XUÂN DŨNG (VIETNAM+)
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3, cả nước đã nhập khẩu 2.780 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá khoảng 4 triệu USD.
Theo thống kê vừa được lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết ngày 23/3, các loại thịt xuất xứ từ Brazil được nhập về Việt Nam từ đầu năm chủ yếu là: thịt và phụ phẩm khác của gà thuộc loài Gallus domesticus (1.540 tấn, trị giá hơn 1,5 triệu USD), cánh gà thuộc loài Gallus domesticus (770 tấn, trị giá hơn 1,4 triệu USD), các loại thịt và phụ phẩm dạng thịt khác là 470 tấn, trị giá hơn 1 triệu USD.
[Thương vụ khuyến cáo kiểm soát chặt nguồn thịt nhiễm bẩn từ Brazil]
Trước đó, trong năm 2016, Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn thịt và phụ phẩm dạng thịt xuất xứ từ Brazil với 21.000 tấn, trị giá gần 25 triệu USD.
Tổng quan hơn, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan từ đầu năm đến ngày 15/3, cả nước nhập khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ trị giá 65 triệu USD. Trong số này, Hoa Kỳ là thị trường cung cấp lớn nhất cho Việt Nam với hơn 20 triệu USD, đứng thứ 2 là thị trường Ấn Độ với 15 triệu USD, thị trường Australia đứng thứ 3 với hơn 8 triệu USD, thứ 4 là thị trường Brazil.
Trước đó, như VietnamPlus đã đưa tin, ngày 20/3, Thương vụ Việt Nam tại Brazil đã gửi thông tin liên quan đến các sản phẩm thịt bò không an toàn tại Brazil đồng thời khuyến nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn nhập khẩu để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Liên quan tới vụ việc này, ngày 17/3, Cảnh sát liên bang Brazil đã ra thông báo mở cuộc điều tra vụ bê bối lớn trong lịch sử ngành nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thịt của nước này.
Các chứng cứ đã cáo buộc nhiều công ty trong đó có cả công ty JBS và BRF, là hai công ty sản xuất thịt lớn nhất Brazil đã hối lộ các nhân viên nhà nước để họ cho phép lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm thịt nhiễm bẩn. Nhiều sản phẩm thịt bẩn và xúc xích của các công ty bị cáo buộc có các thành phần không đảm bảo vệ sinh và để làm mất mùi hôi, các công ty này đã sử dụng các loại axít không được phép dùng trong thực phẩm. Các sản phẩm nhiễm bẩn này đã được phân phối trên thị trường nội địa thông qua các chuỗi siêu thị./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét