Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Mỹ - Trung đạt được "cái gì đó" sau khi ông Tillerson gặp ông Tập Cận Bình; Bình luận về phát biểu của Tổng thống Duterte: không thể ngăn được Trung Quốc; Toan tính của Mỹ và Trung Quốc trên 'bàn cờ' Triều Tiên




HỒNG THỦY

(GDVN) - Sự thay đổi trong những phát biểu của ông Rex Tillerson về Biển Đông và bán đảo Triều Tiên không khác gì sự thay đổi của ông Donald Trump trong vấn đề Đài Loan

Hãng thông tấn Reuters ngày 19/3 đưa tin, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc với những lời ấm áp từ Chủ tịch Tập Cận Bình sau 30 phút hội kiến.
Những lời "ấm áp"
Trong cuộc họp trước các phóng viên tại Đại lễ đường Nhân Dân, cả ông Tập Cận Bình lẫn ông Rex Tillerson đều không công khai nhắc đến những bất đồng trong quan hệ song phương, từ thương mại đến Triều Tiên, từ Biển Đông đến Đài Loan.
Ngược lại, trước ống kính truyền thông, ông Tập Cận Bình ca ngợi ông Rex Tillerson đã có rất nhiều nỗ lực để đạt được một "sự chuyển đổi trơn tru" trong kỷ nguyên mới của quan hệ Trung - Mỹ. Ông Bình nói:
"Ngài nói rằng quan hệ Trung - Mỹ chỉ có thể thân thiện. Tôi đánh giá cao điều này.
Cả tôi và Tổng thống Donald Trump đều tin rằng, hợp tác Trung - Mỹ từ nay về sau là hướng mà chúng ta đều phấn đấu.
Chúng ta đều mong chờ một kỷ nguyên mới cho sự phát triển mang tính xây dựng.
Các lợi ích chung của Trung Quốc với Hoa Kỳ vượt xa sự khác biệt. Hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn với cả hai chúng ta".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Đại lễ đường Nhân Dân, ảnh: SCMP.
Ngoại trưởng Rex Tillerson đáp từ rằng, Tổng thống Donald Trump mong muốn tăng cường sự hiểu biết về  Trung Quốc và các cơ hội cho một chuyến thăm trong tương lai.
Ông Trump đánh giá rất cao những hoạt động trao đổi, liên lạc với ông Tập Cận Bình.
Reuters bình luận: Trung Quốc và Hoa Kỳ dường như đã đạt được một số tiến bộ, hoặc đã đặt sang một bên những khác biệt về các vấn đề nhạy cảm, ít nhất là trước hội nghị thượng đỉnh Donald Trump - Tập Cận Bình đang được dự kiến diễn ra vào tháng Tư này.
Cả Ngoại trưởng nước chủ nhà Vương Nghị lẫn khách quý Rex Tillerson đều thể hiện một "giai điệu hòa giải" hơn trong cuộc họp giữa họ, ít nhất là trước ống kính truyền thông. [1]
South China Morning Post, Hồng Kông ngày 19/3 cho biết, chuyến công du đầu tiên của ông Rex Tillerson đến 3 nước Đông Á có 2 nhiệm vụ quan trọng.
Một là trấn an 2 nước đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc về các hoạt động thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Hai là ở Bắc Kinh, ông tiếp tục công việc thiết lập một cách làm việc mới giữa Nhà Trắng với Trung Nam Hải.
Tờ báo Hồng Kông mô tả: Rex Tillerson đã "nhíu mày" từ chối một "tập đoàn báo chí" đi theo ông trong chuyến công du này. Thay vào đó chỉ có một phóng viên duy nhất từ một ấn phẩm thuận lợi cho việc quản lý thông tin được đi theo. [2]
Trung - Mỹ đều đã đạt được "cái gì đó"
Hiện tại, các nhà quan sát Hoa Kỳ, các chuyên gia Trung Quốc chưa có thêm thông tin nào khác ngoài một vài bình luận về màn trình diễn công khai giữa Ngoại trưởng Rex Tillerson với Chủ tịch Tập Cận Bình trước truyền thông mà Reuters đã phản ánh.
Người viết cho rằng, sự ấm áp này không phản ánh hết 30 phút trao đổi giữa ông Tillerson với ông Tập Cận Bình, cũng như trong các cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ với Thủ tướng Lý Khắc Cường, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị.

Brexit có thể kích Trung Quốc đẩy mạnh độc chiếm Biển Đông

Theo cách nói úp mở của Thư ký báo chí Nhà Trắng về chuyến công du Hoa Kỳ của ông Dương Khiết Trì trước đó thì, Donald Trump là người phải được "một cái gì đó" trong bất kỳ thương vụ / hoạt động nào.
Bởi vậy chuyến đi của ông Rex Tillerson cũng không ngoại lệ.
Cũng chính Ngoại trưởng Tillerson trước khi đến Trung Nam Hải, đã hai lần công khai tuyên bố tại Nhật Bản và Hàn Quốc, rằng chính sách kiên nhẫn chiến lược của Mỹ trong vấn đề bán đảo Triều Tiên đã kết thúc.
Mọi lựa chọn đã được đặt trên bàn, và ông không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực phủ đầu Bình Nhưỡng, nếu CHDCND Triều Tiên tiếp tục có hành động "khiêu khích vượt giới hạn".
Đúng ngày ông Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA tuyên bố, Bình Nhưỡng vừa thử nghiệm thành công động cơ tên lửa xuyên lục địa, có thể mang đầu đạn hạt nhân bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. [3]
Kết quả chuyến công du Bắc Kinh của Ngoại trưởng Rex Tillerson không được công bố, nhưng từ các ngôn ngữ nồng ấm giữa Nhà Trắng với Trung Nam Hải, dù chỉ là trên bình diện ngoại giao cũng nói lên nhiều điều.
Thứ nhất, đó là minh chứng rõ ràng nhất về chiến lược đàm phán của chính quyền Donald Trump: làm giá trước, đàm phán sau.
Sự thay đổi trong những phát biểu của ông Rex Tillerson về Biển Đông và bán đảo Triều Tiên không khác gì sự thay đổi của ông Donald Trump trong vấn đề Đài Loan hay nguyên tắc "một nước Trung Quốc".
Thứ hai, để chính quyền Trump hạ giọng, vui vẻ, hay nói cách khác là thay đổi 180 độ trong những phát biểu và thông điệp công khai liên quan đến những vấn đề nhạy cảm, Bắc Kinh phải có "một cái gì đó" làm quà, và "cái gì đó" ấy phải đủ sức nặng.

Khả năng Mỹ thực hiện hành động quân sự phủ đầu Triều Tiên

Điều này cho thấy cả Tòa Bạch Ốc lẫn Trung Nam Hải đều có những "lái buôn" rất cao tay, họ biết cách mặc cả và thỏa thuận các lợi ích chiến lược.
Thứ ba, người viết cho rằng Hàn Quốc, Nhật Bản và các đồng minh, đối tác của Hoa Kỳ tại châu Á - Thái Bình Dương có lẽ cũng sẽ được Washington thông báo lại ít nhiều nội dung chuyến thăm Trung Quốc của ông Rex Tillerson.
Tuy nhiên nếu có, thì những nội dung ấy cũng chỉ nhằm mục đích trấn an.
Thực chất những thỏa thuận giữa Tòa Bạch Ốc với Trung Nam Hải, có lẽ phải cần thêm thời gian và quan sát hành động, ứng xử của cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, mới có thể nhận định cụ thể.
Thứ tư, cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên hay những căng thẳng leo thang trên Biển Đông đích thị đều nằm trên bàn cờ chiến lược Trung - Mỹ.
Đây là cuộc chơi của hai siêu cường, và không thể loại trừ khả năng lợi ích của các nước nhỏ có liên quan sẽ trở thành những món hàng trao đổi của các nước lớn.
Xu hướng diễn biến Biển Đông thời gian tới
Biển Đông có thể tiếp tục diễn biến phức tạp sau hội nghị thượng đỉnh Donald Trump - Tập Cận Bình dự kiến vào tháng Tư này.
Không phải ngẫu nhiên thời điểm ông Tillerson công du Đông Á, Trung Quốc công khai loan báo sẽ xây dựng trạm quan trắc tại Scarborough và tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng bất hợp pháp trên 5 cấu trúc ở Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).
Và để "chống sốc" cho Manila, Bắc Kinh đã phái tân Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn đi Philippines hứa hẹn, ký kết một số giao dịch. 
Một tuần sau Phó Thủ tướng Uông Dương đi Manila, mang theo các cam kết hợp tác, đầu tư tổng trị giá 6 tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng, đường sắt và thủy điện.
Ông cũng cam kết Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường cho nông sản Philippines. [4]
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: AP.
Sau tất cả những động thái này, ngày 19/3 AP dẫn lời ông chủ Điện Manacanang tuyên bố hôm Chủ nhật:
"Chúng ta (Philippines) không thể ngăn chặn Trung Quốc làm những gì họ muốn. Người Mỹ còn chẳng ngăn được họ.
Thưa các ngài, tôi có thể làm được những gì? 
Tiến hành một cuộc chiến tranh chống Trung Quốc? Tôi có thể, nhưng toàn bộ quân đội và cảnh sát của chúng ta sẽ biến mất trong ngày mai, và đất nước chúng ta sẽ bị phá hủy". [5]
Như vậy có thể thấy rằng, ít nhất có 2 khả năng có thể xảy ra trên Biển Đông thời gian tới.
Một là, "giới hạn đỏ" mà chính quyền Barack Obama vạch ra cho Trung Nam Hải sau khi có Phán quyết Trọng tài ngày 12/7 là không được quân sự hóa Scarborough có thể đã bị Bắc Kinh dẫm lên.
Hai là, rất có thể Trung Quốc, Hoa Kỳ và Philippines đã ngầm trao đổi (tay đôi hoặc tay ba) về một khả năng hợp tác nào đó ở bãi cạn Scarborough mà không ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền của mỗi bên, trong lúc chờ giải pháp cuối cùng.
Nhưng cho dù là khả năng nào đi chăng nữa, thì rõ ràng đó là một bước tiến mới của Trung Quốc trong chiến lược độc chiếm Biển Đông thành ao nhà.
Nó diễn ra khi công khai, lúc âm thầm, khi leo thang trắng trợn, lúc "uyển chuyển" núp bóng các hoạt động ngụy trang và rất khó đối phó, bởi vì Trung Nam Hải thường kết hợp với các thủ đoạn hợp tác kinh tế, đàm phán chiến lược với Nhà Trắng...
Bởi vậy, các bên liên quan ở Biển Đông cần tiếp tục quan sát chặt chẽ mọi diễn biến, đặc biệt là các tương tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ để có thể đưa ra đối sách phù hợp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Tài liệu tham khảo:
[5]http://www.japantimes.co.jp/news/2017/03/19/asia-pacific/duterte-says-philippines-cant-stop-chinese-moves-disputed-south-china-sea/#.WM87BdJ97cd



Bình luận về phát biểu của Tổng thống Duterte: không thể ngăn được Trung Quốc

HỒNG THỦY

(GDVN) - Mặc dù Philippines yếu hơn Trung Quốc về quân sự, nhưng theo ông, Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ hiến định của mình.

CNN ngày 20/3 đưa tin, xung quanh phát biểu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về việc ông không thể ngăn Trung Quốc "làm điều họ muốn" trên Biển Đông, Thẩm phán - Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio đã có những bình luận nóng đáng chú ý.
Thẩm phán Antonio Carpio tin rằng, bất kỳ phát biểu nào từ ông chủ Điện Manacanang rằng Philippines không thể ngăn chặn Trung Quốc xây dựng ở bãi cạn Scarborough, thực sự đều khuyến khích Bắc Kinh xây dựng ở Scarborough.
Tổng thống Cộng hòa Philippines là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, có nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước, theo quy định của Hiến pháp.
Theo Đạo luật Cộng hòa 9522, Scarborough là một phần lãnh thổ Philippines, Thẩm phán Antonio Carpio khẳng định.
Thẩm phán Antonio Carpio, Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines, ảnh: CNN.
Mặc dù Philippines yếu hơn Trung Quốc về quân sự, nhưng theo ông, Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ hiến định của mình bằng bất kỳ, một số hoặc tất cả các giải pháp sau:
1. Có tuyên bố phản đối chính thức một cách mạnh mẽ, chống lại các hoạt động xây dựng Trung Quốc tiến hành ở Scarborough.
Thẩm phán Antonio Carpio nói, đây là điều tốt nhất Tổng thống Rodrigo Duterte nên làm.
Ông lưu ý, đây cũng chính là những gì Việt Nam đã làm khi Trung Quốc đưa tàu du lịch bất hợp pháp đến quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).
2. Điều động hải quân Philippines tuần tra Scarborough.
Thẩm phán Antonio Carpio giải thích, nếu Trung Quốc tấn công tàu hải quân Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte có thể kêu gọi Mỹ thực hiện Hiệp ước An ninh, trong đó Mỹ sẽ can thiệp nếu có bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào tàu hải quân Philippines hoạt động ở Biển Đông.
3. Yêu cầu Hoa Kỳ tuyên bố rằng, bãi cạn Scarborough là một phần lãnh thổ của Philippines ngay cả khi quốc gia này còn là thuộc địa của Hoa Kỳ.
Đồng thời Scarborough cũng nằm trong phạm vi hiệu lực của Hiệp ước An ninh Mỹ - Philippines, giống như những gì Washington cam kết với Nhật Bản đối với nhóm đảo Senkaku.
4. Chấp nhận yêu cầu của Hoa Kỳ về việc tuần tra hải quân chung ở Biển Đông, trong đó bao gồm cả bãi cạn Scarborough.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: AP.
Điều này sẽ chứng tỏ quyết tâm chung của Manila và Washington cùng nỗ lực ngăn cản Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn này.
5. Tránh bất kỳ hành động, tuyên bố rõ ràng hay ngụ ý nào có thể dẫn đến cách hiểu Philippines từ bỏ chủ quyền hay bất kỳ yêu sách nào ở Biển Đông.
Một vài nhận xét 
Cá nhân người viết cho rằng, về mặt cảm xúc những phát biểu của Tổng thống Rodrigo Duterte có thể khiến không ít quan điểm trong dư luận tin rằng ông "đầu hàng" Trung Quốc.
Tuy nhiên, những giải pháp Thẩm phán Antonio Carpio đề xuất tính khả thi của nó đến đâu cũng là câu chuyện cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi lẽ, năm 2014 Mỹ cũng không làm gì để ngăn Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này.
Trong khi hiện nay, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vừa có chuyến công du Trung Quốc. Nhà Trắng và Trung Nam Hải đã đã bàn bạc, thỏa thuận những gì về Biển Đông chưa ai biết được.
Những tuyên bố mạnh mẽ của ông Rex Tillerson hay ngay cả Tổng thống Donald Trump về Biển Đông mới chỉ là những chiến thuật "làm giá" của họ trong đàm phán với Bắc Kinh.

Mỹ - Trung đạt được "cái gì đó" sau khi ông Tillerson gặp ông Tập Cận Bình

Thực tế lựa chọn và hành động của Mỹ trên Biển Đông như thế nào, cần có thời gian nghiên cứu thêm.
Đến thời điểm hiện tại, các bên liên quan ở Biển Đông đều đang tìm hiểu và nóng lòng muốn biết quan điểm, chiến lược thực sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ như thế nào, nhưng chưa ai dám chắc.
Cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc, Hoa Kỳ và Philippines có thể ngầm đạt được một thỏa thuận nào đó về việc hợp tác tạm thời trên bãi cạn Scarborough mà không ảnh hưởng đến yêu sách mỗi bên trong lúc chờ giải pháp cuối cùng.
Bởi vậy cho dù Tổng thống Philippines đang áp dụng đối sách nào với Bắc Kinh và Washington, thì người viết vẫn tin rằng Điện Manacanang đều phải nghiên cứu, nắm chắc và dựa trên cơ sở Phán quyết Trọng tài để có những bảo lưu cần thiết.
Đồng thời cũng xin được lưu ý, nguồn vốn và các hoạt động hợp tác đầu tư từ Trung Quốc luôn luôn chứa đựng rủi ro gắn liền với quan hệ chính trị song phương, nhất là tình hình Biển Đông. 
Philippines cần rút ra bài học từ chính cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012, cũng như những gì doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp phải trong làm ăn với Trung Quốc để tính cho mình đường lùi.
Tự lực cánh sinh vẫn là yếu tố quyết định làm nên sức mạnh quốc gia, mà muốn như vậy thì quốc nạn tham nhũng - lãng phí phải được đẩy lùi, trân trọng và phát huy tối đa hiệu quả từng đồng vốn đi vay để phát triển kinh tế đất nước.
Nói như vậy để thấy rằng, những gì Tổng thống Rodrigo Duterte đang phải đối mặt không chỉ đơn giản là chuyện Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, còn rất nhiều khó khăn thách thức về đối nội cần có sự đoàn kết, đồng lòng của quốc gia, dân tộc để vượt qua.

Thời báo Hoàn Cầu kêu gọi "dạy cho Hàn Quốc một bài học"

Trong thời gian vượt qua các thử thách đối nội, phát triển kinh tế, nâng cao tiềm lực quốc phòng, một môi trường hòa bình và ổn định ở Biển Đông là yếu tố không thể thiếu.
Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hay quyền lợi hợp pháp của quốc gia dân tộc không thể chỉ dựa vào cảm xúc. Không phải chỉ cần có tinh thần, lòng yêu nước là đủ. 
Có thực mới vực được đạo, lòng yêu nước và các giải pháp bảo vệ chủ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước sự xâm lấn của ngoại bang hùng mạnh trong bối cảnh mình còn yếu cả về kinh tế và quân sự, cần hết sức khéo léo, khôn ngoan và đầu óc tỉnh táo.
Ngoài ra, phát biểu của Thẩm phán Antonio Carpio còn cho thấy một giải pháp tưởng như “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, nhưng thật sự rất quan trọng.
Đó là những tuyên bố ngoại giao phản đối các hành vi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền hay quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc.
Bởi lẽ trên bình diện pháp lý quốc tế, hành động này chính là một cách sự thực thi chủ quyền hay quyền tài phán của một quốc gia đối với lãnh thổ hay lợi ích hợp pháp của mình đang bị một quốc gia khác chiếm đóng, kiểm soát hay xâm phạm bất hợp pháp.
Vì thế trong bối cảnh hiện nay, những quan điểm khác nhau về việc bảo vệ chủ quyền, quyền lợi hợp pháp của Philippines trên Biển Đông cần được thảo luận trên cơ sở khánh quan, cầu thị và bình tĩnh để tìm giải pháp hợp lý nhất mà không gây chia rẽ.
Mọi sự chia rẽ nội bộ chỉ càng làm suy yếu sức mạnh quốc gia, và tạo điều kiện cho những kẻ đang tìm cách nhòm ngó lãnh thổ, tài nguyên, lợi ích hợp pháp của đất nước mình đục nước béo cò.
Tài liệu tham khảo:
Hồng Thủy

Toan tính của Mỹ và Trung Quốc trên 'bàn cờ' Triều Tiên


TPO - Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tới Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc trong chuyến thăm 2 ngày tới nước này sau khi có chuyến thăm tới các nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Vấn đề Triều Tiên một lần nữa trở thành tâm điểm thảo luận giữa Ngoại trưởng Mỹ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Toan tính của Mỹ và Trung Quốc trên 'bàn cờ' Triều TiênNgoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh. Ảnh: VOA News
Sau một loạt các cuộc gặp gỡ giữa ông Tillerson với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh, cả Mỹ và Trung Quốc đều đã cam kết phối hợp cùng nhau để giải quyết mối đe dọa về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Sau cuộc hội đàm với Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Tillerson nói: “Tôi cho rằng chúng tôi chia sẻ quan điểm chung và ý thức rằng các căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã dâng cao, mọi việc đã lên tới mức khá nguy hiểm.

Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để xem liệu chúng tôi có thể khiến chính phủ Bình Nhưỡng mong muốn thay đổi đường hướng của họ, sửa chữa các hành động và không phát triển vũ khí hạt nhân nữa hay không”.
Đáp lời ông Tillerson, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng tất cả các bên, bao gồm những người bạn của chúng tôi ở Mỹ, có thể đánh giá tình hình một cách toàn diện với ‘cái đầu lạnh’ và đưa ra quyết định sáng suốt”. 
Trước đó, khi ở thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Tillerson đã đưa ra lời cảnh báo cứng rắn nhất từ trước đến nay của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Mỹ sẽ không theo đuổi cách tiếp cận kiên nhẫn chiến lược “sai lầm” và cảnh báo rằng hành động quân sự của Mỹ với Triều Tiên là một lựa chọn “đang được thảo luận”.
Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Tillerson nói: “Chúng tôi đang nghiên cứu một loạt biện pháp an ninh và ngoại giao mới. Tất cả các lựa chọn đang được đưa ra thảo luận”. 
So sánh ngôn từ của ông Tillerson nói về vấn đề Triều Tiên khi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc dễ dàng nhận thấy, ông Tillerson đã sử dụng ngôn từ được cho là “mềm dẻo” khi tiếp xúc với ông Vương Nghị, người đã thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ nhất trước những phát biểu mang tính chất “diều hâu” của ông Tillerson và Tổng thống Donald Trump.
Trước đó, ngày 17/3, trên mạng Twitter, ông Trump đã cáo buộc Bắc Kinh không sử dụng ảnh hưởng của họ với tư cách một đối tác ngoại giao và thương mại chủ chốt của Triều Tiên. Ông Trump viết: “Triều Tiên đang hành xử vô cùng tồi tệ. Họ đã ‘chơi khăm’ Mỹ trong nhiều năm qua. Trung Quốc gần như không hành động gì để giúp đỡ”. 
Trước những chỉ trích của Mỹ, Trung Quốc cũng đã có những hành động thể hiện sự “cứng rắn” đối với Triều Tiên.
Tháng 2/2017, Trung Quốc đã tiến hành biện pháp cứng rắn nhất từ trước đến nay, đó là tạm dừng việc nhập khẩu than từ Triều Tiên từ nay đến hết năm 2017. Cũng phải nói thêm rằng, xuất khẩu than sang Trung Quốc là nguồn thu ngoại tệ chính của chính quyền Bình Nhưỡng. Động thái này của Trung Quốc khiến các chuyên gia cho rằng việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc không làm gì trong vấn đề Triều Tiên là điều vô lý. Đây là vấn đề vô cùng phức tạp và nhạy cảm. Hiện không hề có một công thức "diệu kỳ" nào. 
Phải chăng Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa “tung hết bài” trong vấn đề Triều Tiên. Việc Trung-Mỹ thể hiện một giọng điệu “thân mật” có lẽ hai nước đang tiến hành các cuộc “mặc cả” nhằm mở đường cho cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Donald Trump vào tháng 4 tới tại Mỹ. 
Điều đó cũng cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều đang có những tính toán của mình trên 'bàn cờ' Triều Tiên.
Đức Thứ

Thắng lợi ngoại giao Ngoại trưởng Mỹ trao cho Trung Quốc

Việc Ngoại trưởng Tillerson dùng từ ngữ của Trung Quốc để mô tả quan hệ hai nước bị coi là sự nhún nhường của Washington trước Bắc Kinh.

thang-loi-ngoai-giao-ngoai-truong-my-trao-cho-trung-quoc
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: SCMP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 19/3 dành cho tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson lễ đón tiếp rất trọng thị, khi ông Tillerson đến Bắc Kinh với mục tiêu kiến thiết mối quan hệ mang tính xây dựng, "hướng tới kết quả" với giới lãnh đạo Trung Quốc, theo Washington Post.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Ngoại trưởng Tillerson đã đi quá xa trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên sau khi nhậm chức, trao cho Bắc Kinh thứ mà truyền thông Trung Quốc gọi là một "thắng lợi ngoại giao".
Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ bảy, ông Tillerson đã nhắc đến những khẩu hiệu mà Trung Quốc thường dùng để mô tả về quan hệ song phương, chẳng hạn như tránh xung đột và đối đầu, sự cần thiết phải tôn trọng lẫn nhau và phấn đấu vì hợp tác đôi bên cùng có lợi.
"Ngài đã nỗ lực rất nhiều để giúp quan hệ chúng ta chuyển tiếp suôn sẻ trong thời kỳ mới", Chủ tịch Tập nói với ông Tillerson tại Đại lễ đường Nhân dân. "Tôi rất cảm kích tuyên bố của ngài rằng quan hệ Trung – Mỹ chỉ có thể được định hình bằng hợp tác và hữu nghị".
Theo bình luận viên Simon Denyer, cụm từ "tôn trọng lẫn nhau" là mấu chốt trong chuyến thăm này của ông Tillerson. Trong suy nghĩ của Bắc Kinh, điều đó đồng nghĩa với việc các bên cần phải tôn trọng "lợi ích cốt lõi" của nhau.
Nói cách khác, Mỹ cần phải tránh xa những vấn đề mà Trung Quốc coi là "lợi ích cốt lõi", chẳng hạn như tranh chấp trên Biển Đông, vấn đề Đài Loan hay Hong Kong, cũng như tất cả những điều mà Bắc Kinh coi là liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia sống còn.
Nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại Trung Quốc đã ca ngợi phát ngôn của ông Tillerson sau cuộc gặp là "rất tích cực", phù hợp với khái niệm "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới" mà Bắc Kinh đề xướng gần đây nhằm đưa Trung Quốc lên vị thế ngang hàng với Mỹ.
Jin Canrong, học giả về quan hệ Trung – Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, tỏ ra ngạc nhiên khi Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đưa ra những lời lẽ đó. "Trung Quốc từ lâu đã cổ vũ cho mô hình này, nhưng Mỹ vẫn luôn do dự khi nhắc tới quan điểm tôn trọng lẫn nhau", Jin nói. "Tuyên bố của Tillerson rõ ràng sẽ rất được Trung Quốc chào đón nồng nhiệt".
Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng Mỹ nên sử dụng ngôn từ của riêng mình để mô tả quan hệ song phương chứ không phải sử dụng từ ngữ của Trung Quốc.
Quan trọng hơn, việc ông Tillerson sử dụng cụm từ "tôn trọng lẫn nhau" thể hiện sự chấp nhận "trích dẫn những vấn đề mà Trung Quốc coi là không thể thỏa hiệp", bà Glaser nói. "Với việc chấp nhận điều này, Mỹ trên thực tế đang nói rằng họ thừa nhận Trung Quốc không bao giờ chịu nhượng bộ với những vấn đề đó".
Bà Glaser coi đây là một sai lầm của Mỹ, trong khi Trung Quốc chưa bao giờ thể hiện bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ sự chấp nhận những điều mà Mỹ coi là "lợi ích cốt lõi", chẳng hạn như các quan hệ đồng minh ở châu Á.
Giữ thể diện
 Ngoại trưởng Tillerson gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị
Khi Tillerson chuẩn bị lên đường tới Bắc Kinh, Tổng thống Trump lại đăng những dòng chỉ trích Trung Quốc trên Twitter vì đã không góp phần kìm hãm chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Trong các cuộc họp kín, Ngoại trưởng Tillerson có thể đã gây sức ép lớn với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, theo bình luận viên Denyer. Nhưng trong các cuộc họp báo công khai, giọng điệu của ông trở nên kiềm chế hơn rất nhiều, như một cách để giữ thể diện cho Trung Quốc và khiến nước này phải hợp tác với Mỹ.
Giới phân tích cho rằng Tillerson nhiều khả năng đã được Trung Quốc đảm bảo một số vấn đề, chẳng hạn như chương trình hạt nhân Triều Tiên hay thương mại song phương, khiến ông phải có một số động thái "đáp lễ". Cũng có thể cựu chủ tịch ExxonMobil này chỉ đơn giản là không quan tâm đến các lời lẽ ngoại giao mà chỉ chú trọng vào kết quả công việc.
"Lời lẽ của Tillerson rõ ràng là một nỗ lực để giữ thể diện cho ông Tập trước công chúng, nhưng tôi hy vọng cuộc đối thoại trong phòng kín sẽ thẳng thắn hơn", Walter Lohman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Di sản, cho biết.
Tuy nhiên, trong mắt nhiều người, tân Ngoại trưởng Mỹ đã thể hiện mức độ nhún nhường trước Trung Quốc theo cách mà chính quyền cựu tổng thống Obama luôn né tránh một cách khôn ngoan.
Ely Ratner, người từng là phó cố vấn an ninh quốc gia của cựu phó tổng thống Joe Biden, đã gọi đây là một "sai lầm lớn và là cơ hội bị bỏ lỡ" của ông Tillerson vì đã lặp lại giọng điệu của chính phủ Trung Quốc.
"Việc Tillerson sử dụng những cụm từ này chỉ càng khuyến khích Trung Quốc quyết liệt hơn trong các vấn đề khu vực, làm gia tăng nghi ngờ về tương lai cam kết cũng như vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á", Ratner nhận định.
Trí Dũng
Hồng Thủy

Không có nhận xét nào: