Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Công ty “sân sau” của Bộ Quốc phòng tàn phá rừng xây biệt thự trái phép tại Sơn Trà; Hãy ngừng ngay bê tông hóa Sơn Trà!

Xây 40 biệt thự tại Sơn Trà bất chấp quy định

Được cấp phép xây đường giao thông và thoát nước, nhưng khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 40 biệt thự không phép đã hoàn tất phần móng mà theo chủ đầu tư “nôn nóng” nên muốn đẩy nhanh tiến độ thi công.

Mặc dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa vẫn tiến hành xây dựng hơn 40 móng biệt thự - Ảnh: NGÔ QUANG
Mặc dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa vẫn tiến hành xây dựng hơn 40 móng biệt thự – Ảnh: NGÔ QUANG
Ngày 18-3, các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đã vào cuộc kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa tại Sơn Trà (Đà Nẵng) phải dừng thi công các biệt thự chưa được cấp phép để chờ xử lý.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án này do Công ty CP Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH một thành viên 319 Miền Trung (thuộc Công ty 319, một đơn vị quân đội của Bộ Quốc phòng).

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 40 biệt thự không phép đã hoàn tất phần móng. Trong khi đó, khu vực dự án hiện đã bị cày xới suốt thời gian qua nhưng các cơ quan chức năng vẫn… không kiểm tra và xử lý, gây bức xúc trong dư luận.

Bất chấp quy định

Trong hai ngày 17 và 18-3, chúng tôi có mặt tại khu vực dự án khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa, nơi người dân phản ảnh đã cày xới một góc bán đảo Sơn Trà. Con đường duy nhất lên dự án này đã được đơn vị thi công cho hai lớp bảo vệ chặn lại “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Rất khó để vào được hiện trường nhưng đứng từ xa rất dễ để nhìn thấy cả một cánh rừng tan hoang nham nhở giữa màu xanh của rừng và đất đá vừa bị máy móc đào lên.

Khi vào bên trong, chúng tôi nhìn thấy ngoài phần đường nội bộ được san ủi đã có rất nhiều lớp bêtông làm taluy kè bao. Khu vực này chủ yếu là cây bụi và các loại cây nhỏ nhưng đã được chặt phá để thực hiện hạ tầng giao thông và lắp đặt các đường ống thoát nước.

Rất nhiều phần móng nhà đã được đổ ximăng, dựng cột sắt thép kiên cố tại các tầng cấp. Đặc biệt, theo quan sát của chúng tôi, công trình này cũng không hề có thông báo thi công trước cổng nên từ ngoài nhìn vào hoàn toàn im ắng.

Theo giấy phép do ông Nguyễn Ngọc Tuấn, lúc đó là giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng (hiện là phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng), ký ngày 4-2-2009 cấp cho Công ty CP Biển Tiên Sa, công ty này chỉ được phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm các hạng mục đường giao thông và thoát nước.

Ngoài ra, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng yêu cầu công ty “tuyệt đối không làm ảnh hưởng và đưa bất cứ chi tiết nào của công trình sang phạm vi không gian nhà và đất các công trình kế cận (kể cả phần ngầm).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện chủ đầu tư cho biết “không muốn đưa ra một giải thích nào”, nhưng khẳng định chủ đầu tư đã báo cáo rõ toàn bộ nội dung đang thực hiện tại công trình cho các cơ quan chức năng sau buổi kiểm tra.

Khi được hỏi vì sao chỉ được cấp phép xây đường giao thông và thoát nước nhưng lại xây biệt thự, vị này nói: “Các anh cứ lên UBND quận Sơn Trà, họ sẽ trả lời cho các anh. Quan điểm và nội dung mà UBND quận Sơn Trà trả lời cũng là quan điểm của chúng tôi”.

Mặc dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng chủ đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa vẫn tiến hành xây dựng hơn 40 móng biệt thự.

Xây không phép do… nôn nóng?

Chiều 18-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Nam, phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà, cho biết các phần móng nhà đã được đổ ximăng sắt thép kiên cố đều là xây dựng không phép. Khi làm việc với các cơ quan chức năng, chủ đầu tư chỉ xuất trình được quy hoạch chi tiết 1/500.

“Khi kiểm tra hiện trường, chúng tôi phát hiện sai phạm lớn nhất là đơn vị này đã thi công một số hạng mục chưa được cấp phép, trong đó có tới 40 phần đế móng của các ngôi biệt thự đã xây dựng, chưa kể công ty cũng không treo bảng thông tin về công trình như quy định” – ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, khi làm việc với đoàn kiểm tra, chủ đầu tư đã thừa nhận sai phạm với lý do “nôn nóng” muốn đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Trả lời về những tác động môi trường đối với bán đảo Sơn Trà, nơi có voọc chà vá chân nâu (có tên trong Sách đỏ) đang sinh sống, ông Nam cho biết đơn vị này có đưa ra được thông báo của Sở TN-MT về kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với dự án.

“Việc cày xới khu vực này, chủ đầu tư cho biết đã có phương án trồng rừng thay thế, đồng thời đã tập kết một số cây xanh để tái sinh thái theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao” – ông Nam cho biết.

Ngoài việc lập biên bản đình chỉ thi công để có hình thức xử phạt hành chính đối với các hạng mục thi công trái phép, theo ông Nam, trong tuần tới chính quyền địa phương sẽ ban hành quyết định xử phạt và yêu cầu dừng thi công phần móng của các ngôi biệt thự đến khi nào có giấy phép.

“Riêng những hạng mục đường giao thông và thoát nước được cấp phép, họ cứ thi công bình thường”, ông Nam nói.

Cần xem xét trách nhiệm cơ quan quản lý

Ông Lê Bình, một người dân sống ở phường Thọ Quang (nơi đóng chân dự án Biển Tiên Sa), khá bức xúc khi hay tin có nhiều hạng mục không phép tại khu du lịch này.

“Gần một năm nay tôi thấy khu vực này rất kín kẽ, không cho ai vào. Khi dong thuyền ra biển tôi mới tá hỏa vì ở hơn 20km cũng thấy tỏ một mảng xanh của rừng bị tàn phá, mà đây là khu vực có voọc chà vá chân nâu có tên trong Sách đỏ đang sinh sống. Thế nhưng chẳng hiểu sao các cơ quan chức năng không biết, không thấy và không kiểm tra…” – ông Bình nói.

Theo ông Bình, cách đây một năm tại khu vực này cũng xảy ra vụ phá rừng làm rẫy, bị dư luận phản ứng mạnh và nay lại tiếp tục xảy ra việc xây dựng không phép nên cần phải coi lại trách nhiệm quản lý.

Hữu Khá – Trường Trung

(Tuổi Trẻ)

Hãy ngừng ngay bê tông hóa Sơn Trà!

LĐO THÙY TRANG

Hệ sinh thái động thực vật tại Sơn Trà đang ngày càng bị xâm hại nặng nề và táo tợn. Ảnh: Le Tuan.
Sau 3 ngày kể từ khi bị người dân phát hiện một phần bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị cày ủi gần như thành đồi trọc để xây dựng biệt thự, khu nghĩ dưỡng, dự án sinh thái Biển Tiên Sa đã bị đình chỉ hoạt động. Thế nhưng, với nhiều người dân Đà Nẵng và các chuyên gia môi trường, họ mong muốn chính quyền địa phương có những quyết định mạnh mẽ hơn bởi sự xâm hại vào bán đảo Sơn Trà đang ngày càng nghiêm trọng và táo tợn.
Cần đánh giá tác động môi trường
Xây trước rồi mới xin phép sau, đánh giá tác động môi trường chưa đủ nhưng vẫn ủi rừng, dựng móng cho 40 căn biệt thự là những gì đang diễn ra tại Sơn Trà khiến người dân vô cùng bức xúc. Trong khi đó, chủ đầu tư đã thừa nhận sai phạm với lý do “nôn nóng” muốn đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Chị Trang, một người dân Đà Nẵng, chia sẻ: “Bản thân tôi mong chính quyền phải dừng và dừng vĩnh viễn những dự án như trên. Bên cạnh việc sai phạm về xây dựng chưa xin phép, chưa đánh giá đúng và đủ tác động môi trường thì quan trọng hơn hết là đất Sơn Trà không thể dùng để đổ bê tông như vậy được.
Núi Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên, chúng ta phải dừng ý nghĩ về việc lấy đất Sơn Trà để làm du lịch vì không phải đơn vị nào cũng có thể làm theo cách thân thiện với môi trường. Chúng ta không thể để sự việc sai xảy ra rồi mới đi khôi phục, hồi phục, sửa sai được. Hình ảnh một vùng đồi trọc nham nhở hiện nay của Sơn Trà là một ví dụ. Không một du khách nào muốn đến với hình ảnh Sơn Trà như thế.
Hơn nữa, với những dự án lớn, siêu nghỉ dưỡng, chúng chỉ dành phục vụ cho một nhóm đối tượng có mức thu nhập cao. Trong khi đó, người dân địa phương hay đại đa số khách du lịch sẽ không tận hưởng được những tiện ích này.
Nếu chúng ta lựa chọn Sơn Trà trở thành khu du lịch cấp quốc gia dựa trên du lịch sinh thái thì phải chấp nhận rằng nó sẽ không mang lại lợi ích như một khu kinh tế. Thế nhưng, con người chúng ta đang tham lam khi mong rằng, Sơn Trà vừa có cả thiên nhiên, vừa có kinh tế. Điều này là không thể! Vậy nên, nếu muốn giữ Sơn Trà, hãy ngừng bê tông hóa nó ngay từ bây giờ".

>>>Lãnh đạo Đà Nẵng nói gì về công trình có hàng loạt sai phạm trên núi Sơn Trà

Hãy ngừng ngay bê tông hóa Sơn Trà! ảnh 1
Không một khách du lịch nào muốn nhìn thấy cảnh tượng nham nhở của núi Sơn Trà, nơi được xem là có hệ sinh thái đặc biệt của Đà Nẵng.
Tiếp tục cho xây dựng, Đà Nẵng đang hoán đổi những giá trị không bù đắp được
Trao đổi về vấn đề ảnh hưởng của những tác động của các dự án đến hệ sinh thái núi Sơn Trà, TS. Vũ Ngọc Long - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam - khẳng định: “Nên dừng tất cả những dự án tương tự như vậy ở trên núi Sơn Trà. Dù cho đó là khu vực vùng đệm thì nếu bị mất đi vùng đệm này có nghĩa vùng lõi sẽ bị tác động rất lớn.
Cá nhân tôi cho rằng, khu biệt thự trên núi Sơn Trà không nên được xây dựng vì diện tích cây xanh và rừng của Sơn Trà không nhiều lắm. Mà bán đảo Sơn Trà là vùng sinh thái rất nhạy cảm, bất kì một tác động nào cũng khiến hệ sinh thái ở đây bị mất cân bằng, bị ảnh hưởng.
Nhiều người cho rằng, số cây bị chặt hạ ít, là cây bụi, gỗ nhỏ…., tuy nhiên cần phải hiểu thực vật ở vùng ven biển có đặc điểm là như vậy, những cây ấy nhìn có thể nhỏ nhưng tuổi đời của nó có thể lên đến 70 hay 100 năm, có ý nghĩa là hệ sinh thái phòng hộ ven biển. Chúng ta chặt đi rồi bù đắp lại thì không biết bao giờ mới có thể được như cũ.
Hơn nữa, khu vực bị xâm hại hiện nay là ở phía trên cao thì khả năng giám sát về tác động môi trường là rất khó. Đặc biệt, khu vực xây dựng trái phép có loài voọc chà vá chân nâu sinh sống và Sơn Trà là nơi có mật độ loài này cao nhất hiện nay. Đà Nẵng cần nhìn nhận và nắm được thế mạnh này để có thể phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái bên trong.
Nếu chúng ta cứ xây dựng một cách ồ ạt thì Đà Nẵng nên suy nghĩ đến việc có nên hoán đổi những giá trị khó lòng bù lại được - là sinh thái. Thứ 2 là những khu resort hạng sang, đứng về mặt đầu tư, cộng đồng thu nhập thấp không vào được. Càng ngày có xu hướng đầu tư phát triển đang chỉ phục vụ cho một nhóm người, rồi đến lúc người dân sẽ không thể lên Sơn Trà được nữa vì đã bị rào che bởi các dự án.
Chúng ta đang phải khôi phục lại những khu vưc bị tác động, bị mất hệ sinh thái nghiêm trọng thì những khu vực còn cây xanh như Sơn Trà cần được giữ nguyên”.

Không có nhận xét nào: