Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

“CÓC NHÁP” CÓ GIỐNG “ CÓC NHỚP”-TUYẾN ĐƯỜNG SẮT TRÊN CAO CÁT LINH-HÀ ĐÔNG?; TRUNG QUỐC ĐÒI " BẢO KÊ" BIỂN ĐÔNG

Phạm Viết Đào.
Đài RFI vừa đưa tin:”Theo ngoại trưởng Trung Quốc, bản thảo đầu tiên của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông ( COC ) đã hoàn tất và căng thẳng ở vùng biển này đã giảm đáng kể
Trong cuộc họp báo thường niên vào hôm nay, 08/03/2017, bên lề kỳ họp của Quốc Hội Trung Quốc, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo là đã có dự thảo đầu tiên về COC.
Từ năm 2010, Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN đã thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử nhằm tránh xảy ra xung đột giữa các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã từng bày tỏ hy vọng là COC sẽ được hoàn tất trong năm nay và sẽ giúp làm giảm căng thẳng.
Theo ngoại trưởng Trung Quốc, các cuộc đàm phán vào tháng trước đã đạt « những tiến bộ rõ rệt » và đã soạn ra được bản thảo đầu tiên của Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông. Ông Vương Nghị còn khẳng định, những căng thẳng ở vùng biển này không chỉ đã giảm, mà còn giảm « đáng kể » trong năm qua.
Nhưng Ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố rằng những ai muốn « gây rối loạn » sẽ bị các nước trong khu vực lên án, ám chỉ việc Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra nhằm bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông.
Cho tới nay Bắc Kinh vẫn yêu cầu các nước « ngoài khu vực », thường là ám chỉ Hoa Kỳ, không được can thiệp vào tranh chấp chủ quyền Biển Đông, khẳng định là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á muốn giải quyết tranh chấp này một cách hòa bình...”
Qua những thông tin trên cho thấy phải chăng Trung Quốc đã xuống tông, đã hạ giọng, đã biết điều hơn và bắt đầu có những thay đổi lớn trong các chính sách đối ngoại nước lớn của mình, nhất là vấn đề Biển Đông; Trung Quốc đã biết  ăn nhường ở nhịn không còn hung đồ như mấy tháng trước đây, mấy năm trước đây…
Thực ra để nhận xét về đường ăn, nét ở của một con người, các chính sách đối nội, đối ngoại của một Chính phủ thì không thể kiếm chứng qua một vài tuyên bố đầu môi chót lưỡi của con người đó, của các đầu lĩnh đại diện cho quốc gia đó…
Để nhận chân ra con người đó, chính sách của một nước lớn như Trung Quốc phải căn cứ vào thể cờ chiến lược tổng thể của tất cả các mối quan hệ đang chi phối con người đó, quốc gia đó…
Cái bản “COC nháp” này đầu cua tai nheo như thế nào không thấy Ngoại trưởng Vương Nghị xì ra nhưng cái lõi của nó thì người tinh ý cũng không khó nhận ra điều này BBC và RFI cũng đã bắt bài:
Trung Quốc lâu nay vẫn kêu gọi các bên mà Bắc Kinh nói là "các nước bên ngoài khu vực" - chủ yếu nhằm để ám chỉ Hoa Kỳ - hãy đứng ngoài cuộc tranh chấp, và nói Trung Quốc và Đông Nam Á quyết tâm giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết toàn bộ vùng Biển Đông vốn giàu trữ lượng tài nguyên, cũng là nơi có tuyến hàng hải tấp nập trị giá chừng 5 nghìn tỷ đôla qua lại mỗi năm…
Có đúng như ngoại trưởng Trung Quốc nói: các cuộc đàm phán vào tháng trước đã đạt « những tiến bộ rõ rệt » và đã soạn ra được bản thảo đầu tiên của Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông. Ông Vương Nghị còn khẳng định, những căng thẳng ở vùng biển này không chỉ đã giảm, mà còn giảm « đáng kể » trong năm qua…”
Đưa tin về sự kiện này, Đài CRI Trung Quốc thì không che dấu những lời lẽ rắn đanh, huỵch toẹt:” Theo Hãng tin Trung Quốc: Sáng ngày 8/3, tại Bắc Kinh, khi đề cập đến vấn đề Nam Hải, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, "trong năm vừa rồi, tình hình Nam Hải bấp bênh, cuối cùng đã trở lại yên ổn, không phải là 'có phần hạ nhiệt', mà là 'hạ nhiệt rõ rệt'. Đây là kết quả của những nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, là sự may mắn của khu vực, cũng là niềm vui của thế giới".
Bộ trưởng Vương Nghị cho biết, "Vào lúc này, nếu còn có người muốn làm mưa làm gió, gây sự, không những chẳng được lòng người, mà chắc chắn sẽ vấp phải sự tẩy chay của các nước trong khu vực. Chúng tôi tuyệt đối không cho phép cục diện ổn định không dễ có được lại bị quấy nhiễu và phá vỡ"…
Đây là một đòn gió, một đòn khí công mà Ngoại trưởng Vương nhắm vào nắn gân chuyến làm việc sắp tới của với Ngoại trưởng Hoa Kỳ…
Thực ra vấn đề Biển Đông có bị quấy nhiễu hay bị phá vỡ hay không phụ thuộc vào Trung Quốc và do Trung Quốc là chủ yếu.
Trong 10 quốc gia trong khu vực ASEAN thì không một quốc gia nào đủ khả năng, cả gan đứng ra quấy nhiễu Trung Quốc, trêu chọc Trung Quốc; thậm chí chính thức gây áp lực với Trung Quốc thì cũng mới có Chính phủ trước của Phillippines đưa vấn đề Trung Quốc xây đảo trên Biển Đông ra Tòa án quốc tế La Hay…
Nước mà nhiều nước trên thế giới và khu vực nhìn vào đó là Việt Nam thì chủ yếu vẫn là “võ mồm” từ phía Chính phủ; Còn một lực lượng thật sự đang chống lưng cho Chính phủ, Chính phủ dựa vào để “mặc cả” với Bắc Kinh khi đối ngoại nhưng đối nội lại đang bị Chính phủ bạc đãi không hơn “con sen đứa ở” trong nhà: đó là nhân dân Việt Nam…
Mặc dù biết thế, đây thật sự là lực lượng được dư luận thế giới và ASEAN trông đợi, tin cậy, kỳ vọng. Họ là đông đảo những người dân bình thường Việt Nam, những con người mà như cụ Đồ Chiểu từng mô tả:
“Côi cút làm ăn, 
Riêng lo nghèo khổ, 
Chưa quen cung ngựa đưa tới trường nhung 
Chỉ biết ruộng trâu ở theo làng hộ; 

Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn làm quen; 
Tập khiên, tập mác, tập giáo, tập cờ, mắt chưa từng ngó. 

Tiếng phong hạc phập phồng hơn mười tháng, trông tin quan như nắng hạn trông mưa. 
Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ…” 
Họ sẽ là những con người quyết liệt không dung tha những tên lính xâm lược nếu Trung Quốc gây chiến tranh nóng, làm càn trên Biển Đông…
Còn trước thông tin Trung Quốc đã ưng thuận “COC nháp” chỉ có ký nữa là xong khiến cho những người có bề dày kinh nghiệm trong quan hệ đối nhân xử thế với Trung Quốc thừa biết: đây chỉ là một “bài ru” sống sượng cất lên trước buổi bình minh của những ngày sắp bão…
Những người am tường và tỉnh táo về thế sự tin rằng: Biển Đông là chiếc bánh gateaux không dễ ngã giá giữa các vị khách sộp như khi ngã giá cuộc chiến Việt Nam. Hoa Kỳ và Trung Quốc đã từng ngã giá về cuộc chiến Việt Nam nhưng đã không thành trong Tuyên bố Thượng Hải 1972…
Trước thông tin do phía Trung Quốc chủ động đưa ra rằng đã có “COC nháp” dư luận Việt Nam không thể không chủ ý tới việc Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung lẻn vào Khánh Hòa để gặp Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân…
Tại sao 2 quan chức của Bộ Ngoại giao Việt-Trung lại phải nhiêu khê rủ rê nhau bay rồi transite máy bay để gặp nhau tại Khánh Hòa mà không direct tại Hà Nội cho gần, đỡ tốn tiền máy bay? Phải chăng do tại lý do thời tiết…
Đây là đòn đánh tiếng ngoài ngõ thôi, các chú Việt cộng đứng có giàu trí tưởng bở ?
Kết quả hình ảnh cho Tuyến đường sắt trên cáo Cát Linh-Hà đông
Số phận “ COC nháp” liệu rồi có giống với cái dự án “CÓC nhớp”, cò cử kéo ròng rã ra hàng năm trời, đội giá lên hàng 2,3 lần mà rồi vẫn chềnh ềnh ra đó: Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông.
Việt Nam đã từng phải chịu trận cái Cầu Thăng Long cũng do Trung Quốc xây cuối cũng phải nhờ “Nga ngố” vào mới xong…
Việt Nam và các quốc gia ASEAN còn lâu mới yên ổn với Trung Quốc nếu không tự mình củng cố nội lực, khoan sức dân, tin dựa vào dân, quan chức bới ăn gian ăn bẩn của dân, bán tống bán tháo tài sản, tài nguyên quốc gia…
Chỉ cho đông đảo người dân Việt Nam bình thường, yêu nước là chủ nhân thật sự của Biển Đông; Họ mới đủ sức, đủ khả năng ngăn chặn mọi sự mặc cả, ngã giá của các ông khách sộp về chiếc “gateaux-Biển Đông”...

P.V.Đ.

Trung Quốc lại đòi bảo kê Biển Đông

HỒNG THỦY

(GDVN) - Với tư duy đòi "bảo kê" Biển Đông như những gì ông Ngoại trưởng Nghị mới tuyên bố, thì cho dù có COC đi nữa cũng không có ý nghĩa nhiều trong thực tế.
Tân Hoa Xã ngày 8/3 dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố: Trung Quốc không cho phép ai quấy rối ổn định ở Biển Đông.
Ông Nghị phát biểu trong một cuộc họp báo bên lề kỳ họp Quốc hội hàng năm đang diễn ra tại bắc Kinh. Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, tình hình Biển Đông đã "ổn định trở lại".
Theo ông, đây là kết quả nỗ lực chung của Trung Quốc với ASEAN, đó là phúc lành cho khu vực và thế giới. DOC đang được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, các bên liên quan quay trở lại cách giải quyết tranh chấp đúng hướng.
Ông Vương Nghị nói:
"Tại thời điểm này, nếu ai đó cố gắng khuấy động hay gây rắc rối, họ sẽ không được ủng hộ, trái lại họ sẽ phải đối mặt với sự phản đối của cả khu vực.
Ngay cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, nếu chúng ta thay đổi suy nghĩ của mình, các vùng biển rộng lớn sẽ trở thành môi trường rộng lớn cho hợp tác". [1]
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: Tân Hoa Xã.
Cũng đưa tin về cuộc họp báo này, Channel News Asia, Singapore dẫn lời ông Nghị cho biết, bản dự thảo đầu tiên của COC đã hoàn thành, "căng thẳng trên Biển Đông đã giảm đáng kể".
Ngoại trưởng Nghị nói, các cuộc đàm phán tháng trước về COC đã tiến bộ rõ ràng và đã đưa ra được bản dự thảo đầu tiên. Trung Quốc và ASEAN cảm thấy hài lòng về điều này.
"Chúng tôi chắc chắn sẽ không cho phép tình trạng ổn định này vốn phải rất khó khăn mới có được, bị phá hoại hoặc cản trở", ông Nghị nói. [2]
Trong một động thái khác có liên quan đến Biển Đông, ABS CBN News ngày 8/3 cho biết, ông Perfecto Yasay đã không vượt qua phiên bỏ phiếu chuẩn thuận của Quốc hội sau khi được Tổng thống Duterte bổ nhiệm làm Ngoại trưởng lâm thời.
Điều này có nghĩa là ông Rodrigo Duterte sẽ phải bổ nhiệm một người mới vào ghế Ngoại trưởng. 
Cuối tuần trước ông Duterte đã trấn an Bắc Kinh rằng họ đã hiểu lầm tuyên bố của ông Yasay về lo ngại của ASEAN với các động thái Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. [3]
Người viết cho rằng, thứ nhất phát biểu trên của ông Vương Nghị cho thấy tư duy xưng hùng xưng bá, bành trướng làm chủ Biển Đông trong một số nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn không thay đổi.
Biển Đông là một vùng biển quốc tế, có tuyến hàng hải thương mại huyết mạnh, trọng yếu của cả khu vực và thế giới.
Không nước nào có quyền bảo kê, cho phép hay không cho phép nước khác tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế, an ninh an toàn hàng hải hàng không ở đây.
Do đó, một quốc gia đòi cho phép hay không cho phép các quốc gia khác can thiệp vào các tranh chấp hàng hải quốc tế ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ, thì đó chỉ là lập luận kẻ cả của những tay anh chị, dư luận khu vực và nhân loại tiến bộ sẽ phản đối.
Thứ hai, nói "Biển Đông đã ổn định trở lại" chỉ là cách cố tình lấp liếm hiện trạng quân sự hóa đáng báo động mà Trung Quốc tiến hành ở vùng biển này, bằng cả thủ đoạn quân sự lẫn phi quân sự.
Cái gọi là ổn định trở lại "vốn phải rất khó khăn mới đạt được" có lẽ là tâm tư của riêng ông Nghị, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc do áp lực trong nước về thất bại to lớn của nước này trong vụ kiện trọng tài Philippines khởi xướng.
Chính vì thế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng cả hệ thống truyền thông hùng hậu đã phải huy động tổng lực để kiềm chế dư luận sau Phán quyết Trọng tài 12/7/2016, trong đó không loại trừ cả những đổi chác với chính quyền Hoa Kỳ thời Barack Obama.
Bởi vậy ngày nay Mỹ cứ nhắc đến Phán quyết Trọng tài, là Trung Quốc lại rêu rao, quy chụp Washington "gây rối", "phá hoại ổn định" ở Biển Đông.
Thứ ba, với tư duy đòi "bảo kê" Biển Đông như những gì ông Ngoại trưởng Nghị mới tuyên bố, thì cho dù có COC đi nữa cũng không có ý nghĩa nhiều trong thực tế, khi Bắc Kinh khăng khăng đòi giải thích luật pháp quốc tế theo ý đồ chủ quan và mục tiêu chính trị của mình.
Bắc Kinh vẫn cứ tiếp tục quân sự hóa, lắp đặt vũ khí ra đảo nhân tạo, bành trướng bằng giàn khoan khổng lồ, quan trắc đáy biển, thủ đoạn phát triển du lịch...
Cứ nhìn vào những gì diễn ra trên Biển Đông từ tháng 4/2012 đến nay với không ít căng thẳng, thậm chí khủng hoảng mà ông Nghị vẫn xem đó là "DOC đang được thực hiện đầy đủ và hiệu quả" thì có lẽ không ai tỉnh táo mà lại tin lời ông.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Thủy

Không có nhận xét nào: