Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Giáo sư vừa đoạt giải Nobel Kinh tế Angus Deaton:"Viện trợ nước ngoài có hại nhiều hơn lợi"; Nhà nước yếu kém khiến đất nước nghèo

Thứ Ba | 13/10/2015 14:05



Đó là kết luận từ vị giáo sư người Scotland Angus Deaton, sau khi bỏ ra 35 năm để nghiên cứu các quốc gia đang phát triển.
"Tôi tin rằng chúng ta, những người được may mắn sinh ra vào đúng những quốc gia phát triển, có nghĩa vụ giúp giảm thiểu đói nghèo và bệnh tật cho toàn thế giới... Mặc dù có nhiều chương trình viện trợ đã làm được nhiều điều tốt đẹp, chẳng hạn như các nỗ lực chống HIV/AIDS hay bệnh đậu mùa, nhưng giờ đây tôi tin rằng hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài có hại nhiều hơn lợi. Nếu như viện trợ làm ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của các nước nghèo, thì không có lý gì để tiếp tục các chương trình đó chỉ với lý do là 'chúng ta nên làm gì đó để giúp họ'. Điều mà chúng ta cần làm chính là nên ngưng viện trợ."
Đó là quan điểm khá "khác người" trong cuốn sách "Cuộc đào thoát vĩ đại" (The Great Escape) của giáo sư Angus Deaton, người vừa đoạt giải Nobel Kinh tế 2015 nhờ các thành tựu đặt nền móng cho lĩnh vực kinh tế lượng. Ở tuổi 69, ông Deaton đang giảng dạy môn kinh tế và quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton (Mỹ), và cũng là vị giáo sư thứ tư của đại học này được trao giải Nobel trong vòng 15 năm qua.
Theo nhiều người đánh giá, đóng góp lớn nhất của Deaton cho ngành kinh tế là ở chỗ ông đã xây dựng được phương pháp tổng hợp dữ liệu vi mô từ các hộ gia đình để dùng cho các thống kê vĩ mô. Chính những quy tắc này đã được Deaton sử dụng cho việc nghiên cứu các quốc gia đang phát triển.
Trong cuốn The Great Escape, giáo sư Deaton đã giải thích sự nghi ngờ của ông đối với viện trợ như sau: "Nếu như tình trạng đói nghèo không phải đến từ việc thiếu tài nguyên hay cơ hội, mà đến từ các thể chế kém, năng lực hành chính yếu và một nền chính trị đầy chia rẽ, thì việc trao viện trợ cho các nước như vậy - hay nói chính xác hơn là trao viện trợ cho chính phủ của họ - sẽ có nhiều khả năng kéo dài thay vì xóa bỏ tình trạng đói nghèo".
Một trong những ví dụ có tính thuyết phục nhất mà giáo sư Deaton đưa ra chính là việc Trung Quốc và Ấn Độ đã phát triển mạnh mẽ như thế nào trong vài thập kỷ qua, mặc dù nhận được lượng viện trợ tính theo đầu người khá thấp. Mức cao nhất mà Trung Quốc từng nhận được là 2,9 USD cho một đầu người vào năm 1995, còn của Ấn Độ là 3,1 USD trong năm 1991.
Trong khi đó, "thiên đường lạm phát" Zimbabwe từng có lúc nhận được tới 60 USD cho một đầu người vào năm 2010, nghĩa là họ nhận được một lượng viện trợ tương đương với 10% GDP. Bàn về điều này, giáo sư Deaton đã giải thích thêm:
"Việc nhận được nhiều viện trợ có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận hành và cải cách thể chế. Các dòng vốn viện trợ dồi dào thường xuyên làm tha hóa bộ máy chính trị và gây ảnh hưởng xấu đến các thể chế cần thiết cho tăng trưởng lâu dài... Những tác động có hại đó cần phải được xem xét công bằng bên cạnh những lợi ích mà viện trợ đem lại, chẳng hạn như giúp trẻ em đến trường và cứu sống nhiều sinh mạng".
Trong một bài xã luận vào năm 2013 của mình, giáo sư Deaton cũng kết luận: "Các quốc gia đang phát triển không thể sống bằng hệ thống y tế được vận hành bởi nước ngoài mãi mãi được. Viện trợ thường xuyên gây thiệt hại tới điều mà người nghèo cần nhất: một chính phủ đủ hiệu quả để phục vụ họ cả hôm nay và ngày mai".
Và ông cũng đưa ra một số giải pháp đáng suy ngẫm dành cho lãnh đạo các nước phát triển: "Một trong những điều có thể làm ngay là vận động các chính phủ của chúng ta ngưng thực hiện những chính sách làm cho nước nghèo không thoát nghèo được. Hãy hạn chế việc buôn bán vũ khí, thay đổi những chính sách bảo hộ của các nước phát triển, thực hiện các chương trình trợ giúp kỹ thuật không gắn liền với viện trợ, và phát triển những loại thuốc không chỉ dành cho người giàu. Chúng ta không thể giúp người nghèo bằng cách làm suy yếu những thể chế vốn đã yếu kém của họ".
Tuấn Minh

Angus Deaton: Nhà nước yếu kém khiến đất nước nghèo


Print Friendly
angusdeaton
Nguồn: Angus Deaton, “Weak States, Poor Countries,” Project Syndicate, 24/09/2013.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Ở Scotland, tôi lớn lên với suy nghĩ về cảnh sát như những người bạn có thể nhờ giúp đỡ khi cần. Cứ tưởng tượng xem tôi đã ngạc nhiên đến thế nào khi trong chuyến đi đầu tiên tới Mỹ năm 19 tuổi, tôi được đón tiếp bằng cả một tràng quát tháo tục tĩu từ một viên cảnh sát New York đang điều khiển giao thông ở Quảng trường Thời đại khi tôi hỏi anh ta đường đến bưu điện gần nhất. Trong cơn bối rối sau đó, tôi đã bỏ tài liệu khẩn của sếp vào một thùng rác mà tôi cứ ngỡ là hòm thư.
Người châu Âu có xu hướng nhìn nhận về chính phủ của mình tích cực hơn so với người Mỹ, những người mà với họ thì sự thất bại và mất lòng dân của các chính trị gia liên bang, tiểu bang, và địa phương là chuyện thường tình. Nhưng cũng chính những cấp chính quyền khác nhau đó của người Mỹ đã thu thuế và, đổi lại, cung cấp những dịch vụ mà nếu không có chúng thì người dân không thể có được một cuộc sống dễ dàng.
Cũng như nhiều công dân của các nước giàu, người Mỹ coi hệ thống pháp lý và hành chính, các trường công lập, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người già; hệ thống đường sá, quốc phòng và ngoại giao, và các khoản đầu tư lớn của nhà nước cho nghiên cứu, nhất là trong y học, là lẽ đương nhiên. Chắc chắn, không phải tất cả những dịch vụ đó đều tốt như mong đợi, hoặc được tất cả mọi người đánh giá cao như nhau; nhưng người dân đa phần vẫn nộp thuế, và nếu tiền của họ bị chi tiêu một cách không làm hài lòng một số người thì một cuộc tranh luận công khai sống động sẽ diễn ra, và rồi các cuộc bầu cử định kỳ cho phép người dân thay đổi các ưu tiên của họ.
Tất cả những điều kể trên là rất rõ ràng đến nỗi gần như không cần phải nói ra – ít nhất là với những ai đang sống ở các nước giàu với một chính phủ hiệu quả. Nhưng với phần lớn dân số thế giới thì không phải vậy.
Ở phần lớn châu Phi và châu Á, các nhà nước thiếu năng lực để thu thuế và cung cấp dịch vụ (hiệu quả). Khế ước giữa chính phủ và người dân – vốn không hoàn hảo ở các nước giàu – thường hoàn toàn vắng bóng ở các nước nghèo. Cảnh sát New York quả là bất lịch sự (và bận rộn hoàn thành nhiệm vụ); nhưng ở nhiều nước trên thế giới, cảnh sát đang cưỡi lên đầu những người mà đáng ra họ phải bảo vệ, bòn rút tiền của của họ hoặc hành hạ họ thay mặt những ông chủ quyền lực của mình.
Ngay cả ở một nước thu nhập trung bình như Ấn Độ, các trường công lập và các bệnh viện công cũng đang phải đối mặt với hàng loạt sự thiếu trách nhiệm (mà không bị trừng phạt). Các bác sĩ tư cung cấp cho mọi người những gì (họ nghĩ là) người dân muốn – tiêm thuốc, truyền tĩnh mạch, và kháng sinh – nhưng nhà nước không quản lý các bác sĩ tư, rất nhiều người trong số đó đang hành nghề mà hoàn toàn không đủ tiêu chuẩn.
Trên khắp các nước đang phát triển, trẻ em tử vong vì chúng được sinh ra sai chỗ – không phải do những căn bệnh quái ác vô phương cứu chữa, mà là do những bệnh nhi phổ biến mà chúng ta đã biết cách điều trị từ gần một thế kỷ nay. Nếu không có một nhà nước có khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em thường xuyên, đám trẻ đó sẽ tiếp tục chết.
Tương tự, nếu chính phủ không có năng lực, việc đưa ra và thực thi các quy định sẽ không có hiệu quả, từ đó các doanh nghiệp sẽ khó hoạt động. Nếu không có các tòa án dân sự hoạt động đúng chức năng, sẽ không có gì đảm bảo các doanh nhân sáng tạo có thể gặt hái được thành quả từ những ý tưởng của mình.
Sự thiếu vắng năng lực nhà nước – nghĩa là thiếu những dịch vụ và sự bảo hộ mà người dân ở các nước giàu coi là lẽ đương nhiên – là một trong những nguyên nhân chính gây ra nghèo đói và thiếu thốn trên thế giới. Nếu không có các nhà nước hiệu quả cùng làm việc với các công dân tham gia tích cực, sẽ có rất ít cơ hội cho sự phát triển vốn cần thiết để xóa bỏ nghèo đói trên toàn cầu.
Thật không may, các nước giàu của thế giới đang làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Viện trợ nước ngoài – các khoản chuyển giao ngân sách từ các nước giàu sang nước nghèo – đáng được ghi nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, với nhiều người đang sống ngày nay sẽ chết nếu không có nó. Nhưng viện trợ nước ngoài cũng làm suy yếu sự phát triển của năng lực nhà nước địa phương.
Điều này thể hiện rõ nhất ở các nước – chủ yếu ở châu Phi – nơi chính phủ nhận được viện trợ trực tiếp và các dòng viện trợ là tương đối lớn so với chi tiêu ngân sách (thường là nhiều hơn một nửa tổng chi). Những chính phủ như vậy không cần một bản khế ước với công dân của họ, không quốc hội, không có cả hệ thống thu thuế. Nếu họ có trách nhiệm với bất cứ ai, thì đó là những nhà tài trợ; nhưng ngay cả điều này cũng thất bại trong thực tế, bởi những nhà tài trợ, dưới áp lực từ công dân của chính họ (những người muốn giúp đỡ người nghèo một cách chính đáng), cũng cần giải ngân tiền hệt như chính phủ các nước nghèo cần nhận nó, nếu không nói là nhiều hơn.
Nếu bỏ qua các chính phủ và trao viện trợ trực tiếp đến tay người nghèo thì sao? Chắc chắn, những tác động tức thì nhiều khả năng sẽ tốt hơn, nhất là ở những nước nơi viện trợ liên chính phủ rất ít tới tay người nghèo. Và chỉ cần một khoản tiền nhỏ đến kinh ngạc – khoảng 0,15 USD/ngày từ mỗi người lớn ở các nước giàu – là đủ để đưa tất cả mọi người lên ít nhất là ngưỡng nghèo cùng cực, tức 1 USD/ngày.
Nhưng đây không phải là giải pháp. Người dân nghèo cần chính phủ để dẫn dắt họ tới một cuộc sống tốt hơn; đưa chính phủ ra khỏi vòng tròn tương tác có thể cải thiện tình hình trong ngắn hạn, nhưng như vậy các vấn đề nền tảng vẫn chưa được giải quyết. Dịch vụ y tế của các nước nghèo không thể mãi hoạt động từ nguồn vốn nước ngoài. Viện trợ làm suy yếu những gì người nghèo cần nhất: một chính phủ hiệu quả cùng làm việc với họ cho ngày hôm nay và cho mai sau.
Một điều mà chúng ta (người dân các nước giàu) có thể làm là vận động chính phủ thôi làm những điều khiến các nước nghèo khó khăn hơn trong việc thoát nghèo. Giảm viện trợ là một cách, nhưng cũng cần hạn chế buôn bán vũ khí, cải thiện các chính sách thương mại và trợ cấp của các nước giàu, cung cấp tư vấn kỹ thuật không ràng buộc với viện trợ, và phát triển những loại thuốc tốt hơn cho các căn bệnh không ảnh hưởng tới người giàu. Chúng ta không thể giúp người nghèo bằng cách khiến chính phủ vốn đã yếu của họ trở nên yếu hơn.
Angus Deaton, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2015, là Giáo sư ngành Kinh tế và các vấn đề quốc tế tại Viện Đại học Princeton, Hoa Kỳ. Ông là tác giả cuốn The Great Escape: Health, Wealth, and the Origins of Inequality.
Copyright: Project Syndicate 2013 – Weak States, Poor Countries

Không có nhận xét nào: