Thanh Xuân Thứ Sáu, ngày 10/03/2017 16:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) Theo quy định, tài sản có giá trị trên 50 triệu mới phải đăng báo công khai khi thanh lý. Đây là nguyên nhân được nhiều chuyên gia lý giải cho việc vì sao người dân hầu như không đọc được thông tin đấu giá thanh lý xe ô tô cũ của các cơ quan nhà nước.
Vì sao hầu hết người dân không tìm thấy thông tin thanh lý xe ô tô cũ?
Nhiều cơ sở để định giá ô tô
Trong vai một đơn vị cần định giá ô tô để bán, phóng viên tìm đến một số doanh nghiệp chuyên định giá ô tô và tài sản trong sáng ngày 10.3 đã ghi nhận được rất nhiều thông tin về các câu chuyện định giá ở các đơn vị này.
Chị Nguyễn Thị T là nhân viên kinh doanh của một công ty định giá tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Hầu như các đơn vị tìm đến chúng tôi định giá ô tô đều nhờ “làm giá” dưới 50 triệu để không phải công bố trên các phương tiện truyền thông. Vừa rồi, bên tôi cũng làm định giá 2 xe cho một đơn vị Nhà nước ở Thanh Xuân (Hà Nội) cũng nhờ chúng tôi định giá dưới 50 triệu”, chị T cho biết.
Theo chị Nguyễn Thị T, việc định giá của các đơn vị chuyên định giá như chị T thì thường dựa vào các yếu tố như: Thứ nhất là sẽ dựa vào tình hình khảo sát cũng như thông số của hiện trạng xe cũ; Việc xem một số thông số xe cũ cơ bản có thể vào tra cứu trên hệ thống của Cục Đăng kiểm như nhãn hiệu, số khung, số máy, lần cuối đăng kiểm đã thực hiện…
Còn ông Nguyễn Quang Hùng – Tổng giam đốc Công ty Cổ phần Tài chính Vicy Việt Nam là đơn vị chuyên thẩm định giá cho biết: “Thường xe của Nhà nước sử dụng đã có giá của hãng rồi. Đối với xe cũ, muốn bán phải thẩm định giá chất lượng từng xe và phải thu gom về một đầu mối mới thẩm định được”. Theo ông Hùng, nếu định giá thì tùy từng loại xe, có xe cũ vẫn có giá 200 – 300 triệu nhưng cũng có xe chỉ vài chục triệu đồng. Riêng xe ô tô con thì ít khi bán sắt vụn vì dòng xe này không có niên hạn, chỉ xe 12 chỗ trở lên mới có niên hạn. Tức là xe con thì chẳng mấy khi bán sắt vụn vì vẫn sử dụng được, trừ giả quá đát. Ông Hùng cũng cho biết thực trang hiện nay, các đơn vị thẩm định giá bây giờ mọc lên như “nấm” nên cạnh tranh cũng rất “mệt mỏi”.
Trao đổi với Dân Việt, kỹ sư Lê Văn Tạch (Công ty Toyota Việt Nam) cho biết: Để đánh giá xe cũ cần dựa trên cơ sở giá hao mòn hữu hình và hao mòn vô hình. Cụ thể, giá xe cũ phụ thuộc chính vào chất lượng còn lại của xe (hao mòn hữu hình), chính sách điều chỉnh thuế (hao mòn vô hình) và sự lạc hậu về công nghệ so với xe mới.
Về chất lượng còn lại của xe thì rất khó để đánh giá một cách chính xác. Nó phụ thuộc vào thời gian đã vận hành (thể hiện ở số Km), cách thức sử dụng và bảo quản, các tổn hại do các vụ tai nạn... Những cái này thì thường không được người bán chia sẻ đầy đủ! Ngay cả số Km cũng có thể điều bị chỉnh theo ta muốn của người bán.
Do vậy, cách tính hao mòn hữu hình là xe bị giảm khoảng 10% giá trị còn lại sau mỗi năm sử dụng. Ví dụ, xe một tỷ đồng thì sau hai năm chỉ còn khoảng 810 triệu đồng. Với xe chạy taxi thì mức độ giảm có thể nhiều hơn rất nhiều. Nhưng với những xe ít sử dụng thì độ giảm có thể thấp hơn.
Giá trị dưới 50 triệu không phải công bố
Trước đó, trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, xe cũ thanh lý mà giá chỉ có hơn 40 triệu là "giá quá bèo". Mức giá này chỉ bằng giá bán sắt vụn nhưng chẳng nhẽ xe công khi thanh lý tất cả đều như sắt vụn hết hay sao? Trong khi, trước đó các cán bộ đi xe không cũng không phải là những xe ít tiền. “Có người hỏi tôi việc đấu thầu xe cũ vừa qua liệu có công khai minh bạch không? Tôi chưa có đủ thông tin để trả lời nhưng nguồn tin nói với tôi rằng, xe được bán với giá hơn 40 triệu đó thì ra ngoài thị trường có khi bán được giá lên tới 200 triệu”, ông Doanh nói. |
Như vậy, để định giá xe cũ cũng rất phức tạp nhưng không phải là không có cơ sở. Trước đó, tại buổi họp báo của Bộ Tài chính, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, trong số hơn 1.100 xe đã thanh lý, trong đó có hơn 760 xe đã được báo cáo nộp tiền vào ngân sách Nhà nước. Giá thanh lý trung bình là 46,2 triệu đồng/xe.. Cũng theo ông Thắng, các địa phương và bộ, ngành vẫn chưa báo cáo hết lượng ô tô dư. Số xe này khoảng hơn 2.000 chiếc và phải tiếp tục thanh lý. Cũng theo Báo cáo của cục Quản lý công sản còn cho biết không phải xe nào cũng bán được với hàng chục triệu đồng. Thậm chí, có xe chỉ mang về 6 triệu đồng vì chiếc xe không còn chạy được.
Hiện nay, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước do Quốc hội ban hành, tài sản nhà nước được thanh lý trong trường hợp hết hạn sử dụng hoặc bị hư hỏng không thể sử dụng được và việc sửa chữa không có hiệu quả. Lô xe công đã được thanh lý đều là tài sản đã quá thời hạn khấu hao (15 năm).
Theo quy định, việc thanh lý xe công đều phải tuân thủ Nghị định 52 của Chính phủ. Quy trình đấu giá tài sản công đều trải qua 4 bước: Định giá; Công báo thông tin; Lập hồ sơ; Tổ chức đấu giá. Các khâu này đều có sự giám sát của Hội đồng gồm đại diện cơ quan tài chính, tư pháp,...Mấu chốt là nằm ở chỗ, ngay từ khâu định giá trước khi lập hồ sơ để tổ chức đấu giá, các xe cũ thông thường đều được “hợp thức hóa” để có giá dưới 50 triệu đồng vì với mức giá đó, thông tin đấu giá không bắt buộc phải công khai trên báo giấy, truyền hình hay trang tin điện tử (theo điều 57 Luật Đấu giá tài sản).
Câu hỏi được dư luận đặt ra trong những ngày qua là việc thành lý xe công ngoài mục đích bán đi tài sản đã cũ nhưng vẫn phải đảm bảo công khai, minh bạch và đạt được mức giá tốt nhất theo giá thị trường để thu về tài sản cho ngân sách nhà nước hiện nay đã được kiểm soát chặt hay chưa? Từ câu chuyện của thanh lý ô tô mở rộng ra là nhiều tài sản công khác, việc thanh lý từ trước tới nay đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm nếu để xảy ra thất thoát tài sản của Nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét