Thứ ba, 21/03/2017, 14:32 (GMT+7)
(Bạn đọc) - Mới đây, sự xuất hiện thông tin về việc Viện Thiết kế TP. Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia quy hoạch hai bên bờ sông Hồng (Hà Nội) đã khiến dư luận bức xúc. Rất nhiều câu hỏi cho rằng, tại sao cứ nhất thiết phải mời Trung Quốc trong dự án này?
Thực chất, Hàng Châu chỉ là một thành phố của Trung Quốc, về vị thế thì Viện này cũng chỉ ngang bằng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội (cấp thành phố). Một cơ quan cấp sở thuộc thành phố lại được giao thẳng trọng trách quy hoạch một dự án mang tầm quốc gia Việt Nam. Trong khi đó, chúng ta có các viện quy hoạch cấp trung ương như Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn nhưng lại không được mời?
Điều đó chứng tỏ các tiến sĩ, kĩ sư đang bị “thất sủng” trong mắt nhà đầu tư. Cả một đất nước mà không có lấy một ai có khả năng quy hoạch, vì lý do năng lực yếu kém, không có khả năng, thiếu kinh nghiệm… hay còn nguyên nhân nào khác? Hơn nữa, các nước như Nhật Bản, Hà Lan, Pháp, Ý…. cũng có kinh nghiệm trong việc quy hoạch đô thị, thậm chí Hàn Quốc cũng đã thực hiện rất thành công dự án quy hoạch sông Hương nhưng vẫn không được mời?
Đất nước ta có 2 con sông rất quan trọng: đó là sông Cửu Long là một nhánh sông Mê Kông và sông Hồng – bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua nước ta, đổ ra biển Đông. Hiện nay, sông Cửu Long đã bị thiệt hại rất nhiều do sự suy giảm dòng chảy trên sông Mê Kông nếu không muốn nói là số phận của nó bị định đoạt bởi hàng loạt các đập thủy điện – hay còn gọi là “vũ khí nước” của Trung Quốc ở đầu nguồn. Nay để quy hoạch sông Hồng, viện Hàng Châu còn yêu cầu cung cấp số liệu thủy văn, lưu lượng nước, mặt cắt ngang đê, số liệu quan trắc, khí tượng thủy văn… phục vụ công việc. Chỉ dùng “vũ khí nước” đối với Mê Kông đã khiến cho đồng bằng sông Cửu Long “điêu đứng”, nay lại mang tất cả số liệu để cho họ nghiên cứu tại một dòng sông bắt nguồn tại chính Trung Quốc, thì có khác nào “giao trứng cho ác”?
Còn nhớ tháng 03/2016 khi những bất đồng tranh chấp trên biển Đông gia tăng, cũng là lúc con sông Mê Kông cạn kiệt nguồn nước, gây thiệt hại nặng nề cho đồng bằng Sông Cửu Long. Tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã bắt đầu xây thêm các căn cứ quân sự trên biển Đông và thực hiện các tour du lịch trái phép thì cũng lại là lúc một Viện của họ xuất hiện trong đề án mang tầm quốc gia và nhiều yếu tố địa chính trị này. An ninh quốc phòng của Việt Nam sẽ ra sao nếu Trung Quốc được chọn trong dự án này?
Nếu bỏ qua các yếu tố “nhạy cảm”, thì Trung Quốc cũng không phải là một ứng cử viên sáng giá, bởi mặc dù đầu tư nhiều nhưng tai tiếng không phải là nhỏ. Như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông liên tục đội vốn và chậm tiến độ, thậm chí còn gây nguy hiểm co người dân, sân vận động quốc gia Mỹ Đình mới xây dựng đã xuống cấp nghiêm trọng, dự án thép Thái Nguyên thì đắp chiếu, tiêu tốn của nhà nước không biết bao nhiêu tỷ đồng, còn các dự án Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 2, Uông Bí mở rộng 2, Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2…cũng gặp rất nhiều tai tiếng về đội vốn và chậm thi công…
Không hiểu lý do gì mà nhà đầu tư Geleximco lại chọn Trung Quốc. Đã có một số ý kiến về lợi ích nhóm ở đây, thế nhưng dù có là gì đi chăng nữa thì nó cũng không thể nào vượt qua “lợi ích của dân tộc”. Hơn nữa, bất cứ một đường lối chính sách chủ trương hay dự án đầu tư nào cũng đều phải hợp lòng dân, thì mới thành công được. Cho tới thời điểm hiện tại, đa phần người dân phản đối việc Trung Quốc xuất hiện trong dự án này.
Từ những lý do trên, liệu lãnh đạo thành phố Hà Nội có còn tiếp tục cho Viện Thiết kế và quy hoạch TP.Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia quy hoạch hai bên bờ sông Hồng?
Thu An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét