Tháng trước, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Douglass North, người đã áp dụng lí thuyết kinh tế vào lịch sử để tìm hiểu sự thay đổi thể chế và xã hội, đã qua đời tại nhà riêng ở Michigan. Nhưng ý tưởng của ông còn sống mãi, đặc biệt là ở Trung Quốc. Mặc dù North chưa bao giờ tập trung rõ rệt vào sự phát triển thể chế của Trung Quốc, nhưng lí thuyết của ông được chứng minh là vô giá với các nhà lãnh đạo đất nước này khi họ trải qua giai đoạn tiếp theo của cải cách thể chế.
Trong bài giảng nhận giải Nobel của ông năm 1993, North chỉ ra 3 bài học mà các nhà hoạch định chính sách nên rút ra từ nghiên cứu của ông.
Thứ nhất, điều quyết định hiệu quả kinh tế là sự pha trộn giữa “luật pháp, các qui tắc không chính thức, và những tính chất của việc thi hành”. Thứ hai, các chính thể có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế vì chúng “định hình và thực thi các quy định về kinh tế”. Và cuối cùng, sự điều chỉnh có hiệu quả (các luật lệ được thay đổi như thế nào), chứ không phải sự hiệu quả theo thời điểm (những qui tắc nào hiệu quả nhất hiện nay), là chìa khóa cho sự tăng trưởng dài hạn.
Những bài học này được phản ánh trong sự đánh giá của North về phát triển thể chế và kinh tế của Tây Âu, theo đó ông cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra do hai yếu tố chính: các hệ thống tín ngưỡng đa dạng và sự cạnh tranh căng thẳng trong nội bộ và giữa các cường quốc có chủ quyền mới nổi. Cụ thể, người Anh và người Hà Lan đã tạo ra các đơn vị chính trị/kinh tế đa dạng giúp phát triển các thể chế phục vụ sự chuyên môn hóa và phân công lao động. Những thể chế này đã mang lại những kết quả kinh tế và chính trị vượt trội nhờ các chi phí giao dịch thấp, luật sở hữu rõ ràng và khả thi, cùng các qui tắc và chuẩn mực chung khác.
North quan sát thấy rằng thay đổi thể chế là điều cực kì khó khăn vì nó đòi hỏi phải vượt qua không chỉ các lợi ích riêng, mà còn cả các hệ thống tín ngưỡng lạc hậu và các thành trì tư duy. Ông cho rằng bước đột phá sẽ đạt được khi các thể chế vượt ra bên ngoài công việc bên trong các cộng đồng địa phương để cho phép có những cuộc trao đổi ẩn danh và khách quan vượt không gian và thời gian. Những thể chế bền vững là những thể chế học hỏi và thích nghi, vượt qua cả những thành kiến và hạn chế của chúng.
Nghiên cứu của North tiến tới việc giải thích sự thay đổi thể chế và kinh tế đã diễn ra ở Trung Quốc trong ba thập niên qua, cũng như chỉ ra những thách thức mà nước này sẽ phải đối mặt trong thập niên tới. Thực ra, nghiên cứu này đã làm dịu đi sự bi quan bao trùm cuộc thảo luận mới đây nhất về những triển vọng của Trung Quốc.
Đầu tiên, sự cạnh tranh khốc liệt vẫn đang được duy trì mạnh mẽ ở Trung Quốc. Những thành phố lớn (bao gồm Thượng Hải, Quảng Đông, Thiên Tân và Hạ Môn) đang cạnh tranh gay gắt với nhau, và một loạt những công ty cải tiến công nghệ mới (như Huawei, Tencent, và Alibaba) đang tranh giành để mở ra những thị trường mới về hàng hóa, dịch vụ, tài năng, vốn và tri thức.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nỗ lực hết sức tạo ra một nền kinh tế hiệu quả và định hướng dịch vụ, dựa trên thị trường và nền pháp quyền. Ví dụ, Đảng đã cam kết tạo điều kiện tiếp cận thị trường bằng cách nới lỏng các yêu cầu gia nhập thị trường đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Đảng cũng cải thiện quyền sở hữu liên quan đến đất đai, lao động, vốn, và tri thức. Điều này cùng với những tiến bộ trong kĩ thuật số và công nghệ rô bốt đã giúp giảm được chi phí giao dịch ở Trung Quốc.
Hơn nữa, do đã xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết trong thập niên vừa qua (có lẽ tới mức dư thừa), Trung Quốc đang tập trung vào “hạ tầng mềm” cần thiết để duy trì sự tăng trưởng của ngành dịch vụ đang bùng nổ. Năm 2014, tỉ trọng của ngành dịch vụ đã vượt quá 50% GDP, nhiều hơn ngành sản xuất và các ngành cơ bản khác cộng lại.
Dù chính phủ chưa theo đuổi đủ các cải cách về doanh nghiệp nhà nước, họ đã chủ động cho phép các doanh nghiệp tư nhân mới và khổng lồ cạnh tranh với các ngân hàng và thể chế tài chính quốc doanh. Và không ai đã dự đoán được cường độ của các chiến dịch diệt tận gốc tham nhũng của Đảng, trong các ngành quân sự, tài chính, và trong chính các quan chức cấp cao trong chính phủ.
Sự dịch chuyển định hướng thị trường của Trung Quốc sẽ được tăng cường bởi những cam kết của các nhà lãnh đạo với Quĩ Tiền tệ Quốc tế khi đồng Nhân dân tệ được thêm vào giỏ tiền tệ định giá đơn vị thanh toán của quĩ, gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Sự cần thiết phải đối phó với áp lực thương mại sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc được thông qua sẽ có hiệu ứng thúc đẩy tương tự.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tự đánh giá mình không phải bằng các chuẩn mực Phương Tây về quản trị dân chủ tự do, mà bằng truyền thống pháp gia của Trung Quốc cổ xưa, dựa trên một chính quyền trung ương mạnh mẽ, duy trì tính chính danh bằng việc tuân theo các tiêu chuẩn trọng dụng nhân tài và trách nhiệm giải trình. Có lẽ quan trọng hơn, họ đã dựa vào các trí thức và các nhà hoạch định chính sách dày dạn, chứ không phải dựa vào các nhà tư tưởng của Đảng, để thiết kế lộ trình phát triển của mình.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn có những khó khăn lớn phải vượt qua, đặc biệt là khi nói tới sự điều chỉnh có hiệu quả. Ở đây, điểm quan trọng đáng chú ý là trong khi các qui định chính thức có thể được thay đổi nhanh chóng, thì chuẩn mực văn hóa lại khó thay đổi trong ngắn hạn. Các quy định mới có thể mâu thuẫn với những qui tắc đã được thiết lập, khiến các động cơ của bộ máy hành chính bị bóp méo, gây ra những tác động tiêu cực lên hành vi và hiệu quả thể chế.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt với sự bất tương xứng giữa những gì họ có thể đem lại và nhu cầu của người tiêu dùng. North cho rằng, khả năng hạn chế của thể chế là một vấn đề về tính hiệu quả trong ngắn hạn, hoặc phí tổn ngầm, mà nhà nước có thể bù đắp lại bằng cách gia tăng sự điều chỉnh hiệu quả, hoặc qua các cơ chế tốt hơn để đào thải những thể chế yếu kém.
Lý thuyết của North để lại có thể quan trọng đối với các nhà hoạch đinh chính sách Trung Quốc trong những năm tới vì nó cung cấp hướng dẫn cụ thể để vượt qua các thách thức về thay đổi thể chế nhanh chóng. Một cách khác là tiếp tục dựa vào những gì Đặng Tiểu Bình, cha đẻ của những đột phá thể chế tại Trung Quốc hơn ba thập niên trước, gọi là “dò đá qua sông”. Điều đó, như North nói, có thể sẽ không phải là cách hiệu quả nhất để sang bên kia sông.
Andrew Sheng (Thẩm Liên Đào), thành viên của Viện Quốc tế Châu Á tại Đại học Hồng Kông và thành viên Hội đồng tư vấn về Tài chính bền vững của UNEP, cựu chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai Hồng Kông (HKSFC,) và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.
Biên dịch: Nguyễn Hồng Nhung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Xiao Geng (Tiểu Cảnh), Viện trưởng Viện IFF, là giáo sư tại Đại học Hồng Kông và là nghiên cứu viên tại Viện Quốc tế Châu Á thuộc Đại học Hồng Kông.
Copyright: Project Syndicate 2015 – China’s Institutional Challenge
(Nghiên Cứu Quốc Tế)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét