Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Hiệp ước của Bác Hồ với viên tướng Pháp

Posted on  by The Observer

Print Friendly
Tác giả: Peter Scholl-Latour | Biên dịch: Phan Ba
Vịnh Hạ Long có một hình ảnh ma quái. Ngay sau khi màn sương tan bớt đi một ít, vô số những tảng đá vôi kỳ lạ xuất hiện trên biển màu bất động màu xanh đậm. Một cơn mưa nhỏ, lạnh, được gọi là chachin [mưa phùn], cứ rơi xuống không ngưng. Những người lính của hạm đội đổ bộ Pháp đứng rùng mình ở cạnh lan can tàu và ngay bây giờ đã nhớ nhung cái nóng nực của Sài Gòn rồi. Ngày càng có nhiều thuyền buồm hiện ra từ sương mù. Cả gia đình sống trong những gian phòng đơn sơ trên các con tàu đó. Với những cánh buồm màu nâu sậm của chúng, các chiếc thuyền lướt đi trên nước như những con dơi. Người dân Việt trên thuyền tìm cách tiếp xúc với đạo quân xâm lược xa lạ. Họ ăn mặc rách rưới và mời mua vài con tôm cá. Chắc họ phải thiếu thốn ghê gớm, vì họ lao đến những phần thức ăn thừa rơi ra từ lối lên xuống tàu, còn vớt cả những lon đồ hộp rỗng lên và gom chúng lại như những vật quý giá. Qua cái nhìn đầu tiên, những ngư dân từ Hạ Long này là một dân tộc nhỏ bé hết sức thân thiện. Họ nói ríu rít không ngưng. Và khi những người lính muốn tán tỉnh các cô gái và các cô này mỉm cười đáp trả, thì người Pháp hãi hùng nhận ra rằng răng của họ đã được nhuộm đen.
Hạm đội nằm trước thành phố cảng Hải Phòng của Bắc Việt Nam đã ba ngày rồi. Tướng Leclerc đã lên đất liền, để đàm phán với các viên chỉ huy Trung Hoa Quốc gia. Về nguyên tắc, Chính phủ Tưởng Giới Thạch ngay từ cuối tháng 2 đã đồng ý để cho người Pháp thay thế quân đội của họ ở phía Bắc của vĩ tuyến 16. Nhưng quyền hạn của viên tổng tư lệnh đối với các viên tư lệnh tỉnh Vân Nam của ông ấy, đã tràn vào Bắc Kỳ với những đám người cướp bóc của họ, dường như là có giới hạn. Đám lính hỗn loạn của Trung Hoa Quốc gia đó đã ập vào Bắc Việt Nam như một đàn châu chấu. Họ đã cướp bóc, hãm hiếp và đối xử như đang ở trong một đất nước bị họ xâm chiếm. Việc rút quân đối với họ hoàn toàn không đúng lúc.
Vào ngày thứ tư, tiếng đại bác vang rền qua phong cảnh núi đá tuyệt đẹp của vịnh Hạ Long. Viên tổng tư lệnh Pháp không còn kiên nhẫn được nữa. Một đội xung phong đã đổ bộ vào bờ biển, và chiếc tuần dương hạm “Le Triomphant” đã từ cửa sông Hồng đi lên theo hướng các bến tàu của Hải Phòng. Chiếc tuần dương hạm bị các khẩu đội pháo bờ biển nhắm bắn, nhưng với một vài loạt đạn nó đã làm câm bặt sự phản kháng. Lá cờ trắng được treo lên trên các vị trí của người Trung Quốc, và những người Pháp đổ bộ ngạc nhiên nhận ra rằng các khẩu súng của quân địch, những khẩu súng mà các người lính từ Vân Nam chẳng biết làm gì với nó, được điều khiển bởi tù binh Nhật.
Tôi quan sát những người lính Trung Hoa Quốc gia không biết mệt. So với người Việt, họ tương đối to cao. Họ mặc quân phục màu xanh da trời với xà cạp quấn dầy. Lúc hành quân, họ thích nhất là đeo giày lên vai và đi chân đất. Ngược với người Bắc Kỳ, những người tò mò chen chúc nhau quanh những kẻ mới đến và dò hỏi họ, có một bức tường tâm lý ngăn cách đứng giữa người Pháp và người Trung Quốc, cái không bao giờ được phá vỡ. Các thiên tử tuy là có xe tải mới xuất xưởng của General Motors và mỗi buổi sáng đều tập thể dục dưới tiếng hét gây kinh sợ trong các công viên của Hải Phòng, nhưng họ trông giống như một đám lính thời Trung cổ. Thương gia giàu có người Hoa ở Hải Phòng, cũng bị những người đồng hương của mình cướp bóc không kém gì người Việt, ghê tởm nhìn đám người đó và để mặc cho sự khinh thường của đạo Khổng về tất cả những gì thuộc binh lính tự do tuôn chảy ra.
Người Nhật bị bắt làm tù binh thuộc kiểu người hoàn toàn khác. Kỷ luật của quân đội này vẫn còn nguyên vẹn, và các sĩ quan ra vẻ quan trọng đi lại giữa những người dưới quyền của họ như những con mèo đực mang ủng. Sau đó, người Nhật đứng thành hàng ngàn người ở các bến tàu và lên tàu chở hàng để trở về đất nước mặt trời mọc sau chiến bại đầu tiên trong lịch sử nhiều ngàn năm của họ.
Lần đầu tiên, các nhà hành chính người Pháp và các chuyên gia Đông Á, những người quay trở lại Bắc Kỳ, mới cảm nhận rằng họ đang đứng đối diện với một thế giới đã thay đổi hoàn toàn và đối diện với những sức mạnh khổng lồ không thể kiểm soát được. Tướng Leclerc de Hautecloque nhận thức được tình hình mới sớm nhất. Trong một quyển tiểu thuyết của Hemingway, ông ấy đã bị phác họa một cách không đúng như là một người quý tộc kiêu căng. Từ năm 1940, Leclerc đã tập họp những nhóm đầu tiên của Lực lượng Pháp Tự do ở Trung Phi và trong thời gian ba năm sau đó đã cùng với họ kéo qua sa mạc của Tchad và Libya cho tới bờ biển Địa Trung Hải, và Tướng Eisenhower đã có đủ lịch sự để cho đơn vị Pháp này là nhóm quân đầu tiên của phe Đồng Minh tiến quân vào Paris. Leclerc đã cảm ơn ông ấy một cách không tốt, vì chống lại mệnh lệnh dứt khoát của viên Tổng Tư lệnh Đồng Minh, trong mùa Đông 1944/45 ông ấy đã tiến quân qua vùng núi Vosges vào đồng bằng sông Rhein về đến thành phố Strasbourg, thể theo một lời thề mà ông ấy đã thề dưới những cây dừa của ốc đảo Kufra, và đã kéo lá cờ Tricolore lên trên nhà thờ ở đó. Người đàn ông gầy và bướng bỉnh này, người mà không bao giờ rời cây gậy của mình, đã gặp một đồng lõa khác biệt ở Bắc Việt Nam, gặp nhà cách mạng Hồ Chí Minh.
Có ít người Pháp, những người ở Đông Dương lúc bấy giờ, là hiểu được ý nghĩa sâu xa của các tiếp xúc bí mật giữa Leclerc và “Bác Hồ”, như ông được những người đi theo ông gọi, ông Đô đốc Thierry d’Argenlieu đó lại càng không, người nhận nhiệm vụ từ de Gaulles, được trao toàn quyền về hành chính, đến Viễn Đông như là cao ủy Pháp. Trước chiến tranh, d’Argenlieu, cũng là một người theo de Gaulle từ giờ phút đầu tiên, là tu viện trưởng của một tu viện dòng Cát Minh. Ở Đông Dương, ông ấy cư xử như một hiệp sĩ Thập Tự Chinh đến muộn, chống lại mọi thỏa hiệp với kẻ thù của Pháp và bị báo chí cánh tả ở Paris gọi là “nhà tu khát máu”.
Nhà dân tộc chủ nghĩa Hồ Chí Minh đã hiểu theo bản năng, rằng việc người Trung Quốc ở lại Bắc Kỳ sẽ gây tai hại cho nền độc lập của Việt Nam nhiều hơn là một thỏa thuận tạm thời với người Pháp. Cuối cùng thì sự thống trị của thực dân Pháp chỉ kéo dài gần một thế kỷ, nhưng từ hai ngàn năm nay dân tộc Việt Nam đã phải chống lại sự lệ thuộc hóa và chống lại sự đồng hóa hoàn toàn bởi Trung Quốc. Thêm vào đó là các cân nhắc chính trị hiện thời. Phát hiện ra một chính phủ Mácxít dưới sự lãnh đạo của mặt trận tập hợp dân tộc Việt Minh, người Trung Quốc Quốc Dân Đảng nghi ngờ Hồ Chí Minh, người đứng trong cùng một tư tưởng hệ như kẻ thù không đội trời chung Mao Trạch Đông của họ. Cả trong Đông Dương cũng có những người dân tộc chủ nghĩa trung lưu, hướng theo ví dụ Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch. Năm 1931, họ đã tạo một cuộc khởi nghĩa chống lại người Pháp, cái bị cơ quan thuộc địa nhận chìm trong máu. Vào thời đó, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng nhờ vào sự giúp đỡ của người Mácxít Pháp mà thành lập được một vài chi bộ. Thời điểm của Hồ chỉ đến khi những thăng trầm của Đệ nhị thế chiến giao lại cơ hội to lớn cho nhóm du kích quân được tổ chức hơn hẳn của ông. Đi theo sau Quốc Dân Đảng, những người dân tộc chủ nghĩa trung lưu của phong trào “Việt Nam Quốc Dân Đảng” hay VNQDĐ đã trở về Hà Nội, và người Trung Quốc đã bắt buộc Hồ Chí Minh phải nhận những kẻ thù giai cấp đó vào trong chính phủ của ông, những người mà ông hết sức căm thù. Trong mùa Đông 1945/46, giữa Việt Minh và VNQDĐ ngày càng có xung đột dữ dội hơn, tới mức việc nhanh chóng thay thế người Trung Quốc bởi người Pháp đã trở thành một câu hỏi sống còn cho Hồ Chí Minh.
Tướng Leclerc về phần mình nhìn nhà Mácxít Hồ Chí Minh như là một đồng minh có thể. Thuộc địa Pháp từ sau cuộc bại trận năm 1940 thế nào đi chăng nữa thì cũng thuộc về quá khứ và cần phải được thay thế bằng những mối liên kết mới, tự do, giữa nước mẹ và những lãnh thổ hải ngoại của nó. Hồ Chí Minh đã đề nghị là nước Cộng hòa Việt Nam sẽ ở lại trong một liên minh quốc gia với Pháp. Ông muốn tạm thời chuyển các chủ quyền cơ bản trên lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng và chính sách tiền tệ về cho Paris. Một thỏa thuận kỳ lạ đã diễn ra vào thời điểm đó: việc người Pháp đổ bộ vào phía Bắc của vĩ tuyến 16 đã cứu những người cộng sản Bắc Kỳ ra khỏi gọng kìm của Quốc Dân Đảng và VNQDĐ; về chính sách đối nội, Đệ tứ Cộng hòa Pháp, cái cũng vừa mới được xác nhận qua một cuộc trưng cần dân ý, giao cho Việt Minh toàn quyền ở Bắc Việt Nam. Bù vào đó cho người Pháp, lính Tưởng Giới Thạch sẽ rút quân và Đông Dương sẽ ở lại trong một liên minh hải ngoại Pháp, cái trong văn bản hiến pháp mới có tên là Union Française.
Cả hai bên hẳn biết rằng mình đã thỏa thuận với quỷ. Trong quân đội Pháp, người ta không thật sự muốn phi thuộc địa hóa, và phần lớn các sĩ quan bảo thủ đều ghét cay ghét đắng các chính ủy Việt Minh đỏ. Sau khi những người Trung Quốc mang đầy chiến lợi phẩm cuối cùng rồi cũng hành quân trở về Trung Quốc qua biên giới ở Quảng Tây và Vân Nam, các ủy ban cách mạng của Việt Minh đầu tiên là dẹp sạch những đối thủ thuộc giới trung lưu của họ và đã thảm sát các thành viên lãnh đạo của VNQDĐ trong thành phố Yên Bái nhỏ bé. Người Pháp bất động đứng nhìn các lực lượng chống cộng sản này, các lực lượng mà họ sẽ cay đắng cảm thấy thiếu trong những năm sau đó, bị thủ tiêu như thế nào. Sau khi những người Trung Quốc phiền toái đã rút lui và sau cuộc thảm sát ở Yên Bái, các đại tá của đạo quân viễn chinh trong thâm tâm rất nôn nóng, muốn bóp cổ Việt Minh càng sớm càng tốt và dùng bạo lực vũ khí để tái thành lập pax franca ở Viễn Đông.
Về phần mình, người Việt chẳng hề che dấu những ý định thật sự của họ. Chữ “Độc Lập” kỳ diệu được viết bằng mực đỏ và bằng những chữ cái khổng lồ trên mỗi một bức tường, trên nhựa đường của mỗi một con đường. “Độc Lập” có nghĩa là “độc lập” và chỉ có một kẻ ngu đần mới có thể cho rằng các nhà dân tộc chủ nghĩa cuồng tín có niềm tin Mácxít này sẽ từ bỏ hoàn toàn chủ quyền toàn vẹn, rằng sẽ có lần họ chịu xếp mình đứng dưới Paris trong bất cứ một hình thức nào. Với cùng một sự dứt khoát đó, khẩu hiệu trên những bức tường khác cũng yêu cầu sự thống nhất của “Ba Kỳ”, của ba phần đất Việt Nam: Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Các nhà cách mạng của Việt Minh biết rằng giới tài chính Pháp có nhiều ảnh hưởng ở xung quanh Banque de l’Indochine trong trường hợp khẩn cấp thì cũng sẵn sàng phó mặc vùng đồng bằng sông Hồng quá đông dân với lượng người đang đói khổ cho số phận của nó, cũng như bỏ vùng đồi núi không mến khách của Trung Kỳ. Nhưng họ cũng biết rằng những nhóm có nhiều ảnh hưởng này sẽ không từ bỏ sở hữu của họ ở Nam Kỳ, từ bỏ đồng bằng ruộng lúa ở cạnh sông Cửu Long, những đồn điền cao su mang lại nhiều lợi nhuận của miền Nam và muốn tạo từ vùng đất này một nước cộng hòa riêng với sự khoan hồng của Pháp.
Trong những tuần đó, Hải Phòng có một quang cảnh kỳ lạ. Bây giờ bay phất phới bên cạnh Tricolore là lá cờ đỏ với ngôi sao vàng đã được chính thức hóa của Việt Minh. Cộng hòa Việt Nam trẻ tuổi có quân đội riêng, mặc quân phục màu nâu rỉ sắt. Những người lính đội nón cối màu xanh thêm vào đó. Vũ khí của họ phần lớn có nguồn gốc từ các kho vũ khí của Nhật. Cùng với bộ binh thuộc địa Pháp, những người đàn ông nhỏ bé này của Bác Hồ được gửi đi trong các đội tuần tra hỗn hợp. Trong thực tế, các đối tác tình cờ này đứng đối diện với nhau như chó với mèo. Các bộ tham mưu Pháp xem đó là một sự sỉ nhục, khi họ phải thương lượng bình đẳng với những kẻ bắn lén đó, mà người dẫn đầu về quân sự của họ, một Võ Nguyên Giáp nào đó, đã có được các kiến thức chiến lược của mình nhờ là thầy giáo dạy Sử. Sự thật, rằng Giáp là một người hâm mộ tướng Bonaparte, chỉ mang lại cho ông ấy một nụ cười thương hại.
Mùa mưa lạnh lẽo chấm dứt một cách đột ngột. Trong vòng một tuần, Bắc Kỳ biến đổi trở thành một cái lò nóng rực. Những dãy đồi núi lởm chởm đầu tiên bây giờ gần như có thể với tới được. Ai cũng cảm nhận được rằng Bắc Việt Nam sẽ là một chiến trường khó nhọc. Hải Phòng – ngoại trừ hai quảng trường có thể mang lại danh dự cho một tỉnh lỵ nhỏ của Pháp – là một thị trấn xấu xí. Thế nhưng trong tháng Xuân này, hoa phượng vĩ và hoa phượng tím nở rộ rực rỡ trong màu đỏ như lửa và màu tím.
Thời đó tôi được phân cho ở cạnh một con kênh đào, trong một vùng tương đối buồn tẻ, nơi những khu phố ngoại ô xấu xí của Hải Phòng chuyển sang cái rộng lớn đơn điệu của những cánh đồng lúa. Đêm nào cũng có những bài hát chiến đấu cách mạng vang lên trong những làng ở gần đó. Chúng tôi dùng ống nhòm quan sát dân quân Việt Minh diễn tập, những người do thiếu súng ống mà thường phải cầm cây tre. Khi có các xác chết không toàn thây của ba công binh Pháp trôi dạt trên con kênh đào tìm đường ra biển vào một buổi sáng sớm, chúng tôi biết rằng sẽ không còn lại được bao nhiêu ngày của sự yên lặng dối trá này. Một tuần sau đó, tôi lại được gọi về Sài Gòn và xuống chiếc tàu tuần dương “Tourville” trong vịnh Hạ Long. Trong mặt trời đỏ về chiều, một phong cảnh đẹp đến ngạt thở phô bày ra cho tôi. Từ những làn nước yên lặng trong vịnh, lấp lánh như vàng nguyên chất trong ánh sáng muộn, những tảng núi đá vôi đen đứng sừng sững như những tấm bia mộ thời hoang sơ. Các chiếc thuyền buồm đi thành những vòng cung rộng lớn và chuyển động trước ngôi tinh tú đang chìm xuống như những con côn trùng quay vòng quanh một ngọn lửa.
Phan Ba trích dịch từ “Der Tod im Reisfeld – Dreißig Jahre Krieg in Indochina” [“Cái chết trên ruộng lúa – Ba mươi năm chiến tranh ở Đông Dương”]
Peter Scholl-Latour sinh năm 1924 ở Bochum, Đức. Năm 1945/46 ông phục vụ trong Commando Parachutiste Ponchardie, một đơn vị nhảy dù của Pháp, đã tham chiến ở Đông Dương. Sau đó, ông học đại học và kết thúc với bằng tiến sĩ tại các trường Đại học Sorbonne ở Paris và Université Saint-Joseph tại Beirut. Ông là người thành lập (năm 1963) và là giám đốc studio ở Paris của đài truyền hình nhà nước Đức ARD (cho tới 1969), sau đó là sếp thông tín viên của đài truyền hình nhà nước Đức ZDF (cho tới 1983). Từ Paris, Scholl-Latour thường xuyên sang Việt Nam dưới tư cách là thông tín viên đặc biệt, từng bị Việt Cộng bắt tạm giam một tuần năm 1973. Ông sang Việt Nam thêm một lần nữa vào năm 1976, sang Campuchia năm 1980, Trung Quốc và Afghanistan năm 1981. Bắt đầu từ  năm 1983, ông chuyển sang hoạt động trong giới truyền thông in và từ 1988 là tác giả tự do. 
Hình: Tướng Leclerc với Võ Nguyên Giáp tại Đài kỷ niệm Chiến sĩ trận vong tại Hanoi năm 1946 (vườn hoa Canh Nông, nơi đặt tượng Lê Nin ngày nay).
Nguồn: Blog Phan Ba
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2017/03/05/hiep-uoc-cua-bac-ho-voi-vien-tuong-phap/#sthash.JOI4hspU.dpuf

Không có nhận xét nào: