Dự thảo Luật về Hội Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn soạn thảo, hoàn chỉnh với rất nhiều tranh cãi và ý kiến. Dự thảo, cho đến hiện nay, cũng trải qua nhiều thăng trầm. Từ việc cực kỳ cởi mở với đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế đối với việc thành lập hội, cho đến những quy định thậm chí có phần hà khắc hơn cả Nghị định 45 về Hội hiện tại.
Nhưng tiêu chuẩn quốc tế ra sao? Khó khăn về việc thành lập Hội tại Việt Nam là những khó khăn gì? Bài viết này hy vọng giúp bạn đọc có được một cái nhìn cơ bản về các quy định về Hội hiện nay. Điều này có thể giúp chúng ta có cái nhìn khách quan riêng cho mình khi dự thảo Luật về Hội mới chính thức được đệ trình lên Quốc hội hay thông qua trong thời gian tới đây.
Hiện nay, Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 ban hành Luật quy định quyền lập hội vẫn được xem là văn bản nguồn cơ bản nhất của hệ thống pháp luật về Hội. Tuy nhiên, văn bản này chỉ mang giá trị hình thức vì không có nội dung cụ thể nào được áp dụng.
Tiếp đó là Nghị định 45/2010/NĐ-CP, văn bản pháp luật “thực quyền” quy định về Hội và quản lý nhà nước về Hội hiện nay. Nghị định 45 được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 33/2012/NĐ-CP cũng như được hướng dẫn bởi một số văn bản dưới luật khác như Thông tư 03/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành nghị định và Quyết định 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xác định các tổ chức đặc thù.
2. Nguồn gốc Trung Quốc
Một trong những lập luận thường được sử dụng để phản bác việc áp dụng mô hình kinh tế, pháp luật nước ngoài tại Việt Nam là mọi thứ phải dựa trên tình hình thực tế ở địa phương.
Tuy nhiên, Nghị định 45 là một trong những minh chứng cho kiểu “tiêu chuẩn kép” của nhiều nhà lập pháp Việt Nam. Một mặt, họ cho rằng việc học hỏi pháp luật nước ngoài phải phù hợp với mô hình kinh tế – xã hội Việt Nam, mặt khác lại sao chép và sử dụng gần như nguyên bản một văn bản pháp luật nước ngoài – mà ở đây là Trung Quốc.
Cụ thể hơn, Nghị định 45 hiện nay có thể được xem là bản copy từ Quyết định của Hội đồng Nhà nước Trung Hoa (State’s Council) quy định về đăng ký và quản lý nhà nước các tổ chức xã hội (Regulations on the Registration and Management of Social Organizations). Hai văn bản này tương đồng từ lời mở đầu, cách loại trừ tổ chức đặc thù, những hoạt động không được thực hiện, hai lớp thủ tục kiểm soát đăng ký, phương án và điều kiện đặt ra để đăng ký hội, phân hội theo cấp bậc hành chính địa phương, nội dung chính phải có của điều lệ hay kể cả cấu trúc của văn bản.
3. Yêu cầu… 100 thành viên sáng lập hội
Thông thường, hội được hiểu là nơi sinh hoạt, kết nối, tập hợp của một nhóm gồm hai công dân trở lên. Cách hiểu này được công nhận ở nhiều nước. Pháp yêu cầu 2 công dân trở lên thì được đăng ký lập hội, trong khi ở Nga là 3. Ngay cả tại Trung Quốc, với dân số chiếm 1/7 dân số thế giới, con số này cũng chỉ là 50.
Trong khi với Nghị định 45, do cách phân chia hội theo cấp quản lý hành chính, các hội “quốc gia” phải có đến 100 sáng lập viên ở nhiều tỉnh thành, với đầy đủ đơn “đăng ký tham gia thành lập hội”. Yêu cầu này đối với các tổ chức địa phương là 10 sáng lập viên.
Việc đòi hỏi phải có từ 10 đến 100 thành viên sáng lập cho bất kỳ hội nhóm nào mới thành lập đều tỏ ra bất hợp lý, đặc biệt khi những hội này còn chưa có hoạt động nào đáng kể.
4. Độc quyền Hội
Dù trong Nghị định 45 không có ghi nhận rõ việc “độc quyền hội”, kết quả độc quyền luôn tồn tại do quy định giới hạn phạm vi hoạt động, cũng như quy trình xem xét hội có… “cần thiết” hay không.
Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 5, Nghị Định 45, Hội mới thành lập phải “không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ”.
Điều này, cộng với thực tế có hàng loạt các hội nhóm thân chính phủ và do chính phủ bảo trợ, từ mang tính chính trị (Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động…) cho đến xã hội – kinh tế thông thường (như Hội bảo vệ người tiêu dùng, Hiệp hội doanh nghiệp…) khiến cho việc thành lập các hội mới trong cùng lĩnh vực là bất khả thi.
5. Muốn thành lập hội? Phải thành lập Ban vận động.
Được quy định cụ thể tại Điều 6 của Nghị định 45, pháp luật Việt Nam hiện nay yêu cầu những cá nhân tổ chức có mong muốn buộc phải thành lập Ban vận động thành lập hội, trước khi được phép thực hiện các thủ tục thành lập. Đây là bước mà nhiều học giả trong ngành cho là biện pháp “loại từ vòng gửi xe” các hội nhóm độc lập tại Việt Nam.
Trước tiên, yêu cầu phải hình thành Ban vận động nghe cũng phi lý giống như việc phải thành lập Hội đồng quản trị vận động thành lập doanh nghiệp trước khi thành lập công ty. Thêm vào đó, những thông tin phải cung cấp trong quy trình thành lập Ban vận động thật ra hoàn toàn trùng khớp hoặc có thể đưa vào nhóm thủ tục thành lập hội thông thường. Cũng cần kể đến yêu cầu dành riêng cho thành viên của Ban vận động, vốn lệ thuộc vào ý kiến và sự xem xét chủ quan của cơ quan quản lý, như “có sức khoẻ và có uy tín trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động”.
6. Hội của tập thể, hoạt động theo quyết định nhà nước
Có nhiều quy định cho thấy sự lệ thuộc tương đối lớn giữa hoạt động của Hội và cơ quan quản lý nhà nước, mà rõ nhất là yêu cầu báo cáo kết quả đại hội hay phê duyệt điều lệ hội. Trong đó, hội sau khi thành lập phải thông qua đại hội thành lập và phải báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền các nội dung sau:
- Điều lệ và biên bản thông qua điều lệ hội;
- Biên bản bầu ban lãnh đạo, ban kiểm tra (có danh sách kèm theo) và lý lịch người đứng đầu hội;
- Chương trình hoạt động của hội;
- Nghị quyết đại hội.
Nguyễn Quốc Tấn Trung
(Nhà Báo Tự Do)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét