“KHI NHÀ VĂN BUỘC PHẢI CẦM BÚT THAY THẾ CHO NHÀ VIẾT SỬ THÌ ĐẤT NƯỚC ĐÓ ĐÃ BẮT ĐẦU ĐIÊU LINH”! (Sử gia Yamamoto Tatsuo Nhật Bản)
Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017
Ai đã giết Kim Jong-nam?; Nghi phạm cố thủ ở sứ quán Triều Tiên, nghi án Kim Jong-nam gặp khó
1 giờ trước
Phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes tìm hiểu nghi vấn Kim Jong-un đã tìm cách sát hại anh cùng cha khác mẹ của mình, Kim Jong-nam.
Để hiểu được những mối quan hệ ở Bắc Hàn, ta thực sự cần phải hiểu rõ về "vương triều" tại đây: "Triều đại" nhà ông Kim, vốn được ông Kim Nhật Thành đặt nền móng xây dựng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Khi ông qua đời hồi năm 1994, con trai ông là Kim Jong-il lên nối ngôi.
Ông Kim Jong-il qua đời cách đây năm năm, con trai út của ông là Kim Jong-un trở thành tân lãnh đạo.
Tuy nhiên, Kim Jong-un khi đó còn rất trẻ, rất thiếu kinh nghiệm, và không cảm thấy đủ tự tin.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông đã giết chết rất nhiều người. Một số người cho rằng điều này bắt nguồn từ việc Kim Jong-nam cảm thấy quyền lực của mình chưa chắc chắn và cần phải củng cố.
Những người mà Kim Jong-un thấy nghi ngại nhất chính là những người trong gia đình mình.
Quan trọng nhất và quyền lực nhất là người chú dượng của Kim Jong-un, Jang Song-thaek. Vào lúc Kim Jong-un lên nắm quyền, ông Jang là người quyền lực nhất Bắc Hàn, với một mạng lưới các đồng minh trên toàn quốc và trong cả khu vực.
Một trong những người đó là cháu trai, gọi ông bằng chú, Jang Yong-chol, người từng giữ chức đại sứ Bắc Hàn tại đây, Malaysia.
Qua Jang Yong-chol, ông đã giữ liên lạc được với một người cháu khác, chính là Kim Jong-nam.
Nhưng đến năm 2013, Kim Jong-un đã tiến hành cuộc thanh trừng tàn khốc nhất trong suốt hơn 30 năm qua, bắt đầu với người chú dượng Jang Song-thaek. Ông này đã bị bắt và bị xử bắn.
Trong những tháng sau đó, cả gia đình ông bị dồn bắt, gồm cả người cháu đang làm đại sứ tại Malaysia, người bị triệu hồi về Bình Nhưỡng và cũng bị xử tử.
Vụ việc khiến Kim Jong-nam bị cô lập, cô đơn và không còn được ai giúp đỡ.
Kim Jong-nam từng là đứa con trai được cha rất yêu thương, nhưng về sau này, người anh em họ của ông bị bắn vào đầu. Người cô và con gái của bà bị lưu đày và phải ẩn kín, còn bản thân Kim Jong-nam bị giết chết bằng chất độc thần kinh.
Tại Bắc Hàn, là thành viên trong đệ nhất gia đình không đồng nghĩa với việc được đảm bảo có cuộc sống dài lâu, hạnh phúc.
Nghi phạm cố thủ ở sứ quán Triều Tiên, nghi án Kim Jong-nam gặp khó
Việc điều tra nghi án Kim Jong-nam gặp trở ngại lớn do 2 nghi phạm người Triều Tiên kiên quyết cố thủ bên trong đại sứ quán nước này ở Malaysia, nơi họ được bảo vệ ngoại giao.
Hơn nửa tháng qua, đại sứ quán Triều Tiên ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur trở thành tâm điểm trong cuộc điều tra vụ ám sát một người đàn ông được cho là Kim Jong-nam. Đáng chú ý, hai người bị cáo buộc tham gia vào âm mưu này đang cố thủ bên trong sứ quán và từ chối hợp tác với nhà điều tra sở tại.
Một trong 2 người là ông Hyon Kwang Song, bí thư thứ 2 tại đại sứ quán và được quyền miễn trừ ngoại giao nên ông ta không thể bị cảnh sát địa phương bắt giữ.
Đại sứ Triều Tiên ở Malaysia Kang Chol phát biểu trước báo chí. (Ảnh: NYT)
Người còn lại là Kim Uk Il, nhân viên hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo. Tuy không được hưởng quyền miễn trừ, Kim vẫn được an toàn chừng nào ông còn ở bên trong khuôn viên của đại sứ quán.
Quyền miễn trừ bị lạm dụng
Công ước Vienna năm 1961 cho phép các nhà ngoại giao và đại sứ quán được hưởng quy chế về bảo vệ đặc biệt trong khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, những năm gần đây, quyền lợi này đang bị lạm dụng bởi cả những quan chức và công dân để trốn tránh truy tố cho các vụ án nghiêm trọng phi ngoại giao.
"Tòa đại sứ được xem là vùng đất có chủ quyền của quốc gia đó nên chính quyền địa phương không thể tùy tiện xông vào. Nếu hành động bất cẩn mà không có sự đồng thuận thì đó sẽ là sự phá vỡ nguyên tắc ngoại giao quan trọng", luật sư Sivananthan Nithyanantham, cố vấn tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở Hà Lan, nói với New York Times.
Một trong những vụ tị nạn ngoại giao ồn ào nhất là trường hợp Julian Assange, ông chủ của Wikileaks, trốn trong đại sứ quán Ecuador ở Anh đến 5 năm để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển để chịu điều tra cáo buộc cưỡng hiếp. Dù Assange không phải là nhà ngoại giao, chính quyền Ecuador cho phép ông tị nạn và được ở lại sứ quán.
Các cơ quan tình báo, bao gồm CIA (Mỹ) thường cử điệp viên đến làm việc tại những tòa đại sứ dưới vỏ bọc nhà ngoại giao là nhằm tận dụng quyền miễn trừ này. Nhiều chính phủ từng quyết liệt trục xuất các điệp viên này khi thân phận của họ bị bại lộ.
Tuy nhiên, rất hiếm khi một nhân viên ngoại giao bị cáo buộc liên quan đến âm mưu giết người đến nỗi bị chính quyền sở tại phát lệnh truy bắt.
Nhiều nhà quan sát tin rằng Malaysia không có nhiều điều để mất nếu quyết tâm xử lý mạnh tay với Triều Tiên. Khoảng 1.000 người Triều Tiên đang sống và làm việc tại Malaysia. Đất nước Đông Nam Á này là cửa ngõ hiếm hoi để Triều Tiên tiếp cận với thị trường toàn cầu và hệ thống ngân hàng thế giới.
Cảnh sát bảo vệ nghi phạm Đoàn Thị Hương khi cô ra tòa ngày 1/3. (Ảnh: AFP)
Về phần mình, người dân Malaysia có thể đến Triều Tiên mà không cần xin thị thực. Nhưng trên thực tế, họ không có nhiều động cơ hoặc lý do để đến quốc gia này. Do vậy, giới quan sát cho rằng đây là một mối quan hệ không cân bằng.
"Chúng ta cần suy nghĩ kỹ lưỡng về việc để cho họ (người Triều Tiên) đến nước mình một cách dễ dàng", ông Oh Ei Sun, cựu thư ký của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, nói.
Đối với Kim Uk Il, nghi phạm này chắc chắn sẽ bị bắt nếu ông ta rời khỏi khuôn viên đại sứ quán; hoặc trong trường hợp nghiêm trọng hơn là nếu Malaysia và Triều Tiên cắt đứt quan hệ ngoại giao, qua đó phủ nhận sự hiện diện của đại sứ quán và buộc đóng cửa cơ ngơi này.
Video: Chất độc trong vụ tấn công Kim Jong-nam nguy hiểm như thế nào?
Dennis Ignatius, cựu đại sứ Malaysia tại một số nước phương Tây, kêu gọi chính phủ mạnh tay hơn trong vụ việc. Ông thậm chí đề xuất cần trục xuất đại sứ Triều Tiên, hủy bỏ thị thực của những người Triều Tiên đang ở Malaysia và đóng cửa sứ quán nước này ở Bình Nhưỡng. Kuala Lumpur hiện đã triệu hồi đại sứ về nước để tham vấn.
Theo Công ước Vienna, các quốc gia cũng có thể tuyên bố một nhà ngoại giao trở thành "người không được chào đón". Các nguồn tin cho rằng Malaysia đang cân nhắc áp dụng điều này với nghi phạm Hyon Kwang Song và đại sứ Kang Chol. Ông Kang từng cáo buộc Malaysia thông đồng với Hàn Quốc dựng lên vụ ám sát này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét