thứ 2 có thể nhận thấy được là dù chúng ta có tăng trưởng về kinh tế, cải thiện đời sống dân cư. Tính từ Đại hội VII, trong cương lĩnh lúc bấy giờ mới đề ra khiêm tốn là 200 USD/người mà bây giờ là 1.350 USD, 1.600 USD mà đến Đại hội XII còn phấn đấu đến 3.200 – 3.500 USD, với chúng ta là một bước tiến lớn nhưng với thế giới thì chưa là gì.
Đó là áp lực của sự phát triển và nền kinh tế chúng ta cũng chưa hẳn là nền kinh tế thị trường hiện đại, nó chưa dựa trên sự tăng trưởng bằng khoa học công nghệ, bằng chất xám mà dựa trên khai thác tài nguyên, nó vẫn là nền kinh tế gia công. Như vậy, yếu tố lệ thuộc vào nước ngoài còn rất nặng.
Yếu kém nữa là trong quản lý, quản lý không đồng bộ nên để tình trạng phát triển kinh tế-xã hội theo từng vùng miền, phân tán và không thành một chỉnh thể. Dẫn đến thành tựu đạt được không tương xứng với kết quả bỏ ra, nhất là vốn đầu tư, rồi lãng phí.
Tham nhũng vẫn là quốc nạn, chưa có những biến chuyển tương xứng như ta mong muốn. Đó là yếu kém về mặt quản lý, gắn với vấn đề chính sách, thể chế, với đội ngũ cán bộ, với công tác kiểm soát về lực lượng giám sát hiệu quả thực hiện. Kể cả việc tổ chức thực hiện đường lối của Đảng cũng là yếu kém.
Ngoài ra, 2 lĩnh vực rất then chốt mà PGS.TS Phạm Xanh đã từng nhấn mạnh đó là giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ. Đảng đã có nghị quyết, chúng ta đã có những bước tiến bước đầu rất khả quan nhưng trên thực tế, điểm nghẽnvề chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa giải quyết được. Đây là bài toán phải tìm lời giải cho giáo dục.
Hai nữa là về khoa học-công nghệ hết sức quan trọng để đưa đất nước tiến vào kinh tế tri thức, kỷ nguyên thông tin và cách mạng công nghệ thì chúng ta chưa giải tỏa hết được những dấu vết của hành chính quan liêu trong khoa học công nghệ. Cho nên chất lượng, trình độ khoa học – công nghệ chưa ngang tầm với khu vực và thế giới. Hạn chế đó là rất rõ.
Ngoài ra, cũng phải nói đến đổi mới kinh tế của chúng ta có những thành công nhất định, nhưng đổi mới chính trị, hệ thống chính trị chưa đồng bộ thực sự với kinh tế. Cho nên, nó cũng tạo ra những khó khăn trở ngại trong việc phát triển kinh tế. Cũng như tự nó cũng không làm cho nền chính trị của chúng dược đến độ dân chủ thực chất hay vững mạnh thực sự, nhất là vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần nghị quyết 4, khóa XI, chống lại những suy thoái từ tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, lấy lại niềm tin của nhân dân và đảng viên.
Tất cả hạn chế đó làm cho thành tựu của chúng ta lẽ ra còn phải tốt hơn nữa, cao hơn nữa nhưng vì những yếu kém đó hạn chế sự phát triển. Đấy cũng là điều mà phải nhìn thẳng vào sự thật, để Đại hội XII sẽ đưa những quyết sách căn bản để tạo ra sự phát triển thực chất của đất nước chúng ta trong thời kỳ mới.
PV: Trong dự thảo báo cáo chính trị cũng đưa ra nhận định “Niềm tin của cán bộ, Đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào chế độ có mặt bị giảm sút”. Theo PGS.TS Phạm Xanh, nguyên nhân vì sao? Chúng ta cần phải làm gì để khắc phục điều đó?
PGS.TS Phạm Xanh: Tôi cho rằng, nhận định đó là quá chính xác. Nguyên nhân trước hết, chính là quản lý như GS Hoàng Chí Bảo đã nói. Quản lý là một trong những điểm yếu nhất. Chúng ta biết rằng quản lý mà không vững, tạo ra những kẽ hở mà bị lợi dụng, tham nhũng. Vừa rồi Đảng đã ra một nghị quyết, 8 vụ tham nhũng lớn năm 2015 phải được đưa ra xét xử trước khi Đại hội XII diễn ra.
Tôi cho rằng, những vụ tham nhũng đó đã làm hủy hoại, không chỉ trên bình diện kinh tế mà chính là hủy hoại uy tín của đảng viên, của Đảng ta trong nhân dân. Và khi uy tín của Đảng bị giảm sút, chúng ta muốn lấy lại niềm tin trong dân là cực kỳ khó khăn, phải trải qua một cuộc cách mạng thực sự mới có thể ngăn chặn được tệ tham nhũng trong xã hội Việt Nam. Mà tham nhũng ở ta là tham nhũng có hệ thống, chứ không phải tham nhũng như các nước tư bản chỉ ở cấp trên.
Cái mà tôi muốn hướng tới chính là làm thế nào để khắc phục dần dần chứ không thể nào làm triệt để một lúc được tệ nạn xã hội. Chúng ta cố gắng thắt chặt quản lý ở các cấp, các cơ quan trong xã hội VIệt Nam, may ra mới có thể ngăn chặn.
Đó là trên thực tế, nhưng trên bình diện lý luận, GS Hoàng Chí Bảo phải tra cho được những điều tồn tại về mặt lý luận như thế nào để sản sinh ra một lớp người tham quyền, sử dụng quyền lực cho mục đích cá nhân, gia đình, dòng tộc và nhóm người thân cận. Tôi cho rằng cực kỳ quan trọng, có làm được điều đó thì mới khôi phục được niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào những con người chúng ta trao vận mệnh đất nước vào tay họ.
PV: Xin cảm ơn các vị khách mời./.
(Còn tiếp)
(Theo VOV)
4 nhận xét:
Thưa ông Hoàng Chí Bảo tại sao lại chọn đi lên XHCN mà không chọn đi xuống...XHCN cho nó dễ dàng,khỏi phải chờ đợi đến hết thế kỷ này không biết đã có hay chưa?
Trí thức ở Hà nội ai chẳng biết Hoàng Chí Bảo là một gã điếm của đảng. Một người như thế mà là nhà lý luận của đảng thì đủ biết cái đảng này mạt hạng đến thế nào về trí tuệ và tư cách!
Đừng nói 'cách mạng', to tát quá, lại lấy máu dân đánh bóng ngai vàng thôi. Ngắm ngai vàng nhà cựu vua họ Nông đi!. Hãy nghe ca dao của dân:
Cây cam ra quả là cam,
Độc quyền ra quả là tham nhũng quyền.
Dân ta đơn giản, thuần phác. Cây nào ra quả đắng, hoặc quả không được giá, thay!. Theo vụ. Theo năm. Người lú thì không thay. Quyết nghèo đến cùng để tạo cơ hội cho Tàu ban ơn. Ta ngợi ca Tàu có sai đâu!. Thâm đấy, không vừa đâu. Họ chả bao giờ nghèo. Ngắm ngai vàng cựu vua họ Nông thì biết, chỉ bán boxit Tây nguyên cho Tàu đã lãi khủng, bán từ từ các thứ khác ăn mấy đời cho hết?!.
Đúng là "tuyên truyền và dối trá" Hãy định nghĩa chủ nghĩa xã hội đi xem nào? Tôi năm nay 60 tuổi, còn nghe những thăng hơn 60 tuổi thao thao cái mồm là CNXH! hỏi nó là cái gì thì nó bảo dối trá thì còn chỗ dung thân, có lương cao bổng lộc! muốn như thằng nông dân và thằng công nhân cho nó cưỡi cổ à? ngu!
Đăng nhận xét