Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

Trung Quốc bay 46 chuyến “cảm tử” vào vùng bay Hồ Chí Minh không thông báo

Posted by adminbasam on 09/01/2016
9-1-2016

Đồ họa tàu bay của Trung Quốc đi vào FIR Hồ Chí Minh. Ảnh: VTV.
Tối 8/1, trao đổi với PV, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh khẳng định, Trung Quốc đang uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay tại vùng bay (FIR) Hồ Chí Minh.  
Ông Lại Xuân Thanh cho hay, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thông báo tới Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO về việc liên tiếp có máy bay uy hiếp an toàn bay vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.
Cụ thể, ngày 1-8/1 Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) để tới đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Riêng sáng 8/1, có 4 chuyến bay vào và ra FIR Hồ Chí Minh.
“Các máy bay của Trung Quốc đã bỏ qua tất cả quy định, quy tắc của tổ chức dân dụng quốc tế ICAO liên quan đến hoạt động bay. Bay vào vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý nhưng không hề nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh”, ông Lại Xuân Thanh nói.
Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (màu xanh) tiếp giáp với vùng thông báo bay Sanya của Trung Quốc,vùng thông báo bay của Singapore. Nguồn: Cục hàng không Việt Nam.

Cục trưởng Cục Hàng không khẳng định, vùng thông báo bay Hồ Chí Minh có những đường bay nhộn nhịp vào bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, các tàu bay Trung Quốc đã không thực hiện bất kỳ quy tắc quốc tế nào liên quan tới hoạt động bay.
Theo ông Thanh, ICAO có những quy định cụ thể, khi máy bay trong vùng trời có kiểm soát, bay vào đường hàng không phải gửi thông báo bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu của Việt Nam. Khi thực hiện chuyến bay, phải có liên lạc thoại với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu để được nhận những thông tin liên quan đến dịch vụ không lưu.
“Những chuyến bay này đã uy hiếp nghiêm trọng hoạt động bay trong khu vực. Sự lo ngại này là của cả cộng đồng hàng không quốc tế chứ không chỉ riêng Việt Nam”, ông Lại Xuân Thanh nói và cho biết, hiện ICAO chưa phản hồi về công văn của Cục Hàng không Việt Nam.
Cục hàng không Việt Nam sẽ tiếp theo dõi sát sao vụ việc và sẽ làm việc tới Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA, các hãng hàng không và Hiệp hội hàng không của Singapore, Philippines để thông báo về thực trạng các máy bay Trung Quốc đang uy hiếp an toàn tại vùng bay Hồ Chí Minh. 
Cũng theo ông Thanh, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi tới nhà chức trách hàng không Trung Quốc để phản đối về việc nước này đang uy hiếp an toàn các hoạt động hàng không quốc tế.

Theo Zing
(An Ninh Quốc Phòng) - Cảnh báo, bắt hạ cánh khẩn cấp hay thậm chí bắn hạ, đó là những phản ứng của một số quốc gia trên thế giới thực hiện khi có máy bay vi phạm không phận của mình.

Bắn hạ
Ngày 10/8/1999, xảy ra một sự cố đặc biệt, khi một máy bay bị bắn hạ vì vi phạm không phận nước khác. Thời điểm đó, chiếc máy bay của Hải quân Pakistan với 16 người trên khoang đã bị không quân Ấn Độ bắn hạ với cáo buộc vi phạm không phận.
Vụ việc xảy ra tại bang Gujarat, Ấn Độ, khiến mối quan hệ giữa quốc gia này với Paskistan khi đó thêm phần căng thẳng.
Chiếc máy bay cùng loại với máy bay của Hải quân Pakistan bị Ấn Độ bắn hạ
Chiếc máy bay cùng loại với máy bay của Hải quân Pakistan bị Ấn Độ bắn hạ
Chiếc máy bay bị bắn hạ là Breguet Atlantique, do Pháp sản xuất đang phục vụ trong Hải quân Pakistan, chủ yếu làm nhiệm vụ tuần tra và trinh sát. Sau khi rời căn cứ, nó sớm bị radar Ấn Độ phát hiện ở vùng biên giới 2 nước.
Sau đó, 2 chiến cơ MiG-21 của Không quân Ấn Độ xuất kích tiếp cận máy bay của Pakistan. Sau hàng loạt pha tiếp cận, áp sát từ cả 2 phía, 2 chiến cơ Ấn Độ được phép bắn hạ đối phương.
Như vậy, sau 2 giờ cất cánh từ căn cứ, chiếc máy bay của Pakistan đã bị tên lửa R-60 từ MiG-21 của Ấn Độ bắn vào động cơ bên phía cửa lên xuống.
Điều này khiến máy bay mất kiểm soát, rơi theo đường xoắn rồi đâm xuống đất khiến 16 người trên khoang, trong đó có 5 sỹ quan Hải quân Pakistan thiệt mạng.
Việc bắn hạ máy bay lạ xâm nhập không phận quốc gia trên thế giới chưa dừng lại ở đó. Cuối năm 2014, máy bay quân sự Venezuela đã bắn rơi 2 máy bay không xác định danh tính khi xâm phạm không phận nước này.
Venezuela bắn hạ máy bay vi phạm không phận
Venezuela bắn hạ máy bay vi phạm không phận
Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez cho biết, lực lượng vũ trang Venezuela đã bắn rơi 2 máy bay không xác định danh tính do vi phạm không phận của nước này.
Ông Padrino Lopez cho biết thêm, các máy bay này bị bắn rơi bởi các chuyên gia của lực lượng tư lệnh chiến lược Venezuela. Vụ việc xảy ra ở bang Apure, gần thị trấn Elora.
Đầu năm 2012, Chính phủ Venezuela đã thông qua một đạo luật về bảo vệ không phận của đất nước, trong đó cho phép quân đội bắn hạ các máy bay vi phạm không phận dưới sự chỉ huy của nhà nước.
Cảnh báo
Tháng 10/2009, một máy bay vận tải quân sự của Mỹ buộc phải hạ cánh xuống Ấn Độ sau khi bay vào không phận nước này mà không xin phép.
Chiếc máy bay chở 200 lính thủy đánh bộ Mỹ đang trên đường từ UAE đến Thái Lan, nó đã bay qua khu vực Mumbai khi chưa nhận được sự cho phép của Ấn Độ.
Mặc dù vẫn được tiếp tục hành trình mà không có va chạm nào xảy ra nhưng các binh sỹ Mỹ và máy bay phải ở lại Mumbai một đêm để làm các thủ tục cần thiết.
Vài giờ sau khi hạ cánh, Lãnh sự quán Mỹ tại đây đã liên hệ với nhà chức trách Ấn Độ nhằm giải quyết sự cố này. Nhờ có sự hợp tác giữa 2 bên, vấn đề được giải quyết nhanh chóng.
Cũng trong năm 2009 nhưng vào tháng 6, một máy bay chở hàng khác của Mỹ đã vi phạm không phận Ấn Độ khi đang di chuyển đến Afghanistan.
FIR khác Không phận thế nào?FIR là chữ viết tắt của “Flight Information Region”, là “Vùng Thông tin bay” hay “Vùng Thông báo hướng dẫn bay”, thuật ngữ hàng không dùng để mô tả một không gian khí quyển với những kích thước xác định cụ thể mà máy bay qua vùng đó được cung cấp dịch vụ thông tin bay và dịch vụ báo động khi cần thiết.
Trong một số trường hợp, không gian khí quyển của nhiều nước nhỏ được gộp trong một FIR, mặt khác không gian khí quyển của những nước lớn lại được chia nhỏ ra nhiều FIR.
Sự phân chia trách nhiệm giữa các đơn vị FIR này là do thỏa thuận quốc tế thông qua ICAO, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.  Việc ra quyết định ranh giới FIR của ICAO phụ thuộc vào bảo đảm trang thiết bị quản lý bay và năng lực quản lý không lưu của mỗi quốc gia.
FIR mang tên của Trung tâm Thông tin bay hay Trung tâm Quản lý bay chính của vùng chứ không mang tên quốc gia và do đó không mang ý nghĩa về chủ quyền quốc gia.
Vùng trời Việt Nam được tổ chức 2 FIR, FIR Hà Nội và FIR Hồ Chí Minh. FIR Hồ Chí Minh hiện nay bao gồm cả vùng hải phận quốc tế cũng như cả một phần vùng trời Lào và một phần vùng trời Campuchia.
Âm mưu của Trung Quốc khi uy hiếp vùng bay TP.HCM

Âm mưu của Trung Quốc khi uy hiếp vùng bay TP.HCM

Từ ngày 1 đến sáng 8/1/2016, Trung Quốc liên tiếp thực hiện 46 chuyến bay qua vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) để tới đảo đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), bỏ qua...
(Theo VTC)

Trong năm 2015, gần 300 lượt tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam

tau trung quoc
Tàu cá Trung Quốc trên biển Đông - (Ảnh: vnexpress.net)
Vào ngày 8/1, Biên phòng Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016.
Theo báo Đà Nẵng, trong năm 2015, hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển diễn biến cực kỳ phức tạp. Biên Phòng Đà Nẵng đã phát hiện 264 lượt tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển.
Trong đó có 207 lượt tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền đánh bắt hải sản ở khu vực Đông Bắc Sơn Trà 45 – 50 hải lý; trong số 207 tàu, có 1 tàu cá vào sâu trong vùng nội thủy Việt Nam.
Ngoài ra còn có 57 lượt tàu chấp pháp của Trung Quốc hoạt động trinh sát tại các lô dầu khí 116, 144, 145 thuộc chủ quyền vùng biển Việt Nam; 4 trường hợp tàu quân sự, tàu chấp pháp xua đuổi tàu cá Đà Nẵng, Quảng Ngãi khi hoạt động khai thác hải sản tại khu vực Hoàng Sa.
Bên cạnh đó, tàu cá Trung Quốc thường xuyên xâm phạm chủ quyền đánh bắt hải sản với số lượng lớn kèm theo các tàu trinh sát giả dạng tàu cá vào sâu trong lãnh hải của Việt Nam để trinh sát, nắm tình hình.
tau trung quoc
Đầu năm 2016, tàu cá Quảng Ngãi do ông Huỳnh Thạch (ngụ Đức Phổ, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng kiêm chủ tàu bị tàu Trung Quốc đâm thủng – (Ảnh: nld.com.vn)
Ông Nguyễn Văn Đức – Chính ủy Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Đà Nẵng cho biết tại hội nghị, trong năm 2015, Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự bành trướng của mình trên biển Đông qua những hành động như: Ra quyết định thành lập 4 ban vũ trang nhân dân ở Hoàng Sa, đẩy mạnh hoạt động cải tạo, xây dựng các công trình quân sự trên các đảo chiếm đóng trái phép tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mưu đồ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
“Trung Quốc còn thường xuyên duy trì các loại tàu quân sự, tàu chấp pháp, máy bay tuần tra để xua đuổi, bắt giữ tàu cá, cản trở các hoạt động cứu hộ cứu nạn, hoạt động thăm dò dầu khí trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, đơn phương cấm đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”, báo Vnexpress dẫn lời ông Đức.
Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ): là vùng bầu trời do một quốc gia tự ấn định ra và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng, minh định vị trí, và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Vùng nhận dạng phòng không không đồng nghĩa với không phận nhưng được coi như khu vực song hành với an ninh quốc phòng.
Các máy bay bay ngang vùng nhận dạng của một quốc gia phải tuân thủ các yêu cầu chung, chẳng hạn như các máy bay khi vào ADIZ đều phải nộp trước lộ trình bay; thiết lập liên lạc hai chiều đối đáp trong thời gian sớm nhất và chính xác nhất với nước quản lý ADIZ; thông báo vị trí, lắp thiết bị nhận dạng radar thứ cấp, tuân thủ hành lang bay mà nước đó quy định, và khi bay qua các điểm báo cáo, bắt buộc đều phải báo cáo với cơ quan đang quản lý ADIZ.
Nếu máy bay nào không tuân thủ các yêu cầu của quốc gia đặt ra vùng nhận dạng thì có thể chịu sự can thiệp của máy bay quân sự của nước lập ra ADIZ yêu cầu nhận dạng và buộc phải rời khỏi khu vực này ngay lập tức và chịu những biện pháp phạt khác.
(Theo wikipedia)
Trên đất liền, năm 2015, có hơn 192.000 lượt người nước ngoài đến tham quan du lịch, nghỉ dưỡng và làm việc trên địa bàn các phường có Bội đội Biên phòng Đà Nẵng đóng quân.
Đáng chú ý là hoạt động đầu tư bất động sản, kinh doanh du lịch của một số công ty nước ngoài ở các vị trí “nhạy cảm” về an ninh quốc phòng tại Đà Nẵng.
tau trung quoc
Đất gần sân bay Nước Mặn được người Trung Quốc núp dưới tên người Việt thu mua gây ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng – (Ảnh: nld.com.vn)
Từ Ân tổng hợp
Xem thêm:

Không có nhận xét nào: