Tổng thống Trump lại mới có phát ngôn gây khó khăn cho Ngoại trưởng Rex Tillerson trong việc thực thi nhiệm vụ ở Bắc Kinh.
Tổng thống "làm khó" Ngoại trưởng
Đúng lúc ông Rex Tillerson sắp đặt chân đến Bắc Kinh (ngày 18/3) để sắp xếp cuộc gặp giữa các lãnh đạo cấp cao Mỹ và Trung Quốc nhằm giải quyết các căng thẳng và bất ổn trong quan hệ hai nước thời gian qua, thì Tổng thống Donald Trump lại có phát ngôn gây khó cho công việc của Ngoại trưởng Mỹ.
Trong phát ngôn mới nhất của mình trên Twitter ngày 17/3, Tổng thống Trump viết:
"Triều Tiên đang hành xử rất tệ. Họ đã "chơi" Mỹ trong suốt nhiều năm qua. Trung Quốc chẳng giúp ích được bao nhiêu [trong vấn đề Triều Tiên]!"
Phát ngôn này của ông Trump nhiều khả năng sẽ làm Bắc Kinh giận dữ và căng thẳng.
Theo lịch trình, ông Tillerson có chuyến công du 2 ngày tới Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 18/3 và sẽ có các cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình.
Có thể ông Tillerson sẽ kêu gọi Trung Quốc gia tăng áp lực đối với Triều Tiên, nhưng nhiệm vụ chính của chuyến đi Trung Quốc lần này của ông Tillerson là sắp xếp tốt đẹp chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình vào tháng Tư tới.
Theo đó, ông Trump sẽ tiếp ông Tập tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình tại Florida vào ngày 6-7/4. Đó là một cuộc gặp thân mật "không cà vạt" - giống như lần ông Obama tiếp đón ông Tập ở khu nghỉ dưỡng Sunnylands năm 2013.
Theo các nhà phân tích, phát ngôn trên Twitter của Tổng thống Trump có thể gây ra khả năng hiểu nhầm và làm hỏng cả chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình.
Khoảng khắc thay đổi cuộc chơi
Paul Haenle, Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia thời cựu tổng thống George W. Bush và Barack Obama và hiện tại là Giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh nói: "Cách xử lý vấn đề thiếu cẩn trọng của ông ấy [Trump] có thể khiến Trung Quốc cũng như cá nhân ông Tập Cận Bình cảm thấy bị xúc phạm."
"Điều quan trọng đối với người Trung Quốc là họ thấy rằng lãnh đạo của họ được đối xử một cách tôn trọng. Nếu ông Tập đến Mar-a-Lago và sau sự việc nào đó có vẻ thiếu tôn trọng xảy ra, thì đó sẽ là việc cực kỳ tồi tệ đối với phía Trung Quốc", Haenle nói.
Theo Haenle, tuy cuộc gặp Trump-Tập tới đây chưa được thông báo một cách chính thức, nhưng phía Trung Quốc đã coi đó là một cơ hội để vượt qua những tiếng nói chống Trung Quốc mạnh mẽ nhất trong chính quyền Trump.
Còn đối với Trump, Haenle cho rằng, bằng cách đưa ông Tập "lên sân cỏ" ở Mar-a-Lago, rất có thể Trump sẽ khởi động một thỏa thuận mới với Trung Quốc. "Trong đó Triều Tiên sẽ là vấn đề đứng đầu trong danh sách, và tái cân bằng mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung cũng là một vấn đề rất lớn."
Chuyên gia Haenle cũng hy vọng ông Tập cũng sẽ có những "cử chỉ" như đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc tiếp cận thị trường, mà sau đó khiến Trump có thể viết trên Twitter rằng "Tập Cận Bình đã đến và tôi đạt được điều X!"
Tuy vậy, Haenle cũng nghi ngờ khả năng Trung Quốc sẽ gây sức ép lớn hơn đối với Triều Tiên, vì mới đây Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc đã miêu tả mối quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng gần gũi "như răng với môi".
"Mỹ và Trung Quốc đang ở trong những giai đoạn khác nhau [trong mối quan hệ với Triều Tiên]ư, ít nhất là về mặt phát ngôn mà chúng ta đang được nghe", Haenle nói.
Theo nhận định của một chuyên gia khác, ông Orville Schell – lãnh đạo trung tâm về quan hệ Mỹ-Trung của tổ chức Asia Society tại New York, cuộc gặp Trump-Tập sắp tới là một "khoảnh khắc thay đổi cuộc chơi" và có thể sẽ xuất hiện "những đột phá lớn" trong vấn đề Triều Tiên.
Tại cuộc gặp, Trump có thể đưa ra những quan điểm mà ông chưa công khai thể hiện ra công chúng. Đó là kỹ năng đàm phán của cá nhân Tổng thống. Tuy nhiên, hoặc là cuộc gặp sẽ rất thành công với các thỏa thuận đáng ngạc nhiên được công bố, hoặc là nó có thể hoàn toàn thất bại – khi đó mọi thứ sẽ khá tệ"
Trước khi tới Bắc Kinh, vào ngày 17/3, tại Seoul, Ngoại trưởng Tillerson đã cảnh báo rằng việc Mỹ tấn công quân sự Triều Tiên là một lựa chọn, và rằng "sự kiên nhẫn chiến lược" Washington dành cho Bình Nhưỡng đã hết.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét