Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

ĐIẾU VĂN CỦA NHÀ VĂN DẠ NGÂN TẠI LỄ TRUY ĐIỆU NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THÂN

Chúng tôi là người như thế nào?

Điếu văn của Dạ Ngân tại Lễ truy điệu chồng, 6 giờ sáng 7/3/2017. Người đọc điếu văn là anh Đỗ Phả, bạn thân của gia đình. 

Vào một khuya tháng Chạp năm Ất Hợi 1935, một nhà văn tương lai của quốc gia ra đời. Ông nội đứa bé, vị Cử nho của vùng bán sơn địa Hương Sơn đặt tên cho đứa cháu đích tôn của mình là Thân, Nguyễn Quang Thân. Vẻ đĩnh ngộ của bé trai đầy ắp kỳ vọng của gia tộc khiến người ông có một lựa chọn nữa: khai sinh ghi ngày 15/4/1936, ngày chào đời của hoàng tử Bảo Long cho đứa cháu này. Có gì đó gần như phức tạp, phức tạp thú vị trong tính cách và số phận của nhà văn tương lai. Sau này, lỡ khi bị vợ trách anh ngang tàng, anh thanh minh mình là Con trời, là Hoàng tử, nhưng khi bình tĩnh tổng kết, anh bảo anh Ất Hợi nên không có khí chất làm quan, ất biến vi vong. Và anh nói thêm, anh may mắn, luôn luôn may mắn, may mắn suốt cả đời mình. Tôi hoài nghi, bởi khi tôi bị anh cuốn hút, thì anh đã 47 tuổi, sắp tri thiên mệnh, anh may mắn ư, luôn luôn may mắn trong bối cảnh miền Bắc xã hội chủ nghĩa đói kém bên bờ vực vậy ư? Anh cười ngất, đúng, không phải bên bờ vực mà là chúng ta đã lóp ngóp ở dưới đáy rồi, nhưng mà anh vẫn cứ may mắn! 
May mắn thứ nhất, anh có một bà mẹ để tự hào. Trước khi cho tôi gặp mẹ anh gọi là “ra mắt”, tôi thực sự ngạc nhiên về quan hệ giữa anh với mẹ. Tôi chưa thấy ai kính mẹ, trọng mẹ, yêu mẹ và tán dương mẹ như anh. Lúc nào, ở đâu, bất cứ thời điểm nào, đang chuyện mà chuyển sang hay chạm vào mẹ thì lập tức anh trở nên trang trọng, sáng bừng và mê say. Anh là con cầu tự, chuyện đó cả vùng biết. Cầu tự không phải do hiếm muộn mà vì những đứa trẻ ra đời trước đứa bé có tên Quang Thân không có số ở lại với trần thế. Một phụ nữ lấy chồng năm 16 tuổi, ba đứa con lần lượt tuột khỏi tay mình, năm anh chưa tựu hình, bà cũng chỉ mới có 27 tuổi. Ba anh là một ông giáo uy tín nhưng ôn hòa, an nhiên. Để có anh, người mẹ còn quá trẻ ấy phải đích thân chạy chọt với nhà nước bảo hộ một cái lệnh khai thác gỗ lim trong rừng già nổi tiếng nhiều hoang thú của Hương Sơn. Bà đích thân chỉ huy việc này, hơn 40 khối gỗ lim cho một cây cầu qua một đoạn sông nhỏ nhưng là phép màu cho dân cư sơ khai hai bên bờ. Dân chúng cảm ơn tự đặt tên cho phép màu ấy là Cầu Bà Tấn (Tấn là tên của chồng, ông giáo Nguyễn Quang Tấn). Ngày nay, gần một thế kỷ đã trôi qua, dù cây cầu đã bê tông hóa nhưng vẫn còn vọng trong ký ức làng quê cái tên Cầu Bà Tấn. Quả nhiên, sau đó người mẹ trẻ đã hoài thai, rồi một bé trai đĩnh ngộ ra đời, quà mừng của cả họ là 90 bộ quần áo. Nhưng nuôi anh quá khó, đúng hơn, bà mẹ như con chim sợ cả cành cong, mỗi khi anh sốt nóng, mẹ đích thân bồng bế anh suốt cả tuần liền, không nằm, không ngủ, bế đi và đứng, không trao anh cho người làm hay người nhà, cho đến khi một danh y của đất nước, cậu ruột của anh cắt được cơn sốt. Đứa bé khó nuôi phải kiêng tuyệt đối thịt gà tới năm 12 tuổi, sau này anh hay chép miệng tự trào, có lẽ vì vậy mà bao giờ món gà luộc cũng quyến rũ anh, vì anh mất cả tuổi thơ không có thịt gà! Biết bao công đức mới có đứa con này, biết bao công phu để anh thoát hiểm ở tuổi 12 và vì vậy, biết bao thương yêu cho tất cả những gì liên quan đến một con người có tên là Nguyễn Quang Thân. Mẹ anh từng tuyên bố: “Thằng Thân mà có bị cọp vồ, tao cũng sẽ đấu tay đôi với cọp đển giành lại nó!”.

Nhưng đâu chỉ có công đức, mẹ anh “hạ gục” anh bằng một trí tuệ bẩm sinh minh tuệ, bằng tấm lòng công minh không giới hạn, bằng khả năng diễn giải mọi việc một cách lưu loát và trên hết, bằng sự tri kỷ đặc biệt với con trai cả của mình. Anh có thể không rì rầm thâu đêm với vợ nhưng anh sẵn sàng chia sẻ giòn tan suốt ngày này đến chí đêm khác với mẹ của mình. Và anh kết luận: Mẹ đã làm sẵn cho anh tất cả, ơn cao đức dày, những câu chuyện có tính văn xuôi, những trang Kiều bà thuộc và những lời dạy mà anh chỉ làm đúng như thế thì không phải phấn đấu gì nữa cả. Rửa mặt cũng nhớ lời mẹ, “phải rửa mắt trước”, sống chỉ có một phương châm từ mẹ, “coi con người hơn của cải”, và, cư xử thì vô cùng nhiều những lời răn như ca dao, tục ngữ.

Được sinh ra và nuôi nấng bởi một bà mẹ như vậy thì mới chỉ là may mắn nền tảng riêng anh. May mắn thứ hai là anh còn có một quê hương tuyệt vời để ngợi ca. Còn nhớ lần đầu về quê anh bằng ô tô, khi xe bắt đầu qua cầu Linh Cảm, xe chạy song song với rặng núi Thiên Nhẫn, sông Lam rồi lát nữa sẽ là Ngàn Phố, anh ngắm quê và liên tục “thuyết trình” còn tôi thì ngắm anh. Anh bồn chồn trai trẻ tinh khôi như một gã học trò phổ thông về hè. Quá đẹp hình ảnh anh đắm đuối vào quê và cũng quá xứng đáng để anh đắm đuối. Sông xanh núi mờ, những vạt đồng xao động như tranh vẽ, những cây sao những nếp nhà đã sinh ra hàng trăm văn nhân, trong đó có hàng chục người trở thành danh nhân của đất nước tỏa tiếng thơm ra ngoài biên giới quốc gia. Đến khi chiếc xe tới một cây cầu treo đặc trưng của vùng sơn địa, tôi mới choàng biết, thảng thốt: “Anh người miền núi sao anh?”. Anh cười nghiêng ngả, cười chòng chành cả xe vì đã giấu biệt được tôi “gốc rễ” miền núi của mình, và sau đó anh trang nghiêm dần, giọng tự trào quen thuộc: “Miền núi thì đã sao, trai miền núi nguy hiểm thế nào em biết rồi đó!”.

Một con người yêu mẹ và yêu quê như thế thì có lẽ, nói như anh, người đó sẽ gặp may suốt cả đời mình. Ba Mẹ cho anh bộ gien tuyệt vời, riêng Mẹ anh, bà cho anh tư chất, tấm lòng và cả sự sắc sảo để viết văn. Và vùng hiếu học Nghệ Tĩnh cùng với khí sông khí núi Hương Sơn đã cho anh thêm nữa, rất nhiều, tất cả, chuẩn bị để anh gánh vác định mệnh một nhà văn sức vóc nằm trong bốn chữ vàng mà mấy ngày qua, bạn bè làng văn làng báo đặt cho anh: Tài hoa và Tử tế.

Anh rời quê mẹ và rời cánh đồng thung lũng khá sớm, từ khi đi trung học phổ thông. Anh thèm mẹ, nhớ hơi mẹ, muốn ăn những món mẹ nấu mỗi ngày nhưng từ trường Phan Đình Phùng về mẹ phải đi bộ. Bàn chân lãng tử tuổi thiếu niên đã khiến anh tự khám phá biết bao ngóc ngách quê và chính bản thân mình: anh đắm đuối với Ngàn Phố và tự biết bơi rồi bơi giỏi như cá, tự biết cái vũng, cái vạt đồng hay con lạch nào có nhiều cá, tự nghe ra tiếng các loại chim và nghe tiếng lòng mình với gió Lào, với hoa cỏ, với cả những phận người hẩm hiu như giun dế nữa. Kháng chiến bùng nổ, anh vào Thiếu sinh quân, anh bảo giai đoạn đó sướng nhất là được nghe Tướng Nguyễn Sơn giảng Kiều. Và chiến tranh đã cuốn anh đi xa dần, xa dần cái miền núi của mình, mang trữ lượng sống mãnh liệt ấy vào đời: viết văn, in những truyện ngắn đầu tiên, được giải thưởng văn học đầu tiên và yêu một cô gái đẹp nổi tiếng có tên một loài hoa đẹp: Hải Đường. Rồi cưới nhau, năm ấy anh 24 tuổi. Anh thường tổng kết với người vợ muộn màng là tôi, tổng kết mà như trần tình rằng: “Anh cho Hải Đường tuổi thanh tân dào dạt của anh, còn em, anh cho em tuổi trung niên đằm thắm của anh”. Tôi thường ứa nước mắt bởi cách tổng kết ấy nhưng sâu xa tôi hoài nghi về hai chữ đằm thắm. Anh vẫn hào hoa, mãnh liệt chứ có giảm gì đâu, nói rằng anh cho tôi tuổi trung niên chín chắn thì đúng hơn. Nhưng mà, ngay lập tức tôi hoài nghi chữ chín chắn này, anh đâu có chưa chín chắn khi chọn con đường văn chương gập ghềnh cùng với cuộc hôn nhân đầu cũng gập ghềnh của mình? Ba đứa con, trai đầu thì Nguyễn Quang Phương Đông trí tuệ, sức đọc và sức tự học giống anh, con trai thứ Nguyễn Quang Thanh Hiên thì dào dạt yêu thương mọi người giống hệt anh, con gái duy nhất Nguyễn Thị Thanh Tú nhiều nét mềm mại, lý trí cũng của anh nữa. Thôi thì, số cả, anh đào hoa và anh luôn muốn hoàn thiện cuộc sống của mình kể cả khi đã có ba đứa con; anh là vậy, luôn tìm kiếm, độc thoại, đối thoại và cất bước dù trong khi anh bước tiếp, lúc cắm cúi lúc cất cao đầu, bao giờ anh cũng tự tin, kiêu hãnh và lạc quan, rằng mình vẫn cứ đang là người tử tế.
Vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Thân-Dạ Ngân...
Anh và tôi, anh 47 tuổi, tôi 30 tuổi gặp nhau trên đường thiên lý văn chương. Sau khi anh cho tôi ra mắt bà mẹ phi thường của anh thì tôi tin anh hoàn toàn và chờ đợi. Chúng tôi đã nguyện là chờ đợi để các con hai bên trưởng thành hết đã. Và đúng như chúng tôi từng cùng nhau khấn nguyện đất trời, 11 năm chờ nhau, chúng tôi đã đến được với nhau khi con gái út Thanh Tú đã xong đại học, con gái Thu Uyên của tôi vào năm thứ hai đại học, duy chỉ có út Thế Vinh thì mới còn ở tuổi 17. Bắt đầu ở chúng tôi một giai đoạn gây dựng từng viên gạch cho lâu đài khiêm nhường của mình, đăng ký và tự đeo nhẫn cho nhau chứ không làm một cái đám cưới để các con khỏi tổn thương hơn, viết báo nuôi văn và nuôi hai con của tôi còn chưa trưởng thành xong, và, như mọi đôi cùng là nhà văn sống dưới một nếp nhà: chúng tôi đấu tranh với nhau để mọi thứ đồng nhất hơn, sâu sắc hơn, bao dung hơn, trên tất cả, là để hai bề con thương nhau như ruột thịt, chúng tôi chỉ cần như thế mà thôi, nếu phải gác văn chương sang bên để dành tâm sức và thời gian cho việc đó, chúng tôi cũng sẽ làm, coi là lẽ sống cuối đời của mình. May mắn sao, lại may mắn nữa đây, may mắn này mới to lớn nhất đây, các con, hai bề con năm đứa của chúng tôi đều tốt bụng, văn minh và hiểu biết. Rồi 10 đứa cháu lần lượt xuất hiện, một đội hình cháu 10 đứa như trong mơ, nhà nào cũng một trai một gái, chắc không mấy gia tộc nào hai bề con mà có mười đứa cháu như chúng tôi có.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân khi đặt cạnh nhà văn Dạ Ngân là tôi, tự nhiên khiến cho cả hai và cho mỗi chúng tôi một thương hiệu mà chúng tôi vừa sung sướng nhận lấy, vừa luôn phải dày công hơn, mãi mãi, cho xứng với tin yêu của gia tộc, mọi người, nhất là với năm đứa con mà nói cho kỳ cùng, sự chọn lựa sau này của chúng tôi cũng đã làm tổn thương chúng nó. Thuyết phục anh rời Hà Nội rất cần ở tôi sự chuẩn xác về mặt chuẩn bị và một tấm lòng với mọi phía từ anh. May mắn, lại may mắn nữa đây, anh có lọ tro cốt của người Mẹ vĩ đại ở Sài Gòn từ năm 1990 trong nhà linh chùa Thập Phương bên kia cầu Kinh Thanh Đa, đó là sức mạnh duy nhất kéo được anh vào, không phải từ tôi mà là từ Mẹ anh. Âu đó cũng là sự thu xếp kỳ diệu của số phận dành cho hoàng tử, cho con trời. Anh chỉ nói mỗi một lần: “Rời Hà Nội anh thương chú Quân hơn con gái Tú, vì Tú có mẹ nó, có cả nhà ngoại nó, có chồng và nhà chồng nó, còn Quân, gần gũi nhất chỉ có anh”. 

Anh sớm thấy yêu Thanh Đa và Sài Gòn. Con trai thứ Nguyễn Quang Thanh Hiên sống ở Hungari báo hiếu bố một căn hộ hiện đại bên bờ biển Vũng Tàu. Anh bảo anh đã có thiên đường ngay trong một buổi nếu chịu khó hai giờ ngồi xe. Anh sống vui tươi, tràn trề, khỏe mạnh biết bao nhiêu. Bắt đầu ở tôi sự bất an kỳ lạ mà chắc chỉ có “cái lũ” nhà văn mới nghĩ ra: bất an về sự viên mãn của mình. Viên mãn con và cháu, viên mãn tình thương lớn hai gia tộc dành cho, viên mãn kinh tế dù rất khiêm nhường, viên mãn trí tuệ, viên mãn viết báo viết văn, nói chung là viên mãn từ tinh thần tới vật chất. Tôi thường nói với anh “Sự viên mãn này bao lâu anh, mãi mãi thì là bao lâu, anh?”. Chúng tôi bắt đầu nhìn vào tuổi già và cái chết, một cách vừa thẳng thừng vừa lãng mạn quen thuộc của nhau. Tôi bảo “Anh nói anh sống đến trăm tuổi, lúc đó em cũng 83, chết cùng ngày được rồi, chỉ một điều ước duy nhất nữa là được chết cùng ngày để các con làm giỗ cho tiện”. Anh cười kiểu cười hào sảng và đôi chút giễu nhại: “Ừ, anh một trăm thì em cũng mới có 83 thôi, bằng anh thời điểm này, vậy thì thiệt cho em quá”. Đó là một đêm trước Tết mới đây, chúng tôi tâm sự, đùa và nghiêm túc, lúc nào cũng trộn lẫn vào nhau và dừng lại khi bỗng thấy vấn đề bắt đầu nhạy cảm quá.

Con gái Thu Uyên khóc lặng và tổng kết y như một lời than thân: “Kết thúc như vầy uổng quá mẹ ơi!”. Uổng quá, quá uổng. Chúng tôi đang ở vào độ sung mãn nhất về tất cả, gia đạo, trí tuệ, văn chương, sức khỏe. Uổng cho tất cả những người thân của chúng tôi và uổng cho thương hiệu cặp đôi vàng của làng Văn. Nhưng trời quả là không cho ai quá nhiều, chúng tôi đã được quá nhiều, trời bảo đủ rồi, đừng làm cho người đời ganh tỵ, đủ rồi!

Anh 83 tuổi, ra đi như anh tuyên ngôn “Anh sẽ khỏe mạnh cho đến chết”. Anh ra đi như một trò đùa tinh quái, như một cú chơi sốc, như một sự khiêu khích quen thuộc và tự trào của anh. Bàng hoàng hết cả. Nhưng thực sự kết thúc một cuộc đời đã sống hết cung bậc nồng nhiệt với từng ngày, mỗi ngày. Sự bất an của tôi là chính xác, trời lấy đi của anh ít nhất cũng mười năm mơ ước, nhưng trời đã phán: đủ rồi, xin thêm nữa cũng không được. Con trời và mệnh trời. Anh thanh thản, anh thương vợ thương con cháu, thương gia tộc hai bên, anh không muốn đau lâu ốm dài làm phiền ai cả. 

Anh ơi, em góa, tuổi góa không sớm nhưng quá sớm so với 35 yêu đương và 24 năm chồng vợ của chúng ta. Em sẽ là bà góa tận hiến của anh, tình yêu vĩ đại của em, người chồng hài hước của em, người đồng nghiệp trác việt của em, người đáng để em tôn thờ và phụng sự. Yên tâm anh nhé, các con và cháu sẽ vẫn nguyên vẹn như vậy trong vòng tay của em, sự tận hiến mà anh từng ca ngợi và thụ hưởng.

Cuộc đời anh, cuộc đời của chúng ta dài như tiểu thuyết. Chúng ta từng nói với nhau, “Đừng hỏi ta là ai, mà chỉ nên hỏi Chúng ta là người như thế nào, chỉ nhớ hỏi nhau câu đó là sẽ yên tâm mình đang sống đúng”. Lạy anh, em sẽ nối tiếp anh tình yêu trăn trở với Nhân loại, Đất nước, Quê hương, là thuộc tính mà nhà văn có kích cỡ phải biết và giữ lấy. Lạy anh đi trước, gặp mẹ trước nghe anh, chúng mình sẽ là hai đứa con, hai nhà văn quỳ ở bên cái ngai của mẹ, như anh mong ước. 

Lạy anh, Người Yêu Dấu của em. Lạy anh, Người Yêu Dấu của các em, anh cả của các em, niềm tự hào của toàn thể gia tộc. Lạy bố lạy ba, Người Yêu Dấu của các con, năm đứa con của bố và ba. Lạy ông, Người Yêu Dấu trẻ trung và bao la của mười đứa cháu.

Đêm 9/2 Đinh Dậu (tức 6/3 dương lịch)

Dạ Ngân

Không có nhận xét nào: