Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

VOA: Manila ‘ly khai’ Mỹ, VN – TQ ra tuyên bố

 Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau một lễ ký kết ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 20/10/2016.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau một lễ ký kết ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 20/10/2016.
 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Việt Nam “nên coi trọng đà tiến tích cực trong quan hệ song phương”, giữa lúc Tổng thống Philippines tuyên bố “ly khai” Mỹ, xích lại gần hơn với Bắc Kinh.
Trong cuộc gặp với ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, ở thủ đô của Trung Quốc hôm 20/10, theo Xinhua, ông Tập còn kêu gọi hai nước “tiếp tục tình bạn hữu, duy trì quan hệ song phương hiện thời, xử lý đúng đắn tranh chấp, và mở rộng hợp tác”.
Về tuyên bố của ông Tập, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu quan chức ngoại giao Việt Nam, và hiện là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói với An Tôn của VOA tiếng Việt rằng “cái này hoan nghênh thôi”.
Ông nói thêm:
“Nếu mà Trung Quốc làm được như thế thì rất là tốt, nhưng mà tôi chỉ lấy một cái ví dụ như thế này. Tháng Mười năm 2013, Thủ tướng của Trung Quốc sang thăm Việt Nam và ký một thỏa thuận về thiết lập các cơ chế hợp tác song phương trên biển, giải quyết các vấn đề trên biển, và hai bên cam kết cùng hợp tác để giải quyết những vấn đề song phương liên quan tới biển Đông, nhưng mà tới tháng Năm, trong vòng nửa năm thì Trung Quốc kéo dài khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thế thì, người Việt Nam cũng hy vọng các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói sẽ đi đôi với làm. Nói về mặt nguyên tắc thì OK, rất hoan nghênh, nhưng mà trên thực tiễn thì chúng ta cần phải theo dõi”.
Trong cuộc gặp với quan chức Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc còn cho rằng Hà Nội và Bắc Kinh cùng “chia sẻ tương lai”, và rằng quan hệ gần gũi hơn giữa đôi bên sẽ giúp hai nước “đạt một sự đồng thuận chiến lược”.
Ông Đinh Thế Huynh thăm Trung Quốc từ ngày 19 đến ngày 21/10, đúng dịp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng công du tới quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ông Duterte hôm 20/10 tuyên bố sẽ “ly khai” với Hoa Kỳ, một đồng minh quan trọng của Manila.
Theo VNA, tại Bắc Kinh, ông Huynh “trân trọng chuyển lời thăm hỏi và lời chúc tốt đẹp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”.
Ông Huynh cũng đề nghị hai bên “thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; tăng cường tin cậy chính trị; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực; tăng cường giao lưu hữu nghị nhân dân; nỗ lực duy trì hoà bình, ổn định trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp”, VNA đưa tin.
Quan chức Bộ Chính trị đầy quyền lực của Việt Nam cũng kêu gọi hai nước “thực hiện nghiêm túc “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), sớm cùng ASEAN hoàn tất xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC), kiên trì tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài trên tinh thần tôn trọng lợi ích của nhau và phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Philippines-Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 20/10/2016.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Philippines-Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 20/10/2016.

Nhà nghiên cứu Việt Nam nói về việc Philippines ly khai Mỹ

20.10.2016
Sau khi có tin Tổng thống Duterte của Philippines tuyên bố ở Bắc Kinh “ly khai” khỏi Mỹ và liên kết bản thân ông với “dòng chảy tư tưởng” của Trung Quốc, cũng như sẽ tăng cường quan hệ với Nga, từ Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Trường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, đưa ra bình luận với VOA:
“Ông Duterte là tổng thống thì tất nhiên là có quyền tối cao ở Philippines nhưng ông ấy không phải là Philippines. Còn chuyện ông ấy muốn liên minh với Nga, với Trung Quốc, tôi nghĩ rằng ông ấy đang đứng trước một sự lựa chọn. Ở đây, có thể là cách thức chiến thuật của ông ấy trong chuyện tìm lối đi cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng cũng có thể nó phản ánh những cái xung lực và những cái cọ sát rất quyết liệt trong nội bộ của Philippines. Ông ấy chuyển hướng sang bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, và ông ấy muốn đi với Nga và cả với Nhật Bản để đa dạng hóa các mối quan hệ về chính trị, kinh tế, an ninh của Philippines. Nhưng tôi nghĩ một tuyên bố ở nước chủ nhà, nói những điều nước chủ nhà muốn nghe thì chưa hẳn đã phản ánh lợi ích, bản chất của những điều chỉnh chính sách của Philippines với Trung Quốc, với Nga, với Mỹ”.
Về ảnh hưởng với khu vực khi Philippines điều chỉnh chính sách, ông Nguyễn Ngọc Trường nhận định:
“Nếu như Philippines với Trung Quốc mà bình thường hóa quan hệ, nếu như nó đi theo đúng quỹ đạo và có tính tích cực, không nhằm vào bên thứ ba nào thì nó tốt, nó đóng góp tích cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Tôi nghĩ là bất cứ một điều chỉnh nào của chính quyền Philippines cũng như quan hệ sắp tới của Philippines với Trung Quốc cũng không thể đảo lộn cục diện đã được hình thành một cách cơ bản tại khu vực Đông Á, tại Biển Đông và Đông Nam Á. Cũng còn quá sớm để có những khẳng định”.
Động thái mới nhất của tổng thống Philippines có tác động ra sao tới Việt Nam, ông Trường nói:
“Ông ấy là một người bạn của Việt Nam và ông ấy có những tình cảm rất tốt đẹp với Việt Nam. Tôi nghĩ rằng là về quan hệ song phương giữa Việt Nam và Philippines sẽ không có biến động lớn”.

    Không có nhận xét nào: