Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

Người Trung Quốc Ở Việt Nam Hay Là Chuyện Về Những Nàng An Thị Thời Hiện Đại

 15/03/2017

Nguyễn Trọng Bình
15-3-2017
Một cảnh khu phố Tàu ở Hạ Long. Nguồn: báo Khám Phá
1. Hiện diện trên đất nước Việt Nam hôm nay dĩ nhiên không chỉ có người Trung Quốc. Tuy vậy, phải nói rằng chuyện người Trung Quốc có mặt ở Việt Nam để làm ăn, du lịch hay làm gì khác chưa bao giờ là vấn đề thôi mang tính thời sự, hiểu theo nghĩa nào đó. Đây là đề tài – một sự thật nhiều người biết, nhiều người thấy nhưng để nói ra thì chưa bao giờ là điều dễ dàng, thoải mái.
Còn nhớ cách đây không lâu, chuyện những thương lái Trung Quốc lặn lội vào tận các vùng thôn xóm hẻo lánh ở Việt Nam để thu mua những mặt hàng “độc và lạ”, không ai có thể ngờ tới như: móng trâu, bò, ong bầu, lá điều, cau non, cam non, đuôi chuột, đỉa, ốc bưu vàng…sau đó “lặn” một hơi mất tăm để lại một nỗi buồn vô hạn cho những người dân nghèo nhẹ dạ cả tin. Câu chuyện này sau nhiều lần lặp đi lặp lại ở nhiều địa phương mới nhận được sự quan tâm của dư luận cùng với đó là những quan điểm nhìn nhận, lý giải khác nhau. Trong cái nhìn của người làm kinh tế và nhất là đã lặn lội sang tận Trung Quốc tìm hiểu, tác giả Tony trong sách “Cà phê cùng Tony” cho biết, đây đơn giản chỉ là chiêu trò cấu kết, dùng miệng lưỡi cùng thủ đoạn “mua bán lòng vòng” để tìm cách nâng giá của bọn gian thương nhằm lừa gạt những người dân quê nghèo khó và ít học. Bởi lẽ, trên thực tế không có một món hàng nào chúng thu gom của đồng bào ta được chuyển về xứ họ. Bọn gian thương ấy không chỉ lừa gạt những người dân nghèo ở Việt Nam mà ngay cả những người dân nghèo ở Trung Quốc cũng là nạn nhân của chúng.
Cũng có người lý giải sự việc này góc nhìn khác, thậm chí có cả một “thuyết âm mưu” cho rằng, những chiêu trò ấy về lâu dài nhằm phá hoại nền kinh tế nước Việt. Nhìn chung, dù ở góc độ nào thì những cách lý giải đều gặp nhau ở một điểm: nhắc nhớ mỗi người dân Việt hôm nay chớ quên bài học xương máu về sự lờ là, nhẹ dạ cả tin của nàng An Thị Mỵ Châu cách nay mấy ngàn năm. Khi ấy, chỉ vì tình cảm riêng tư với chàng Trọng Thủy mà nàng Mỵ Châu đã vô tình gây nên họa mất nước.
2. Công bằng và khách quan mà nói, không phải chuyện gì liên quan đến người Trung Quốc hôm nay cũng đều tệ hại, xấu xa để chúng ta lên tiếng dè bĩu, nghi kỵ, bài trừ, lên án…(và nếu tự soi lại mình thì không ít người Việt hôm nay chưa chắc đã tốt đẹp hơn họ). Tuy vậy, trong bối cảnh với vô vàn sự phức tạp và nhạy cảm của đất nước hôm nay, một sự thận trọng và tỉnh táo trong suy nghĩ và hành động để mỗi người Việt không tự biến mình thành những “nàng An Thị” thời hiện đại là vấn đề rất nên được nghiêm túc nhìn nhận. Nhưng, thiển nghĩ để làm được điều ấy, rất cần một sự trao đổi chân thành và thẳng thắn về một vài vấn đề có liên quan. Nói khác đi, nếu nhìn xa hơn, thì đây chính là câu chuyện lớn liên quan đến rất nhiều ban ngành, đoàn thể chính quyền các các cấp trong vấn đề quản lý người nước ngoài nhất là người Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn, sinh sống và định cư từ nhiều năm qua.
Nói điều trên để thấy rằng, khi những người dân nghèo bị gian thương Trung Quốc lừa gạt đến nỗi “tiền mất tật mang” có người nói cũng tại dân mình tham lam quá nhưng nếu bình tâm nghĩ lại sẽ thấy dù sao những người dân nghèo ấy vẫn đáng thương hơn là đáng trách. Vì thực ra, người nghèo và ít học thì ở đâu cũng giống nhau ở một vài nét cơ bản nào đó. Thử hỏi trong hoàn cảnh mà cái bao tử lúc nào cũng sôi ùng ục lên vì đói thì làm sao họ có đủ thời gian để suy nghĩ sâu xa hay phân tích cặn kẽ những chiêu trò của bọn gian thương để từ chối những món hời trước mắt?
Không những vậy, theo lẽ thường, những thương lái Trung Quốc trước khi được tự do đi lại thoải mái đến tận các bản làng, thôn xóm nước Việt để thu mua những thứ “trời ơi đất hỡi” như thế nhất định phải hoàn thành các thủ tục tại các cửa khẩu hải quan. Cho dù có kẻ đã vào nước ta bằng đường “tiểu ngạch” đi nữa thì vẫn có cả một hệ thống chính quyền cùng rất nhiều các hội đoàn lớn nhỏ (như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Đoàn thanh niên, Tổ dân phố, Tổ tự quản…) từ trung ương đến địa phương kia mà. Và như thế, câu hỏi trước hể phải đặt ra ở đây là tại sao giữa thanh thiên bạch nhật tại một thành phố lớn mà cả một dãy phố 1.500 mét vuông với hàng loạt ngôi nhà kiến trúc kiểu Trung Quốc được dựng lên trái phép trong nhiều tháng; hay tinh thần trách nhiệm và cảnh giác kiểu gì để một nhóm người khác núp bóng đi du lịch đến thuê cả một doanh nghiệp, thuê luôn ruộng lúa sắp thu hoạch của nông dân để trồng giống “Sen lạ” hay thả nuôi hàng trăm con Tôm hùm đỏ trong một thời gian dài mới bị phát hiện?
Những người dân nghèo vì ít học và nhất là vì miếng cơm manh áo nên vô tình tự biến mình thành những “nàng An Thị” hiện đại đã đành nhưng những người “có học” và nhất là đang giữ trọng trách trong bộ máy công quyền từ trên xuối dưới thì sao? Đây là những câu hỏi nhất định phải cần được trả lời trung thực và thỏa đáng từ những người có trách nhiệm trong vấn đề quản lý. Đặc biệt là với không ít trường hợp những người Trung Quốc đến Việt Nam với một tâm thế và hành tung rất đáng ngờ mà dư luận báo chí ít nhiều đã phản ánh trong thời gian qua.
3. Nàng An Thị Mỵ Châu năm xưa chỉ vì nghe theo “tiếng gọi của tình yêu”, “tiếng nói của con tim” nên đã bị chàng Trọng Thủy lừa đánh tráo Nỏ Thần đưa đến họa mất nước. Tuy vậy, ở phương diện nào đó, rất nên biết rằng những chuyện thuộc về “tiếng nói của con tim” trong nhiều trường hợp rất khó để đưa ra một kết luận đúng “đúng”, “sai” huống hồ đây vốn là âm mưu mà kẻ thù của cha nàng đã rắp tâm sắp đặt từ trước. Nhưng dù thế nào thì nàng An Thị Mỵ Châu cũng đã trả một cái giá rất đắt cho sự nhẹ dạ của nàng. Một cái chết không toàn thây bởi chính lưỡi gươm oan nghiệt của vua cha. Nhưng lẽ nào, suốt mấy ngàn năm qua, mỗi khi nhắc nhớ về bài học mất nước này chúng ta chỉ biết đổ hết lên đầu nàng trong khi đó người chịu trách nhiệm chính trong chuyện này là Thục Phán An Dương Vương cùng những cận thần của ông lại ít khi “đụng” đến? Hình như có gì đó sai sai trong việc diễn giải và tuyên truyền về câu chuyện này từ trước đến nay? Mối tình của nàng Mỵ Châu xưa kia phải chăng chính là tấm bình phong nhằm che đậy và lấp liếm cho nhưng sai lầm trong “ngoại giao” của Thục Phán An Dương Vương –rộng hơn là những người nắm trong tay vận mệnh quốc gia từ trước đến nay nhưng chưa bao giờ họ có đủ dũng khí để thừa nhận những sai lầm ấy. Cũng giống như giờ đây, những người dân ít học nghèo khó, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, không bao giờ có cơ hội bàn chuyện quốc gia đại sự, nhưng lạ thay, lại được nhắc đến nhiều nhất về tinh thần cảnh giác. Ngoài ra, trong cái nhìn của không ít người, cái danh sách về những “thế lực thù địch” của dân tộc Việt Nam hôm nay lại dễ dàng bỏ qua dòng dõi, cháu con của những Triệu Đà, Triệu Trọng Thủy hiện nay? Phải chăng vì thế mới có chuyện các dự án lớn nhỏ – những “miếng ngon” nhất trên đất nước này bao giờ họ cũng được ưu ái giành phần trước nhất? Theo đà ấy, khắp các hang cùng ngỏ hẻm của dãy đất chữ S hôm nay chẳng có nơi nào mà họ không đặt chân lên trong tư thế của những kẻ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” cùng với đó là thái dộ ngạo mạn, nghênh ngang và bất chấp?
4. Nói cho cùng, đã là con người không ai trong đời không một lần vướng vào cái “cạm bẫy ái tình” như nàng An Thị Mỵ Châu năm xưa. Nhưng dù thế nào thì những người vướng vào cái bẫy tình ái như vậy vẫn đáng được cảm thông hơn những kẻ không vượt qua được cái cạm bẫy về tiền bạc, địa vị và danh vọng!? Phải chăng, bài học về sự cảnh giác trước kẻ thù của nàng An Thị ngàn năm trước rất nên được nhìn nhận lại đặc biệt là phải làm sao phù hợp tinh thần và bối cảnh của thời đại hôm nay: những “nàng An Thị” thời hiện đại vì tiền tài, danh vọng và quyền lực của phe nhóm và bản thân mình đã đan tâm bán rẻ dân tộc, quốc gia một cách tinh vi, hèn hạ nhất?
CT, 15/3/2017
Nguyễn Trọng Bình
—————
Nguồn tham khảo:
– Tony Buổi Sáng – “Chuyện nàng An Thị” (in trong sách“Cà phê cùng Tony”). Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 2014.
– “Khu phố” 1.500m2 không phép xây bí mật trong nhà kho ở Đà Nẵng”. Xem tại: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/khu-pho-1-500m2-khong-phep-xay-bi-mat-trong-nha-kho-o-da-nang-3553595.html
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 15-3-17

Không có nhận xét nào: