Cựu thống đốc NHNN, đương kim ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình - tác giả của "ngân hàng 0 đồng" |
Quốc hữu hóa vốn cổ đông?
Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 6-3, phía đại diện Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng quyết định mua lại OceanBank giá 0 đồng là quyết định đơn phương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không phải là sự thoả thuận. Lúc đó, coi như phần vốn góp cổ đông 800 tỉ đồng của PVN bị mất trắng.
Để làm rõ về thiệt hại đối với các nhà đầu tư vào OceanBank, tòa mời đại diện PVN. Chủ tọa hỏi: “OceanBank vừa có nói đến vốn góp của PVN thì về 0 đồng. Trách nhiệm này thuộc về ai, ông có đề nghị gì không? Trách nhiệm của các cá nhân trong quá trình quản lý vốn 800 tỉ đồng của PVN tại OceanBank như thế nào?”.
Vị đại diện PVN trình bày: “Chúng tôi khẳng định những người đại diện vốn góp PVN tại OceanBank đã thực hiện đẩy đủ trách nhiệm của mình tại OceanBank, chúng tôi không có đủ trách nhiệm phán xét. Chúng tôi là đơn vị góp vốn tại OceanBank, quyết định mua lại ngân hàng này 0 đồng là quyết định đơn phương của Ngân hàng Nhà nước không phải là sự thoả thuận. Vì vậy, trong trường hợp này chúng tôi sẽ bảo lưu quyền và nghĩa vụ - vấn đề xác định trách nhiệm những người đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank, chúng tôi nghĩ rằng không có cơ sở để phán xét trách nhiệm của họ”.
Theo cáo trạng, tính đến ngày 31-3-2014, vốn điều lệ của OceanBank là 4.000 tỉ đồng, gồm 1.137 cổ đông, trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ là PVN chiếm 20%, công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương chiếm 20%, công ty TNHH VNT chiếm 20%, công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà 6,65%...
Nền kinh tế thị trường XHCN không có khái niệm ‘phá sản ngân hàng’?
NHNN giải thích chuyện đưa ra phương án mua lại ngân hàng đang thua lỗ với giá 0 đồng, vì “nếu để một ngân hàng chết, thị trường có thể náo loạn và chúng ta sẽ không lường hết ảnh hưởng của nó”. Cơ sở để thực hiện biện pháp này là Quyết định 48/2013/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 01 tháng 08 năm 2013, hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2013.
Điều mà không ít người quan tâm hiện nay là nguồn vốn ở đâu để xử lý ngân hàng theo cách mua lại. Dù là mua với giá 0 đồng, NHNN ắt phải kế thừa trách nhiệm với người gửi tiền, khắc phục các điểm yếu, lấp đầy các khoản lỗ cũng như bổ sung đầy đủ số vốn điều lệ theo quy định, và cần một khoản chi phí rất lớn cho việc tái cấu trúc nhà băng. Nói dễ hiểu hơn, với ngân sách quốc gia èo uột, thì để giữ được tiếng thơm của ưu việt nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, các quan chức tìm mọi cách để ở Việt Nam không có chuyện phá sản ngân hàng.
Cho đến nay, có đến 3 ngân hàng cổ phần đã bị NHNN mua lại toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng: Ngân hàng Xây dựng (VNCB) là ngân hàng đầu tiên bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng vào ngày 2/2/2015; Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) là trường hợp thứ 2 được cơ quan quản lý mua lại với giá 0 đồng, sau VNCB vào ngày 25/4/2015; Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) là ngân hàng thứ 3 bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng kể từ ngày 7/7/2015.
Và cho đến thời điểm này, phía NHNN vẫn chưa đưa ra được câu trả lời là đã có thể thu hồi vốn mà ngân sách quốc gia đã bỏ ra hay chưa? Bởi, khi tiếp nhận VNCB cũng như các ngân hàng yếu kém khác, NHNN đồng nghĩa ôm một khoản nợ xấu lớn, rất khó xử lý và nguy cơ mất vốn là cực cao. Về lý thuyết, trong một nền kinh tế thị trường chưa xác định được hình hài như Việt Nam, thì không hề dễ dàng để phục hồi một ngân hàng mà vốn chủ sở hữu âm, tức đã phá sản về mặt kỹ thuật. Do đó, rất mong manh cho kỳ vọng sự phát triển đến một giai đoạn hưng thịnh, bắt đầu có lãi nhằm trả lại những chi phí cũng như vốn điều lệ cho Nhà nước.
0 đồng không hẳn là 0 đồng
Thời điểm đưa ra giải pháp “ngân hàng 0 đồng”, khi ấy Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình xác nhận: “Các ngân hàng 0 đồng thực chất là đã phá sản từ lâu vì thua lỗ âm vốn chủ sở hữu”. Nói khác đi, các ngân hàng phá sản là vì nghĩa vụ nợ đã lớn hơn tài sản hiện có. Nếu muốn tiếp tục hoạt động thì họ cần phải bơm thêm vốn để đảm bảo hệ số an toàn của ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng 0 đồng còn ghi nhận những sai phạm của ban lãnh đạo trong hoạt động kinh doanh.
Câu hỏi đặt ra: Vì sao Nhà nước mua lại ngân hàng tư nhân với giá 0 đồng và tài sản ở những ngân hàng này có thực sự 0 đồng hay không?
Quá trình tìm hiểu cho thấy, có rất ít con số tài chính được minh bạch. Chẳng hạn ở Ngân hàng Xây Dựng, số lỗ lũy kế trước khi bị mua lại với giá 0 đồng là hơn 18.000 tỉ đồng. Ở GPBank, số lỗ lũy kế lên đến hơn 12.000 tỉ đồng. OceanBank thì chưa có thông tin thêm. Theo báo giới, nợ xấu hiện có của 3 ngân hàng này là hơn 20.000 tỉ đồng - một con số quá cao so với vốn điều lệ của 3 ngân hàng là chỉ khoảng 10.000 tỉ đồng. Tất nhiên, trước khi mua lại những ngân hàng với giá 0 đồng này, NHNN nói rằng đã thực hiện định giá và kiểm toán độc lập. Song con số cụ thể như thế nào thì thị trường lại... không được biết.
Cứ tưởng với giá 0 đồng có nghĩa NHNN mua lại các ngân hàng này hoàn toàn không mất tiền, nhưng trên thực tế, với vai trò là người cho vay cuối cùng trong nền kinh tế, NHNN vẫn phải tốn chi phí cho
những ngân hàng 0 đồng này.
Không khó để liệt kê nhanh những chi phí hiện hữu, gồm chi phí tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản, chi phí hỗ trợ nhân sự từ những ngân hàng lớn. Chí ít thì NHNN cũng phải bù thêm khoản tiền để các ngân hàng bị tiếp quản đạt đủ số vốn pháp định là 3.000 tỉ đồng theo quy định. Nhớ lại trường hợp ngân hàng hợp nhất SCB trước đây, để tồn tại được cho đến nay, ngân hàng này phải được tái cấp vốn và con số được nhắc đến gần đây lên đến 21.000 tỉ đồng.
Một câu hỏi hóc búa hơn được đặt ra, là thị trường sau thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình đang tiếp tục có bao nhiêu ngân hàng ẩn danh mang nguy cơ 0 đồng?
Hành chính hóa nhiều quá
Cứ mỗi khi nền kinh tế rơi vào khẩn cấp là Nhà nước Việt Nam thường sử dụng nhiều biện pháp hành chính. Sau khi vào WTO, ai cũng tưởng thị trường hoá nhiều hơn, tuy nhiên với bảo thủ theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thì với những biện pháp hành chính mang tính chữa cháy càng làm bất ổn tăng thêm.
“Đây cũng là đặc thù của Việt Nam. Nước ngoài cho rằng những trường hợp này cho phá sản chứ Nhà nước không ôm, nhưng chúng ta không thể để phá sản được. Đây không phải là dân sự thông thường nên trong trường hợp này Nhà nước phải đứng ra giải quyết”, một quan chức NHNN từng tuyên bố chắc nịch như vậy tại hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu” do Viện Kinh tế Việt Nam và báo điện tử Diễn đàn đầu tư – Bizlive tổ chức.
Như vậy, động thái mua lại các ngân hàng 0 đồng có thể tạo nên tâm lý ỷ lại trong khối ngân hàng tư nhân. Và điều này có thể tạo nên những gánh nặng mới cho Nhà nước. Trong lúc đó, theo lẽ thường, nếu đã cho ra đời ngân hàng, thì cũng có thể cho phá sản một cách công bằng theo quy luật kinh tế thị trường. Phá sản cũng là một bài học tốt cho cả ngân hàng lẫn người gửi tiền. Còn người gửi ngân hàng sẽ được phía Bảo hiểm tiền gửi chi trả các khoản thiệt hại.
Nguyễn Tuấn – Thảo Vy
(VNTB)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét