Cục diện liên minh chính trị ở Đông Á có thể sớm thay đổi khi Tổng thống Philippines Duterte sang thăm Trung Quốc vào tháng này, một diễn biến khiến Hoa Kỳ phải lo ngại.
Theo Reuters, mối quan hệ thân thiện giữa Philippines và Hoa Kỳ đã là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược của Washington tại châu Á dưới thời Tổng thống Barack Obama. Nhưng liên minh này đã trở nên căng thẳng kể từ khi Duterte lên nắm quyền cách đây ba tháng và bị Hoa Kỳ chỉ trích về cuộc chiến chống ma túy đẫm máu khiến hơn 3.100 người bị giết hại.
Ông Duterte đã chửi thề ông Obama và sau đó tuyên bố rõ ràng Philippines sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập nhiều hơn với Mỹ.
Theo kế hoạch, Tổng thống Duterte sẽ đến thăm Bắc Kinh từ ngày 19-21/10, và hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Theo Reuters, nguồn tin ngoại giao và kinh doanh tại Manila cho biết khoảng hai chục doanh nhân sẽ tháp tùng ông Duterte sang Trung Quốc. Điều này hứa hẹn hai nước sẽ có những thỏa thuận tăng cường mối quan hệ thương mại song phương.
Tuy nhiên, chìa khóa để chuyến công du thành công sẽ là vấn đề Biển Đông.
Bãi cạn Scarborough
“Khi Tổng thống Duterte thăm Trung Quốc vào tháng tới, chương trình nghị sự của ông sẽ tập trung vào thương mại, đầu tư và hợp tác nghề cá với Trung Quốc, trong đó có quyền tiếp cập vào bãi cạn Scarborough“, một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, theo Reuters.
Ông Duterte muốn ngư dân Philippines có thể tiếp cận vào bãi cạn Scarborough, một ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Nhưng ông này muốn thương lượng với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, chứ không hối thúc Trung Quốc phải thực thi phán quyết của Tòa án La Hay trong đó phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Zha Daojiong, một giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc, cho biết thỏa thuận giữa Philippines và Trung Quốc về bãi cạn nếu đạt được thì sẽ là một thỏa thuận bằng lời nói chứ không phải bằng văn bản để tránh đề cập đến phán quyết của tòa án quốc tế.
Nếu ngư dân Philippines được tiếp cận tới bãi cạn Scarborough thì đây sẽ là một chiến thắng lớn của ông Duterte, và củng cố thêm sự ủng hộ trong nước vốn đã cao ngất trời của ông này. Theo một cuộc khảo sát gần đây, ông Duterte được ủng hộ cao ở mức kỷ lục 92 % dù ông này bị quốc tế chỉ trích về các vụ giết người.
Mỹ quan ngại, Trung Quốc không phải ai cũng vồ vập
“Các quan chức ở Washington bây giờ phải nghiêm túc lo lắng về quỹ đạo của mối quan hệ Hoa Kỳ-Philippines,” Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore cho biết.
Dù vậy, tới nay Hoa Kỳ vẫn cố gắng thể hiện rằng mối quan hệ với Philippines vẫn tốt đẹp.
“Liên minh của chúng tôi với Philippines là bọc thép, vì nó đã được duy trì trong nhiều thập kỷ“, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter phát biểu vào hôm 29/9, khi nói chuyện với các thủy thủ Mỹ trên tàu U.S.S. Carl Vinson tại cảng San Diego.
Trong khi đó, Trung Quốc hoan nghênh những động thái của Tổng thống Duterte.
“Ông Duterte tỏ ra tôn trọng với chúng tôi, nghĩa là chúng tôi phải suy nghĩ lại về chính sách của mình,” một nguồn tin có quan hệ với lãnh đạo Trung Quốc và quân đội nói với Reuters. “Chúng tôi phải đáp lại thái độ tôn trọng của ông ấy”.
The Global Times, một tạp chí do Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản, khẳng định trong một bài xã luận tuần trước rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc – Philippines sắp bước sang một chương mới.
“Một mối tương tác tích cực, mới mẻ giữa Trung Quốc và Philippines có thể được hé lộ, khác hẳn với thời của ông Aquino”, bài viết nhận định, với ám chỉ cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hồ hởi chộp lấy ông Duterte, vì không thể tiên đoán những động thái cực đoan của ông này.
“Chúng ta phải xem ông ấy thực sự làm gì,” Luo Liang, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông ở Hải Nam cho biết. “Mặc dù các tín hiệu từ Duterte là tốt, chúng ta vẫn cần phải chờ xem.”
Mai Lan
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét