Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

Nhắc "ngũ hổ", Tập Cận Bình "thiết quân luật" với Bộ chính trị TQ


Hải Võ | 

Nhắc "ngũ hổ", Tập Cận Bình "thiết quân luật" với Bộ chính trị TQ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đang gia tăng yêu cầu nghiêm khắc đối với các thành viên Bộ chính trị, thậm chí tiến tới hoàn thiện một cơ chế kiểm soát ngặt nghèo.



Nhắc nhở Bộ chính trị bằng bài học "ngũ hổ"
Trong 2 ngày 28-29/12/2015, Bộ chính trị trung ương đã triệu tập cuộc họp chuyên đề "sinh hoạt dân chủ". Đây là hội nghị tổng kết xây dựng tác phong thực tiễn của toàn hệ thống quan chức Trung Quốc từ sau đại hội XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012.
Theo Tân Hoa Xã, các thành viên Bộ chính trị Trung Quốc được yêu cầu "liên hệ những bài học sâu sắc từ Chu Vĩnh KhangBạc Hy LaiTừ Tài HậuQuách Bá HùngLệnh Kế Hoạch... để phân tích, triển khai phê bình và tự phê bình".

Tài liệu phát ngôn của các Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc trước hội nghị trên trọng điểm xoay quanh 7 vấn đề như "bảo vệ đoàn kết của đảng và uy tín của trung ương", "phục tùng và gìn giữ đại cục", "sử dụng quyền hạn đúng đắn và liêm khiết", "tuân thủ kỷ luật chính trị và tổ chức"...
Trang Đa Chiều (Mỹ) cho hay, 7 vấn đề mà các thành viên Trung Nam Hải chỉ ra đều là những lĩnh vực từng bị "ngũ hổ" vi phạm và tạo thành hậu quả nghiêm trọng.
Nói cách khác, "quy tắc 7 điều" được đặt ra như một động thái "mất bò phải lo làm chuồng" và từ nay được xem là 7 vấn đề trọng điểm mà các cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc sẽ chú ý giám sát đối với các Ủy viên Bộ chính trị.
Đồng thời, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nêu ra 4 yêu cầu, dài hơn 1.000 chữ đối với Bộ chính trị nước này, bao gồm "kiên định phương hướng chính trị đúng đắn", "thực hiện nghiêm ngặt quyết sách lớn của trung ương", "quản lý tốt lĩnh vực được giao", "yêu cầu nghiêm khắc với bản thân".
Trong đó, ông Tập nhấn mạnh thành viên Bộ chính trị "phải giáo dục, quản lý, giám sát nghiêm khắc với người nhà, họ hàng và cấp dưới để kịp thời điều chỉnh, sửa sai ngay khi xuất hiện vấn đề". Những yêu cầu này cũng nằm trong phạm vi "quy tắc 7 điều" nêu trên.

Hội nghị Bộ chính trị Trung Quốc hôm 28-29/12/2015. Ảnh: Xinhua
Hội nghị Bộ chính trị Trung Quốc hôm 28-29/12/2015. Ảnh: Xinhua
Trung Nam Hải sẽ triệt đường quyền lực của "hổ lớn"
Hồi tháng 9/2015, cựu Phó hiệu trưởng Trường đảng trung ương Trung Quốc Lý Quân Như từng tiết lộ "trung ương đang nghiên cứu đặt ra một bộ quy tắc chuẩn đối với lãnh đạo cao cấp" với phạm vi áp dụng dành cho hơn 20 Ủy viên Bộ chính trị nước này, bao gồm 7 lãnh đạo cấp cao nhất.
Theo Đa Chiều, hội nghị vào cuối tháng 12 vừa qua mặc dù chưa thể hiện được "tính mục tiêu nhằm vào các lãnh đạo cấp cao", nhưng cũng đã cho thấy xu hướng của một cơ chế kiểm soát, kỷ luật và hạn chế của Trung Nam Hải đối với các quan chức nắm thực quyền.
Cũng theo trang này, sự thiếu minh bạch và cơ chế quản lý những quan chức hàng đầu Trung Quốc hiện nay đang được đánh giá là "vấn đề gốc rễ, không thể giải quyết" đối với lĩnh vực chính trị của quốc gia này.
Đây đồng thời trở thành một tiêu chuẩn đánh giá mức độ thành công của cuộc cải cách thể chế chính trị Trung Quốc.
Trong quá khứ, Bắc Kinh đã xây dựng chế độ lãnh đạo về hưu và chế độ lãnh đạo tập thể nhằm hạn chế phần nào hiện tượng trên, nhưng tính hiệu quả của nó đến nay chưa làm người ta hài lòng bởi còn nhiều điểm mơ hồ.
Tờ báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo hồi tháng 10/2015 cũng phải thẳng thừng lên tiếng cảnh cáo các lãnh đạo, quan chức về hưu "hãy biết yên phận", không được nhúng tay gây ảnh hưởng trên chính trường.

Bắc Kinh kỳ vọng những con hổ như Chu Vĩnh Khang sẽ không còn khả năng xuất hiện. Ảnh: Reuters
Bắc Kinh kỳ vọng những "con hổ" như Chu Vĩnh Khang sẽ không còn khả năng xuất hiện. Ảnh: Reuters
Hội nghị Bộ chính trị Trung Quốc vừa qua thể hiện xu hướng "tự kiểm soát bản thân" và khả năng xây dựng "bộ quy tắc chuẩn với lãnh đạo cấp cao" trong tương lai chắc chắn sẽ trở thành một cơ chế mạnh phục vụ chiến dịch "đả hổ" của ông Tập.
Đa Chiều cho hay, động thái này sẽ là một bước gia tăng kiểm soát hành vi đối với các thành viên Bộ chính trị Trung Quốc mà sự nghiêm ngặt của nó thậm chí được kỳ vọng "hà khắc hơn cả phương Tây".
Có phân tích nhận định, Tập Cận Bình đề ra quy củ để kiểm soát Bộ chính trị Trung Quốc, đặc biệt là yêu cầu "bảo vệ uy tín trung ương", có khả năng sẽ làm cho các quyết định, đánh giá hay phát ngôn của cá nhân ông trở nên có sức nặng hơn.
Điều này thậm chí được cho rằng có thể làm suy yếu quyền lực thực tế của các quan chức lãnh đạo cấp cao nước này.
Tuy vậy, theo Đa Chiều, so với cơ chế "cửu long trị thủy" với quyền lực phân chia tương đối đồng đều cho 9 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị như dưới thời cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, sự tập trung quyền lực như hiện nay mang lại cho Bắc Kinh nhiều lợi ích hơn.
Với cơ chế quản lý mà bản thân lãnh đạo cao nhất là ông Tập cũng bị kiểm soát bởi các quy tắc ngặt nghèo và không bị thay đổi bởi một nhóm thế lực nào đó, Trung Nam Hải có thể kỳ vọng cao rằng những quan tham kiểu "ngũ hổ" sẽ không còn "cửa" để xuất hiện nữa.
theo Trí Thức Trẻ

Người tình bí ẩn của ông Chu Vĩnh Khang bị bắt

Bà Lý Hiểu Mai thông qua quan hệ nhân tình với ông Chu Vĩnh Khang và nhờ sự giúp đỡ của ông Tưởng Khiết Mẫn đã trục lợi phi pháp 30 triệu Nhân dân tệ. (Ảnh: Tân Đường Nhân)
Bà Lý Hiểu Mai thông qua quan hệ nhân tình với ông Chu Vĩnh Khang và nhờ sự giúp đỡ của ông Tưởng Khiết Mẫn đã trục lợi phi pháp 30 triệu Nhân dân tệ. (Ảnh: Tân Đường Nhân)

Sau khi cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang và đồng đảng Tưởng Khiết Mẫn bị tuyên án, người tình bí ẩn Lý Hiểu Mai (李晓梅) của ông ta cũng bị điều tra. Lý Hiểu Mai lợi dụng thân xác để mua chuộc quyền lực từ Chu Vĩnh Khang để thu lợi ích khổng lồ về kinh tế.
Cư dân mạng bình luận: “Chúng đều là loài sâu mọt quốc gia.
Ngày 31/12 vừa qua, báo Tân Kinh đưa tin, bà Lý Hiểu Mai, đại diện pháp nhân của Công ty Kỹ thuật dầu khí Hồng Cảng ở Bắc Kinh và cổ đông Công ty Khí đốt Bác Năng (Polar) ở Tứ Xuyên bị điều tra vì liên quan đến vụ án của ông Chu Vĩnh Khang và Tưởng Khiết Mẫn.
Theo thông tin, bà Lý Hiểu Mai nhờ vào quan hệ nhân tình với ông Chu Vĩnh Khang và được sự hỗ trợ của ông Tưởng Khiết Mẫn đã trục lợi phi pháp 30 triệu Nhân dân tệ.
Bà Lý Hiểu Mai năm nay 51 tuổi, chưa từng xuất hiện trước công chúng. Theo người am hiểu tình hình và tiết lộ thông tin cho biết, theo như hồ sơ tư pháp thì bà Lý Hiểu Mai xuất hiện với thân phận là “người quan hệ thân thiết” của ông Chu Vĩnh Khang.
Theo thông tin, bà Lý Hiểu Mai và ông Chu Vĩnh Khang quen nhau từ năm 1991, mối quan hệ ấm lên từ khoảng năm 2003. Sau khi bà Lý Hiểu Mai gọi điện thoại hẹn hò với ông Chu Vĩnh Khang thì ông này đã vui vẻ nhận lời. Hết giờ làm việc, bà Lý Hiểu Mai đánh xe riêng đi đón ông Chu Vĩnh Khang rồi dắt Chu đến nhà mình, sau đó quan hệ hai người phát triển thành nhân tình. Người hiểu rõ tình hình vụ án cho biết, quan hệ giữa hai người này diễn ra âm thầm và dường như không có ai biết.
Sau khi quan hệ của họ phát triển thành tình nhân, tháng 4/2004, một cựu quan chức của Công ty Dầu khí Trung Quốc đã dẫn bà Lý Hiểu Mai giới thiệu làm quen với ông Tưởng Khiết Mẫn và nói đây là người “rất hiểu” ông Chu Vĩnh Khang, “quan hệ bạn bè rất thân mật”, mong ông Tưởng Khiết Mẫn quan tâm. Sau khi quen ông Tưởng Khiết Mẫn không lâu, bà Lý Hiểu Mai bắt đầu nhờ ông này “xử lý công việc.” Ông Tưởng Khiết Mẫn sau đó đã vi phạm quy định, giao những dự án về dầu khí cho công ty liên quan đến bà Lý Hiểu Mai, giúp nó được hưởng đặc quyền và thu được nhiều lợi nhuận.
Ngày 11/6/2015, ông Chu Vĩnh Khang bị xử tù vô thời hạn vì tội lạm dụng chức quyền và nhận hối lộ; ngày 12/10, ông Tưởng Khiến Mẫn cũng bị xử tù 16 năm vì tội danh tương tự.
Theo bản án ông Tưởng Khiết Mẫn, vào thời gian từ 2004 – 2008 khi ông này giữ các chức vụ Phó Tổng Giám đốc và Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dầu mỏ Trung Quốc, đã được ông Chu Vĩnh Khang ủy thác hỗ trợ giao dự án khí đốt thiên nhiên cho người khác. Vụ án lạm dụng chức quyền của hai người này liên quan đến bà Lý Hiểu Mai.

Cư dân mạng bình luận

Sau khi thông tin về người tình bí mật của Chu Vĩnh Khang bị lộ, câu chuyện về ông Chu Vĩnh Khang sau một thời gian dài im lặng bây giờ lại thành đề tài nóng cho mọi người bàn tán.
Một người ở thành phố Thâm Quyến tỉnh Quảng Đông nói: Một lũ đồi bại làm ô nhiễm môi trường!
Một người khác ở Khai Phong, Hà Nam bình luận: Một lũ sâu mọt quốc gia.
Một người ở Tây An, Thiểm Tây chia sẻ: Chả trách khi giá dầu cần xuống thì không xuống, vốn là bị bọn rác rưởi này ăn cắp.
Một người ở Bắc Kinh nhận định: Tên súc sinh Chu Vĩnh Khang này biến vô số tài sản quốc gia thành của riêng hắn.
Một người ở Quảng Châu, Quảng Đông viết: Một lũ cặn bã!
Theo quan sát, sau khi ông Chu Vĩnh Khang nắm quyền làm Bí thư Tứ Xuyên thì con đường quan lộ liên tục thăng tiến, theo đó mức độ dâm loạn và lạm quyền cũng liên tục gia tăng. Thời gian này vừa đúng khoảng sau năm 1999 khi Giang Trạch Dân bắt đầu chính sách bức hại Pháp Luân Công, và Chu Vĩnh Khang đã được ông Giang trọng dụng tham gia tội ác bức hại Pháp Luân Công. Nhờ có ông Giang đứng sau làm chỗ dựa nên ông Chu Vĩnh Khang thẳng tay làm vô số chuyện xấu xa mà không chút kiêng dè.
Theo NTDTV
Tinh Vệ biên dịch
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: